TIN TỨC

Nhà văn Nguyễn Một - Người mắc nợ ký ức

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-10-16 11:54:06
mail facebook google pos stwis
954 lượt xem

Lê Trâm

Quê nhà Nguyễn Một thời chiến tranh là vùng đất “xôi đậu”, nơi ngày nào cũng xảy ra chiến sự, các bên giành nhau từng mét đất. Cha bị bắn chết khi ông còn trong bụng mẹ. Chưa được bốn tuổi, mẹ bị viên đạn lạc bắn ra từ một lô cốt của lính Mỹ, trút hơi thở cuối cùng khi đang ôm con ngủ… Những ám ảnh ấy chừng như khiến anh trở thành người mắc nợ ký ức, được bày biện với chính mình trong tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” (NXB Hội Nhà văn - 2020).

Nhà văn Nguyễn Một

Quê nhà một cõi…

Có lẽ không phải ngẫu nhiên Nguyễn Một mở đầu cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Một” với tác phẩm “Tha hương”. Nơi đó, được khái quát đơn giản nhưng dễ hình dung: “Quê tôi nghèo nhưng có một dòng sông rất đẹp. Dòng sông là tài sản lớn nhất của tuổi thơ tôi”. Ở đó, có núi Chúa như một chứng nhân nhìn xuống làng mạc, nhìn xuống bao phận người giữa thời ly loạn, là cụm tháp Mỹ Sơn đẹp ma mị chứa đựng bao nhiêu câu chuyện huyền hoặc phủ lên suốt một tuổi thơ đầy biến động của tác giả. Là vùng rừng đồi gò cằn khô sỏi đá với những câu chuyện kể không dứt của người lớn, về một gia tộc có những số phận kỳ lạ, về những cái chết của bên này lẫn bên kia, những cái chết “không ít điều kỳ lạ”, về những cuộc bỏ xứ ra đi, có kẻ quay về có người đi biệt…

Trong “Truyện ngắn Nguyễn Một”, những tên truyện nghe qua đã thấy nao lòng: “Sông xưa”, “Xứ người”, “Viễn xứ”, “Gió núi”, “Thanh minh”… Trong bước đường tha hương, quê nhà thỉnh thoảng cứ dội lại trong tâm khảm người viết, không dứt được. Nhiều lúc bật lên trong câu chuyện cứ như những lời tự sự: “Tôi mang cái sinh lực tràn trề của tuổi hai mươi lên đường lập nghiệp. Tôi sẽ đến một vùng đất màu mỡ. Nghe anh Nam kể, xứ đó cây sắn vứt ngoài hàng rào, vài tháng sau nhổ lên củ to bằng bắp chân. Chứ không như cái miền quê nghèo khó này, trồng được củ sắn bằng ngón chân phải tốn cả gánh phân chuồng. Tôi đã chán tột cùng sự nghèo khổ truyền kiếp. Cậu tôi quanh năm xòe bàn chân “Giao Chỉ” bám trên những thửa ruộng khô khốc, để đổi lấy ngày hai bữa cơm độn, ăn xong ợ lên rát cổ họng. Tôi ra đi. Cái tình nghĩa quê hương, mà cậu tôi bỏ công giáo dục từ nhỏ, chẳng hề lóe sáng trong sự mông muội của đầu óc đã tê liệt vì đói khổ. Thật ra, tôi có chút xao động khi cô gái mà tôi dự định cưới làm vợ đã khóc ướt đẫm ngực áo trong đêm chia tay. Dù thế nào tôi cũng sẽ đi!” (Xứ người).

Chiến tranh luôn ám ảnh, thỉnh thoảng dội lại trong hồi ức. Cái chết của Hương trong “Tiếng chim sẻ trong thánh đường” chắc chắn có sự liên tưởng về cái chết oan nghiệt của người mẹ năm nào: “Hương nằm như đang ngủ. Một viên đạn vô tình xuyên qua lồng ngực tuổi dậy thì của em. Chiến tranh! Tôi nghe mẹ Hương kể rằng “Trước lúc hấp hối, con Hương muốn được quàn trong thánh đường nhỏ bên nghĩa địa”.

 Ở truyện “Viễn xứ”, phía sau cái giọng Quảng Nam đặc sệt bày ra trong câu chuyện là một cái kết buồn. Từ buổi sơ giao không xa ấy: “Nè! Cô lòm ơn chỉ dùm nhà ven hóa chỗ mô?- Chớ ông ở mô mà không biết nhà ven hóa?-…- Quảng Nom!”. Và người con trai ấy đã chết sau một lần đùa với cô gái. Buổi chiều mưa buồn cô gái mỏi mòn chờ chiếc xe tang đưa anh về quê.

Không còn gì buồn hơn nữa với một kiếp người tha hương: “Trời sập tối. Mưa nặng hạt. Dãy nhà hai bên đường đóng kín cửa. Chiếc xe màu đen từ từ lăn bánh vào thị trấn và dừng lại trước con hẻm. Xe tang của Trọng. Hạnh như dính chặt vào ghế không đứng lên nổi. Người phụ nữ đứng tuổi thò đầu ra ngoài nhìn quanh rồi khoát tay. Chiếc xe trở đầu khuất dần trong làn mưa mờ đục. Hạnh lao ra đường, mưa quất vào mặt rát rạt”. Một đoạn văn đặc tả như một shot phim hay. Theo tôi, đây là đoạn văn cô đọng và hay của Nguyễn Một.

Ghi dấu đậm nét về một quê xứ có lẽ là “Giếng tiên”. “Ngày ông tổ tộc Trần đến lập nghiệp, lúc đó nơi đây còn là rừng rậm, đã có giếng này. Hồi xưa cả làng xài chung, bây giờ người đông nên nhà nào cũng đào giếng riêng gần nhà. Vì vậy, giếng tiên thành sở hữu của gia đình tôi.

Ngôi nhà từ đường to lớn của tộc Trần do ông tôi cai quản, mảnh vườn không lớn lắm nhưng có nhiều loại trái cây”. Câu chuyện của nhân vật xưng “tôi” và chị Sinh có nhiều tình tiết nhưng ám ảnh nhất vẫn là cái chết của người mẹ, qua lời kể của ông, lại hiện về đỏ sẫm dưới trăng. “Mẹ mày chết đêm Rằm tháng Mười, linh lắm… Tôi còn nhớ hôm đó trăng sáng như ban ngày, đang thiu thiu ngủ nghe heo kêu, tôi cầm đèn ra coi thử, đi ngang gường con nhỏ, tôi giẫm nhằm vũng máu mới hay nó chết. Tội nghiệp con nhỏ, nó mới mười chín tuổi đầu. Các anh biết không, một viên đạn đại liên trên đồn Bốn Lăm bắn xuyên qua đầu con nhỏ, may mà thằng này (ông chỉ tôi) nằm dưới nách mẹ nó, nên viên đạn trượt qua đầu nó, làm bị thương con heo đằng sau nhà...”. Một cái chết đầy ám ảnh nên hằn lên trong trí nhớ mọi người!

Có cảm giác ký ức như món nợ dai dẳng thỉnh thoảng cứ hiện lên, không nơi này thì nơi khác. Là người, trong “Chiều tha hương”: “Ông thường nhớ những buổi chiều xa lắc xa lơ. Từ dạo ông còn là chú bé làm cái việc thắp nhang cho vô số bàn thờ trong căn nhà từ đường rộng mênh mông… Ông còn nhớ mỗi buổi chiều như vậy, ông thường thơ thẩn nhìn xa xăm về phía triền núi Chúa”. Ở đó có những con người “quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, vậy mà con gái Mỹ Sơn cứ xinh đẹp mơn mởn và trắng như bông bưởi...

Những cái nhớ như vậy, dai dẳng: “Làng Phú Đa nằm cạnh chân núi Chúa. Trai làng khỏe mạnh nhất vùng, những bắp thịt săn cuồn cuộn, có lẽ do những tháng ngày lùng sục, bắt núi rừng cúi đầu dâng cho họ cái ăn cái mặc để bù lại sự cằn cỗi của cánh đồng bậc thang khô rốc, nứt nẻ dưới cái nắng chói chang của mùa hè và những ngọn gió hun hút thổi cháy người”.

Rồi “Sông xưa” với cô gái hái dâu đã ngã xuống dòng sông trong “một buổi chiều nhạt nắng, bãi dâu bên bồi, chuyển sang màu xanh thẳm” (Khoảnh trời sót lại)… Tất thảy, quá đủ để làm nên bao nhiêu sự ám ảnh!

Xứ người

Không gian truyện ngắn Nguyễn Một là vùng đất anh đã chọn để sống. Ở đó, một vùng Đông Nam bộ không kém khắc nghiệt, nhất là thời điểm sau khi kết thúc chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Hiệp chọn rất đúng cụm từ để nói về sự lựa chọn ấy trong một bài viết: “Mê lộ trong hành trình tha hương”, con đường để trở thành một nhà văn tiếng tăm không hề dễ dàng. Không gian ấy thể hiện rất rõ cùng những số phận, đa phần là lưu dân, không kém phần nghiệt ngã. Thấy rất rõ khi đọc những: “Thị trấn thiếu dòng sông”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Hoa mua bên hồ”, “Mắt lá”, “Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô”… Những đặc trưng văn hóa của các dân tộc ít người như Châu ro, Mạ, Tày Mường, được Nguyễn Một viết lên theo kiểu khác, thường là những câu chuyện tình buồn, đầy trắc trở và không kém phần nên thơ đã khiến truyện đọc rất lôi cuốn.

Chỉ với 20 trang sách, một miền Đông Nam bộ hiện ra khá kỳ vĩ dưới ngòi bút của Nguyễn Một qua truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông” nên không có gì làm lạ khi đạo diễn Khải Hưng đã chọn để dựng thành phim. Cũng vậy, “Xứ người” là một cách khắc họa khác về vùng đất đã níu giữ chân bao lớp người lưu lạc, đã đến, lưu lại, sống và trở thành “người cũ của vùng đất mới”. Sự gặp gỡ, “giao thoa” giữa người cũ - người mới sau này đã làm nên một lớp công dân mới, một cố kết xã hội mới ở vùng đất này, thể hiện khá rõ nét qua “Miền Đông”. Và, hầu hết không gian truyện đã đề cập vẫn là sự đan xen giữa cảnh cũ, người với đất mới - người mới, qua sự “kết nối tài tình” của tác giả.

Tương tự như vậy một “Lửa bên sông”, đã vẽ lên rất rõ nét một Đồng Nai đầy mê hoặc như câu ca dao tác giả chọn làm đề từ: “Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong đổ lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Truyện đọc nghe buồn như một nỗi ngậm ngùi cùng lòng người xa xứ! Truyện Nguyễn Một cứ như những lời tự sự, những lớp kể nhẩn nha.

Những tình tiết truyện mới cũ trôi đi, đan xen. Hầu hết các truyện đều kết cấu bởi nhiều xen cảnh khác nhau, đan xen kiểu kết cấu điện ảnh nhờ thế không gian truyện được mở ra khá nhiều và mạch chuyện cũng mở ra nhiều hướng giúp hạn chế được sự đơn giản, đơn điệu của câu chuyện.

Nhiều câu văn ngắn, gọn, súc tích khiến mạch kể trôi đi khá nhanh đồng thời tạo nên nhiều sự liên tưởng, “đồng sáng tạo” ở người đọc. Phần lớn các truyện viết dựa vào các câu thoại khiến truyện gần gũi cuộc sống, sống động hơn, có cảm giác đang đọc một truyện ngắn “như thiệt”. Như đời vốn vậy!

L.T

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm