TIN TỨC

Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-04 10:49:26
mail facebook google pos stwis
1191 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Văn Liêm là bút danh khi làm thơ, còn tên thật của ông là Đào Văn Lượng - Nhà giáo Ưu tú - Giáo sư - Tiến sĩ ngành Hóa-Lý-Kỹ thuật.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hóa học, ông công tác và giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu và làm luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Kỹ thuật Dresden (University of Technology Dresden - Tiếng Đức: Technische Universităt Dresden). Về Việt Nam với học vị Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học. Ông tiếp tục giảng dạy và làm công tác nghiên cứu khoa học trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Năm 1980, Đào Văn Lượng vào Sài Gòn và kinh qua nhiều chức vụ: Giảng viên đại học - Trưởng ban Đào tạo Sau đại học Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.


GS-TS, Nhà giáo Ưu tú Đào Văn Lượng - Nhà thơ Văn Liêm


Các tác phẩm đã xuất bản

Cho đến thời điểm này, Văn Liêm đã có 4 đầu sách về văn chương: Nỗi nhớ mênh mang (NXB Trẻ, 2000); Bờ bến bình yên (NXB Văn học, 2009); Nghề của tôi (NXB Hội Nhà văn, 2016); Khao khát biển bờ (NXB Hội Nhà văn, 2022).

Thơ Văn Liêm là những vần thơ chắt lắng, giàu trải nghiệm của một người đã đi qua những thăng trầm của lịch sử đất nước và của cả bản thân. Một trí thức như Văn Liêm và kinh qua nhiều cương vị, chức vụ, lĩnh vực công tác đã cho ông những bài học, vốn sống, kinh nghiệm và đó cũng là những tư liệu quý, là chất xúc tác tạo nguồn cảm hứng để ông làm thơ. Đọc thơ Văn Liêm, người đọc nhận ra một giọng thơ trữ tình hồn hậu, luôn khao khát hướng về những điều tốt đẹp ở phía trước. Ở đó, cái tôi triết lý đã được đúc kết từ sự trải nghiệm của bản thân, từ những chiêm nghiệm về đời sống, thế sự nên rất mực chân thành và có sức thuyết phục.

Trong bộn bề, một ý thơ chợt đến

Làm dịu đi những trăn trở đời thường,

Một nhành non cho trời thêm xanh biếc,

Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn.

(Thơ và đời)

Văn Liêm tâm niệm: “Thơ là phương tiện truyền tải những cảm xúc rất thật từ đời thường, thể hiện qua những ngôn từ bình dị mà đọc lên ai cũng có thể rung cảm, đồng cảm cùng tác giả”. Vì thế, đọc thơ ông, người đọc dễ nhận ra ngôn từ gần gũi, dễ hiểu, chuyển tải những cung bậc tình cảm, cảm xúc mà nhà thơ muốn ký gửi.

Bởi thơ ca là một hình thức đặc biệt để con người tư duy và cảm nhận cuộc sống, ở đó thường khám phá ra điều mới mẻ trong cái quen thuộc hàng ngày, nhận ra chân lý sâu xa trong những điều bình thường, gần gũi, giản đơn của đời sống.

Thơ Văn Liêm khi viết về những sự vật, hiện tượng tưởng chừng như xưa cũ nhưng bao giờ cũng tạo ra những nét mới, gợi cho người đọc bao suy ngẫm. Nhặt sợi tóc của em vương trên nền gối trắng cũng đã để lại cho nhà thơ những suy tư và cả sự ngậm ngùi. Câu hỏi nhẹ nhàng, man mác như tiếng thở dài của lòng mình, ông nhận ra và thấm thía sự ngắn ngủi của đời người trước bước đi của thời gian.

Nhặt sợi tóc của em/ Vương trên nền gối trắng/ Một phút giây tĩnh lặng/ Giữa mênh mông dòng đời...// Cuộc sống vẫn sinh sôi/ Sao tóc em lại rụng?/ Chợt nghe lòng xao động/ Thương em lắm, em ơi! (Sợi tóc em).

Chân thật với chính mình và với mọi người là một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Ý thức sâu sắc điều này nên trong thơ Văn Liêm bất cứ sự việc, hình ảnh, đối tượng nào được đề cập đến cũng đều rất thật. Thật cả trong câu chữ, ý tưởng và cả trong hành động, hiện thực ở ngoài đời. Bài thơ Nghề của tôi như chính lời tự thuật về mình, về nghề, với bao suy ngẫm về cái được - mất,  buồn - vui và  cả cái cao sang của nghề mà ông đã chọn.

Tôi chọn nghề này khi còn trẻ lắm

Tuổi đôi mươi vươn cánh bước vào đời.

Nghề nào cũng có nỗi buồn cũng có niềm vui

Cũng trăn trở giữa lẽ đời lẽ đạo.

 

Nhớ ngày đầu mới bước vào nghề giáo

Cứ bồi hồi khi đứng trước đàn em

Những vui buồn những trăn trở của con tim

Cũng sâu lắng trong từng lời bài giảng.

 

Những năm chiến tranh thầy trò đi sơ tán

Lấy tranh tre nứa lá dựng trường

Tình nghĩa thầy trò thắm đượm yêu thương

Đã vun xới những mầm xanh nảy nở.

 

Thống nhất nước nhà lòng đầy hăm hở

Xếp ba lô xin được vô Nam

Vẫn những giảng đường vẫn những đàn em

Vẫn nồng ấm nghĩa thầy trò đằm thắm…

 

Nhưng cuộc đời đang từng ngày biến động

Khi người người hăm hở làm ăn

Đôi khi buồn lòng chợt thấy băn khoăn

Chọn nghề nào để làm giầu nhanh nhất?

Nhưng tiền nhiều của nhiều rồi cũng hết

Nếu không giầu bằng năng lực bản thân.

 

Trở lại mái trường gần gũi với đàn em

Tôi được sống những tháng ngày đẹp nhất

Nghề của tôi tuy không giàu vật chất

Nhưng tình người thì chan chứa yêu thương.

Với trái tim nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, Văn Liêm thể hiện rõ nét trong thơ trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, với xã hội và với tất cả các mối quan hệ xung quanh. Trải qua nhiều vị trí công tác nhưng ở bất cứ đâu, ở cương vị nào anh cũng đều là người biết người, biết mình; biết thông cảm, sẻ chia, sống chan hòa tình cảm với tất cả mọi người. Vì thế, bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông qua bao thế hệ đều kính trọng, coi ông là một người trí thức mẫu mực, lành tính, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh...

Thơ viết về bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò, những người ông đã gặp trên đường đời... đi vào thơ ông như sự trải lòng. Viết về họ bằng một sự ưu ái, trân trọng, yêu thương...

Là người đi nhiều, biết nhiều, tâm hồn lại nhạy cảm nên mỗi nơi Văn Liêm đi qua cũng đều để lại trong ông những dấu ấn khó phai mờ. Mỗi địa danh ông đến, mỗi vùng đất ông qua hiển hiện trên những vần thơ đẹp, lãng mạn, tình tứ và đâu đó cũng gợi lên những suy tư, trăn trở của ông trước thực tại... Rất nhiều bài thơ được ông  nhắc đến những vùng đất, địa danh nổi tiếng, bởi ở đó gắn với nhiều đặc trưng văn hóa và câu chuyện đẹp...

Có thể kể một số bài thơ như: Anh có về Tiền Giang, Nha Trang đêm, Lên Tây Nguyên, Về thăm Điện Biên, Chiều Vũng Tàu, Nhớ Sài Gòn, Huế ngọt ngào, Giấc mơ Đà Lạt, Vịnh Hạ Long, Hải Phòng trong tôi, Hà Nội mùa cây thay lá, Hồ Hoàn Kiếm, Nhớ Hà Nội, Về Đà Nẵng đi anh, Mời anh về Đồng Tháp, Cho anh về Bến Tre, Mời anh về Cần Thơ, Phú Quốc...

Chủ thể trữ tình trong thơ luôn cháy bỏng khát vọng được giao cảm, được thấu hiểu, được tỏ bày. Đặt chân đến đảo Trường Sa, ông đã viết ngay bài Nhớ đất liền để tặng các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa nói riêng và lính đảo nói chung. Đó chính là tiếng lòng của những người lính trẻ mà ông cảm nhận và nói thay họ trong nỗi nhớ đất liền, nhớ gia đình và quê hương. Chiều Trường Sa dõi về quê mẹ/ Nỗi nhớ đất liền khắc khoải trong tim/ Anh lính trẻ xa nhà từ cuối vụ chiêm/ Còn vương vấn mùi hăng hăng gốc rạ// Chiều Trường Sa biển xanh xanh quá/ Cánh hải âu chớp trắng giữa sóng cồn/ Nhớ những cánh diều vi vút chiều hôm/ Hàm răng trắng ai cười/ chao nghiêng nón lá// Chiều Trường Sa sóng vỗ về bờ đá/ Gió nồng nàn hơi thở đại dương/ Anh lính trẻ xa nhà chạnh nhớ quê hương/ Nhớ ngọn khói lam chiều vấn vương mái lá// Chiều Trường Sa/ Nhớ nhà... nhớ quá.

Thơ Văn Liêm bao giờ cũng gắn với cảm xúc tâm trạng, tạo nên chiều sâu của hình tượng. Chính điều này đã đưa những vần thơ của ông hòa chung vào mạch nguồn thơ truyền thống: bình dị, gần gũi... dễ đi vào lòng người.

Văn Liêm là người có đời sống nội tâm vô cùng sôi nổi và mãnh liệt, thể hiện trong thơ đó là sự tương quan giữa các đối cực. Ngoài những vần thơ viết về quê hương, thế sự, ông còn dành tình cảm đặc biệt với người “đồng cam cộng khổ”, kề vai sát cánh với mình, người chính là hậu phương vững chắc nhất để cho ông vượt qua khó khăn và hoàn thành mọi công việc của đời mình. Người đó không ai khác chính là “em”- người vợ tần tảo, hy sinh mọi thứ tất cả là vì ông.

Anh mải lo công việc chung bề bộn,

Còn em - em chỉ biết lo cho anh.

Khi có niềm vui,

Anh chia với bè bạn xung quanh,

Còn nỗi buồn, trút cho em tất cả.

Cuộc sống còn quá nhiều vất vả,

Đồng đội có lúc hiểu lầm,

Bè bạn có thể hại nhau,

Bàn tay em xoa dịu bớt nỗi đau

Sưởi ấm lòng anh tê tái…

Về bên em, tâm hồn anh dịu lại,

Em là bờ bến bình yên!

Tận trong sâu thẳm con tim, nhân vật trữ tình bật ra những lời tha thiết, thành thật nhất để nói về tình cảm vợ chồng. Dường như bên cạnh lời biết ơn sâu sắc còn là lời tạ lỗi chân thành khi mọi thứ “em” hy sinh tất cả cho anh, cho cả gia đình mà anh lại không đáp đền xứng đáng cho em. Phải chăng anh đã quá ích kỷ, phải chăng anh đã quá hờ hững vô tâm, toàn làm những việc đẩu đâu? ... Vui với niềm vui của mình, với người khác mà em thì lại một mình lạc lõng, bơ vơ?

Cả cuộc đời, em vất vả lo toan/ Hy sinh cho chồng, cho con không quản ngại/ Cuộc sống đâu có bình yên, mà rất nhiều ngang trái/ Anh đã sống cho đời... và sống cho Thơ...// Anh biết, nhiều khi em rất bơ vơ/ Bên một người chồng cứ tơ tơ... tưởng tưởng.../ Đi suốt ngày, tối về lại cắm đầu vào bàn viết/ Tìm những vần thơ hay trong bề bộn cuộc đời// Em gặp trong thơ anh nhiều lắm những nụ cười/ Của những cô gái, chàng trai ở mọi miền đất nước,/ Bắt gặp những con người trải qua khổ đau/ vẫn tràn đầy mơ ước.../ Nhưng thiếu vắng những điều bình dị quanh anh// cây trong vườn vẫn nẩy lộc mướt xanh/ Cây trong thơ anh cũng trổ hoa, đơm trái...// Hãy tha lỗi cho anh vì khù khờ... ngây dại.../ Say đắm một Nàng Thơ...  mà sao lãng Tình Em (Bài thơ chưa tròn (viết tiếp)).

