- Bút ký - Tạp văn
- Hoa bông súng phèn
Hoa bông súng phèn
Trọng Bình
(Vanchuongthanhphohochiminhvn) - Nhá nhem tối, khi đóng xong cửa chuồng heo và chốt ngang cửa chuồng gà là tôi chạy tót ngay qua nhà anh, hai anh em dẫn nhau đi xem ti vi. Trong xóm đã có nhiều nhà mua được tivi trắng đen, nhìn lác đác những “bờ cào” dựng ngược trời, lơ lửng nóc nhà mà ước ao thật thích.
Có hôm nghe nói phim Việt Nam hay lắm, nhưng đến nhà bác Thông thì thấy tối om om, nghe anh Thực con bác bảo hết bình. Hai anh em lại đi ngược lên lối trên đến nhà chú Nhượng xem là chắc cú nhất, bởi nhà chú ấy là cơ sở sạt bình ác quy, thằng Bắc con chú học cùng lớp với tôi nên chắc sẽ vui.
Mười tuổi đầu đi theo anh 16 cập kê thì phải gáng mà chịu, có bận tôi nằm trên thềm nhà chú Nhượng ngủ khò khò đợi hết tivi rồi anh dẫn về, chứ một mình làm sao mà dám đi trong khi trời tối đen như mực. Đường đất đứt khúc, kênh mương xẻ dọc xẻ ngang, nước dớn đen ngòm từ trong rừng đổ ra nghe thủm thủm mùi vỏ tràm thì càng sợ hãi hơn. Có hôm về tới nhà anh thì trời sắp mưa, anh vặn cái đèn pin cho gom lại. Đứng từ ngoài ngõ nhà mình anh rọi thành một vệt sáng choang để tôi ba chân bốn cẳng chạy nhanh về nhà.
Nhà tôi và anh cách nhau nhà thím Hai Hùng, ba dây đất liền lạc nhau dài chưa đầy 300 mét. Hai nhà nghèo như nhau, mãi cũng chẳng mua nổi cái ti vi, nên hai anh em cứ rủ nhau đi xem ké. Vui lắm, trong xóm già trẻ lớn bé kéo nhau xem tivi như đi hội, trong nhà chứa không hết phải đem ti vi ra ngoài hàng ba để, mọi người ngồi chật cái sân chỉ tập chung vào một cái màn hình.
Chúng tôi thì rất hăng hái, chập choạng tối đã chuẩn bị chiếu, quần trùng áo dài, quạt mo, đèn dầu Koa kỳ… ai sang trọng tý thì cầm cái đèn pin, rồi rồng rắn hẹn hò nhau lên ngã ba Minh Hà kiếm xem nhà nào còn bình để ghé xem tivi. Nhà nào có vệt sáng tức là bình acquy còn điện, ghé vào ngay. Nhà nào có tivi mà tối om thì bữa đó chưa sạt bình được.
Ban đầu đông lắm, do làng trên xóm dưới chỉ có mỗi nhà chú Nhượng có tivi trắng đen 14 inch. Sau đó thưa dần do nhà bác Điệp, bác Thông, bác Vĩnh đều mua được tivi nên từ đó chúng tôi không phải đi xa hơn nữa. Nhà tôi và nhà anh thì vẫn vậy, chưa thể có cái tivi để nhìn, xóm kênh Lò Đường vẫn phải đi xem nhờ như bấy lâu nay. Đây cũng là khó khăn thuở hàn vi của bà con từ ngoài Bắc vào dải đất chằng chịt sông rạch này lập nghiệp.
Tôi không chỉ theo anh đi xem tivi ké, mà con theo anh ra đồng để sên mương phèn. Anh đào từng giá đất ngọt xớt kê trên mặt ruộng cho cao, kỹ thuật này là để khi mưa xuống phèn sẽ xổ theo mương trôi đi, mặt ruộng cao lên tránh được tình trạng ngập lụt và lúa sẽ tốt hơn bởi mặt ruộng mềm. Đến mùa lúa trổ đòng đòng, những con mương này sẽ là chỗ lý tưởng để chúng tôi đơm lờ, giăng lưới, câu cá, nước ruộng khô rút xuống thì cá mắm cũng theo mương phèn này lóc vào họng đìa.
Tôi theo chân xem anh đào đìa, đi bắt chuột đồng, thích nhất là ra đồng năn leo lên những mô dừa. Anh vạch đám năn tốt làm cái ổ để chúng tôi chui vào nằm thim thíp đưa mắt hi hí qua khe lia đến tận cuối chân trời. Có hôm lăn lộn với thằng Dậu, thằng Minh bị cọng năn thọc vô lỗ mũi chảy máu ròng ròng, nhưng cũng chẳng sao cả bởi tuổi thơ của chúng tôi đầy ắp tiếng cười trên cánh đồng này. Nhanh tay bứt cây năn anh nhai nghiến ngấu đắp vào cái lỗ mũi cho tôi.
Mưa xuống - nước lên, cầm cái thau và cái mùng lại theo chân anh, tôi ngồi trên mũi chiếc xuồng ọp ẹp để anh chèo ngược gió, luồng gió thoảng hương tràm xứ Hạ U Minh làm anh bật tung áo ngực. Đến cống T17, anh đưa cái mùng vào miệng kênh hứng cá rô tam tích, mưa xuống loại cá này từ trong rừng đặc dựng Vồ Dơi theo nước dớn trôi ra nhiều vô kể. Tôi không biết bơi nên anh không cho tôi xuống nước, anh giao ngồi cầm dây giữ mũi xuồng. Bỗng nghe cái b..ự…c, dây chuối cột xuồng đứt, nước cuồn cuộn như nuốt chửng chiếc xuồng đang tròng trành khiến tôi xanh mắt mèo. Anh cười hiền từ bơi thât nhanh ra giữa dòng nước xiết kéo chiếc xuồng ba lá vào bờ.
Bố tôi rất quý anh, bởi anh nhanh nhẹn, được việc, nhờ gì cũng làm được. Tôi thích nhất mỗi lần bố tôi bảo “mày chạy qua nhà gặp anh Đạt, bảo anh qua bố em nhờ”. Anh vui vẻ qua ngay. Hai anh em cùng làm việc bố tôi giao, có hôm thì tô chét lại tý xi măng ở chuồng heo, hôm thì đắp họng đìa để đặt cái lợp, bữa thì vơ cỏ dọn đìa chuẩn bị tát cá. Xong việc, anh thường nán lại chỉ tôi cách mắc mồi nhắp cá lóc, giăng lưới trong khi lúa đứng cái để bắt cá rô mề, có khi hứng lên hai anh em dắt bầy chó nhà tôi ra ruộng đào hang bắt chuột.
Nhớ nhất là những bận các anh đi học từ trong Khánh Tây về, ngày nào các anh cũng í ới qua ngõ nhà tôi, tôi dường như cũng chỉ đợi âm thanh đó và ra ngồi dưới gốc dâm bụt chờ các anh về. Tôi qua sân nhà anh xem anh Biển, anh Tân, anh Giang, anh Hồ và em trai anh là anh Được túm tụm chơi con quay, khẩy hưng, chọi gà… niềm vui tiếng cười rộn rã, nhưng cãi cự lời qua tiếng lại thì cũng không tránh khỏi, chỉ đến khi bố anh là chú Đề xuất hiện thì “hòa bình” mới lập lại và đám đông giải tán. Ký ức về anh từ đó cho đến khi trưởng thành cũng chỉ từng đó, tôi không gặp lại anh nữa bởi tôi phải trọ học xa nhà. Anh đang lớp bảy thì nghỉ học lên đường bảo vệ Tổ quốc mà cái nghèo vương vấn gót chân hai anh em.
***
Tôi quay về thì xóm vắng đi nhiều, bởi anh và anh Quang đi bộ đội, anh Biển cưới chị Oanh cùng xóm rồi đi lên miền đông lập nghiệp, anh Tân xuống huyện trọ học cấp 3, số anh khác thì nghỉ học ở nhà làm ruộng. Chắc anh cũng vậy, có trở về lại mảnh đất Minh Hà, quê hương thứ hai của chúng tôi thì cũng chẳng gặp được anh em thuở xưa.
Tôi lớn dần, gia đình lại chuyển đi nơi khác sinh sống nên anh em nhắc đến nhau chỉ qua lời hỏi thăm từ những người quen biết. Thời gian sau gia đình anh cũng chuyển qua miệt thứ Kiên Giang sinh sống, từ ấy trong tôi anh là một vùng ký ức tuổi thơ đầy gian khó và cơ cực bởi thiếu ăn thiếu mặc.
***
Tôi mở điện thoại thấy cuộc gọi nhỡ, lập tức zalo báo nick Đình Đạt. Tôi mừng rỡ vô cùng gọi lại nhưng máy bận. Tôi gọi cho anh Tân (nay là Nhà thơ - Nhà phê bình văn học Khang Quốc Ngọc), thì anh Tân xác nhận là đúng anh Đào Đình Đạt người con đất Minh Hà xưa, vì mấy hôm trước anh đã xin anh Tân số điện thoại của tôi.
Cuộc điện thoại giữa hai anh kéo dài hàng giờ đồng hồ, lại gặp qua nền tảng trí tuệ nhân tạo nhận diện được hình ảnh và giọng nói của nhau thì còn gì quý bằng. Sau ba mươi năm xã hội phát triển và thật tiến bộ, ba thập kỷ trước đây có ai dám nghĩ đến công nghệ nhìn thấy nhau như thế này đâu!?
Trong trí nhớ tôi vẫn nhận ra anh từ vóc dáng mảnh khảnh, đôi môi và khóe mắt. Hai anh em còn nhận ra nhau từ giữa những sợi liên lạc thần giao cách cảm như đang ”để dành” bấy lâu. Nay anh rất chững trạc theo phong thái của một nhà binh, đẹp người, đẹp tướng và mái tóc “muối nhiều hơn tiêu”.
Anh kể cho tôi nhiều lắm sự khó khăn của gia đình, ngày ấy nghĩ là đi xong nghĩa vụ rồi về, nhưng duyên cớ đã khiến anh đeo trên mình cả cuộc đời binh nghiệp. Tình cờ đợt về phép anh lại ghé nhà bác Thông xem tivi ké, bác ấy khuyên nên ở lại phục vụ quân đội, chứ phục viên về thì làm gì ở mảnh đất phèn chua mặn này? Nghe bác Thông nói cũng phải, nhưng nỗi lo lớn nhất lúc này là sao mà ở lại được trong khi chưa học hết cấp 2, nhà nghèo, em đông…? Lời động viên của bác Thông là động lực khiến anh biến suy nghĩ thành hành động.
Trở lại đơn vị anh hăng say tập luyện, lao động và học tập với ý trí phục vụ quân đội lâu dài. “Đất không phụ lòng người”, những nỗ lực không biết mệt mỏi đã giúp anh gặt hái được thành công, từ người lính trẻ, qua hun đúc tôi luyện thành sỹ quan chuyên nghiệp, giờ là cán bộ chỉ huy xuất sắc của quân đội.
Trong bộ quân phục đĩnh đạc với quân hàm cấp tá, anh đang là chỉ huy cấp Trung đoàn ở Quân khu 9, ít ai biết rằng bản thân anh và gia đình đã có những tháng ngày cơ cực nghèo khó tưởng chừng như không thoát ra được. Nhìn anh tôi lại nhớ đến câu nói của bố tôi cách đây 30 năm “Thằng Đạt nhanh nhẹn, được việc vậy sau này sẽ thành công”.
Quay lại lịch sử và nhìn đến hôm nay, trong chúng bạn ngày ấy không ai được như anh bây giờ, thành công đó có được bởi sự cố gắng không ngừng nghỉ trong một điều kiện khó khăn nhất. Anh đã tự phấn đấu đưa bản thân mình đến những thành như hôm nay, bên cạnh anh giờ là người vợ hiền và một đứa con gái đã ra trường đi làm, còn đứa con trai đang học Đại học năm hai. Gia đình anh sinh sống trên mảnh đất lũ An Giang tràn đầy phù sa giàu đẹp. Anh tự sự với tôi “vài năm nữa nghỉ hưu, anh sẽ về Minh Hà tìm thăm tất cả mọi người, em có số ai ở đó cứ cho anh xin hết đi, anh gọi hỏi thăm trước”.
Nghe những lời tâm huyết của anh, kỷ niệm xưa trên mảnh đất mà anh em tôi xem là quê hương thứ hai cứ trở mình trỗi dậy. Nhớ mỗi lần qua nhà anh leo tuốt lên ngọn ổi để vi vu với nắng chiều, chợt nghe bố anh ngâm thơ Nguyễn Bính khi đã vật vã men say thật thú vị. Nhìn đầu hồi nhà anh, mái tranh nghèo đang bốc khói, mảnh vườn chẳng có gì vai cây chuối tiêu còi cọc bị con gà trống tàu mổ toe toét khiến thân xác rỉ máu. Cạnh bên là giàn mướp toàn hoa đực, thân nó khoằn khoèo không thể khỏe mạnh được thêm nữa mặc dù đã chen mình lên khỏi mặt đất phèn chua mặn. Dưới đìa nước phèn đỏ quạch, dăm lá bông súng chẳng lành lặn đong đưa nụ bông tim tím, từ dưới đáy con cá rô thực hiện cú nhảy santo đớp bói làm tung mặt nước. Không gian và mảnh đất đìu hiu này nghèo khó lắm, nhưng chứa chan đầy khát vọng vươn lên, cũng từ chỗ này là nơi có xuất phát điểm thấp nhất, nhưng đỉnh cao là đã cung cấp một Thượng tá giàu nghị lực cho quân đội nhân dân hôm nay.
T.B