TIN TỨC

Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-10 05:25:51
mail facebook google pos stwis
1270 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

NGUYỄN THỊ BỘI NHIÊN

Chàng trai 25 tuổi Đặng Minh Trí và người cha 62 tuổi là ông Đặng Tri Thông ở thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã tình nguyện lái chiếc xe cứu thương mang biển kiểm soát 73B-006.01 của gia đình theo đoàn nhân viên y tế tỉnh Quảng Bình lên đường đi chi viện TP HCM chống dịch vào sáng sớm ngày 27-7-2021 với quyết tâm “Hết dịch mới về!”

Không mấy ai ngạc nhiên nữa vì Minh Trí vừa tình nguyện hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang về được tròn tháng.
 


Hai cha con ông
Đặng Tri Thông và Đặng Minh Trí cùng chiếc xe cứu thương mang biển kiểm soát 73B-006.01 trước giờ lên đường vào miền Nam hỗ trợ TP HCM chống dịch COVID-19.

Xung phong ra tâm dịch Bắc Giang

Là con trai duy nhất trong gia đình và chiếc xe cứu thương là phương tiện làm kinh tế của gia đình, chạy dịch vụ cấp cứu ở Quảng Bình mà "trong mùa dịch thì làm không hết việc nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp thì mình chấp nhận chịu thiệt để góp sức chống dịch”. Minh Trí thuyết phục được bố mẹ để một mình chạy xe cứu thương vượt hơn 500 cây số ra Bắc Giang vào ngày 22-5-2021 để tham gia chống dịch dù bản thân chưa được tiêm vaccine phòng Covid -19.

Ra đến Bắc Giang, Đặng Minh Trí được Sở Y tế của tỉnh bố trí nơi ăn ở và giao nhiệm vụ vận chuyển mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cùng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng tình nguyện viên chống dịch, dập dịch trên địa bàn. Xông pha ở tuyến đầu chống dịch, chàng trai trẻ Quảng Bình không quản khó khăn cùng cán bộ, nhân viên y tế tham gia vận chuyển thiết bị y tế, truy vết F1 để lấy mẫu nghiệm SARS-CoV-2 và vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện điều trị Covid-19. Sức trẻ và sự nhiệt huyết tình nguyện hành động khi đồng bào cần, đất nước cần đã đưa chàng thanh niên Minh Trí dùng chiếc xe cứu thương của gia đình mình đi tới các địa điểm, vượt qua những quãng đường vốn xa lạ bỗng trở nên quen thuộc; đồng thời vượt qua nỗi lo sợ bên trong con người mình để chở các F0 đến bệnh viện dã chiến nhiều tới mức không thể nhớ hết được. Vậy nhưng Minh Trí không thể quên đêm hơn 100 chiếc xe cứu thương chở tất cả F0 Covid-19 từ “tâm dịch” thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên về bệnh viện dã chiến số 2. Đó là “đêm ở Bắc Giang đỏ rực bởi ánh đèn từ những chiếc xe cứu thương" càng vun bồi thêm quyết tâm hỗ trợ chống dịch với mong muốn Covid-19 sớm bị đẩy lùi, dập tắt.

Sau gần 2 tháng tích cực hỗ trợ phòng chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, khi Bắc Giang đã kiểm soát được dịch bệnh thì Đặng Minh Trí trở về với gia đình mình. Đó là sự trở về để bắt đầu hành trình vào với phương Nam…


Tình nguyện viên Đặng Minh Trí tham gia chở F0 Covid-19 về cơ sở điều trị.

Không quản hiểm nguy, nhọc nặng ở thành phố phương Nam
 


Ông Đặng Tri Thông tình nguyện làm nhiệm vụ chở F0 Covid-19 và thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch

Hai cha con ông Đặng Tri Thông và Đặng Minh Trí được thu xếp công việc ở địa bàn quận 10 ngay sau ngày vào tới TP HCMchở người nhiễm SARS-CoV-2 đến cơ sở điều trị Covid-19. Ông Thông cầm lái chiếc xe cứu thương và Minh Trí được giao một chiếc xe 16 chỗ để vừa chở F0 vào bệnh viện dã chiến vừa vận chuyển dụng cụ y tế và đội ngũ tình nguyện viên. Ngày ngày, khi người cha chở người mắc Covid-19 thì con trai chở nhân viên y tế bởi ông Thông luôn giành về mình phần việc nguy hiểm hơn và khi trên địa bàn không đủ người lái xe cứu thương thì hai cha con cùng chở người bệnh. TP HCM những ngày ấy đang trong đỉnh dịch với mỗi ngày có thêm hàng nghìn người mắc Covid-19 nên việc tiếp xúc các F0 là chuyện thường nhưng thật khó để hai cha con ông Thông quen với cảm giác khó chịu do mồ hôi và sự nóng nực khi phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài. Vậy mà Minh Trí vẫn nghĩ “mình khó chịu bao nhiêu thì thương anh chị em tham gia chống dịch và bà con bấy nhiêu” và ông Thông sẵn sàng tay lái để "cứ ai gọi đâu là tôi đi, có khi tới 1 hoặc 2 giờ sáng mới về" và mỗi khi nghe tin số ca dương tính giảm cũng như có người mắc Covid-19 khỏi bệnh và được xuất viện là vui.

Dẫu dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM dữ hội hơn Bắc Giang nhiều nhưng Đặng Minh Trí thực hiện nhiệm vụ được giao với sự vững tâm, chững chạc nhờ áp dụng hiệu quả kinh nghiệm về công tác chống dịch nói chung và việc vận chuyển F0 Covid-19 nói riêng đã có khi tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang. Có ngày chạy 5 chuyến, có hôm chạy 9 chuyến chở người bệnh và vật dụng y tế, dù mệt nhưng vui vì tối đến vẫn có thể đưa thực phẩm đến nhà người dân gặp khó khăn do Covid-19. Có lúc đón một gia đình gồm 5 người đều mắc Covid-19 thì Minh Trí thương em nhỏ mới hơn 3 tuổi khóc thét khi thấy xe cứu thương. Có khi thấy người nhà đứng nhìn theo xe cứu thương chở người thân mắc Covid-19 khuất dần trong tầm mắt, Minh Trí không ngăn được cảm giác bùi ngùi. Có lần chuyển F0 Covid-19 là hai vợ chồng già vào bệnh viện mà thấy hai người trò chuyện trong tâm trạng rất lạc quan thì Minh Trí đã tin TP HCM sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh.

Cảm xúc bằng cả đời người cộng lại

Là một trong hàng nghìn người từ các địa phương tình nguyện về giúp TP HCM chống dịch, ông Đặng Tri Thông không rành rẽ đường phố mà cũng không thể dùng Google Maps vì đường phố phải dựng nhiều chốt chặn và nhiều khu vực bị rào chắn nên chỉ còn cách hỏi đường các F0 mà mình đang chở tới bệnh viện. Có F0 rất hoảng loạn, có F0 nhầm giữa bệnh viện thu dung Thủ Đức với bệnh viện quận Thủ Đức, có nhiều F0 mà ông đưa đến viện hôm trước còn tỉnh táo nhưng hôm sau đã nghe tin mất, có F0 là chồng tử vong hôm trước thì hôm sau vợ cũng qua đời. Chở F0 trên đường phố vắng tanh vì đại dịch, ông cùng các lái xe cấp cứu khác phải luôn chạy đua với thời gian, phải dùng tốc độ để người bệnh được cứu chữa sớm một giây là còn một tia hy vọng. Cũng có những lúc trái tim ông ấm hơn khi gặp “những cậu tình nguyện viên xăm trổ đầy mình có vẻ rất ngổ ngáo, bất cần nhưng sẵn sàng lao vào chỗ nguy hiểm" và khi giành làm thay con trai phần việc có nguy cơ lây bị nhiễm SARS-CoV-2 là chở F0 mà thấy họ vẫn lạc quan thì ông cũng vui lây, đã hiểu “cùng TP HCM chống đại dịch Covid-19 đã giúp cha con tôi trải qua các cung bậc cảm xúc bằng cả đời người cộng lại".

Bởi vậy mà khi được khuyên nên trở về quê để tránh mắc Covid-19, ông Đặng Tri Thông trả lời bằng câu nói: “Tôi đã vào đây rồi, lỡ có chết thì tôi chết với bà con chứ ở quê mà thấy thế này thì đau lòng lắm”. Còn Đặng Minh Trí bày tỏ: “Nếu bây giờ không tham gia góp sức khi đồng bào cần, có thể sau này mình sẽ hối hận rất nhiều”.


Tình nguyện viên Đặng Minh Trí tham gia mang nhu yếu phẩm hỗ trợ người nghèo trong đêm.

Bình an trở về

Gần một tháng ở tâm dịch TP HCM và dù đã xác định có thể hy sinh mạng của mình để đổi lấy nhiều sinh mạng nhưng ông Đặng Tri Thông và Đặng Minh Trí luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp tự đảm bảo an toàn với bản thân vì hai cha con ngày càng trân trọng hơn sự sống, hơi thở của mỗi người trước làn sóng mang tính hủy diệt tàn khốc của Covid-19. Khoảng thời gian ở TP HCM đã trở thành những ngày không thể nào quên với họ, khiến họ dự định ở lại với TP HCM đến khi hết dịch để sẽ cùng những người từng chung sức với mình tương trợ, yêu thương, uống cà phê vỉa hè và ngắm phố xá nhộn nhịp trở lại giữa trạng thái bình thường mới. Ý định tinh khôi và chân chất đó cũng được ông Thông nói với vợ và con gái trong cuộc điện thoại trò chuyện giữa đêm muộn sau những lời trấn an và động viên hai người phụ nữ ở quê nhà.

Những con số ghi nhận ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng nhanh từng ngày trong tháng 8-2021 và tới khi tỉnh Quảng Bình phát hiện hơn 330 ca Covid-19 thì ông Đặng Trí Thông và con trai Đặng Minh Trí quyết định về quê để tham gia chống dịch. Ngày 28-8-2021, TP HCM tiễn bước hai tình nguyện viên đặc biệt người Quảng Bình ấy sau những ngày hỗ trợ thành phố giành lại vị trí kiểm soát dịch bệnh trong cuộc chiến sinh tử với SARS-CoV-2.

Công việc lái xe cấp cứu chở F0 và vật tư thiết bị y tế chống dịch thường kết thúc lúc 18 giờ, hai cha con không nghỉ ngơi sau mấy chục phút tắm rửa, ăn tối mà tiếp tục tham gia phát cơm từ thiện tới người nghèo và người vô gia cư; cùng Hội Đồng hương tỉnh Quảng Bình đi trao những suất lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ tỉnh nhà gửi vào hỗ trợ bà con đồng hương đang sinh sống, làm việc và học tập tại vùng tâm dịch để không ai bị đứt bữa trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội. 21 tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi ở TP HCM mỗi ngày, Minh Trí sụt 4 kg và khi nhận thấy tóc của mình đã dài ra thì Trí nhờ người anh mới quen cắt tóc.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm