- Tin tức - Hoạt động Hội
- Ra mắt tập thơ Đối diện chính mình của nhà thơ Phạm Trung Tín
Ra mắt tập thơ Đối diện chính mình của nhà thơ Phạm Trung Tín
Chiều ngày 25/11/2022, tại trụ sở Liên Hiệp Các hội VHNT TPHCM, nhà thơ Phạm Trung Tín đã tức chức buổi ra mắt tập thơ Đối diện với chính mình do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.
Đến dự buổi ra mắt, về phía Hội Nhà văn TPHCM có nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội cùng các Uỷ viên Ban Chấp hành: Nhà thơ Huệ Triệu, nhà thơ Nguyên Hùng, nhà thơ Bùi Phan Thảo, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Phương Huyền, nhà thơ Phùng Hiệu cùng các nhà thơ đang hoạt động trong các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác Hội: Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Bình Hồng Cầu, Xuân Trường, Nguyễn Vũ Quỳnh, Miên Trường, Nguyễn Trường, Trần Mai Hường, Phạm Phương Lan, Nguyễn Thu Trân, Lương Cẩm Quyên, Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Thánh Ngã, Cúc Vàng, Tố Hoài, Trần Đức Tín… cùng đông đảo các nhà thơ đồng nghiệp, gia đình và người yêu thơ.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu trong buổi ra mắt
Về phía chính quyền địa phương nơi nhà thơ Phạm Trung Tín đang sinh sống có ông Võ Thanh Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường Vĩnh Phú đến tặng hoa và phát biểu chúc mừng nhân ngày ra mắt tập thơ thứ 6 của anh.
Phát biểu tại buổi ra mắt, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhận xét về tập thơ của Phạm Trung Tín: “Đọc từng trang tập thơ “Đối diện chính mình” của nhà thơ Phạm Trung Tín, tôi cảm nhận nhận được sự xôn xao mà lắng đọng của chữ Tình. Và Tình, chính là cái mạch chảy âm thầm xuyên suốt trong cuộc đời anh, thân phận anh và trong từng câu thơ, từng bài thơ của nhà thơ Phạm Trung Tín cũng như những thông điệp mà anh muốn gởi đến người đọc thơ anh…Thơ Phạm Trung Tín còn biểu lộ khá rõ niềm khao khát đem chữ Tình với hy vọng có thể xoa dịu niềm đau, chữa lành vết thương lòng, có thể hàn gắn những mảnh vỡ, và cũng tha thiết mong con người biết yêu thương con người và cùng biết nâng niu trân quý chữ Tình”.
“Tuy nhiên, cũng có điều tôi muốn nói trong bài viết viết nhỏ này, là thơ Phạm Trung Tín cũng rơi vào tình trạng của nhiều người làm thơ hiện nay là dành sự tập trung cao cho nội dung thơ, tức chú trọng tối đa vào “cái tình” “ cái sự” mà thiếu đầu tư thỏa đáng cho nghệ thuật tu từ, mà nghệ thuật tu từ là một yếu tố sống còn của thơ ca”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ và góp ý.
Tập thơ Đối diện chính mình
Chia sẻ về thơ Phạm Trung Tín, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Uỷ viên BCH, Trưởng Ban Nhà văn trẻ nhận xét: Tập thơ “Đối diện chính mình” của Phạm Trung Tín không dành cho những ai tìm kiếm sự cầu kỳ của vần điệu hoặc sự cách tân của chữ nghĩa. Tập thơ “Đối diện chính mình” giống như một lời thì thầm, để an ủi sự mất mát, để vỗ về sự bất an. Nói cách khác, nhà thơ Phạm Trung Tín đã “đối diện chính mình” bằng sự nhân hậu với người dưng.
Đọc thơ Phạm Trung Tín, dễ dàng nhận ra một cốt cách thật thà và chung thủy. Ông nỗ lực gìn giữ những bùi ngùi “Chao nghiêng ký ức thực mơ/ Gọi tên bến cũ lòng ngơ ngác chiều”, ông gắn gượng níu kéo những xa xôi “Lênh đênh thuyền đợi bến trông/ Đơn côi dòng lạnh trôi không lục bình”. Vì vậy, trong thơ Phạm Trung Tín không có những oán than, không có những trách móc, không có những nghi ky, không có những đổ vỡ. Những câu thơ hiền lành và giản dị của nhà thơ Phạm Trung Tín không giúp độc giả bay bổng cùng trí tưởng tượng hay dằn vặt cùng sự ngổn ngang. Ông giúp độc giả hiểu rằng giữa người và người luôn cần có nhau trong những kết nối thật đơn sơ và thật ấm áp".
Nhận xét về tập thơ Đối diện chính mình của Phạm Trung Tín
Trong không khí trang trọng và ấm áp của buổi lễ ra mắt, nhà thơ Phạm Trung Tín xúc động: "Tôi rất vui và hạnh phúc khi được các đồng nghiệp và bạn bè dành tặng những lẵng hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp. Nhân đây tôi xin đọc bài thơ Đối diện chính mình cũng là nhan đề của tập thơ để dành tặng và tri ân các đồng nghiệp".
Nhà thơ Phạm Trung Tín sinh ngày 12 tháng 12 năm 1956 ở xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Tốt nghiệp Cử nhân triết học và Cử nhân kinh tế. Hiện thường trú 340/2/21 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP. HCM. Anh đã xuất bản 6 tập thơ và hiện đang là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Ban Công tác Hội Viên Hội Nhà văn TPHCM.
Nhà thơ Huệ Triệu, Trưởng Ban Nhà văn nữ tặng hoa cho nhà thơ Phạm Trung Tín
“Đến nay Phạm Trung Tín đã xuất bản 6 tập thơ: “Dặm dài ký ức”- 2013; “Miền tâm tưởng”- 2014; “Lời của đá”- 2015; “Khoảng thức”- 2017; “Đường chân trời”- 2019. Những tập thơ đầu, Phạm Trung Tín còn làm thơ theo kiểu hồn nhiên, thiên về tả chân, thấy gì ghi nấy thông qua cảm xúc của mình. Nhưng càng làm thơ lâu năm, Phạm Trung Tín càng có nhiều kinh nghiệm qua tiếp xúc với thơ, với các nhà thơ, với kiến thức sách vở và tự chiêm nghiệm... thơ anh đã có bước tiến xa hơn so với chính mình. Nổi bật nhất là tập thơ “Đối diện chính mình”, anh đã vượt được thơ ở dạng tả chân để đến với tầng cao, nhiều tìm tòi, sâu sắc, hiện đại hơn”, nhà văn Nguyễn Trường nhận xét.
Phùng Hiệu
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi ra mắt: