TIN TỨC

Bạn văn trẻ: Vì sao chúng ta viết? – Kỳ 1

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-06-19 16:44:02
mail facebook google pos stwis
1135 lượt xem

 Mọi con đường của người viết trẻ đang hướng về Đà Nẵng. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sắp khai mạc. Vanvn.vn đã có cuộc trao đổi với các cây bút trẻ xoay quanh chủ đề “Vì sao chúng ta viết?”: Bạn đến với văn chương như thế nào? Những dự định cho trang viết mới của bạn? Theo bạn, văn chương có vai trò gì với đời sống?. Những cảm xúc, tâm tình, chia sẻ đầy tâm huyết của các bạn trẻ khắp các vùng miền là tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn những động hướng khởi sắc của văn học Việt Nam đương đại.

Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc gần xa tiếng nói trẻ của những người viết trẻ. Ở kỳ đầu tiên này là chia sẻ của các bạn Lê Quang Trạng, Nguyễn Đình Minh Khuê, Lữ Hồng, Đức Anh, Lê Đỗ Lan Anh, Lê Thị Lệ Hằng, Nguyễn Hoàng Vũ, Đặng Thùy Tiên.


Đại biểu Hội nghị Những người viết văn trẻ lần VIII năm 2011 ở Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm ở lán Nà Lừa

 

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (An Giang):

Tôi đến với văn chương bằng sự hồn nhiên của một cậu bé 13 – 14 tuổi. Từ những trang sách, truyện đã dẫn dắt tôi vào một “trò vui” mới, là sáng tác. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ rằng mình nên viết thêm, theo cách của riêng mình cho cái kết những câu chuyện mà tôi đọc được. Rồi dần dần tôi viết được một truyện của riêng tôi. Vậy là cũng đã hơn 10 năm, kể từ ngày có những truyện ngắn đầu tay được in báo (2011). Tuy nhiên tôi vẫn luôn nghĩ rằng, bến bờ của văn chương còn xa lắm, và tự vấn mình cần phải “bơi” ra sao, “bơi” như thế nào? Mỗi khi bắt đầu từ ý nghĩ và trang giấy trắng.


Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng

Tôi đang ấp ủ một số dự định, nếu thuận lợi, tôi sẽ in một số đầu sách trong năm nay, đó là những tác phẩm tôi đã viết trong khoảng 5 năm gần đây, nay mới có dịp tập hợp lại để in. Bên cạnh đó, tôi đang viết một truyện dài cho thiếu nhi…

Đối với tôi, văn chương vừa là người bạn vừa là người thầy. Người bạn, khi những niềm vui, nỗi buồn cuộc sống phần nhiều đến từ văn chương. Tuy nhiên “người bạn” ấy vẫn luôn bên tôi để minh chứng rằng, tôi không bao giờ cô đơn, khi bước vào thế giới của chữ. Và người thầy, khi việc đọc, viết cũng như đời sống văn chương đã bày ra những tình huống, và dạy tôi cách sống, cách làm người, hướng đến nhân văn và chân thiện mỹ!

 

Nhà lý luận phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê (TPHCM):

Tôi say mê đọc văn học từ nhỏ. Những kệ sách cao, cũ kỹ của ba mẹ hấp dẫn tôi ngay từ những ngày đầu biết đọc. Tình yêu với việc đọc ấy lớn dần, và đến những năm đại học, tôi thấy mình cần phải viết ra, trình bày ra những chia sẻ và đối thoại của bản thân với những điều mình được đọc.

Về dự định tương lai, tôi cũng chưa có một xác quyết thực sự chắc chắn, vì nói trước thường bước không qua. Nhưng tôi đang có xu hướng viết các tiểu luận ngắn, trong đó chia sẻ quan điểm của mình về những vấn đề căn bản của văn chương. Ví dụ như, gần đây, tôi vừa hoàn thành một bài viết về sự lưỡng lự như một bản chất người và như một chủ đề lớn ít được chú ý trong văn chương thế giới. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu văn học, và đối tượng quan tâm chủ yếu hiện tại của tôi là văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1975.


Nhà lý luận phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê

Sẽ rất khó để có thể chia sẻ về vấn đề rất lớn này chỉ trong một vài dòng ngắn. Tuy nhiên, xin trích lại một ý trong bài viết “Chạm vào cái thực” mà tôi từng công bố trên Văn Nghệ Quân Đội trước đây. Ý kiến này phản ánh phần nào quan điểm của tôi về vấn đề vai trò của văn học. Theo đó, trong cách nhìn của cá nhân tôi, một trong những khả năng của văn chương lớn là có thể “lột trần những sự thực rúng động và dữ dội, những sự thực phát xuất từ một vùng thăm thẳm bị phong kín của bản chất người, những sự thực không ai không biết, không ai không có, nhưng hoặc là người ta sợ không dám nói, không thích nói, hoặc là muốn xí xóa. Bi kịch khủng khiếp của người đời, nhiều khi, chính là nằm ở cái giả dối bản nguyên ấy. Và văn chương lớn, theo tôi, làm một công việc đáng ghét: nó kích nhạy, khiêu khích cái giả dối thương tâm kia, nó xốc người ta dậy, quăng người ta về phía cái thực, không thương tiếc, rồi bằng nhiều cách làm cho người ta phải tự thừa nhận, dù là trong vật vã, đau đớn và phẫn uất”.

 

Nhà thơ trẻ Lữ Hồng (Gia Lai):

Tôi đến với văn chương rất tình cờ. Đó là một cuộc hạnh ngộ mà chính tôi cũng không thể nào sắp đặt. Bắt đầu từ những bài thơ thời áo trắng, và tôi cứ nuôi nhịp thơ ấy trong người cho đến tận bây giờ. Nếu phải trả lời cho câu hỏi: “Viết để làm gì” thì tôi nghĩ rằng mình sẽ có phần lúng túng. Chỉ biết, tôi thấy cần phải viết như lữ khách thì cần phải đi, không thể nào khác được. Và nếu coi văn chương là một cuộc đi thì mình sẵn lòng rong ruổi với nó, lúc đi nhanh, lúc đi chậm, nếu cảm thấy thiếu hụt năng lượng thì tạm dừng chân, nghỉ mệt nhưng sẽ không bao giờ bỏ cuộc.


Nhà thơ trẻ Lữ Hồng

Trước những nỗi niềm riêng chung, có người nói ra, viết ra, cũng có người im lặng. Tôi chọn cách viết ra như lời bộc bạch để mọi người hiểu mình, và cũng để mình hiểu chính bản thân mình. Sẽ còn phải nghiêm túc học hỏi và tích lũy rất nhiều điều nếu muốn gắn bó lâu dài với văn chương nhưng tôi hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói dù nhỏ bé trên hành trình khơi gợi cái đẹp, cái nhân văn của cuộc sống hoặc chí ít cũng mang đến cho mọi người một vài cảm xúc tích cực. Những ngày sắp đến, tôi chỉ ước trái tim còn đủ rung động, các giác quan còn đủ nhạy cảm để chạm vào đời sống này, để tiếp tục viết nên một tác phẩm mà người khác có thể đọc được, một tác phẩm đậm đầy hơi thở cuộc sống…

Tôi nghĩ văn chương là những gì đẹp và sáng. Vậy tức là không thể thiếu trong đời sống con người. Có lẽ, với mỗi người viết, văn chương là một nguồn cảm hứng, một niềm vui sống dù có thể chúng tôi chỉ sáng tác được trong những lúc đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất. Văn chương xoa dịu nỗi đau một cách kỳ lạ, giúp con người biết hướng thiện và sống chân tình hơn. Nhờ có văn chương mà cuộc sống dịu dàng hơn, tâm hồn con người thiết tha hơn. Như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng có câu hát:

“Muốn một lần tạ ơn với đời

Chút mặn nồng cho tôi”

Có thể văn chương cũng vậy chăng! Đến, để cho chúng ta một chút mặn nồng…

 

Nhà văn trẻ Đức Anh (Hà Nội):

Tôi hay để ý đến ngôn ngữ, cách dùng từ, so sánh, liên tưởng của các văn bản mình đọc hồi còn đi học, cộng với phim ảnh, sách vở hoặc những người thân quen có cá tính mà tôi biết.

Tôi thích sự hài hước kín đáo của những cách dùng từ ấy. Về sau, cộng với việc đọc các tác phẩm từ nhỏ, nên tôi nghĩ văn chương là một con đường để tôi tìm thấy ý nghĩa của mình.

Năm 23 tuổi tôi bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên, sau đó viết tiểu thuyết. Tôi in cuốn sách đầu tiên năm 27 tuổi. Kể ra như thế là hơi sớm. cũng giống như mọi người, tôi đặt bút những trang đầu tiên với niềm hào hứng thơ ngây của nhịp điệu và câu từ, và bung cái sức sống mãnh liệt của mình vào từng miêu tả nhỏ. Tác phẩm đầu tay của tuổi trẻ luôn là một thứ gì đó đầy sức sống, mọc thừa mứa như cỏ gấu, nhưng trong đó có ẩn chứa những con đường mà sau này tác giả sẽ đi (đồng thời bỏ những con đường khác).

Năm tới tôi sẽ in cuốn tiểu thuyết thứ tư của mình. Tôi đưa ra vấn đề nếu một con người chúng ta có không phải một mà là hai thân thể khác nhau với các đặc tính khác nhau – tức là được trời ban cho thêm một cái xác nữa để điều khiển – thì ta sẽ sống như thế nào. Nó xuất phát từ việc tôi nhận thấy người ta luôn có ước muốn trở thành kẻ khác. Mạng xã hội, app chụp ảnh selfie cũng là nơi thấy rõ nhất cái dục vọng trở thành kẻ khác. Tôi đã hoàn thiện cuốn tiểu thuyết quan trọng này của mình.

Tôi sẽ thoát khỏi hình ảnh của một người ghi dấu ấn nhờ viết trinh thám, nhưng vẫn cố gắng sử dụng các kỹ thuật tạo li kì của mình, đó là một thử thách.


Nhà văn Đức Anh

Ngay trong năm nay thì tôi tiếp tục viết truyện ngắn, nhưng sẽ theo một chủ đề và thông điệp chung. Tương lai của ít nhất 3 năm tới đây sẽ là truyện ngắn dạng 8 ngàn đến 20 ngàn chữ, viết thành tập trong một không khí chung. Cứ chờ xem tôi có đoán đúng thị hiếu không nhé.

Ở cấp độ của giáo dục, không gì thúc đẩy tư duy nhanh hơn dạy và học văn. Trước đây, trong một thời đất nước thoát khỏi Bao Cấp, có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng kỹ thuật, các môn toán được trọng dụng. Đến đầu những năm 2010, đến lượt môn Tiếng Anh vì chúng ta đang theo định hướng công dân toàn cầu.

Nhưng tới đây, rồi các nhà quản lý sẽ nhìn thấy: văn học cần phải được giáo dục trả lại vị thế cao cả của nó (nhất thì chưa biết). Môn Văn – nếu được dạy đúng cách – sẽ đào tạo ta ngay từ nhỏ về quản lý cảm xúc, tìm được sự cân bằng cho bản thân và hiểu sâu sắc hơn về thế giới bên ngoài.  Con người là cơ sở của kinh tế và phát triển, và mọi quốc gia hưng thịnh đều có nền văn học xuất sắc.

Còn ở cấp độ xã hội, văn chương dẫn lối cho suy tưởng, và đồng thời lưu trữ lịch sử. Giống như một cô bé đến tuổi dậy thì, tìm hiểu bản thân qua hoạt động viết (nhật ký), thì sự viết của xã hội giúp chính nó nhận ra mặt được mặt yếu và con đường phát triển của nó. Muốn thấy lại tâm trạng của thế hệ cái thời mới nối lại quan hệ với Mỹ, tôi thiết tưởng chỉ cần đọc lại “Cơ hội của Chúa” (Nguyễn Việt Hà) – chứ các nghiên cứu hay con số đâu có ghi lại được tâm tình của một trạng thái xã hội?

Không chỉ sáng tác, cá tính và điểm nhìn riêng của các nhà phê bình văn học sẽ luôn là một điều được xã hội chờ đợi. Bởi lẽ, không ai có thể nhìn thấy biến thiên của những năng lượng nội tại trong một dân tộc nhiều hơn một nhà văn hay đặc biệt, một nhà phê bình văn học.

 

Nhà thơ trẻ Lê Đỗ Lan Anh (Vĩnh Long):

Là giáo viên mỹ thuật trong gia đình không có truyền thống văn chương, tôi viết như tự soi rọi linh hồn chính mình bằng tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng. Là hội viên phân hội mỹ thuật từ năm 2015, tôi được tham gia sinh hoạt với hội văn học nghệ thuật của địa phương nên được tiếp xúc và gặp gỡ thường xuyên với văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Làm thơ như tố chất của bản năng. Với sự phát hiện và khuyến khích của cô chú đi trước nên tôi chính thức bắt đầu sáng tác thơ và tản văn từ năm 2017 đến năm nay.


Nhà thơ trẻ Lê Đỗ Lan Anh

Bắt đầu làm thơ khi bước qua tuổi 30, độ tuổi xem là trễ so với các bạn trẻ khác. Những câu hỏi luôn được đặt ra tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Giữa bản ngã được sắp đặt trong hệ tuần hoàn của vũ trụ. Tôi thấy mình bị ăn mòn bởi thơ. Như thể những cứu cánh cho sự tồn tại. Tôi cứ thế đi tìm tôi trong thế giới văn chương đầy lạ lẫm để thấy một không tôi. Với thơ, tôi là hóa thân của cho đau khổ, hạnh phúc và yêu thương. Cho số phận con người, những bất công, những vai diễn cuộc sống muôn màu khổ hạnh muôn màu yêu thương.

5 năm sáng tác, 5 năm dừng lại ở bản ngã. Tôi nghĩ mình cần suy ngẫm nhiều hơn, ưu tư nhiều hơn vì sứ mệnh người cầm bút. Có thể sống là hạnh phúc có thể sống với thơ là niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Trong trang viết tiếp theo tôi cố gắng bản thân có thể lột tả đời sống một cách tính cách hơn và mới mẻ hơn. Tôi nghĩ trong chuyến tham dự Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tôi sẽ được tiếp xúc và giao lưu với những cây viết trẻ trên toàn quốc, và có thể sẽ được sự chia sẻ và chỉ dạy của những lớp văn nghệ sĩ đi trước những kinh nghiệm và hiểu biết quý báu. Qua đó tôi nghĩ rằng mình sẽ có một định hướng và phong cách tốt hơn cho những tác phẩm sắp tới của mình.

Văn chương đối với đời sống là thực sự thiết yếu, vì văn chương luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hầu hết mọi cá nhân. Cùng với sự phát triển đồng bộ mọi mặt của đất nước trong xu thế toàn cầu hóa, tôi nghĩ văn chương cũng phải được nâng tầm để đủ sức làm cầu nối cho các nền văn hóa toàn thế giới được gần gũi và hiểu nhau hơn. Trên tinh thần đó, tôi sẽ luôn cố gắng tiếp nhận những kiến thức mới mẻ của bạn văn và những thầy cô đi trước có tâm huyết với nên văn chương nước nhà gởi gắm và trao truyền những kinh nghiệm sáng tác, tôi sẽ cố gắng trao dồi bản thân qua từng ngày và tận hiến niềm đam mê văn chương hết sức có thể, để phần nào đó được góp sức chút khả năng cho nền văn chương

 

Nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên (Lai Châu):

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất thích đọc những câu chuyện nhỏ trong sách giáo khoa, vào kỳ nghỉ hè tôi thường mượn đọc những cuốn truyện dành cho thiếu nhi như Thần thoại thế giới; Truyện cổ Grimm; bộ truyện tranh Doaremon,… Vào tháng 4 năm 2020, trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid 19, tự dưng tôi nghĩ tới sở thích văn học một thời của mình, tôi bắt đầu tìm kiếm những trang văn thơ trên mạng, tôi bắt đầu viết và học cách viết văn từ ấy.


Nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên

Ngay từ đầu, tôi đã lựa chọn thế mạnh của mình là văn xuôi. Hiện tại, tôi đang tập trung cho mảng truyện ngắn, truyện ký và sau này khi đã viết cứng cáp hơn tôi sẽ hướng tới truyện dài và tiểu thuyết.

Thực lòng mà nói, với ngay bản thân tôi thôi, những lúc có chuyện gì buồn tôi hay tìm đọc truyện để cân bằng cảm xúc. Tôi đã tìm thấy niềm vui, niềm tin vào cuộc sống nhờ vào những câu chuyện nhân văn. Như vậy để thấy văn chương giúp tâm hồn con người bớt khô khan, bớt đi những mệt mỏi, áp lực sau những giờ phút lao động kiếm sống, nó giúp con người ta sống nhân văn hơn, tử tế với nhau hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa và trách nhiệm của văn chương, của những người cầm bút đã, đang và sẽ phải thực hiện trong tác phẩm của mình để làm sao hướng con người tới những điều tốt đẹp, sống nhân ái, chan hòa với nhau. Đó không phải điều dễ làm nhưng chắc chắn là có thể làm được.

 

Nhà văn trẻ Nguyễn Hoàng Vũ (Khánh Hòa):

Hồi năm Nhất đại học, tôi tình cờ đọc báo Mực Tím, thấy những bài thơ, mẩu truyện trong đó cũng… bình thường. Tôi nghĩ: viết vầy mình cũng viết được. Thế là từ hôm đó, tôi tập tành viết truyện, làm thơ rồi gửi báo Mực Tím. Tôi gửi bài ròng rã ba tháng trời thì nhận được hồi âm của chị biên tập. Chị nhận xét tôi viết có ý, nhưng mà chưa có chất riêng, chị khuyên tôi tìm ít nhất một chi tiết thật đắt để đưa vào bài viết. Tôi nghe lời chị, tiếp tục viết và gửi. Rồi đến một ngày, một mẩu truyện rất ngắn của tôi được đăng, chị biên tập gọi tôi lên tòa soạn gặp mặt. Từ đó tôi trở thành cộng tác viên văn học của báo Mực Tím.

Những bài thơ, mẩu truyện của tôi được đăng báo, ban đầu khiến tôi tự hào, nhưng chỉ vài tuần sau, tôi thấy chúng cũng… bình thường. Tôi muốn viết hay hơn. Chị biên tập khuyên: Muốn viết hay, phải đọc nhiều. Thế là tôi đọc, bắt đầu từ những tập truyện ngắn, rồi đến tiểu thuyết. Từ văn học Việt Nam, đến văn học nước ngoài. Đến một lúc, khi việc đọc và viết trở thành thói quen, thì tôi đã nặng lòng văn chương mất rồi.


Nhà văn trẻ Nguyễn Hoàng Vũ

Bây giờ, khi đi làm, tôi ít có thời gian viết hơn. Nhưng tôi vẫn giữ thói quen đọc sách hằng ngày. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi thường hứng thú với một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Tôi thuộc kiểu đọc gì viết đó nên tôi cũng đang ấp ủ ý tưởng viết ra một cuốn sách trinh thám của riêng mình.

Vai trò đầu tiên của văn chương đối với đời sống mà tôi nghĩ tới là vai trò giải trí. Cũng như âm nhạc hay phim ảnh, văn chương cần tạo ra những giây phút thư giãn, xoa dịu, chữa lành… Người Việt Nam chọn nghe nhạc, xem phim nhưng ít đọc sách, có phải do các nhà văn Việt Nam chưa chú trọng vai trò giải trí của văn chương? Khi người dân chịu đọc sách, thì những vai trò khác của văn chương như giáo dục, hướng thiện, v.v… mới tác động được đến đời sống. Không biết tôi nghĩ vậy có đúng không.

 

Nhà văn trẻ Lê Thị Lệ Hằng (Đà Nẵng):

Tôi đến với văn chương từ những con chữ nguệch ngoạc đầu tiên tôi viết trong cuốn sổ nhật ký năm tôi lên tám, chín tuổi. Đó là một cuốn sổ bé xíu nằm gọn trong lòng bàn tay mà tôi và chị gái đã dùng kim, chỉ để “thiết kế” từ những tờ giấy trắng còn sót lại trong các cuốn vở sau một năm học dài. Mùa hè năm ấy là mùa hè đầu tiên tôi có một thế giới cho riêng mình, nơi tôi ghi lại mọi thứ xung quanh theo cách của riêng mình, như mình thấy, mình nghĩ. Từ đó tôi có thói quen viết và thích viết. Dĩ nhiên, tôi cũng thích đọc, thích văn thích thơ cho đến một ngày vì một số biến cố, tôi không còn giữ thói quen của mình, tôi đã cắt đứt mọi mối liên hệ của tôi với văn chương và dường như không còn nhớ rằng mình đã từng có một tình yêu như thế.

Mười năm như gió thoảng, tôi đã sống một cuộc đời rất khác. Mới đây thôi, năm 2018, nhờ sự động viên của người bạn đời, tôi lần mò tìm lại ký ức của mình cùng cây bút. Ba tôi đã giữ những cuốn sổ của tôi như kỷ vật. Khi đọc lại chúng, tôi biết rằng mình đã đến với thơ từ mùa hè ấy, khi lần đầu tiên tôi biết xúc động ngắm ráng chiều lâng lang qua đọt bạch đàn hay ngồi canh một hạt sương rưng rưng treo trên cọng cỏ gà chờ cho nó rớt… Bây giờ, khi viết những bài thơ nhỏ cho đứa con gái đầu lòng bé bỏng, kỳ thực, nhiều lần, tôi đã viết lại những gì mình thấy hồi bé, cái thế giới long lanh đượm đà cây cỏ ấy vẫn sống trong tôi, song song với thế giới rộng lớn của trưởng thành.

Nhà văn trẻ Lê Thị Lệ Hằng

Mỗi một người là mỗi một khác biệt, mỗi một hoàn cảnh mỗi một lý do riêng để đến với văn chương. Riêng tôi, chọn văn chương, chọn viết lách là một lựa chọn mạo hiểm; dẫu vậy, tôi vẫn muốn bắt đầu công việc một cách nghiêm túc. Thời gian này tôi học nhiều hơn là cắm đầu vào viết vì tôi mong muốn những trang viết sắp đến của tôi sẽ tốt hơn những gì tôi đã viết. Tôi mong mình tiến bộ, ít nhất là tự tôi sẽ thấy được thành quả từ quá trình học tập của tôi khi các sáng tác mới của tôi là kết tinh từ cảm hứng và kiến thức, tâm hồn và trí tuệ. Tôi không ảo tưởng về công việc mình chọn cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có một sự trân trọng nào đó dành sẵn cho những người sáng tác thơ văn mà không cần đến nỗ lực và hy sinh của họ.

Bất cứ nghề nào cũng có người làm việc chuyên nghiệp và người làm việc nghiệp dư, cũng như có đầy đủ giả trá, đánh đồng, vàng thau lẫn lộn… nên tôi hiểu rằng mong muốn trở nên chuyên nghiệp và nghiêm túc với công việc là một mong muốn đầy thử thách và phải chấp nhận cô đơn trên con đường mình đi. Tôi cũng không tin và không đánh giá cao điều mà nhiều người thường nói về việc sáng tác, theo kiểu viết văn làm thơ là thiên phú, là năng khiếu bẩm sinh… Tôi chắc chắn có một số người nhạy cảm với văn chương và có thiên hướng gắn kết với văn chương hơn những người còn lại, nhưng khả năng diễn đạt mà họ có được một cách tự nhiên ấy cùng lắm chỉ có thể giúp họ viết được một tác phẩm xuất thần đầu tay chứ không thể giúp họ đi xa trên con đường sáng tác chuyên nghiệp vì nếu thế giới của họ chỉ đứng yên một chỗ thì càng viết sẽ càng lặp lại chính mình.

Có thể tôi sẽ đi một quãng đường xa nữa mới đạt được điều tôi kỳ vọng cho bản thân nhưng tôi thấy vui và tràn đầy động lực với ý nghĩ của mình. Tôi không biết điều gì đang đợi tôi ở ngày mai, tôi chỉ nói rằng một sự nghiệp viết lách nghiêm túc và chuyên nghiệp là điều mà tôi muốn hướng đến. Hiện tại tôi đang theo học một khóa học chuyên ngành sáng tác của trường Đại học Wesleyan (New York, Hoa Kỳ) theo hình thức học online để từng bước thực hiện nguyện vọng của bản thân.

“Văn chương có vai trò và tác động gì đối với đời sống” là một câu hỏi rất rộng, thật khó để có thể bàn hết về điều này. Hơn nữa, theo tôi, bản thân “văn chương” cũng là một từ rộng và cần được định nghĩa trước khi đưa ra câu trả lời để không dẫn đến bất kỳ sự mơ hồ hay tranh cãi nào không đáng có. Tuy nhiên, tôi có thể nói một điều cơ bản rằng con người ngoài nhu cầu vật chất ra còn có nhu cầu tinh thần, văn chương giúp con người khỏa lấp bớt những khoảng trống không bao giờ có thể đầy được của tinh thần, đồng thời văn chương cũng có thể giúp nới rộng đường chân trời cho trong đôi mắt hạn hẹp của chúng ta. Tôi nói như thế nhưng tôi không hề có ý dẫn người nghe đến những suy nghĩ hoàn toàn êm đềm về văn chương, vì theo tôi văn chương còn có thể trở thành chất xúc tác dẫn đến những phản ứng dữ dội tạo ra hỗn loạn bởi nó có thể làm thay đổi lối sống và lý tưởng của cộng đồng.

(còn tiếp)

Theo Vanvn

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Xem thêm
Trí tưởng tượng bay bổng và những bài học quý
Đọc sách “Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo” của Trần Hà Yên
Xem thêm
Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân
Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước.
Xem thêm
Hội nghị những người viết trẻ: Đồng hành khát vọng phương Nam
Chúng tôi những người lính tuổi U80 đến dự Hội nghị những người viết văn trê lần thứ 5 do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức.
Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm