- Tin tức - Hoạt động Hội
- Phượng Hồng - Tiếng thơ sâu nặng ân tình nhà giáo
Phượng Hồng - Tiếng thơ sâu nặng ân tình nhà giáo
Sáng 07/9/2024, CLB Thơ Ca của Hội Cựu giáo chức quận Gò Vấp đã tổ chức ra mắt tập thơ “Phượng Hồng”. Đây là tập thơ đầu tay của CLB, gồm 29 tác giả với 120 bài thơ. Một cuốn sách xinh xắn và có chất lượng. Tham dự buổi ra mắt sách có đông đủ thành viên CLB và một số vị khách mời: Thạc sĩ, NGƯT Nguyễn Vân Anh, Phó chủ tịch Hội CGC TP. HCM; Thầy giáo Trương Minh Châu, Chủ tịch Hội CGC quận Gò Vấp; Tiến sĩ, nhà thơ Nguyên Hùng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn, Trưởng ban CLB Hội Nhà văn thành phố; Nhà báo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP. HCM, Ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Phạm Trung Tín, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Phó Ban công tác hội viên, Hội Nhà văn TP. HCM; Chủ nhiệm một số CLB thơ trên địa bàn TP.HCM…
Sau lời phát biểu khai mạc của Tiến sĩ bác sĩ, nhà thơ Hoàng Thạch, Chủ nhiệm CLB, lần lượt có 4 bài viết tham luận về tập thơ đã được trình bày xen kẽ các tiết mục thơ ca tại buổi ra mắt sách: “Phượng Hồng - Tiếng thơ sâu nặng ân tình nhà giáo” của Thạc sĩ, nhà thơ Triệu Kim Loan; “Đáng yêu tập thi phẩm Phượng Hồng” của nhà thơ Nguyễn Trường Thanh; “Phượng Hồng - tiếng con tim tha thiết của Cựu Giáo chức quận Gò Vấp” của nhà thơ Phạm Trung Tín; "Cảm nhận về 2 bài thơ hay trong tập thơ Phượng Hồng" của nhà thơ Vũ Ngọc Dung.
Ông Trương Minh Châu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức quận Gò Vấp và bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hội CGC TP. HCM cũng đã có lời chia sẻ chân tình và sâu sắc về tập thơ và nghề giáo.
Văn chương TP. HCM xin giới thiệu sau đây bài viết của Thạc sĩ, nhà thơ Triệu Kim Loan, Chủ nhiệm Hội Thơ Sao Khuê, hội viên Hội Nhà văn TP. HCM cùng một số hình ảnh do CLB Thơ Ca Hội Cựu giáo chức quận Gò Vấp cung cấp.
Tiến sĩ bác sĩ, nhà thơ Hoàng Thạch, Chủ nhiệm CLB Thơ ca Hội CGC Gò Vấp phát biểu khai mạc...
Thầy giáo Dương Quang Phùng được CLB tặng hoa chúc mừng sinh nhật thứ 90
Thạc sĩ, nhà thơ Triệu Kim Loan trình bày tham luận
Nhà thơ Phạm Trung Tín trình bày tham luận
Các nhà thơ Nguyễn Trường Thanh và Vũ Ngọc Dung trình bày tham luận
Thạc sĩ, NGƯT Nguyễn Vân Anh, Phó chủ tịch Hội CGC TP. HCM
Nhà thơ Nguyên Hùng và Thạc sĩ, NGƯT Nguyễn Vân Anh
Nhà giáo nhà thơ Đặng Nguyệt Anh phát biểu về tập thơ và chia sẻ vài kỷ niệm về thơ...
Các cô giáo, nhà thơ Triệu Kim Loan - Trịnh Vinh đọc thơ
MỘT SỐ HÌNH ẢNH LƯU NIỆM
PHƯỢNG HỒNG - TIẾNG THƠ SÂU NẶNG ÂN TÌNH NHÀ GIÁO
TRIỆU KIM LOAN
Phượng hồng là tập thơ đầu tay của Câu lạc bộ Thơ ca Hội Cựu giáo chức quận Gò Vấp, gồm 120 bài thơ của 29 tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023. Đọc và ngẫm nghĩ từng vần thơ, câu chữ của những nhà giáo đã rời xa bục giảng, tôi thật sự xúc động bởi tôi gặp lại chính mình ở trong đó.
Khi tuổi đời đã chớm heo may và mái tóc đã đổi màu sương phủ, những đóa “Phượng hồng” trong suy niệm của các thầy cô Câu lạc bộ Thơ ca Hội Cựu giáo chức Gò Vấp vẫn dịu dàng và lặng lẽ trổ bông. Nhiều bài thơ trong tuyển tập này đã tái hiện những kỉ niệm sâu lắng gắn với mái trường, học sinh, đồng nghiệp và niềm hạnh phúc bình dị của “người chở đò” khi chứng kiến thành quả ươm mầm và chăm chút của mình:
Viên phấn dịu mềm đến kiệt sức bình sinh
Với mảnh vườn ươm, hạt mầm nẩy mượt
Những hạt phấn không biết so bì hơn thiệt
Cặm cụi mở đường qua vùng mới…xa hơn! (Sau mảnh vườn ươm, Tố Hoài).
Kí ức của một thời cắp sách được tái hiện trong thơ vẫn hồn nhiên, trong trẻo lạ thường:
Đường xưa xanh mộng ước
Đôi chân bước nhẹ thênh
Bầu trời xanh ngọc biếc
Tóc em trôi bồng bềnh
Đường xưa thơm hương cỏ
Bước chân em thật mềm
Phượng hồng xòe ô đỏ
Làm khung trời dịu êm. (Đường xưa áo trắng, Nguyên Hùng)
Và kỉ niệm thời áo trắng tinh khôi ùa về trong thơ thật nhẹ nhàng: Bình minh vừa gõ cửa/ Bàng đã nở môi xinh/Phượng phập phồng nhóm lửa/Tháng tư ơi! Giật mình…/ Khẽ bay tà áo trắng/ Gió đùa tóc em mây/ Mở từng trang màu nắng/ Mắt em loang giọt đầy” (Giật mình, Triệu Kim Loan). Tình yêu đằm thắm của nhà giáo được ươm mầm trên mảnh đất ắp đầy yêu thương khiến ai đọc cũng rưng rưng xúc động:
Thương tà áo dài trong gió bay bay
Ghế đá sân trường hơi ấm em còn đó!
Mà chiều tím chuyển giao sang ngày nọ
Để nơi này vừa lạ, lại vừa quen! (Ký ức không phai, Vũ Ngọc Dung)
Những điều ước cũng dịu dàng, e ấp như tia nắng, hạt mưa, giọt sương và tiếng ve rạo rực:
Ước gì tôi là ve
Chở phượng về nở thắm
Đánh thức dậy mùa hè
Gọi về miền xa lắm” (Ước gì, Nguyễn Thị Đức Hạnh).
Đặc biệt hơn là nghĩa tình thầy trò, đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” được nhiều nhà thơ chia sẻ: “Dạy chữ, dạy tâm, dạy cách làm người/ Những học trò xưa giờ hai thứ tóc/ Vẫn tìm về một người thầy mẫu mực / Cho cuộc đời trong sáng hơn”. (Viếng mộ thầy, Hoàng Thạch), Hoa lau bay tóc lục tuần/ Bốn lăm năm vẫn trong ngần giọng ca/ Thăm trường xưa - trở lại nhà/ Ấm nồng tình nghĩa, mặn mà thương yêu”. (Thăm lại trường xưa, Phạm Trung Tín), “Thầy là điểm tựa miền quê/ Thầy là gương sáng em về noi theo/ Tóc thầy bụi phấn vương nhiều/ Mà thanh cao vẫn sớm chiều thanh cao” (Thăm thầy, Nguyễn Trường Thanh).
Bên cạnh đề tài mái trường, Phượng hồng còn đề cập đến các đề tài về quê hương, đất nước, gia đình và đời tư thế sự. Đó là nỗi nhớ khắc khoải, vơi đầy trong tâm khảm của người xa xứ: “Ngược xuôi mỗi chuyến đi về/ Nỗi niềm đau đáu miền quê ân tình / Câu lục gởi lai sân đình/ Chia đôi câu bát ta mình xa nhau/ Ở nơi nắng rám lá trầu/ Thương miền buốt giá hàng cau úa vàng”. (Người xa quê, Trần Căng), là tình thương yêu, xót xa khi đấng sinh thành không còn nữa: “Con nhìn di ảnh Mẹ yêu/ Lòng con thương xót, chín chiều ruột đau/ Âm dương cách biệt bấy lâu/ Tháng năm mòn mỏi thương đau nặng lòng/ Tình Mẹ như nước biển Đông/ Ơn sâu nghĩa nặng tạc lòng con đây” (Tình mẹ, Trịnh Vinh). Nhiều bài thơ viết về đề tài người lính trong cuộc chiến tranh chống Mĩ chân thực và mang tính biểu tượng: “Sốt rừng, muỗi vắt đạn bom…/ Tuổi xuân em đã hiến dâng trọn đời/ Vầng trăng trinh nữ em ơi/ Ôm em đất hát ru lời ngàn năm.(Lời ru ngàn năm, Đặng Nguyệt Anh). Hình tượng Tổ Quốc qua các sơn danh, địa danh không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn phác họa vẻ đẹp cốt cách và đức hi sinh thầm lặng của con người Việt Nam:
Có lẽ Tổ Quốc
Lắm núi trông chồng
Con chỉ thấy cha trên miếng trầu cánh phượng
Cầu dải yếm mẹ dệt đêm trăng sáng
Nỗi nhớ chồng chảy dọc sông thương
Mẹ sinh con từ Hòn Trống Mái
Hòn Khoai cho ăn
Hòn Tằm cho vải
Dệt tấm lụa đào may áo tứ thân” (Mẹ tạc hình Tổ quốc trong con, Nguyễn Văn Thanh)…
Là tập thơ đầu tay, chưa thật đồng đều về chất lượng nhưng nhìn chung, “Phượng hồng” đã quy tụ số lượng khá đông người cầm bút, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và ít nhiều định hình nét riêng của tác giả. Bên cạnh thể thơ truyền thống như Lục bát, Đường luật, phần lớn các tác giả ưa thích lựa chọn thể thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ và thơ tự do. Nhiều bài thơ có sự phá cách, sáng tạo khi xây dựng cấu tứ, xử lí ngôn ngữ, một số bài đạt đến trình độ “lạ hóa” khi vận dụng những phương tiện chuyển nghĩa. Gía trị nhân văn sâu sắc nhất của “Phượng hồng” chính là ở chỗ tình yêu thương đối với con người và cuộc sống đã lan tỏa, tạo nên động lực sống tích cực cho các nhà giáo nói riêng và bạn bè văn chương nói chung. Xin được chúc mừng Hội thơ ca Cựu giáo chức quận Gò Vấp với tập thơ đầu tay đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.