TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Anh Đức: Nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của nền văn nghệ cách mạng miền Nam

Anh Đức: Nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu của nền văn nghệ cách mạng miền Nam

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-12-23 18:17:16
mail facebook google pos stwis
143 lượt xem

PGS-TS VÕ VĂN NHƠN

Trong nền văn nghệ cách mạng, có thể nói nhà văn nào cũng là chiến sĩ từ trang đời đến trang văn. Trong không khí rực lửa của thời chiến, mỗi nhà văn có một hướng tiếp cận và lối thể hiện riêng trên trang viết để phục vụ mục tiêu chiến đấu, từ đó tạo nên phong cách riêng của mình. Sau mấy mươi năm kết thúc chiến tranh, đọc lại Anh Đức, có thể thấy được tính chiến đấu vẫn còn sục sôi trong tác phẩm. Nếu như Đoàn Giỏi đắm say với cảnh sắc thiên nhiên và đời sống của người dân Nam Bộ; Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo len ngòi bút vào những ngõ ngách tâm tình của con người giữa cuộc chiến tranh, phát hiện và xây dựng được những tình huống truyện đặc sắc; thì Anh Đức biến tranh văn của mình thành một chiến trường có ta – địch rõ ràng, tạo nên những tượng đài tráng lệ về người anh hùng Nam Bộ chống giặc ngoại xâm.
 

PGS.TS Võ Văn Nhơn tại hội thảo "Anh Đức - Cuộc đời và Sự nghiệp", ngày 18/12/2024.

Chiến trường trên trang viết

Trong thế giới nghệ thuật của Anh Đức, ta luôn thấy hai chiến tuyến rõ ràng. Nhân vật của “phe ta”, từ những nhân vật trung tâm như chị Tư Hậu, chị Sứ, Quế, ông Tám Xẻo Đước, ông Tư Vườn Chim… cho đến những gương mặt quần chúng có tên và không tên đều được khắc họa với nét đẹp sử thi và giọng điệu ngợi ca.

Nhân vật người anh hùng đều từ nhân dân mà ra. Họ xuất thân từ hoàn cảnh bị áp bức, đọa đày, mất cha mẹ, trôi dạt bơ vơ, lớn lên trong vòng tay chăm sóc của xóm giềng và những người cần lao trên đường phiêu bạt. Chị Tư Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện, chị Sứ trong Hòn Đất, Quyền trong Đứa con của đất… đều là những người anh hùng như vậy. Họ nương tựa vào nhau, mong vơ bèo vạt tép được mẩu hạnh phúc cỏn con trôi dạt, nhưng rồi cũng bị cướp mất. Từ trong áp bức, họ quật khởi.

Người anh hùng trong truyện của Anh Đức hầu như không có nhược điểm. Họ gan dạ, thông minh, và kiên định trước những đe dọa, uy hiếp của quân thù. Ông Tám Xẻo Đước khi bị giặc lùa khỏi nhà thì ung dung cúng bái từ tạ tổ tiên rồi tử chiến với giặc. Chị Tư Hậu dù đau xé lòng khi chứng kiến hai đứa con thơ bị bắt làm con tin vẫn kiên quyết không đầu hàng giặc. Chị Sứ bị tra tấn dã man đến mức hy sinh vẫn bảo vệ những chiến sĩ kẹt trong hang Hòn… Ở họ, trung thành với cách mạng là đạo đức hiển nhiên, vì cách mạng đã cứu họ thoát khỏi cảnh khốn cùng, cảnh bị chà đạp. Thế giới trong truyện Anh Đức phân đôi, một bên là nhân dân và cách mạng, một bên là kẻ thù. Truyện của ông không có chỗ cho thành phần đứng giữa, lần khân, hoang mang. Ông viết về những người anh hùng từ nhân dân mà ra, không có chỗ nào viết về người trí thức thị thành tìm đường theo kháng chiến. Quyền, đứa trẻ mồ côi có cha mẹ bị giặc giết vì nuôi giấu cán bộ, bị nhà giàu bắt ở đợ chăn trâu là một điển hình như vậy, được ông gọi là “đứa con của đất”, lớn lên chiến đấu giữ đất giữ làng: “Gần đây, tôi đã lớn lên. Trái tim tôi phân rõ làm đôi, nửa bên ghét nửa bên thương. Con mắt tôi ngó nhìn cũng vậy. Ví dụ ở tại Xà-bang này, ranh giới đó vạch ra từ nhà trại Bảy Vàng đổ lên các ngôi biệt thự của chủ sở, đồn bót, tách bạch hẳn khỏi xóm nhà lợp tôn, nhà vách đất của cô bác làm ruộng và cạo mủ ở xóm trên, tức là xóm từ nhà Bảy Vàng đổ lên, đi tới đâu tôi cũng phát ghét. Còn ở xóm dưới, tức là xóm nhà của cô bác, đi tới đâu tôi cũng thấy dễ chịu. (Đứa con của đất, chương 11).

Ngược lại, thế giới kẻ thù thì chỉ rặt những kẻ xấu xa, tàn ác, hiểm độc, vô nhân tính. Khi quan sát kẻ thù, Anh Đức chỉ cho độc giả thấy diện mạo, đồng nhất diện mạo với bản chất, chứ không khai thác động cơ và thế giới bên trong. Giặc là những tên lính Mỹ to lớn, thô lỗ, với dã tâm cướp nước. Nhưng giặc xuất hiện nhiều hơn cả trong hình hài của những tên “ác ôn”, là người mình, lớn lên với cây đất củ khoai của mình, nhưng lại quay lại tàn hại đồng bào. Bọn chúng có thể dễ dàng đốt nhà, giết người để truy đuổi “Việt Cộng”. Chúng có thể tra tấn, móc mắt một ông già trước mặt đứa cháu nội ba tuổi của ông ấy. Có những kẻ được miêu tả độc ác và thú tính một cách bản năng, chẳng hạn như thằng Xăm: “Ban đầu bọn chúng còn rụt rè chưa dám ăn thịt người, thì thằng Xăm nhai nghiến ngấu, luôn miệng bảo trên đời không có thịt con nào ngon hơn thịt con người. Đối với phụ nữ, trừ mẹ và em gái, hắn có thể hiếp bất cứ ai. Sau lúc hiếp hắn còn cắn vú họ, hút máu, và nói rằng máu đàn bà bổ hơn máu đàn ông. Hắn là một đứa như thế. (Hòn Đất, chương 5). Thậm chí trong Bức thư Cà Mau, một tác phẩm thuộc thể loại ký, ông chia sẻ với nhà văn Nguyễn Tuân và bạn đọc về những tên lính ở Bình Hưng thích ăn thịt người “Bọn ăn thịt người tới mức độ đã biết ngon, biết chế biến ra cách xào nấu, biết lỗ tai người và bàn tay người là ngon nhất. Giành nhau một cái mật người, chúng có thể đâm nhau, bắn nhau, bởi vì một cái mật có thể bán 1.000 đồng, nghe nói nay đã lên tới 1.500 đồng, 1.800 đồng. ở Sài Gòn có một bọn thầu mua, chẳng sợ ế!” Những chi tiết này, ngày nay ta đọc lại, không thể không nghi ngờ về tính xác thực của nó. Liệu nó có phải là sự thật lịch sử hay chỉ là những chi tiết hư cấu để ước lệ về sự tàn ác của kẻ thù.

Cũng có lúc Anh Đức kể về vài nhân vật vô danh, theo giặc vì quá nghèo túng, vì bị dụ dỗ, và sau đó biết tìm được quay lại với dân làng, thể hiện cho sự thành công của công tác địch vận bên ta. Cũng có lúc ông hơi bâng khuâng mủi lòng khi nhìn ngắm những khuôn mặt người thân, người yêu của kẻ thù trong những bức ảnh nhặt được trên xác giặc sau trận chiến: “Ở người thiếu nữ này vẫn có cái gì đó tươi trẻ như mọi cô gái khác trên trái đất. Cô đang lâm vào một số phận đáng thương”, nhưng cảm giác mủi lòng nhanh chóng tan biến “Tôi biết vậy, nhưng lòng sao cứ ngây ngấy nổi lên mối ác cảm” (Bức thư Cà Mau). Nhân vật trong truyện của anh Đức luôn phải chọn ở một trong hai chiến tuyến, cả cảm xúc cũng vậy, không có hoang mang, lần khân, không có sự thương người “tiểu tư sản”. Tất cả làm rõ nét hơn bức tranh chia đôi của ông. Dù miêu tả về ta hay địch, Anh Đức đều tuyệt đối hóa.

Sự rạch ròi, kiên định rất cần thiết ấy trong thời chiến đã dẫn dắt ngòi bút Anh Đức đến chỗ để cho nhân vật của ông thực hiện một số hành vi mà ngày nay nhìn lại, lòng ta không tránh khỏi băn khoăn. Trường hợp đáng kể là nhân vật bà Cà Xợi. Bà uất ức, căm ghét đứa con của bà là thằng Xăm vì nó độc ác, tàn hại xóm làng, người ơn của bà, và giết chết Sứ. Bà nguyền rủa con, thậm chí đã ba lần vung dao lên định giết con trong lúc nó đang ngủ. Tất nhiên, Anh Đức không để bà Cà Xợi xuống tay với con mình, nhưng cảm giác căm thù dữ dội mà bà dành cho đứa con bà đẻ ra, nay đã méo mó nhân tính đến không còn giống con người, cũng cho thấy ông đề cao lập trường chiến đấu hơn cả.
 

Chân dung người phụ nữ miền Nam quật cường

Có lẽ trong số những nhà văn cách mạng miền Nam, Anh Đức đã xây dựng được nhiều tượng đài sống động về người phụ nữ đánh giặc hơn cả. Bên cạnh những chân dung đã rất nổi tiếng trong các tiểu thuyết như chị Sứ, Quyên trong Hòn Đất, chị Tư Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện, những người con gái trong các truyện ngắn như Quế trong Khói, chị Lộc trong Con chị Lộc, chị Ba Tương Lai trong Xôn xao đồng nước… cũng để lại những khoảnh khắc đẹp khó quên.

Vì viết nhiều về người phụ nữ đánh giặc mà Anh Đức đã khắc họa được nhiều khía cạnh về họ. Ông kể về hành trình người phụ nữ trải qua số phận khổ đau sau đó tìm đến cách mạng và kháng chiến, kể về những hy sinh của họ trong cuộc chiến đấu trường kỳ, chụp lại những khoảnh khắc đẹp của họ trong chiến tranh. Tượng đài người phụ nữ đánh giặc trong trang văn Anh Đức mang sắc thái sử thi giống như những “nàng thơ” thời chiến của Tố Hữu (Gửi em người con gái Việt Nam, O du kích nhỏ), tức là ở họ chỉ có vẻ đẹp tuyệt đối, không có tì vết. Nhiều nét tính cách của họ được ước lệ, cường điệu. Những nhân vật này thường gợi lên trong lòng người đọc cảm xúc ngưỡng mộ, tôn thờ, hoặc nếu đơn giản thì cũng là tấm tắc ngợi khen.

Khi nói về người phụ nữ Nam Bộ đánh giặc, chúng ta vẫn còn một tượng đài nữa rất ấn tượng, đó là chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi. Nhưng nếu Nguyễn Thi đã mang đến một chân dung người phụ nữ có phần nam tính, ngang tàng, thì những người phụ nữ đánh giặc của Anh Đức vừa quật cường trước quân thù vừa giữ được nét nữ tính mềm mại: nũng nịu, yếu đuối trước người thương; dịu dàng, tha thiết với con trẻ. Quế lúc trốn trong hầm với Hữu, bị giặc ở trên nắp hầm xăm bừa một phát trúng vai, đau điếng người nhưng vẫn bình tĩnh dùng khăn tay vuốt sạch máu ở mũi xăm khi giặc rút ra, nhờ vậy giặc không biết dưới hầm có người. Ấy thế nhưng khi thấy người yêu chịu khổ ngày đêm trong hầm, cô lại khóc: “Chẳng qua vì thương anh nên Quế mới khóc, chứ lúc bị tụi nó xăm trúng, Quế có khóc đâu” (Khói). Chị Sứ bị giặc tra tấn hành hạ, bị nhốt trong “chuồng cọp”, “chuồng sấu” vẫn không sợ, nhưng lại khóc òa lên vì nhớ con, và muốn kể lể với chồng nỗi tủi thân ấy: “Cuộc sống của những năm qua thường đặt chị vào những cảnh ngộ lạ lùng, mà chị tính sau này thống nhất rồi, gặp lại chồng, chị sẽ kể cho chồng nghe hoài, kể hết đêm này sang đêm khác, để chồng chị thông cảm sâu xa, và thương mẹ con chị nhiều hơn nữa mới được” (Hòn Đất, chương 4). Cùng là người mẹ tham gia kháng chiến khi còn vướng bận con nhỏ, chị Út Tịch được xây dựng như một tấm gương gan dạ, dũng cảm cho đàn con, lúc nào xuất hiện trước mặt các con cũng mang một vẻ lạc quan rộn ràng, còn chị Tư Hậu vẫn được Anh Đức dành cho những nốt trầm: “Lòng tôi dìu dịu mối hy vọng, thầm ước sau ngày kháng chiến, tôi sẽ sống yên ổn nuôi con […] Phải chi mình không đảm nhiệm cơ sở, để lo gìn giữ các con thì đâu đến nỗi thế này. Nói thật với anh, khi đó tôi muốn buông tay té xuống” (chương 8); “Có thể cái đau đớn của đàn ông con trai các anh khác hơn bọn phụ nữ chúng tôi, tuy cũng là đau đớn, nhưng không bằng chúng tôi đâu. Bởi vì tôi đẻ con tôi ra, ôm ấp chúng nó hằng ngày. Chúng nó là máu thịt của tôi…” (Một chuyện chép ở bệnh viện, chương 9). Anh Đức còn đặc biệt tôn vinh vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ đánh giặc qua mái tóc của chị Sứ.

Tuy được phả vào chút dịu dàng ấy, nhìn chung, người nữ anh hùng trong trang văn của Anh Đức vẫn mang nét cứng cỏi của tượng đài. Họ vượt lên trên sự yếu đuối bình thường của người phụ nữ để thực hiện những việc phi thường. Chị Sứ, chị Tư Hậu chế ngự được nỗi nhớ con để xa nhà đi công tác; chị Tư Hậu dù đau đớn khi thấy hai con bị bắt, bị bỏ đói, vẫn kiên quyết không đầu hàng. Bên cạnh đó còn có chân dung những bà mẹ anh hùng, hy sinh đứa con của mình cho cách mạng, và bảo bọc, che chở những đứa con khác của cách mạng. Kiểu nhân vật này không chỉ có trong sáng tác của Anh Đức, mà xuất hiện rất nhiều trong sáng tác của những nhà văn khác, trở thành một chân dung điển hình của văn học cách mạng. Anh Đức đã góp cho kiểu chân dung này những má Sáu (Hòn Đất), thím Sáu Tuất (Một chuyện chép ở bệnh viện), bà má U Minh (Bức thư Cà Mau)…

 

Ngòi bút trữ tình cách mạng

Sự cứng cỏi trong lập trường và sự rạch ròi trong thái độ của Anh Đức đã khiến trang văn của ông mang một giọng hùng tráng tiêu biểu của văn chương thời chiến. Chất hùng này đã được cân bằng, được mềm hóa nhờ giọng văn trữ tình hiền hòa của ông trong nhiều phân đoạn tả tình, tả cảnh. Nhờ nó mà độc giả cảm thấy đỡ kiệt sức sau những trường đoạn chiến đấu khốc liệt, đồng thời nó cũng giúp văn chương của Anh Đức sống lâu hơn, sau khi chiến trận qua đi và lòng người nguội lại. Phân đoạn tả vợ chồng chị Tư Hậu chia tay khi anh Tư lên đường về đơn vị, phân đoạn Sứ ngắm Hòn Đất sau khi bị giặc tra tấn, đoạn ông Tư Vườn Chim ngắm nghía vết thương của rừng sau một ngày bị pháo kích… đều rất cảm động. Thiên nhiên, đất trời Nam Bộ đẹp đẽ mà đau thương trải ra trên trang văn Anh Đức, lấp lánh tình yêu của nhà văn với mảnh đất này.

Trời đã sáng rõ. Hồi đêm, Sứ nhìn thấy những lạng sóng vàng lấp lánh ánh trăng, bây giờ trước mặt chị là những lạng sóng hồng, lao xao, rối rít. Màu tím nhạt trên bầu trời biển đã ngả sang màu hồng sen, phơn phớt. Buổi sáng mát rợi mở ra cho Sứ nhìn thấy tất cả những gì đêm qua chị còn chưa thấy rõ. Ban mai như kế tục cái đêm trăng thanh, òa vào lòng chị, an ủi thêm chị bằng những sắc màu của nó. Và chính nó đã cho chị nhìn thấy toàn cảnh Hòn Đất. Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu đời, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị. Chính tại rẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru con những câu hát ngày xưa. (Hòn Đất, Chương 4)

Chất trữ tình này cũng hé mở cánh cửa để độc giả nhìn vào động cơ chiến đấu của người anh hùng. Họ gan góc, quyết liệt khi đối mặt với quân thù là bởi trong lòng họ luôn nuôi dưỡng sự dịu dàng, tha thiết với sự sống, với thế giới xung quanh. Cách miêu tả này lại càng làm tăng tính đối lập giữa họ với kẻ thù, là những nhân vật không bao giờ được khắc họa thế giới nội tâm. Nhân vật Xăm chẳng hạn, hắn tuy được miêu tả như một quái vật khát máu, nhưng hắn có giới hạn của mình, đó là không làm hại mẹ và em gái, nhưng có vẻ Xăm không có mối liên hệ tình cảm gì với mẹ và em gái cả. Ngược lại, những nhân vật ở phe chính diện, những người anh hùng hay nhân vật quần chúng, họ chiến đấu bảo vệ quê hương không phải chỉ vì những giá trị đạo đức khuôn sáo hay minh họa cho những lời kêu gọi chính trị khô khan. Từ trang văn của Anh Đức, họ hiện lên chan chứa tình cảm hồn hậu, chân thành với xứ sở, với vạn vật:

Những năm tháng dài dặc đã gắn liền đời ông lão với khu vườn chim. Lâu rồi, ông có niềm vui sướng bình dị của riêng ông là chiều nào lũ chim cũng trở lại với ông, kêu lên những tiếng kêu như tiếng khánh, làm rộn rịp cả cụm rừng và vui vẻ bầu trời. Đời ông lão vất vả cực nhục đã nhiều, cho nên nguồn vui của ông nó cũng đơn sơ: tình ông đối với cái vườn chim này là một, và tình ông đối với bộ đội giải phóng là hai. (Ông lão vườn chim)

 

Tinh thần chiến đấu và chất lãng mạn sử thi trong thời bình

Có lẽ cái lập trường rạch ròi và chất chiến đấu quyết liệt đã ăn vào căn cốt Anh Đức suốt cả một đời, khiến những gì rực rỡ nhất trong sự nghiệp văn chương của Anh Đức gói gọn lại trong cuộc chiến tranh. Sau chiến tranh, dù vẫn tiếp tục viết, nhưng Anh Đức không duy trì lâu và cũng không để lại nhiều dấu ấn như một số nhà văn khác cùng thời. Ông chỉ có thêm tập truyện ngắn Miền sóng vỗ năm 1985 và một số truyện ngắn khác đăng rải rác trên các báo.

Những truyện sau chiến tranh của Anh Đức phần nhiều vẫn kể về những người bước ra từ cuộc chiến. Ông vẫn kể những câu chuyện mang màu sắc lý tưởng và thi vị về những con người chiến đấu năm xưa. Truyện ngắn Về mảnh vườn xưa kể về người lính cả một đời chung thủy với mối tình đầu. Hoàn cảnh đất nước chia cắt đã khiến họ xa nhau. Về sau anh hay tin người yêu trở thành du kích và hy sinh, mà không hay biết họ đã có với nhau một đứa con gái. Anh không lấy vợ, sống cô độc một mình qua cả cuộc chiến tranh, sang cả hòa bình. Đến hơn bảy mươi tuổi, anh bất ngờ đoàn tụ với con gái, lúc bấy giờ cũng đã năm mươi, và từ một người không gia đình, anh bỗng có con gái, con rể, cháu ngoại, cháu cố đầy đàn. Trang văn của Anh Đức sau bao nhiêu năm vẫn vậy, tràn trề niềm tin tưởng và sự mơ mộng: “Tôi nói với anh rằng anh hãy về nơi ấy, về với mảnh vườn xưa, nơi mối tình đầu và duy nhất của anh ngỡ đâu đã tan biến, nào ngờ vẫn đâm hoa kết trái như một sự cứu rỗi nhiệm mầu.”

Anh Đức có vẻ không thích viết về sự phức tạp của con người, cũng không thích dùng ánh mắt bi quan để nhìn đời. Trong dòng chảy trăm nhánh, trăm chiều của văn chương thời kỳ Đổi Mới, thế giới nghệ thuật của Anh Đức vẫn rạch ròi và lý tưởng lắm. Đến tận năm 1997, trong truyện ngắn Cành đào trước gió, Anh Đức mới bàn đến sự phức tạp của con người và bao dung hơn với những người mắc sai lầm phản bội lý tưởng vì yếu lòng trước hoàn cảnh. “Mọi sự vật trong cõi đời này khó có gì vẹn toàn. Mọi sự đều là tương đối, nếu ta đòi hỏi tuyệt đối, ta rất dễ bị thất vọng. Nhất là đối với con người, ta cần nhìn họ trong tình huống động, chứ không phải trong tình huống tĩnh.” Dù ông đã bao dung và nhìn nhận đa chiều hơn như thế, ta vẫn thấy thế giới quan của Anh Đức vẫn là thế giới của chuẩn mực đúng sai rạch ròi. Người làm sai có thể được xem xét trong những hoàn cảnh cụ thể để nhận được sự tha thứ, nhưng đó vẫn là hành động sai. Có thể nhiều người sẽ cho rằng ông không đủ nhạy bén với sự đổi mới của văn chương trong thời bình, nhưng khi nghiêm khắc như vậy với con người, Anh Đức cũng bộc lộ niềm tin vững chắc của mình vào những giá trị đạo đức bền vững và khả năng tự hoàn thiện của con người. Anh Đức mang chất lãng mạn sử thi từ thời chiến vào trong thời bình, nên trang văn của ông vẫn mãi sáng lên niềm tin tưởng.

***

Anh Đức, một người chiến sĩ trên trang văn, đã rất nghiêm khắc với từng câu chữ của mình cho dù hoàn cảnh chiến đấu chống giặc ngoại xâm không còn nữa. Dù sự nghiệp văn chương của ông không phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh, nhưng những gì ông đã mang đến cho nền văn nghệ cách mạng đã đủ để làm nên một văn nghiệp đáng tự hào.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 156, ngày 26/12/2024.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền - nhìn trời thấy hiện dòng sông
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 157, ngày 2/1/2025
Xem thêm
Một bông hoa lặng lẽ thiền trên cát bỏng
Bài viết của Khuất Bình Nguyên về thơ Mai Quỳnh Nam đăng trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
‘Mùa xuân’ trong thơ Trần Ngọc Phượng
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
“Hoa cho tình yêu” kết quả “ngọt lành”
Về tiểu thuyết “Hoa cho tình yêu” của Nhà văn Hoàng Phương Nhâm, tác phẩm được trao giải thưởng của TPHCM...
Xem thêm
Những ngón tay mải miết lần tìm mạch sống
Cảm tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên” của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Tôn thờ mảnh hồn quê thô mộc mà thiêng liêng trong Vẽ nhớ”
Thanh thoát, nhẹ nhàng, trầm tư, ưu nhã nhưng nhiều nỗi bồn chồn: Nỗi bồn chồn mang tên Thanh Hoàng. Tâm sự lòng riêng của một hồn thơ chọn vị trí kẻ làm con để tạo tác cái đẹp nén đau
Xem thêm
Anh Đức, cuộc sống và quan niệm sáng tác
Bài viết của nhà phê bình Bùi Công Thuấn
Xem thêm
“Minh Châu tỏa sáng” với nhiều góc nhìn
Bài của nhà văn Lê Thanh Huệ về truyện ngắn “Minh Châu tỏa sáng” của Nguyễn Trường
Xem thêm
Thơ tạo sinh nghĩa của Mai Quỳnh Nam
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
Nhân đọc tập Thơ – Ký chân dung Những người gánh sông trăng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người …
Bài viết Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người của nhà thơ Xuân Trường qua giọng đọc của Kim Ngọc.
Xem thêm
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ
“Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ” (Ca dao)
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm