TIN TỨC
  • Truyện
  • Bà Thoảng | Nguyễn Thu Hằng

Bà Thoảng | Nguyễn Thu Hằng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
976 lượt xem

 CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN THU HẰNG

Bà Thoảng đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn, chỉ có lúc nhớ, lúc quên. Tuổi như bà trong làng xóm không còn được mấy cụ. Làng quê bây giờ nhà nào cũng tường cao, cổng kín, đường làng trải nhựa, bê tông không còn khóm chuối, bờ tre để các cụ ra ngồi chơi, hóng mát câu chuyện câu trò như trước đây. Con cháu bà Thoảng đi làm, đi học từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến tối, chúng có ở nhà, hay cuối tuần nghỉ con cháu tập trung gọi là về thăm bà nhưng thực ra chỉ ào ào chào hỏi, đứa đi làm có tiền thì dúi cho bà mấy đồng “bà ăn quà”, rồi lại bận selfie, chit-chat, karaoke, hay ăn uống. Vậy nên bà Thoảng chỉ một mình, quanh quẩn hiên nhà. May có chị Mến, cháu dâu bà ở sát bên, sáng bán hàng ở chợ, chiều ở nhà gói, sắp hàng nên bà có chỗ qua chơi, chuyện trò. Chị Mến tính xởi lởi, dễ gần. Đi chợ thỉnh thoảng chị hay mua phần bà cô đĩa bánh đúc, hay bánh tráng. Có bà Thoảng chuyện trò, sắp hàng cùng chị cũng vui. Bà Thoảng nhớ nhớ, quên quên nhưng những chuyện từ ngày xửa ngày xưa sao bà nhớ thế, bà kể mãi như không bao giờ hết, tuy có lộn xộn về thời điểm. Người già thường hay hoài niệm. Những chuyện từ thời chăn trâu, cắt cỏ, mò cua bắt ốc; chuyện dân làng anh dũng phá càn đánh giặc; chuyện làng quê nghèo khó nhưng tình làng nghĩa xóm, họ hàng gần gũi, đùm bọc… Những kỷ niệm xưa tràn về trong ký ức cứ tuôn ra trong câu chuyện rôm rả của bà. Chị Mến đón nghe hào hứng, bà cô tuy già nhưng vẫn giữ được khiếu nói chuyện dí dỏm, bà xưng với cô cháu dâu là “tớ”, với “mình” rất thân thiện. Thỉnh thoảng chị Mến lại góp câu tán thưởng, hay lời trêu đùa khiến hai bà con cười nghiêng ngả. Trong câu chuyện bà kể luôn gợi nhắc những kỷ niệm gắn bó giữa bà với gia đình chị Mến. Những kỷ niệm như đã in sâu vào tiềm thức của bà.

Bà Thoảng với bố chồng chị Mến là con cô con cậu ruột. Ngày trước, nhà bà nghèo khó, cha mất sớm, anh chị lớn bà phải đi ở đợ. Bà là con út, được cậu (là cụ cố của anh Hào, chồng chị) nuôi nấng và coi như con ruột. Lớn lên bà được gả cho nhà chồng ngay trong làng lại gần nhà cậu, vậy nên tình cảm càng gắn bó thân thiết. Nhà có việc lớn việc nhỏ bà đều qua lại trông nom. Ngày chồng chị, anh Hào còn nhỏ bà thường sang bế ẵm đỡ em dâu. Bà đầy ắp những câu chuyện tuổi thơ của anh Hào như thể bà là một người mẹ, hai đứa trẻ nhà anh chị rất thích thú nghe bà kể, chúng thường hay nũng nịu “Bà kể chuyện về bố Hào cho cháu nghe đi”. Bọn trẻ quý bà, chị Mến cũng quý mến bà cô. Còn chồng chị thì luôn dành cho bà sự quý trọng đặc biệt, nhất là kể từ ngày bố mẹ anh không may đổ bệnh đi cùng một năm, có bà cô qua lại anh cũng thấy đỡ tủi. Con cháu bà cũng hiểu mối thân tình giữa bà và gia đình anh Hào nên luôn gìn giữ mối quan hệ thân thiết. Chỉ có cô con dâu út ở với bà, chị Ngà, thỉnh thoảng buông lời như tị nạnh “Bà thì cứ ăn cây táo, rào cây sung”, “Mai kia cụ mất cho sang bên anh Hào cúng”…

Những câu chuyện ngày xưa bà muốn kể mãi như để con cháu lưu giữ cho mình. Thỉnh thoảng, đang say sưa chuyện trò bà Thoảng chợt dừng lại buông lời thắc mắc, nghe đến ngộ:

- Tớ năm nay bao nhiêu tuổi mình nhỉ?

Chị Mến cười, trêu bà:

- Cụ mới mười tám, đôi mươi!

- Mười tám, thảo nào tớ còn chưa có người rước đi - Bà cười sằng sặc.

- Chúng nó bảo Tết tới mừng thọ tớ.

- Con cháu bà thật có phúc, bà sắp thượng thọ 90 rồi đấy.

- Chín mươi cơ, sống dai thế, có mà chúng mình sợ tớ ăn hết lộc của con cháu! Mà anh chị em tớ còn ai đâu, mình tớ buồn lắm.

- Bà nói thế! Con đàn cháu đống như vậy sao bà một mình chứ. Bà còn khỏe, phải sống hơn trăm tuổi, cháu còn có người sắp hàng chứ.

- Tớ có mà sắp ăn, chỉ tốn tiền hàng của mình!

Dạo gần đây bà hay nhắc đến chuyện cô con gái lấy chồng mãi Quy Nhơn hẹn năm nay về ăn Tết. Có khi đang dở câu chuyện như nhớ ra bà lại hỏi:

- Hôm nay bao nhiêu mình nhỉ?

- Hăm hai tháng chạp, mai là ngày cúng ông Táo, sắp Tết rồi bà ạ.

- Hăm lăm nhà con Thương về đấy - Bà Thoảng giọng hồ hởi.

- Vâng, biết tin cô Thương về thằng Tôm cái Bống cứ ngấp nghển quà miền Nam. Cô Thương dễ ba, bốn năm chưa về bà nhỉ?

- Phải đến vài chục năm chẳng nhòm thấy mặt mũi nó - Bà kéo dài giọng buồn trách móc.

- Gớm, bà nhớ con gái, mới có mấy năm bà đã bảo vài chục năm. Cô ấy bận trông cháu, hết cháu nội lại cháu ngoại. Tết này cả cháu, chắt về chơi cụ tha hồ vui!

Bà Thoảng cười mãn nguyện, nhưng khóe mắt rưng rưng. Chị Mến thấy chạnh lòng, nghĩ phận mình cũng lấy chồng xa, chắc bu nhớ mong mình lắm.

*

Sáng mùng 1 Tết, mưa lất phất hòa vào làn gió se lạnh giăng mắc khắp không gian, tạo nên một khung cảnh mênh mang, huyền ảo. Một buổi sáng thanh bình, yên tĩnh lạ, khác hẳn những buổi sáng thường nhật, làng quê như còn chưa thức giấc. Như thường lệ, chị Mến vẫn dậy sớm, dù hôm nay không phải chợ búa gì. Vì buổi sáng nay là một buổi sáng đặc biệt trong năm, sáng đầu năm mới.

Chị xăm xắn chuẩn bị mâm cơm cúng. Ngày Tết, mâm cơm cúng đầu năm là điều chị chú tâm lắm. Chị đã chuẩn bị một mâm cỗ đầy đặn, bài trí đẹp mắt, trang nghiêm. Mâm cỗ mặn có một con gà trống da vàng mỡ, đĩa xôi gấc đỏ, bánh chưng, bát canh nấu miến, đĩa giò, chả, 3 bát chè gạo nếp, 3 bát cơm tẻ… Một mâm ngũ quả, hương hoa, tiền vàng… Việc thờ cúng, lễ nghi những ngày rằm, mồng 1, Tết tư… bao giờ chị cũng chỉn chu, anh Hào chồng chị rất yên tâm, bố mẹ chỉ có mình anh là trai. Chị vốn được khen là nàng dâu hiếu nghĩa. Cũng còn bởi một phần vì cái nghề buôn bán của chị. Chị vẫn tâm niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Không chỉ cẩn thận trong việc cúng bái, chị còn rất kỹ lưỡng trong việc tìm người “xông” nhà đầu năm mới. Trước đó chị đã thăm tìm người hợp tuổi, hợp mệnh...

Chị quỳ gối trước ban thờ khói hương nồng đượm, lầm rầm cúng khấn. Xong, chị chuẩn bị một xoong nước nấu với cây mùi già để cả nhà rửa mặt, mùi hương ấm áp dễ chịu tỏa khắp nhà. Sực nhớ ra việc hệ trọng, chị Mến vội vã ra mở cổng chuẩn bị đón người xông nhà. Ba bố con anh Hào đã dậy. Thằng Tôm, cái Bống theo bố đứng trước ban thờ chắp tay kính cẩn khấn vái. Chợt chị Mến nhận ra qua song chắn tường bao bóng dáng bà cụ Thoảng đội nón đi qua. Chị chột dạ, sao hôm nay bà cụ sang chúc Tết sớm thế, cụ lại lẫn rồi? Không được, chưa có người xông nhà. Chị thoăn thoắt đi ra khóa cổng rồi nem nép quan sát, khi thấy bà cụ trở về chị mới mở lại cổng. Một làn gió lạnh mang theo những hạt mưa lâm thâm choàng lên người khiến chị rùng mình. Lòng chị thoáng chút áy náy khi nghĩ đến bà cụ Thoảng lọ mọ đội mưa rét sang nhà mình.

Trời về trưa trong trẻo, ấm áp, chỉ còn những hạt nước long lanh như viên ngọc đọng lại trên chồi non, lộc biếc. Đường làng nhộn nhịp người người qua lại, rộn ràng lời chúc nhau năm mới, trẻ em áo quần xúng xính, hân hoan trên tay những bao lì xì đỏ. Cả nhà chị Mến đang quây quần bên bàn ăn. Như nhớ ra, anh Hào thắc mắc:

- Sao hôm nay chưa thấy bà sang nhỉ? - Như thường lệ, từ sau ngày bố mẹ anh Hào mất, Tết năm nào, gần trưa mùng 1, bà Thoảng đều sang thắp hương, chúc Tết, mừng tuổi hai cháu.

Chị Mến lảng nhìn ra ngoài hiên, giấu đi ánh mắt bối rối.

- Chắc năm nay nhà có cô Thương về bà còn bận cháu chắt. Để chiều nhà mình sang chúc Tết.

Hai đứa trẻ xôn xao:

- Con có lì xì mừng tuổi bà.

Trong bầu không khí trong lành bỗng phảng phất mùi hương bồ kết khiến chị Mến rùng mình “Mồng 1, nhà ai đã có người mất sao?”. Có tiếng thút thít, sụt sịt vọng sang từ bên nhà bà cô. Chị Mến tái lòng, bủn rủn “Không lẽ bà Thoảng đi? Sao có thể thế được, khi sáng…”.

Nước mắt chị cứ tuôn ra không sao ngăn được, bà Thoảng nằm đó thanh thản, nhẹ nhàng. Chị Ngà, con dâu bà ngồi bên giãi bày:

- Bà khó ở từ trưa hăm bảy, bà kêu mệt, nhưng cũng chưa bỏ bữa nào. Chỉ từ chiều 30, con cháu tập trung tất niên nhưng bà không dậy được, chỉ ăn chút cháo loãng cô Thương bón cho. Nghĩ bà cảm qua loa như mọi lần, ai ngờ bà đi nhanh quá. Lại đi đúng mùng 1.

- Sinh có hạn, tử bất kỳ. Tuổi cụ cũng cao, người già như lá úa trên cây. Cụ cũng đã được gặp con cháu đông đủ nên cụ cũng mãn nguyện rồi. Cụ sống thương con cháu, khi chết vẫn thương con cháu mà ra đi nhẹ nhàng - Có người an ủi.

Chị Ngà đổi giọng vẻ ngạc nhiên:

- Như có điềm gở ấy, sáng nay tôi với cô Thương mải chuẩn bị mâm cúng không để ý, thấy anh Thượng kêu không thấy bà trong phòng. Mọi người quáng quàng tìm trong nhà, ngoài vườn, sợ bà ra ngoài không may ngã. Đang hốt hoảng cả lên thì bà từ đâu đội mưa rét về, hỏi bà không nói chỉ nhìn lơ mơ. Có lẽ bà bị mê sảng, từ khi đó cứ nằm lịm đi.

Chị Ngà như nhớ ra điều gì vội đứng lên đi vào nhà rồi lại hớt hải đi ra.

- Suýt tôi quên. Có lúc bà tỉnh, móc trong túi đưa cho tôi hai bao lì xì, môi mấp máy như bảo tên thằng Tôm, tôi hỏi “Mừng tuổi thằng Tôm, con Bống hả?”, bà gật gật đầu. Sắp chết cụ vẫn nhớ đến nhà cậu mợ đấy!

Chị Mến cầm bao lì xì nức nở không nói nên lời. Trong dòng nước mắt xót thương chân thành, ai đâu biết có cả nỗi tiếc nuối, ăn năn của chị!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm