- Tin tức - Hoạt động Hội
- Để văn nghệ sĩ phát huy vai trò trong xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh
Để văn nghệ sĩ phát huy vai trò trong xây dựng Không gian văn hoá Hồ Chí Minh
Theo nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý... là yếu tố quan trọng để văn nghệ sĩ phát huy được vai trò trong xây dựng 'Không gian văn hoá Hồ Chí Minh'
Sáng 5-6, Sở VH&TT TP.HCM tổ chức Hội nghi sơ kết 1 năm triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh trên lĩnh vực Văn hoá và Thể thao tại Nhà hát Thành phố (quận 1).
NSND Minh Vương cùng bạn diễn trong tiết mục mở màn.
Tại hội nghị, nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã khẳng định vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh.
Theo ông Tấn, đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố là một bộ phận của đội ngũ trí thức, được xác định là lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa dân tộc nói chung, thể hiện được đường lối, chính sách của Đảng qua VHNT, luôn đồng hành, cổ vũ, động viên nhân dân lao động, sáng tạo,…
Ông Tấn chỉ ra ngoài việc rèn luyện để phát huy tài năng của mình thì văn nghệ sĩ cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, gắn bó sâu sắc với đời sống, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị bồi đắp, phụng sự cho sự nghiệp xây dựng thành phố, phục vụ nhân dân và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần ngày càng cao của công chúng.
“Mỗi văn nghệ sĩ phải ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm lớn lao của mình, không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi và nâng cao nhận thức, hiểu biết, bản lĩnh văn hóa, chính trị, vốn sống, vốn hiểu biết để sáng tạo nên những tác phẩm trong xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Như vậy, đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ bên cạnh tài năng, năng khiếu, phải vươn lên vừa có tâm, có tầm và là những công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm, bổn phận đối với dân tộc, nhân dân, đất nước và với TP.HCM” – ông Tấn cho hay.
Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị
Ông Tấn cũng cho rằng để văn nghệ sĩ thực sự phát huy được hết tài năng trí tuệ… đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học, nghệ thuật thành phố một cách thiết thực, hiệu quả thì luôn luôn cần đến sự nỗ lực, quan tâm của toàn xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, trực tiếp của Thành ủy, sự quan tâm của các cấp chính quyền Thành phố…
"Với công chúng, các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý về văn hóa và văn học nghệ thuật cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật, định hướng thị hiếu, thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng.
Đối với các nhà quản lý, lãnh đạo, tham mưu văn hóa, văn nghệ cần nâng cao năng lực, hiểu biết về lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế này. Các nhà quản lý phải là những “người bạn" đồng hành, chân tình, thấu hiểu và chia sẻ với văn nghệ sĩ trong các hoạt động sáng tạo.
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố (Hội VHNT TP) và các Hội VHNT chuyên ngành cần phải luôn quan tâm xây dựng tổ chức Liên hiệp và các Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, gắn bó và có trách nhiệm với hội viên, với Thành phố, với nhân dân và đất nước...
Cuối cùng, công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT cũng cần được quan tâm chú trọng để kịp thời phát hiện những cái hay, cái đẹp,... trong mỗi tác phẩm VHNT, phê bình, góp ý sự phiến diện thậm chí sai lệch về quan điểm, tư tưởng của tác phẩm. Đây là chất "xúc tác" để VHNT phát triển đúng hướng, đạt tới những tầm cao" – ông Tấn bày tỏ.
'Con người là yếu tố hàng đầu được chú trọng'
Chia sẻ thêm với PLO về kế hoạch trong tương lai, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc sở VH&TT TP.HCM cho biết tất cả đang tập trung phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở góc độ vật thể.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
"Yếu tố phi vật thể là yếu tố hết sức quan trọng như tôi nói chính là hệ giá trị chuẩn mực về mặt văn hóa của người dân thành phố, do vậy trong thời gian tới chúng tôi tập trung vào một số vấn đề trọng tâm.
Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng con người. Đây là tâm nguyện và mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Làm sao cho chúng ta có những con người vừa hồng vừa chuyên xây dựng đất nước bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, nhưng đồng thời cũng phải làm sao cho đất nước, thành phố của chúng ta càng giàu mạnh hơn.
Chính vì vậy, chúng tôi sẽ góp phần hỗ trợ cho mỗi cơ quan đơn vị địa phương đến để cùng nhau chia sẻ những tư liệu, hình ảnh quý về Bác mà hiện nay Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố của chúng ta đang lưu trữ.
Và chúng tôi cũng đã liên kết với bảo tàng Hồ Chí Minh cùng hệ thống 14 đơn vị hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước. Và sẽ có những hành trình theo chân bác trong quá trình Bác đi từ Nghệ An- Huế- Phan Thiết- Sài Gòn- Cao Bằng- Hà Nội.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những hoạt động để phát triển cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế văn hoá của thành phố.
Ở đây, chúng tôi mong muốn làm sao góp phần cho người dân thành phố có những hoạt động mà ở đó các nhà văn hóa, khu thể thao phải thực sự xứng tầm và đáp ứng được mong mỏi của người dân thành phố.
Tiếp tục làm sao đưa các chương trình này một cách sâu rộng đến với từng nhóm công tác, địa bàn dân cư phù hợp…" - ông Thuận cho biết.