- Tin tức - Hoạt động Hội
- Ra mắt tập truyện ký Âm thanh và ký ức
Ra mắt tập truyện ký Âm thanh và ký ức
Ngày 21-12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức chương trình giới thiệu tập truyện ký Âm thanh và ký ức (NXB Văn học). Đây là một trong những ấn phẩm được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tập truyện ký Âm thanh và ký ức dày hơn 600 trang, với sự góp mặt của các thế hệ nhà văn sống và gắn bó với TPHCM. Từ những tên tuổi như: Minh Khoa, Thanh Giang, Hoài Vũ, Phạm Tường Hạnh, Lê Thành Chơn, Nguyễn Minh Ngọc… đến những tác giả trẻ như: Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Võ Thu Hương, Tống Phước Bảo, Trần Duy Thành, Nguyễn Thị Bích Trâm… Ấn phẩm được thực hiện bởi Ban biên soạn gồm 3 thành viên: PGS-TS Trần Hoài Anh, nhà văn Trầm Hương và nhà văn Hoài Hương.
Tập truyện ký "Âm thanh và ký ức" do Hội Nhà văn TPHCM thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Tuy thời điểm hiện diện của mỗi người trên văn đàn có khác nhau nhưng ở họ đều thể hiện một ý thức dấn thân của người cầm bút khi ghi lại những bình diện khác nhau của lòng yêu nước, tình dân tộc, nghĩa đồng bào và khát vọng cháy lòng về một nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh, phát triển, trong đó có Sài Gòn - TPHCM, nơi họ đã và đang sống trong yêu thương và gắn bó.
PGS-TS Trần Hoài Anh cho rằng: “Những điều này đã hiện hữu ở sáng tác của mỗi nhà văn trong tập truyện ký với những thông điệp văn chương thể hiện một cái nhìn hiện thực đa diện, đa chiều tạo nên một hệ giá trị nhân văn mà chúng ta sẽ cảm nhận khi đọc công trình này”.
Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và nhà văn Hoài Hương (phải) là hai trong ba thành viên Ban biên soạn ấn phẩm "Âm thanh và ký ức"
Theo PGS-TS Trần Hoài Anh, với một thể loại năng động, linh hoạt phản ánh kịp thời những vấn đề nóng của đời sống xã hội, truyện ký từ lâu đã là người lính “xung kích” trên văn đàn khi góp phần phản ánh đa diện, đa chiều những vấn đề của hiện thực đời sống. Đây là một trong những thể loại gần với văn xuôi phi hư cấu, một thể loại đã và đang trở thành vấn đề mà lý luận văn học rất quan tâm.
Cũng tại chương trình giao lưu, những người có mặt đã cùng nhau trao đổi sôi nổi về thể loại truyện ký cũng như những tác động của truyện ký đến đời sống.
Là tác giả của nhiều tác phẩm bút ký và ký sự, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đặt niềm tin vào sức sống của truyện ký
Nhà văn, đại tá Nguyễn Minh Ngọc là tác giả của nhiều tập bút ký, ký sự như: Một thời và mãi mãi, Trong nắng gió Trường Sa, Một thoáng đất và người, Những bông hoa Đất Thép, Địa đạo Củ Chi, Danh thơm một vùng đất… Theo ông, ở xu hướng hiện nay, bên cạnh những tác phẩm có giá trị, bạn đọc vẫn thích những tác phẩm phi hư cấu.
Đi sâu vào câu chuyện nghiệp vụ, theo nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, ký và truyện ký đòi hỏi người viết trước hết phải nghiêm túc, tôn trọng chính mình và tôn trọng bạn đọc. Theo ông, viết ký không thể bịa đặt nhưng tất nhiên, người viết có thể dùng những thủ pháp nghệ thuật để trình bày tác phẩm cho hấp dẫn, sâu sắc, cho thật xúc động không kém những tác phẩm văn học khác.
“Ký sẽ tiếp tục có sức sống và sẽ tiếp tục phát huy, không bị lụi tàn. Bởi vì cuộc sống càng phát triển thì xu hướng chung của bạn đọc hiện nay, họ cần những câu chuyện lay động, giúp họ đồng điệu và tin cậy, chia sẻ được. Giống như truyện ngắn, thơ hay tiểu thuyết, cái gì hay cũng sẽ chạm đến trái tim bạn đọc”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc khẳng định.
Nhà văn Hoài Hương cho rằng, truyện ký như một kho dữ liệu. Bởi đặc tính của truyện ký là ghi chép lại sự thật, tự nó đã là một kho dữ liệu rồi. Nhà văn Hoài Hương lấy dẫn chứng từ ấn phẩm Âm thanh và ký ức, khi tập hợp rất nhiều tư liệu về TPHCM, từ trước và sau giải phóng, thời bao cấp và kể cả sau này những bạn trẻ cũng viết về TPHCM qua lăng kính của các bạn, về một thành phố mà các bạn đang sống.
Nhà văn Hoài Hương cho biết: “Cuốn sách này có tính tư liệu cao và sẽ tạo ra cảm hứng cho các thể loại khác. Có thể từ đây, người ta sẽ tìm thấy tư liệu để làm phim, viết truyện ngắn, tiểu thuyết… dựa trên một nguyên mẫu nào đó trong sách”.