TIN TỨC
  • Truyện
  • Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Hai người mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-09-14 05:34:44
mail facebook google pos stwis
2429 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Lúc mới nhìn thấy xác thằng Mỹ chết, đầu gối lên mộ anh Hai, bà Bảy thấy hả hê trong lòng. Nếu mày biết xác thằng Hai con tao, bị chúng mày buộc vào xe lội nước kéo cho tới lúc vướng vào gốc cây, xé làm đôi vẫn chưa chịu buông tha, chỉ vì nó không chịu buông súng đầu hàng chúng mày. Nằm đó mà chờ đồng bọn của mày đem túi nhựa đến bọc xác mang về Sài Gòn, phủ cờ Huê Kỳ đưa về Mỹ. Coi chừng, cờ tụi bây không đủ để gói xác tụi bay nếu không cút về nước cho sớm.

Bà Bảy quay lưng ra về. Được chục bước chân, bà đứng lại. Bà có cảm giác đôi mắt xanh của thằng Mỹ dại đi vì đau đớn vẫn cố nhìn theo bà cầu cứu, van xin. Cúi xuống, bà vuốt mắt cho nó. Cặp mắt lạnh ngắt, cứng đờ của thằng Mỹ nhận được hơi ấm từ bàn tay bà, mi mắt mềm ra, cụp xuống. Giờ thì thằng Mỹ trắng vĩnh viễn đi vào giấc ngủ ngàn thu. Chết còng queo, đau đớn như vậy khó coi lắm. Tiện tay bà sửa lại thế nằm cho nó cho ngay ngắn hơn. Bà kéo bàn tay phải của nó ra khỏi túi áo ngực. Theo bàn tay, tấm ảnh đen trắng cùng phong thư rơi ra. Bà Bảy nhặt lên xem. Trong ảnh, người phụ nữ đứng tuổi có vẻ mặt đăm chiêu, mái tóc sáng màu, đôi mắt xám đầy vẻ lo lắng đang nhìn lại bà. À, ra vậy: Trước lúc chết mày còn nhớ đến má của mày. Sao chúng mày không nhớ đến má của những đứa trẻ khi chúng mày trút bom, trút đạn lên chúng. Bà cau mặt nhét trả lá thư và tấm ảnh vào túi áo tên lính Mỹ rồi quày quả bước đi.

Đêm buông, pháo bắn gần, tiếng nổ nghe rất âm. Bà Bảy ôm thằng Út vào lòng, nhớ tới tấm ảnh hồi chiều. Giờ này, má nó nóng ruột lắm đây. Bà đâu biết được xác con mình đang nằm mãi tận mảnh đất xa xôi này, lạnh lẽo, không một ánh đèn, không một người ngồi bên… Đáng kiếp lính xâm lược, chỉ tội cho má nó thôi. Có lẽ nó bị đụng trận hồi sáng ở ấp bên với du kích. Không hiểu làm sao, với cái bụng thủng như vậy mà nó chạy lạc đến tận đây, tìm đến đúng chỗ mộ thằng Hai mà chết. Thôi, nằm đó đi, ngày mai tụi nó kiếm, đem về.

Sáng sớm, trên đường ra ruộng, bà Bảy ghé mộ anh Hai. Pháo phạt bụi tre bùng nhùng, tơi tả. Một quả nổ gần mộ anh Hai, tiện mất đôi chân thằng Mỹ và xoay thân nó thành nằm nghiêng. Nhờ nấm mộ che chắn, khuôn mặt nó vẫn còn nguyên vẹn. Mày chết hai lần, mà lần này là do chính đồng bọn của mày giết mày đó. Bà Bảy cúi xuống, lật hắn lại, lấy chiếc nón che cho ánh nắng sớm khỏi chiếu vào mặt nó. Không biết đến bao giờ thì tụi nó mới lần ra dấu mày chạy lạc để đến đây đem xác mày về.

Buổi chiều, bà Bảy lại ra đồng. Đi ngang cái xác đã đen lại dưới nắng, bà thấy mủi lòng. Vậy là chúng nó bỏ mày luôn rồi đó. Thôi thì chết đâu chôn đó. Ở đất nước này, đâu cũng vậy thôi; người chết không thân nhân đến nhận thì dân ở đó chôn, hương khói như người quá cố sống ở đó. Tao thay má của mày chôn mày vậy.

Bà Bảy về nhà, lẳng lặng gom hai tấm vải nhựa cũ, mấy sợi dây và cái cuốc. Mình bà loay hoay bó cái xác, đào hố chôn cạnh bụi tre, cách mộ ông Bảy và anh Hai chục bước chân. Bà không nói cho ai biết. Nói làm gì, nó là thằng lính Mỹ, nhưng đã chết rồi, cũng là cái xác của một con người. Một cái xác người trên đất của bà, bà cho miếng đất để chôn. Đó là lẽ đương nhiên. Có điều nó là tên lính xâm lược, không thể sống gửi nạc, thác gửi xương ở đây được nên bà chôn tạm. Bà bó xác vào vải nhựa không phải là theo cái cách chôn cất của lính Mỹ mà để sau này dễ bề đem về bên Mỹ.

Đã chôn là có mả. Dù nhỏ, dù không được cây nhang cắm chân thì cũng là mộ. Đất cát pha qua vài mùa mưa, nấm mộ thấp tè xuống, cỏ mọc tràn lên. Phải mất mấy năm sau, một lần lưỡng lự, bà bớt cho nó một cây nhang. Bà lầm rầm: “Xuống dưới đó, biết tội của mày rồi thì ráng ăn năn, ráng phù hộ cho quân giải phóng đánh giỏi, thắng lớn. Có vậy mới mau hòa bình, đặng tao mới gởi được mầy về bển với má mày, với bà con họ hàng của mày”. Đối với bà Bảy, không chỉ những người sống ra trận mà hồn thiêng các liệt sĩ, những người đã khuất vì bom đạn Mỹ và hồn thiêng cha ông đều cùng ra trận, chở che cho đàng mình, dẫn lũ giặc vào nơi đền tội. Lúc sống làm việc tội lỗi, chết rồi sẽ phải ăn năn tìm cách chuộc tội thì mới coi là linh hồn con người được. Bà cắm nhang. Khói từ cây nhang cháy đỏ trên mộ anh Hai, nhưng chưa đến nơi, cơn gió thoảng đẩy nó bay tạt đi, mất hút vào không trung. Bà Bảy đứng nhìn, lắc đầu, lặng lẽ trở về nhà.

*

Sau năm 1973, khi Mỹ rút hết quân về nước, trong đám giỗ anh Hai, bà Bảy có khấn thêm bảo anh Hai mời thằng Mỹ. Sợ con mình chạnh lòng, bà phân trần thêm: “Đồng bọn của nó đứa còn sống cũng đã về đến xứ, sum họp gia đình, đứa chết trận cũng được chôn cất nơi quê nhà. Một mình nó ở lại đây, côi cút lắm. Má nó ở tận bển, làm sao biết nó còn hay mất đặng cầu nguyện cho nó đỡ lạnh lùng”.

Trong niềm vui miền Nam hoàn toàn giải phóng, má Bảy còn có niềm vui nữa: gặp lại anh Ba, con của má. Anh Ba là bộ đội chủ lực miền được cử ra miền Bắc học thành kỹ sư, cán bộ, giờ được tăng cường về lại Sài Gòn. Đã mấy năm trời má bặt tin, ngày đêm lo cho con. Giờ con của má trở về lành lặn, lại được bà con miền Bắc cưu mang, lo cho học hành đến nơi, đến chốn, còn gì vui hơn.

Niềm vui chưa trọn, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Anh Út tình nguyện nhập ngũ, cầm súng bảo vệ biên cương tổ quốc. Tuy hàng tháng nó có gởi thơ về, nhưng nó là con út. Má làm sao yên lòng được khi nó ở xa má.

Lo lắng, rồi má tự an ủi mình cho dịu bớt nỗi lo. Má tự nhủ: những người mẹ nơi con mình đóng quân sẽ cưu mang nó như má và những người mẹ khác từng cưu mang những người con từ khắp mọi miền đất nước chiến đấu vì đất nước mình. Không những tự nhủ, tự an ủi mà thực sự má Bảy tin như vậy. Không có thành lũy nào đầy yêu thương, tin cậy và vững chắc bằng tấm lòng người mẹ.

Chiến tranh đã đi qua mảnh đất này từ lâu, má Bảy nào có bớt được gánh nặng lo toan. Ngoài công việc đồng áng, việc nhà, má còn lo thăm hỏi, giúp đỡ các má có con là liệt sĩ khi ốm đau, lúc khó khăn. Cùng các má động viên sắp nhỏ có lệnh nhập ngũ. Công việc của Hội Mẹ chiến sĩ. Rồi lo chắt bóp có tiền giúp gia đình anh Ba, gom đủ tiền xây dựng nhà chờ anh Út ra quân…

Mộ ông Bảy, mộ anh Hai được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện. Còn trơ lại mộ thằng Mỹ trắng càng thấp hơn, cỏ mọc xanh rờn như muốn xóa sạch dấu vết.

Ngày tảo mộ, sau khi ra nghĩa trang liệt sĩ thắp nhang, lo cho phần mộ ông Bảy, anh Hai, má bớt chút thời gian làm ruộng để giãy mả và thắp nén nhang cho thằng Mỹ. Anh Ba biết chuyện, hỏi, má thủng thẳng:

Mộ thằng Mỹ. Nó chết tại đây. Má không biết gia đình nó ở đâu. Con nghĩ coi có cách chi nhắn họ đến đem nó về.

Sực nhớ, má lục hòm cũ lấy ra bức ảnh và phong thư má đã cất giùm thằng Mỹ hơn hai chục năm. Tấm ảnh ngả màu vàng úa. Phong thư bị gián gặm mất rìa, coi giống tập giấy vụn. Anh Ba liếc qua, không đọc được.

Anh mang hết về Sài Gòn. Tuần sau anh về, nói với má đại để: Người lính Mỹ đó tên là Michel Browning. Lá thơ là của bà Katherine Browning gửi cho con. Má Bảy sốt ruột ngắt lời con:

Đừng đem mấy chữ rách đó ra dọa má. Gọi là thằng “Mai-cơn”, bà “Mai-cơn” là được rồi. Nói tiếp cho má nghe coi.

Dạ, trong thơ bà “Mai-cơn” nói bà rất lo lắng, đêm ngày cầu Chúa phù hộ cho con bà được bình an. Bà chỉ mong đến ngày con bà mãn hạn quân dịch để trở về quê hương. Chiến tranh do chính người Mỹ gây ra ở Việt Nam. Đừng để thanh niên Mỹ hiểu lầm, sang Việt Nam gieo rắc chết chóc cho người dân bản xứ vô tội và cho cả chính mình…

Má biết rồi - Má Bảy nói như là chuyện này má đã biết từ lâu - Hơn hai chục năm bả đứt ruột chờ con! - Má chép miệng: - Chết hơn hai chục năm rồi mà chưa có được ngày giỗ, tấm bia…

Anh Ba gạt đi:

Chết là hết. Người Mỹ không giỗ chạp, ma chay như bên ta.

Má Bảy rầy con:

Chính vì tụi lính Mỹ, tụi ác ôn cho rằng chết là hết, không sợ cả sự trừng phạt. Phải chi tụi nó lỡ tới đây rồi, biết nhập gia tùy tục, lo chuyện mần ăn với người Việt thì đâu đến nỗi... Mà thôi, người đã mất, đừng nhắc chuyện không phải của họ.

Má Bảy ra nghĩa trang tìm mộ Năm Thanh. Năm Thanh hy sinh trong trận càn hôm đó. Ngày năm Thanh hy sinh cũng là ngày “Mai-cơn” chết. Người sống có nhà cửa, chết đi có mộ, bia. Má biểu anh Ba làm cho Michael cái bia và dặn khắc thêm: sanh ở Hoa Kỳ, mất tại Việt Nam ngày… tháng… năm… Có bia rồi má đem đặt vào cuối mộ, nơi có mấy nhánh tre vươn ra. Đám giỗ của Michael cũng có mâm cơm, nén nhang nhưng khác với đám giỗ ông Bảy, anh Hai, không rình rang, không có nước mắt, không có ai đến dự, thậm chí không ai biết ngoài má Bảy.

*

Cả ấp, cả xã xôn xao về việc có một bà đầm cùng với anh phiên dịch cũng là tài xế đến thăm nhà má Bảy. Hai bà già, một to, cao mập ú; một thấp bé, gầy yếu, chỉ giống nhau mái đầu bạc trắng ngồi chuyện trò với nhau cả tiếng. Đám nít nhỏ tò mò thấy rõ ràng má Bảy đưa bà đầm, anh phiên dịch ra góc ruộng nơi có lũy tre nhà má Bảy. Má Bảy thắp nhang, còn bà đầm làm dấu thánh, cầu nguyện. Bà đầm khóc. Nước mắt dễ lây, má Bảy cũng sụt sịt. Khói nhang mỏng mảnh bay lên, do dự lượn quanh rồi chia làm hai nửa rụt rè ôm gọn hai mái đầu bạc trắng. Hình như bà đầm vịn vào vai má Bảy và má Bảy đưa tay dìu bà đầm vào nhà.

Đầu giờ chiều, họ cùng ra ủy ban xã. Má Bảy nói vắn tắt bà “Mai-cơn” muốn đóng góp chục ngàn đô (USD) để xây thêm phòng và mua sắm thiết bị cho trạm xá xã. Đồng chí chủ tịch xã bối rối, sợ có điều không minh bạch, mới hỏi nhỏ anh phiên dịch. Anh này nói đó là số tiền mà bà Browning biếu má Bảy nhưng má không nhận. Sau khi bàn bạc kỹ, hai bà thống nhất như vậy. Má Bảy sốt ruột nhắc:

Chuyện không có chi. Nói ra dông dài chỉ mất công. Bay nhận đi cho bả được an ủi phần nào, dưới suối vàng, vong linh con bà cũng được cứu rỗi đôi chút. Bà khổ vì mất con, lại cực lòng do những tội ác lính Mỹ trong đó có con bà gây ra cho Việt Nam.

Chiều đó, má Bảy giữ bằng được bà Browning và anh phiên dịch dùng bữa cơm chiều. Má nói: “Một bữa dù là cơm rau cũng phải ăn cho má không áy náy vì để khách xa hàng chục ngàn cây số đến đây phải nhịn đói ra về…”.

Tiễn bà Browning ra xe, má Bảy hứa trong thời gian chờ Chính phủ Mỹ, được phép của Chính phủ Việt Nam cho đưa hài cốt Michael Browning về Hoa Kỳ, má Bảy sẽ chăm sóc phần mộ của Michael theo phong tục ở đây.

Dùng dằng, bà Browning lấy khăn mùi soa lau nước mắt. Má Bảy rưng rưng. Má cảm thấy như mình quen bà Browning đã lâu, lâu lắm rồi và lần chia tay này cũng là lần cuối. Vĩnh viễn hai người mẹ sẽ không được gặp nhau nữa… Có phải nỗi đau của những người mẹ gặp nhau ở đạo lý, tình người nên có chung tiếng nói. Có phải sự ân cần của má Bảy là vì không muốn làm cực lòng thêm cho người mẹ Mỹ đã trải qua gần một vạn ngày đêm ngóng trông tin tức đứa con mất tích trong chiến tranh Việt Nam và luôn khắc khoải hy vọng nó còn sống, nó trở về. Để rồi đến hôm nay, bà đau đớn biết con mình đã chết, thật sự chết ngay tại cái xứ sở đầy tình người, thiện chí, vị tha và luôn lo ươm mầm cho sự sống của đời sau.

Có phải chính vì vậy mà má Bảy không nói cho bà Browning dù là một chút về chồng của má, về con của má đã chiến đấu anh dũng và hy sinh như thế nào. Và cả cho đến hôm nay má vẫn còn canh cánh trong lòng nỗi lo mình vẫn chưa làm tròn phần việc của chồng con để lại…

Long An, ngày 10-01-1995

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm