TIN TỨC
  • Tin tức - Hoạt động Hội
  • Một nén hương tưởng nhớ nhà văn Đào Thắng: Nước mắt - tiểu thuyết cảm động viết về chiến tranh

Một nén hương tưởng nhớ nhà văn Đào Thắng: Nước mắt - tiểu thuyết cảm động viết về chiến tranh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-04-25 11:04:00
mail facebook google pos stwis
305 lượt xem

Nhà thơ PHẠM HỒ THU

Nhà văn Đào Thắng đã vĩnh biệt chúng ta ngày hôm qua 22/4/2024! Anh ra đi là một mất mát cho văn học Việt Nam. Lớp nhà văn thời chống Mỹ mất đi một người bạn chân tình, nhân hậu; mất đi một nhà văn khá đặc sắc viết về chiến tranh và thời hậu chiến.

Với tôi và gia đình tôi, anh là một người bạn, người anh thật chân tình, nhân hậu, tử tế.

Trong những nhà văn đi ra từ chiến tranh, viết về chiến tranh và thời hậu chiến, Đào Thắng là một nhân vật khá đặc sắc, đặc biệt là mảng văn chương ông viết về sự hy sinh cùa những người lính và đời sống nông thôn miền Bắc những năm tháng chiến tranh và hậu chiến, trong đó "DÒNG SÔNG MÍA" được đánh giá là một tiểu thuyết đặc sắ, mang lại cho anh nhiều giải thưởng. Theo tôi, nếu đọc thật kỹ DÒNG SÔNG MÍA trong con mắt liên tưởng với các tác phẩm khác viết về nông dân và nông thôn Việt Nam, người ta thấy Đào Thắng là một cây bút thật tài hoa. Những nhân vật nông dân của anh được miêu tả ở góc độ Con Người thật đặc sắc, tràn đầy những yêu thương, nhất là các nhân vật phụ nữ. Có người ví anh là "Sô lô khôp Việt Nam"....

Ngoài tiểu thuyết "DÒNG SÔNG MÍA" và những tập sách khác, Đào Thắng có một tiểu thuyết khác khá xuất sắc viết về sự hy sinh của những người lính trong chiến tranh - một cuộc chiến tranh tàn khốc với sự hiến dâng của nhân dân và những người lính. Cuốn tiểu thuyết này xuất hiện khá sớm, trước cả tiểu thuyết "NỖI BUỒN CHIẾN TRANH" của Bảo Ninh, cất tiếng nói lên án chiến tranh một cách thẳng thắn và dũng cảm...

Để tưởng nhớ anh, tôi xin đăng lại ở đây bài viết giới thiệu tập tiểu thuyết "NƯỚC MẮT" của nhà văn Đào Thắng, để chúng ta cùng nhớ về nhà văn quý mến....

Vĩnh biệt anh Thắng và xin chia buồn với Như, các cháu và gia đình!

 

“NƯỚC MẮT” - MỘT TIỂU THUYẾT CẢM ĐỘNG VIẾT VỀ CHIẾN TRANH

(Tiểu thuyết của Đào Thắng - NXB Thanh Niên 2005)
 

Nhà văn Đào Thắng trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, ông là một sĩ quan quân đội mang hàm đại tá, trưởng thành từ một lính chiến thật sự. Ông đã cho xuất bản 9 tập văn xuôi, trong đó có 7 cuốn tiểu thuyết. Với 7 cuốn tiểu thuyết ấy, ông đã hai lần giành giải thưởng của Hội Nhà văn và hai lần giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng dành cho tác phẩm viết về lực lượng vũ trang; đó là tiểu thuyết NƯỚC MẮT và tiểu thuyết DÒNG SÔNG MÍA - những cuốn sách và giải thưởng đã đưa ông vào danh sách những nhà tiểu thuyết đáng chú ý của văn học đương đại.

Được biết, NƯỚC MÁT ra mắt lần này là lần tái bản thứ năm kể từ khi nó xuất hiện lần đầu vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, với không ít ý kiến đánh giá khác nhau khi nó giành giải thưởng.

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm kể từ ngày 30 - 4 - 1975, nhưng chúng ta gần như chưa nguôi quên (thực ra là không bao giờ nguôi quên) về cuộc chiến đấu oanh liệt và đặc biệt là những mất mát đau thương mà cuộc chiến tranh để lại. Tiểu thuyết NƯỚC MẮT đáp ứng tình cảm này, và có thể nói rằng khi đọc NƯỚC MẮT, chúng ta sẽ không thôi cảm động về một chặng đường đất nước đi qua.

Chúng ta đã đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh như Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Nắng đồng bằng (Chu Lai), Chim én bay (Nguyễn Tri Huân), Trong cơn gió lốc (Khuất Quang Thuỵ), Thượng Đức (Nguyễn Bảo) v.v… mỗi tác phẩm một vẻ đẹp, một cuộc chiến đấu, ở những vùng đất khác nhau, nhưng chủ yếu đó là những cuộc chiến đấu trên giải Trường Sơn hoặc các vùng đất phía Nam - nơi mà quân và dân ta chiến đấu trực tiếp với Mỹ - ngụy. Riêng tiểu thuyết "Nước mắt " của Đào Thắng nói về cuộc chiến đấu với Mỹ ngay trên mảnh đất miền Bắc XHCN - cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên dải đất khu Bốn - nơi cửa ngõ tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Cuốn sách đã cho ta thấy: cuộc chiến đấu với máy bay, bom đạn và pháo hạm của Mỹ khốc liệt, ghê gớm với bao mất mát, hy sinh đến không tưởng tượng nổi. Đây là một thực tế của cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ không phải ai ai cũng biết.

Nhà văn Đào Thắng tâm sự rằng: "Quyển sách này tôi viết về chính đại đội của tôi, đại đội 8, "xê tám". Trong những năm Mỹ ném bom mang tính hủy diệt toàn bộ sự sống, đại đội tôi chốt tại đầu bắc phà Bến Thuỷ (Vinh, Nghệ An). Các nhân vật trong sách đều mang hình bóng của những con người có thật. Tôi đã lấy tên các liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh ác liệt nhất đặt tên cho một số nhân vật trong tiểu thuyết nước mắt …"

Và đúng là như vậy - các nhân vật của Nước mắt chủ yếu là các chiến sĩ của đơn vị pháo binh "xê tám" của Đoàn pháo binh Sông Châu sống trong một không khí chiến trường đặt biệt: cuộc chiến tranh huỷ diệt quyết đưa miền Bắc "trở về thời kỳ đồ đá" của đế quốc Mỹ chống lại những con người bé nhỏ mà gang thép, quyết đối đầu với thế lực huỷ diệt ấy, bảo vệ con đường tiếp viện cho mặt trận. Bên cạnh những người lính pháo binh là những cô gái thanh niên xung phong, là những người dân khu Bốn kiên cường và đặc biệt là những người phụ nữ.Và nhân vật mà Đào Thắng chú ý miêu tả chính là những người phụ nữ và "thân phận tình yêu" - một sức mạnh mỏng manh nhưngbất tử luôn là đối kháng của chiến tranh, sự huỷ diệt và cái chết.

"Cách đây đã hai mươi năm. Chuyện xảy ra như đã cũ lắm rồi. Tôi đi tìm cái cũ để rao bán cho con người ư? Hay chỉ ghi lại cái gì tinh chất được sàng lọc qua thời gian và trong trí nhớ, để độc giả cùng sống lại một thời chiến tranh chúng tôi phải chịu đựng, thời chiến tranh mà ngoại bang muốn đưa dân tộc chúng ta trở về thời kỳ đồ đá …" - nhà văn Đào Thắng đã bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình với một lời tự sự như thế. Và ta hiểu rằng chúng ta sẽ gặp một tự sự buồn …

Câu chuyện mà Đào Thắng kể có thể nói rằng không có chuyện. Nó bắt đầu bằng hình ảnh của một đoàn xe kéo pháo nối nhau hành quân giữa một vùng đất chết - một vùng đất khu Bốn bị bom đạn Mỹ huỷ diệt, nơi mà "con chim cũng đang thỉu đi vì nắng nóng ghê gớm". Đó là cuộc hành quân của đơn vị pháo cao xạ của Thái - nhân vật chính. Đơn vị anh phải hành quân gấp thực hiện kế hoạch trấn giữ một trọng điểm giao thông trên con đường ra mặt trận - nơi mà bọn giặc Mỹ quyết thực hiện ý định biến tất cả trở về "thời kỳ đồ đá", một "ngã ba thị trấn không sinh vật nào sống nổi trên mặt đất, - “nơi có những bà mẹ "vuốt mắt người chết đến thuần thục”. Trên mảnh đất hoang lạnh ấy, các chiến sĩ pháo binh hàng ngày phải đối mặt với hàng chục lần máy bay Mỹ đến ném bom, bắn phá, rải xuống hàng trăm loại vũ khí giết người, từ bom napan đến bom tấn, bom bi, bom từ trường, bom khoan … những người lính pháo không chỉ phải sống, tồn tại, mà còn phải luôn ngẩng cao đầu để trinh sát bầu trời, ngồi trên mâm pháo đánh trả máy bay địch trong những cơn đói ngủ, thiếu thốn mọi bề. Ngòi bút của Đào Thắng không ngại ngùng miêu tả cái sự thật trần trụi, gớm ghiếc mà chiến tranh dội lên đầu những người lính pháo. Nhiều người trong số họ đã hy sinh, hy sinh hết lớp này đến lớp khác; có cả những tiểu đoàn, trung đoàn pháo bị xoá sổ. Ở "xê tám" của Thái, những Xương đại đội phó, những Viên pháo thủ, rồi Đăng - chiến sĩ đo xạ kiêm pháo thủ tính tình dễ thươn… họ lần lượt hy sinh. Rồi cuối cùng là Thái, nhân vật chính, quê Hải Phòng, cũng đến ngày nằm xuống. Không phải chỉ chịu đựng gian khổ, hi sinh mà họ còn phải chứng kiến cả cái đê hèn của con người như hiện tượng đảo ngũ, hiện tượng cán bộ (tham mưu trưởng Đoàn Cung) coi thường sinh mạng người lính "lấy cái chết của người khác làm vinh quang cho mình"… tất cả tạo nên sự dữ dội của cuộc chiến.

Cảm xúc bi thương là cảm xúc chủ đạo của cuốn tiểu thuyết viết theo một lối cổ điển - tiểu thuyết luận đề. Không còn cảm giác về cũ hay mới, bạn đọc bị cuốn đi trong cảm xúc bi thương kia, đặc biệt là "thân phận tình yêu" của hai nhân vật Thái và Lam Hồng. Thái - một pháo thủ và một trinh sát giỏi. Như nhiều thanh niên thời bấy giờ rời ghế nhà trường là ra mặt trận, Thái đã tham gia nhiều trận đánh máy bay Mỹ. Thái có người vợ vừa cưới vội là Hà và cô đã có thai. Người vợ tên Hà ấy xuất hiện trong cảnh tan hoang của chiến tranh: cô đạp xe hàng trăm cây số từ hậu phương vào khu Bốn thăm chồng, chỉ để được anh âu yếm và báo với anh rằng chị đã có con. Nhưng người đàn bà yêu chồng ấy đã bị máy bay Mỹ giết hại cùng với đứa con trong bụng ngay sau khi rời vòng tay yêu đương cuống quýt của chồng. Nén đau thương, Thái tiếp tục chiến đấu. Còn Lam Hồng - cô nữ sinh thành phố Vinh có nhà ở gần nơi Thái đóng quân là một cô gái có "giọng Vinh nằng nặng, ấm xiết vào lòng". Cái tiếng ấy đã cất lên "vào một đêm như đêm nay cần nghe tiếng con người…”. Trước hy sinh, mất mát của những người lính, cô gái "bỗng thấy từ trong trái tim mình trào lên một tình cảm lạ lùng. Tình cảm ấy không hẳn là tình yêu, nó bồng bột dâng trào và cô gái bỗng thấy mình lớn hẳn lên, lớn hơn anh rất nhiều. Anh cần được chở che, cần được nghe một lời nói dịu ngọt, cần được vỗ về, ôm ấp như trẻ thơ". Cô gái ấy đã bỏ học, bỏ nơi sơ tán quay về nơi bom rơi, đạn nổ, ra trận địa pháo, san sẻ với Thái và những người lính. Và đặc biệt, như ánh sáng mong manh nhất của sự sống chống lại cái chết, tình yêu và lòng thương của cô giúp các chiến sĩ vững lòng trên mâm pháo, giúp Thái chữa con bệnh tâm thần hoảng loạn, lấy lại sức sống, niềm tin để tiếp tục chiến đấu…. Nhưng chiến tranh huỷ diệt đã huỷ diệt cả tình yêu cuối cùng. Một trận bom tàn khốc đã giết cả Thái và Lam Hồng, trong một căn hầm bỏng cháy bom napan, với lời kêu cứu cuối cùng của người con gái: "Tôi muốn đạp tung căn hầm này, đạp tung cả trái đất này! Trả người yêu cho tôi". Họ ôm lấy nhau trong giấy phút cuối của kiếp người….

Kết thúc của cuốn tiểu thuyết dừng lại ở hình tượng bi thương này, với một lời kêu gọi: "Chúng tôi sẽ chết, sẽ bị đốt cháy thành than. Các thiên tài của chúng ta hãy biết cách chấm dứt cuộc chiến tranh này … Dân tộc chúng tôi cần những thiên tài đưa đất nước thoát ra khỏi cả ngàn cuộc chiến tranh, chấm dứt toàn bộ những cuộc chiến tranh. Dân tộc chúng tôi xứng đáng hưởng cái quyền tối thượng: Được sống trong hòa bình. Đó là lời trăng trối cuối cùng của tôi và người yêu của tôi trước loài người”.

Gấp cuốn sách lại, âm hưởng ấy vang lên.

P.H.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hội hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TPHCM: Nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa
Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Điều lệ của Hội được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2020; ghi rõ: “Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TP.HCM là tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”; mục đích hoạt động của Hội là hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện và thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc thiếu thông tin chưa xác định được danh tính; hỗ trợ tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Xem thêm
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam họp mở rộng chuẩn bị cho Đại hội XI
Ngày 18.7, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành cuộc họp mở rộng chuẩn bị cho công việc tổ chức Đại hội lần thứ XI dự kiến diễn ra vào tháng 4.2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Xem thêm
Hồ Huy Sơn ra mắt tập thơ về trẻ em với sự trong trẻo, nhẹ nhàng
Tập thơ “Mùa hè ra biển” (NXB Hà Nội) giống như một khúc hát lí lắc, đáng yêu và ngọt ngào dành cho các bạn nhỏ từ 0+ trở lên.
Xem thêm
Vĩnh biệt nhà thơ Vũ Đức Trọng
Nhà thơ Vũ Đức Trọng, hội viên Hội Nhà văn TPHCM, vừa qua đời lúc 20g20 ngày 05 tháng 7 năm 2024
Xem thêm
Giao lưu văn chương Việt - Hàn
Sáng 5-7, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu văn chương Việt - Hàn năm 2024 với chủ đề “Văn học trẻ đương đại Việt - Hàn và văn học hai nước trong bối cảnh toàn cầu”.
Xem thêm
Thông báo của Hội Nhà văn TP. HCM liên quan đến bà Lương Lan Hương
Ngày 1-7-2024, tại Văn phòng Hội Nhà văn TP HCM, Ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức buổi họp về việc giải quyết khiếu nại của bà Lương Thị Hương Lan,
Xem thêm
Sự kiện Gặp gỡ Văn chương Việt - Hàn sẽ được diễn ra tại TPHCM
Vào sáng thứ Sáu, ngày 5/7/2024, tại Hội trường B, Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM sẽ diễn ra sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn với Chủ đề Văn học trẻ đương đại Việt – Hàn và văn học hai nước trong dòng chảy văn học thế giới (hay toàn cầu hoá văn học).
Xem thêm
Về thu xếp lại - Vitamin tâm hồn
Tôi biết đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từ nhỏ, khi mà tuổi học sinh không bị những nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, YouTube có mặt khắp mọi ngõ ngách, mọi không gian giao tiếp, từ gia đình tới hàng xóm, bè bạn, đi đâu cũng theo những trào lưu chưa được kiểm chứng có ích, có hại như thế nào, đối với tư tưởng, cảm xúc, hành động của con người, nhất là cái tuổi cần thông tin chính xác nhất cho sức khỏe, cũng như là vitamin cho tâm hồn con người. Bác sĩ Nguyễn Hồng Ngọc khi đó, được giao phụ trách hẳn một chuyên mục định kỳ: Phòng Mạch Mực Tím để trả lời về các vấn đế tâm sinh lý, sức khỏe của tuổi mới lớn.
Xem thêm
Chạm vào bóng tối để biết yêu thương vĩnh hằng
Bài tựa, clip hình ảnh và một bài thơ tặng tác giả Hương Thu
Xem thêm
Thư mời dự buổi ra mắt sách Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng kính mời Quý hội viên và độc giả dự buổi ra mắt sách Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng của lão nhà văn Đoàn Minh Tuấn
Xem thêm
Khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Tối 12.6.2024, tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật giao lưu Thơ – Nhạc: “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ”.
Xem thêm
Khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam
Sáng ngày 11.6.2024, tại Khu Du lịch Đồi Rồng, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự kiến diễn ra trong 2 ngày, nghe báo cáo và thảo luận về kết quả hoạt động Hội trong 6 tháng đầu năm, kiện toàn nhân sự một số cơ quan của Hội, chuẩn bị triển khai những hoạt động thời gian tới để hướng tới Đại hội lần thứ XI Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Viết cho trẻ em phải có cái nhìn trong trẻo
Rất nhiều tác giả đồng tình với nhau rằng, khi viết cho thiếu nhi, cần phải có cái nhìn trong trẻo. Đôi khi thơ thiếu nhi cũng có những nỗi buồn nhưng đó vẫn phải là những nỗi buồn trong trẻo nhất.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ thiếu nhi TP. HCM chào mừng 50 năm Thống nhất đất nước
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh kết hợp với Sbook tổ chức buổi giao lưu ra mắt tuyển thơ thiếu nhi TPHCM 1975-2025, tác phẩm đón mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Xem thêm
Công bố hội đồng chuyên môn Giải thưởng sách thiếu nhi TP.HCM
Chiều 31-5, Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 5 năm 2024 đã chính thức khai mạc tại Đường sách TP.HCM
Xem thêm