TIN TỨC

Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
690 lượt xem

TRẦN QUANG KHÁNH

Tôi nghe tên ông đã lâu và đã đọc truyện của ông. Nhưng mãi đến lần dự Hội trại sáng tác Đà Lạt 2022 mới may mắn được gặp mặt và cũng chỉ hầu chuyện ông được vài ba lần. Những lần trò chuyện ngắn ngủi ấy cũng đã kịp để lại trong tôi sự trân trọng về một con người trí tuệ, chân thành, nhân ái!
 


Nhà văn, nhà thơ Hoàng Đình Quang và bìa tập thơ mới của ông.

Nhưng có thể nói để có sự thấm sâu, đóng đinh vào tâm trí tôi là khi được đọc “Thơ mười năm” của ông. Tập thơ được in ở NXB Hội Nhà văn, năm 2023.

Có được cuốn “Thơ mười năm” cũng là một điều bất ngờ hiếm thấy. Cuộc cướp thơ! Tôi gọi đó là cuộc cướp thơ, cướp thực sự với nghĩa đen của nó không chút cường điệu.

Chỉ khoảng mười phút giải lao giữa buổi ra mắt sách, Phó ban thơ nữ Trần Mai Hường khệ nệ bưng một thùng to vào chỗ ngồi của nhà thơ Hoàng Đình Quang và nói dịu dàng, dõng dạc: “Ông anh ơi sách của anh đây nè!”

Vừa dứt câu nói của Trần Mai Hường, tôi nghĩ rất nhanh đợi chút nữa mình đăng kí ở ông một cuốn. Nhưng ý nghĩ chưa dứt thì bỗng thấy các nhà văn, nhà thơ lao về phía ông. Người ta xé hộp bao và mỗi người cầm lấy một cuốn, miệng cười tươi nhìn ông.

Tôi phát hoảng, mình ngồi cạnh ông nếu cứ giữ cái lịch sự “tiểu tư sản” không "cướp” lấy một cuốn chắc trắng tay. Với cánh tay được đồng đội mệnh danh là tia chớp tôi cũng "cướp “nhưng còn kịp nói với ông một câu: em xin! Bỏ ngay vào túi xách tót xuống hàng dưới cùng hội trường chỉ sợ bị đòi lai.

   Ngước nhìn lên và thấy ông bắt đầu phát hoảng. Tôi nghĩ không khéo chủ nhân tập “Thơ mười năm” cũng trắng tay.

Ông ôm vội số còn lại chắc không còn một nửa đi gấp về phía cầu thang mất hút. Trưa hôm ấy có cỗ nhưng tôi tìm mãi không thấy ông.

 Tôi đọc tập thơ ngay mấy phút sau. Những mảnh tâm hồn của ông hiện lên sau những con chữ bình dị, sâu sắc, lôi cuốn.

Ông nói “Mười năm rồi ta sống những đâu đâu” tự trách mình, day dứt. Rồi ông giải bày:

         “Ta sống giữa hai khoảng đời ép chặt

            Ngẩn ngơ nhìn bốn phía vẫn vô tâm"

Tôi cứ nghĩ với con người này không thể vô tâm, con người có ký ức “Phiên chợ Tết cuối cùng" - truyện ngắn của ông - không thể là con người “vô tâm". Ông quan sát, ghi nhớ, gắn bó với quê hương xứ sở ngay từ tuổi ấu thơ khi đang sống trên quê hương sâu đậm, máu thịt như cây cắm vào đất!

 Tôi thấy ông cảm giác lẻ loi. Một sự cô độc của thi nhân chân chính!

1. “Thơ mười năm” nói nhiều về nỗi đau mất mát không thể bù đắp khi người vợ đã ra đi về cõi mây trắng. Thơ Việt Nam đã từng khóc vợ không chỉ ở thứ dân mà cả trí thức, quan lại, vua chúa và đã có những bài thơ, câu thơ thật rung động, nhưng viết được câu thơ thắt ruột như thế này thì có lẽ đến "Thơ mười năm” mới thấy

           “Không giữ được em rồi

            Cái bất lực của loài cát bụi"

Hóa ra ông nói lên nỗi đau, bất lực không của riêng ông. Đó là nỗi đau của số phận con người! Nỗi đau của những tâm hồn đẹp, trong sáng, thủy chung và bất lực! Ở đây câu thơ tỏa chất trí tuệ và nhân văn chói sáng.

Nhưng dù cố gắng thế nào thì rồi hiện thực thân phận của ông cũng đọng lại. Đọng lại một ngòi bút Hoàng Đình Quang rất khái quát và cũng rất cụ thể.

              “Sau cơn mưa chiều ta biết phải về đâu?

               Múc nước, nước trôi

               Cắm sào, sào đã bẻ

               Không giữ được em

               Thôi đành như thế

               Ta hỏi cơn mưa chỉ thấy những mịt mù"

                           (Đối thoại cơn mưa chiều)

Có những câu thơ đứt ruột của người cha sau những bữa cơm...

            “Lỡ tay mặn muối con ơi

             Trách chi cái vụng của người làm cha"

                           (Thơ cho con)

2. "Thơ mười năm” mở ra một không gian, thời gian rộng lớn qua những sự việc, sự vật tưởng như nhỏ bé. Đúng là giọt nước chứa đựng bầu trời.

              “Cây lúa nén mình qua mùa sinh nở

               Hạt thóc mang về chỉ toàn vị mồ hôi"

Câu thơ đầy trân trọng nhưng cũng đầy day dứt, yêu thương!

Nói với tri kỉ, hồng nhan - với khoảng mờ nhòe của đắm say và dự cảm chia ly, có gì hay hơn

              “Trước ta ai nhắp môi rồi

               Sau ta liệu có còn người nhắp chung"

                          (Uống rượu hai người)

Và chất thơ là ở đó, ở cái chông chênh của đắm say đoàn viên và chia ly! Của dang dở! Của đắng cay!

Có câu thơ nào hay như thế này không       

“Một tình, một bạn, một tôi"

 Một đầy, một cạn, một vơi

 Một người uống để ba người cùng say"

                      (Uống rượu ba người)

"Thơ mười năm” có một cái nhìn cuộc đời, thân phận người dân khái quát và sinh động

             “Sử xanh còn đến hôm nay

             Vua đi cày để dân cày làm dân”

Cô đọng, thâm thúy, yêu thương day dứt đến thế là cùng! Và tôi còn thấy cả cái nụ cười nhếch mép chua chát trào lộng của ông!

"Thơ mười năm” còn là tiếng đồng vọng về những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn", những năm tháng không thể nào quên của tình yêu Tổ quốc, quê hương, đồng đội và những người dân trên bước đường hành quân chiến đấu.

Ông có mặt ở cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn ác liệt nhất. Tôi cũng là người lính nhưng thế hệ sau ông trong những năm tháng chiến đấu chống quân xâm lược ở hai đầu đất nước nên rất đồng cảm, thấu hiểu nỗi lòng của ông. Tôi kính phục, trân trọng những gì ông đã gửi gắm vào thơ

            “Những nén hương không chịu cháy bình thường

            Chỉ muốn rực lên thành ngọn lửa

            Như ngày nào ánh sáng ở tiền phương”

                                (Mẹ Trường Sơn)

Đúng là ngọn lửa, là ánh sáng lương tri rọi sáng đến hôm nay và mai sau! Ông hy vọng, tôi cũng vậy! Và có lẽ không ít người cũng vậy!

Tôi muốn kết lại cảm nhận của mình khi đọc “Thơ mười năm” với hai câu thơ của ông mà ai viết nên được như vậy trong đời cầm bút cũng rất đáng tự

 hào:

          “Sau vũ hội mọi nhân tình đi hết

           Mảnh kim tuyến cuối cùng cũng theo gió bay đi”

                           (Bài ca lưu ly)

Đây đâu chỉ là tiếng thở dài, thất vọng! Trong đó còn là một cầu mong, hy vọng! Mảnh kim tuyến bay đi nhưng để lại, đóng đinh trong chúng ta một nỗi day dứt và cũng dự cảm một điều gì đó mới mẻ đang hình thành để mảnh kim tuyến ấy, mùa lễ hội ấy không bay theo gió.

                        TPHCM, ngày 13/3/2024.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm