- Tin tức - Hoạt động Hội
- Yêu dấu chiếc áo dài & ca Huế
Yêu dấu chiếc áo dài & ca Huế
VÕ NGỌC LAN
(Nhà thơ - Nghệ sĩ ngâm thơ, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM)
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Huế. Khi xa Huế, tôi nhớ Huế cả cái lạnh loan tím chiều đông hay những trưa hè với điệp khúc ve sầu râm rang trên hàng phượng đỏ. Nhớ lắm những tháng năm tuổi thơ bên mái ấm tình thương gia đình. Nhớ những món ăn mẹ nấu với những bữa cơm thân mật bên gia đình. Và, tôi nhớ lắm, yêu lắm chiếc áo dài mà tôi thường ví như thể người bạn đồng hành từ những ngày Tết tuổi nhò đến lúc sau này xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Huế chính là “kinh đô” của những chiếc áo dài. Vì vậy con gái Huế làm quen với chiếc áo dài rất sớm. Từ khi sinh ra tôi đã thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ chung quanh khoác trên mình chiếc áo dài. Lúc tôi lên ba, lẫm chẫm chẩm biết đi đã được mẹ may cho bộ áo dài lụa. Cứ thế mỗi năm tôi đều có bộ áo dài mới. Đến khi vào tiểu học Đồng Khánh, năm 11 tuổi, tôi theo cha dượng vào sống ở tại Phủ Bà Chúa Nhất - chị ruột của vua Thành Thái.
Tôi rất thích áo dài. Có lẽ khi khoác lên người chiếc áo dài ấy, tôi đã khác tôi trước đó. Tôi ngắm và thầm nghĩ chiếc áo dài đang làm tôi đẹp lên. Bao nhiêu năm đã qua, tôi vẫn không quên được cảm xúc nhìn con gái đầu lòng mặc áo dài trắng khi bước vào trung học. Bởi vậy tôi hiểu được nụ cười tươi của mẹ tôi hơn năm mươi năm trước khi nhìn tôi đi khai trường với chiếc áo dài nữ sinh.
Những ngày sống tha phương, tôi như choáng ngợp khi mấy ngày lễ Tết phụ nữ Việt Nam mình mặc áo dài tràn ngập khu Phước Lộc Thọ. Và vui sao năm đứa con gái của tôi vẫn mang trên mình chiếc áo quê hương. Các cháu luôn trân trọng chiếc áo dài mà tôi luôn khuyến khích, dù sống xa quê, dù tha phương đến muôn trùng.
Tình cờ tôi đọc được bài bài thơ của thi bá Cao Bá Quát viết về sông Hương, trong đó có câu: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Con sông dài như lưỡi gươm dựng giữa trời xanh), tôi xúc động đến lịm cả người. Tôi có nhiều người bạn nữ sinh Đồng Khánh mặc áo dài rất đẹp và tôi luôn hãnh diện ngưỡng mộ về chiếc áo dài đẹp quý phái mà họ khoát trên người. Chiếc áo dài ấy, không hề phôi pha trong dáng dấp quý phái của người tôn nữ, dù các chị đã từng đi qua bốn bể năm châu.
Năm 2014, những năm sống tha hương tôi được công ty Kim Lợi Media mời tham gia cuộc thi Hoa hậu Quý bà người Việt Nam trên toàn nước Mỹ. Ban đầu tôi từ chối vì thấy mình cũng lớn tuổi nhưng rồi nhiều người thân, bạn bè động viên, tôi quyết định tham gia cho vui. May mắn và vinh dự tôi được giải nhất vương niệm Hoa hậu Mrs. Viet Nam Global 2014. Với giải thưởng này, đối với tôi ý nghĩa vẫn là có dịp “khoe” và giới thiệu chiếc áo dài nơi xứ người.
Khi nghĩ đến cách phát huy về vẻ đẹp của chiếc áo dài, lúc về nước, tôi và một số anh em nghệ sĩ đã kết nối thành lập Câu lạc bộ Ca Huế Phú Xuân tại Sài Gòn - TP.HCM, vào tháng 11.2002. Việc làm này, nhằm tạo món ăn tinh thần cho những người yêu môn ca Huế có “đất diễn” cũng như truyền sự đam mê cho thế hệ trẻ người Huế xa quê nói riêng và người miền Nam tiếp cận truyền thống ca Huế nói chung. Sở dĩ mạnh dạn làm vì tôi may mắn có giọng hát nhẹ nhàng của ngươi con gái Huế, cha tôi là nghệ nhân đàn ca cổ, tiếng đàn của ông rất trong trẻo mềm mại, làm nhiều người rơi lệ, mẹ tôi theo gánh hát biểu diễn nhiều nơi cho nên tôi bén duyên với nghề ca hát rất sớm.
Nhà thơ Võ Ngọc Lan cùng bạn bè văn nghệ. Từ phải, đứng: nhà văn Đoàn Thạch Biền, Trương Nam Hương; ngồi: nhà thơ Võ Ngọc Lan, Lê Minh Quốc, Lê Công Sơn.
Việc thành lập Câu lạc bộ Ca Huế Phú Xuân, dù ban đầu khó khăn về cơ sở vật chất cũng như thành viên tham gia nhưng chúng tôi luôn cố gắng duy trì hoạt động biểu diễn và phát triển ca Huế trên đất phương Nam.
Năm 2015, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Niềm vui ấy chính là cánh diều cho ca Huế trên mọi miền Tổ quốc bay lên, ngân mãi và vang xa. Khi nghe tin nảy, chúng tôi như vỡ òa vui sướng của hạnh phúc vô biên. Bởi chúng tôi là những người yêu ca Huế, trình diễn ca Huế và từng đem loại hình nghệ thuật đó biểu diễn nhiều nơi. Những buổi trình diễn của chúng tôi không có con đò lướt nhẹ trên dòng sông Hương, không có chiếc thuyền dừng lại giữa dòng sông để thả xuống những chiếc hoa đăng..., song, lại có những tà áo dải truyền thống.
Nhiều chương trình ca Huế của Câu lạc bộ Ca Huế Phú Xuân giữa Sài Gòn đã làm người nghe gần như thưởng thức hầu hết tinh túy của thể loại ca nhạc truyền thống đất cố đô. Vì vậy trong bất cứ buổi biểu diễn nào, các màn múa cung đình luôn là tiết mục biểu diễn lấy được nhiều tràng pháo tay của đông đảo khán giả. Nhiều người Huế xa quê sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh lân cận, hay một số Việt Kiều họ đều có chung cảm nhận: “Tưởng như đang ở Huế, đang xem ca Huế ở quê nhà”.
Ngoài phát triển ca Huế biểu diễn tại Sài Gòn và các tỉnh phụ cận, Câu lạc bộ ca Huế Phú Xuân cùng Hội đồng hương Huế tổ chức để cứu trợ bà con Thừa Thiên Huế khi bị bão lụt… Có thể nói tình yêu môn nghệ thuật ca Huế và chiếc áo dài truyền thống đối với tôi là một trải nghiệm thú vị. Thời gian trôi qua, dòng đời cứ chảy và tình yêu ca Huế, sự hãnh diện vẻ đẹp nhẹ nhàng mà quý phái về chiếc áo dài truyền thống Huế, áo dài Việt Nam vẫn mang giá trị vĩnh cửu. Tất cả cho tôi những cung bật cảm xúc hạnh phúc trên những nẻo đường tha hương.