“Anh” cảm thấy day dứt, thổ lộ tất cả nỗi niềm với người mình yêu thương và nhận tất cả những thiếu sót, lỗi lầm về mình bằng lời tự thú: Hãy tha lỗi cho anh vì khù khờ... ngây dại.../ Say đắm một Nàng Thơ...  mà sao lãng Tình Em.

Đối với Văn Liêm, con người có thể mất đi nhưng những giá trị tinh thần thì luôn tồn tại mãi. Và khi đã sống, đã hiện hữu trên cuộc đời này thì phải sống hết mình, cháy hết mình có thể. Bởi cuộc đời con người không có gì bất hạnh bằng việc thiếu mục đích sống, thiếu lý tưởng, không có gì để phấn đấu. Nhà thơ tự dặn mình, đối thoại với chính mình và đưa ra lời khẳng định:

Cuộc đời người chỉ cháy một lần/ Đừng leo lét lụi tàn khi đông đến/ Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến/ Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh.

Ông sống thật với lòng mình, từ trong thẳm sâu tâm thức, thỉnh thoảng ông bật ra những câu thơ bình dị mà hàm súc vô cùng. Những năm tháng đứng lớp, là những tháng năm có ý nghĩa nhất với cuộc đời ông. Một nhà giáo tâm huyết, một nhà khoa học chân chính như Văn Liêm thì điều đó thật đáng để chúng ta trân trọng.

Dạy dỗ các em là hạnh phúc của cuộc đời/ Bên tuổi trẻ, ta thấy lòng trong sáng,/ Những ham muốn thấp hèn và ti tiện/ Sẽ tan nhanh như những áng mây mù...

Hình ảnh quê hương, nguồn cội đi vào thơ Văn Liêm như sự trải lòng. Một con người sống nghĩa tình với quê cha đất tổ nhưng vì điều kiện công việc phải xa quê nhưng trong tâm khảm cố hương vẫn luôn hiện diện và theo ông trên suốt hành trình cuộc đời.

Cuộc đời có được bao nhiêu/ Tìm về mái ấm thân yêu quê nhà/ Ta về tìm lại chính ta/ Xin làm một chiếc Lá Đa sân đình (Tìm lại chính ta).

Những bài thơ viết về quê hương đọc lên nghe có gì đó rưng rưng, nấc nghẹn. Bởi đó là tấm lòng, là tình cảm của một đứa con luôn hướng về Hải Phòng ruột thịt. Nó trở thành nỗi day dứt khôn nguôi trong tâm hồn nhà thơ và rồi như có điều gì đó thôi thúc ông phải sống, làm việc và phấn đấu hết mình. Đó như là cách để đáp đền, để “trả nợ” cho quê hương. Và hành trình sống, cống hiến của Văn Liêm đã là một minh chứng sống động, giá trị cho điều ông trăn trở và thao thức ấy.

Hải Phòng trong tôi! Thành phố biển quê tôi/ Vẫn cháy rực sắc màu phượng đỏ/ Mỗi khi gửi hồn mình về nơi đó/ Cánh cánh bên lòng món nợ - Hải Phòng ơi! (Hải Phòng trong tôi).

Có lẽ trong cái nhìn về thời gian, nhà giáo - nhà khoa học - nhà quản lý - nhà thơ Văn Liêm bộc lộ nhiều trăn trở và suy tư nhất. Hoài niệm về quá khứ, nhìn ở hiện tại và hướng về tương lai, ông mới có thể cảm nhận, chia sẻ, vỗ về từ thế giới khách quan. Vì thế, trong thơ Văn Liêm thời gian có sự đồng hiện và đan cài vào nhau đó là cách để nhà thơ ký gửi những nỗi trắc ẩn và niềm khao khát để chiêm nghiệm lẽ đời, tình người...

Bài thơ Lời mẹ ru, mang bao nhiêu tâm sự, nỗi niềm của một đứa con. Đây là lúc tâm hồn nhà thơ, nhà giáo, nhà khoa học Văn Liêm lắng động sâu nhất, chín nhất với những hồi ức, kỷ niệm để viết ra những dòng thơ khắc khoải, trĩu nặng tâm tư như thế.

Lời mẹ ru thấm vào từng nhịp thở

Kể về đời bà vất vả, gian nan

Xưa bà như cánh cò lặn lội bờ sông

Gạt nước mắt đưa chồng đi đánh giặc.

 

Ông bỏ ruộng vườn ra đi biền biệt

Đêm trăng mờ, bà cặm cụi quay xa

Hội đình làng có cờ mở, pháo hoa

Bà vò võ ôm vầng trăng một nửa.

 

Đời mẹ, cha vẫn chưa hết khổ

Đồng làng mình thẳng cánh cò bay

Cha đổ mồ hôi trên những luống cày

Như cánh vạc chưa một ngày ngơi nghỉ.

 

Giặc dội bom, cánh đồng làng đỏ lửa

Lũy tre già cháy trụi xác xơ

Bầy cò con chẳng còn chỗ trú mưa

Đàn cò lạc biết về đâu làm tổ?

 

Cha bỏ buổi cày, việc đồng dang dở

Từ biệt xóm làng, từ biệt người thân

Anh cũng theo cha tình nguyện lên đường

Mẹ mòn mỏi tháng ngày trông đợi…

 

Đất nước mình nay không còn bom dội

Đàn cò về phủ trắng rặng tre

Lúa đồng làng vàng rộm nắng hè

Ngủ ngoan nhé, mai lớn còn đi học.

 

Tiếng mẹ à ơi, tiếng võng đong đưa

Cánh cò trắng chập chờn trong ký ức

À ơi, kẽo kẹt… kẽo kẹt… à ơi…

Là người sống có ý chí và nghị lực nên Văn Liêm sẵn sàng đón nhận những gian nan, thử thách với tinh thần vươn lên phía trước, bền bỉ, chịu thương chịu khó để hoàn thành tốt công việc của mình. Cuộc đời ông đã đi qua, những việc ông đã làm, những thành quả mà ông đạt được, những đóng góp của ông cho nước nhà là minh chứng cho điều vừa nói.

Ở tuổi kề cận 80 nhưng Văn Liêm vẫn luôn đau đáu, trăn trở và cả những khao khát muốn được sẻ chia, cống hiến cho đời, cho người. Từ khi nghỉ hưu, có thời gian hơn nên ông tìm đến thơ, làm thơ và “chơi thơ” nhiều hơn. Văn Liêm xem thơ như là người bạn tâm giao, tri kỉ như là cách chơi tao nhã và phù hợp nhất với mình sau bao nhiêu năm cống hiến trí lực cho đất nước.

Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến

Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh

Thơ Văn Liêm sâu lắng, giàu nhạc tính, có sức rung cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc. Nhiều bài thơ của Văn Liêm đã được phổ nhạc và chính ông cũng đã tự phổ nhạc cho thơ của mình. Những ca khúc này đã được rất nhiều người yêu thích như: Về Hà Nội đi anh, Thành phố biển quê tôi, Sài Gòn chiều mưa...

Vì thế, khi đọc thơ của Văn Liêm, nhà báo Hoàng Vũ Quân cho rằng: “Thơ của Văn Liêm được độc giả ghi nhận có chiều sâu, có sự súc tích, cô đọng. Đây chính là sự kết hợp giữa Tri thức khoa học và Tư duy đa chiều nơi cuộc sống...”.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm
Trao giải Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024
Sáng 20.9, tại TP Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024.
Xem thêm
Gặp gỡ và giao lưu cùng 5 tác giả của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp
Sáng ngày 21/9, chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách tiếng Việt giàu đẹp” diễn ra tại Đường sách TP. HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Xem thêm
Thêm một nghĩa cử nghĩa tình cao đẹp
Ngày 4 tháng 9 năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn số 5133/ UBND-KT về việc hỗ trợ chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Theo đó, thành phố chủ trương hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu 2 triệu đồng / người / tháng. UBND TP giao cho các doanh nghiệp do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp ( 10 triệu đồng / tháng ) phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Thành phố giao cho các sở Tài chính, Lao động TBXH triển khai ý kiến chỉ đạo này. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Xem thêm
Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Đây là tác phẩm thứ 10 của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
PGS.TS. Ngô Minh Oanh: Anh muốn làm lá biếc
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm