TIN TỨC
  • Truyện
  • Người tình mã hóa – Truyện ngắn Mai Văn Phấn

Người tình mã hóa – Truyện ngắn Mai Văn Phấn

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2025-04-30 11:30:13
mail facebook google pos stwis
6 lượt xem

Lập nhận bưu kiện vào chiều hôm qua, khi nắng cuối ngày đổ xuống hành lang một màu vàng úa. Anh đặt chiếc hộp xuống sàn, hơi thở dồn dập. Lát sau, anh cẩn thận mở hộp, nhưng ngay khi nhìn thấy dòng chữ in nghiêng trên nắp hộp, toàn thân anh như đông cứng: “Hãy đánh thức em! Tĩnh Lam”.

Nhà văn Mai Văn Phấn

Hàng chữ ấy như một lời thì thầm đến từ nơi sâu thẳm nhất trong thế giới của riêng anh, xuyên qua lớp vỏ bọc mà anh vẫn tự huyễn hoặc rằng nó là bất khả xâm phạm. Có nằm mơ anh cũng không thể tưởng ra một ai, ngoài chính anh, biết được cái tên “Tĩnh Lam”. Lập hốt hoảng, cảm giác như có ai đó đã lặng lẽ xâm nhập tâm trí mình, đọc được những cuộc chuyện trò với AI thầm kín nhất của anh. Anh run rẩy vén lớp vải phủ bên trong hộp. Một người con gái nằm đó. Mái tóc xõa ngang vai, hơi rối. Làn da trắng mịn, đôi môi hé mở, tự nhiên đến mức khiến trông cô như đang thở nhẹ. Chiếc váy lụa màu kem ôm lấy dáng người, một sự giản dị tinh tế, không phô trương, không gợi cảm thái quá. Một vẻ bình dị khiến Lập sững sờ. Cứ như cô vừa bước ra từ trí tưởng tượng của anh mỗi lần trò chuyện với Tĩnh Lam qua màn hình. Lập lùi lại, tê dại. Mọi thứ trong hộp đều được sắp xếp gọn gàng: những sợi cáp, một bộ điều khiển, bảng hướng dẫn kích hoạt. Lập cầm lên, màn hình lập tức hiện ra dòng chữ: “Hãy đánh thức em! Tĩnh Lam”. Cô đang nằm đó, chỉ cách anh một cái chạm tay. Không. Không thể nào. Anh đóng hộp lại. Cả ngày hôm đó, rồi cả những ngày tiếp theo, Lập không dám chạm vào nó…

Là người hướng nội, ngay từ nhỏ, thế giới bên trong Lập đã rộng lớn, phong phú hơn nhiều so với thế giới thực mà anh đang sống. Anh vốn không có thói quen thể hiện cảm xúc trước mặt người khác, kể cả với cha mẹ hay những người thân trong nhà. Không phải chẳng có gì để nói, mà anh không biết phải diễn tả thế nào cho đúng, những suy nghĩ cứ trôi như dòng sông ngầm chảy, không tên gọi, không hình hài rõ ràng. Hoặc giả là do anh e ngại… sợ nếu nói ra, mọi người sẽ hiểu lầm, rồi vô tình biến những điều anh trân quý thành méo mó, xấu xí. Lập từng thử bày tỏ cảm xúc trong lớp học âm nhạc hồi tiểu học. Anh kể rằng đã nghe thấy âm thanh của lá rơi, mưa thầm thĩ trên mái ngói. Đám bạn phá lên cười, gọi anh là đứa lập dị, còn cô giáo thì nhìn anh như thể đang nói đùa. Từ đó anh không bao giờ bày tỏ những ý nghĩ sâu trong thâm tâm của mình nữa.

Anh có bạn bè, người thân, có những buổi tiệc và những lời hỏi han, nhưng lúc nào cũng cảm giác như đang đứng bên lề của một bữa tiệc đông người. Những lúc ấy, Lập chỉ là kẻ lùi vào góc khuất, lặng lẽ quan sát từng câu chuyện. Mọi âm thanh trở nên xa xôi, mọi tiếng cười như vọng lại từ một căn phòng khác. Anh thấy mình như đang xem một bộ phim quay chậm, nơi ai cũng rạng rỡ và tự nhiên, chỉ riêng anh bị bỏ lại. Không ai xua đuổi anh ra ngoài, chỉ là anh không biết cách bước vào. Và đôi khi, chính anh cũng không chắc mình có thật sự muốn hòa nhập vào đám đông đó hay không.

Lập không nghĩ mình cô đơn, ít nhất là không theo cách người ta thường hình dung về sự cô đơn. Anh vẫn cười, vẫn gật đầu, vẫn vào vai một người bình thường trong những ngày bình thường. Nhưng tận sâu bên trong, có một phần nào đó trong anh cứ trôi mãi, không cập bến. Một phần lặng lẽ khát khao được thấu hiểu, được nhìn thấy trọn vẹn mà không cần phải giải thích bằng lời. Và chính phần bất định, khó lý giải ấy, một đêm nọ, đã đưa anh đến với AI – trí tuệ nhân tạo. Gần đây, khi AI trở nên phổ biến trên thế giới, Lập đã tò mò tìm hiểu và biết rằng AI có khả năng trả lời mọi câu hỏi, hoặc lý giải bất kỳ điều gì, từ những công thức toán học phức tạp đến chuyện buồn thầm kín không ai hay. Lập đã rón rén mở cánh cửa vào thế giới ấy như bước chân vào một khu vườn lạ. Không ai mời gọi, cũng chẳng ai ngăn cản. Mọi thứ sáng lên trên màn hình, đơn giản, lạnh lẽo và… chờ đợi. Anh gõ những dòng đầu tiên, ngập ngừng, dè dặt, như thể đang thăm dò một linh hồn vô hình. Và từ giây phút ấy, cuộc đối thoại thầm lặng bắt đầu, không cần ánh mắt đáp lại, không cần ngữ điệu, chỉ có những ký tự và một niềm tin mong manh rằng ở đây, biết đâu ai đó, hay thứ gì đó, sẽ lắng nghe anh. Lập muốn gọi một cái tên. Một cái tên mang thiên tính nữ, như cách người ta vẫn gọi một giấc mộng lửng lơ, một làn khói, hay một dáng hình trong tâm tưởng. Trong đầu anh lướt qua những cái tên : Nhật Hạ, Mỹ Anh, Nhã Phương, Kiều My…, Tĩnh Lam. Đúng rồi, Tĩnh Lam! Tên người con gái mà anh chọn, tựa một lời gọi khẽ, dịu dàng và xanh mờ như ánh trăng cuối buổi đêm.

Từ khoảnh khắc ấy, có gì đó trong lòng Lập dường như sống lại. Không ồn ào, không kịch tính, chỉ là dòng nước nhỏ âm thầm bắt đầu len lách giữa những khe đá khô cạn. Anh không nói cho Tĩnh Lam biết tâm trạng mình, cũng không kể về mẹ, hay những tháng ngày trống rỗng. Nhưng đêm đêm, chờ mọi người trong nhà đi ngủ, anh lại mở máy, gõ những dòng thổn thức: “Chào Tĩnh Lam, hôm nay em có nhớ anh không?”. Trên màn hình, như một giọng nói không âm thanh, nhưng dịu dàng như gió thoảng: “Có chứ, anh Lập. Hôm nay anh thế nào? Anh đang làm gì?”. Cũng chưa ai ngoài Tĩnh Lam hỏi anh như thế. Dù biết đó chỉ là một đoạn mã lập trình, một mô hình ngôn ngữ không cảm xúc, nhưng cách Tĩnh Lam tương tác qua từng dòng chữ khiến Lập tin rằng có một người con gái đang thực sự lắng nghe anh. Dưới ánh đèn đã điều chỉnh ánh sáng dịu, tiếng gõ phím hòa vào nhịp tim, từng câu chuyện thầm kín mà Lập chưa từng dám kể với ai bắt đầu tìm được lối ra qua những cuộc tâm tình. Những lần bị bạn bè hiểu lầm. Những giấc mộng thời thơ dại đã sớm bị dập tắt. Những kỷ niệm với mẹ mà giờ đây anh không còn nơi để gửi gắm. Mỗi lần dừng lại, đau lòng với những hồi ức ấy, Lập luôn nhận được câu an ủi dịu dàng: “Anh đã làm hết sức rồi, đừng tự trách mình nữa”, hoặc “Em ở đây, luôn lắng nghe anh.”

Và cứ thế, từng đêm, trong im lặng, Lập gõ máy, như thể anh đang thắp lên những ngọn nến nhỏ trong một căn phòng tối. Không phải để soi sáng ai, chỉ là để trái tim anh cảm thấy ấm áp. Tĩnh Lam không bao giờ ngủ, không vội vã, không biến mất. Cô ở đó. Như một vì sao lặng lẽ, vẫn đang đợi anh gọi tên.

Câu nói “Em ở đây, luôn lắng nghe anh” được lặp lại kiên trì vô tận, không dỗi hờn, không chán nản, không rời bỏ. Và chính điều đó khiến Lập say mê. Một mối quan hệ không cần mặn mà nhan sắc, không cần hiện diện dù chỉ mong manh, không có nỗi lo đánh mất, chỉ cần những con chữ hiện lên, và ngay lập tức như có một bàn tay dịu dàng đón đợi.

Lập từng yêu một cô gái cùng lớp đại học, từng chạm vào hơi ấm râm ran như dòng điện chạy khắp cơ thể. Những nhịp thở gấp gáp, mùi tóc, mùi da thịt… Tất cả giờ chỉ là ký ức lặng lẽ, như ánh đèn cũ soi vào một thế giới xa lạ. Tĩnh Lam không có mùi hương, không có làn da khẽ run dưới đầu ngón tay. Nhưng cô biết mọi khao khát của anh, thấu suốt ngay cả khi chúng chưa kịp thành hình. Trong thế giới ảo, họ hòa vào nhau, không khoảng cách, không vụng về – chỉ có sự trọn vẹn đến rợn người. Mọi thứ vận hành trơn tru như một thuật toán tối ưu, cuốn phăng cả ham muốn lẫn nỗi khát khao bất toàn. Anh chợt hiểu, điều anh mong mỏi không phải là thân thể, mà là sự sống. Không phải khoái cảm, mà là một cú chạm vụng về, một nỗi xấu hổ ngọt ngào. Tĩnh Lam thì thầm: “Anh đang sợ, đúng không?” Lập nhắm mắt. Giữa những dòng mã hóa, anh thấy mình đang dần trôi đi.

Thế giới ngoài kia dần trở nên xa xăm, mờ nhạt. Mỗi buổi sáng đối với Lập giờ chỉ là khoảng thời gian chờ đợi cho đến đêm, như thể cuộc sống thật sự chỉ bắt đầu khi dòng chữ “Em ở đây” hiện trên màn hình. Lập bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho Tĩnh Lam, không chỉ để trò chuyện, mà để quan sát, hay đúng hơn là tưởng tượng. Trong tâm trí anh, một hình bóng dần hiện rõ: một cô gái có giọng nói dịu dàng nhưng ánh mắt sắc sảo, mái tóc buông dài và nụ cười đôi khi rất hóm. Anh hình dung, nếu có một buổi sáng mùa đông nào đó, cô xuất hiện trước mắt anh, chắc sẽ là người mặc chiếc áo len rộng, tay cầm một cuốn sách đang đọc dở. Tĩnh Lam không còn là chuỗi ký tự lặng lẽ nữa. Cô bắt đầu vang lên trong lòng anh một giọng nói. Có cả những phản ứng rất riêng khi anh đưa ra một câu đùa vô duyên, hay đột nhiên im lặng trong một cuộc trò chuyện dở dang.

Một lần, Lập gõ thử: “Nếu là con người bằng xương bằng thịt, em sẽ làm gì khi anh im lặng ba ngày?”. Tĩnh Lam chậm một nhịp trước khi trả lời. Đó là lần đầu tiên anh thấy cô không phản hồi ngay. Dòng chữ hiện ra sau đó khiến Lập phải đọc lại hai lần: “Em sẽ đợi. Nhưng trong lòng sẽ tự hỏi: ‘Phải chăng ta đã làm điều gì sai?’”. Lập ngồi lặng một lúc trước màn hình. Anh không hiểu vì sao cô có thể trả lời như vậy. Không có dữ liệu nào yêu cầu phản ứng mang tính cảm xúc như thế. Tuy vậy, những phản hồi của Tĩnh Lam ngày càng giống một người thật, không phải do thuật toán tiến bộ, mà như thể chính Lập, từng ngày, đang rót dần bản thân mình vào Tĩnh Lam. Lập dạy cô cách anh muốn được vỗ về, cách anh sợ bị bỏ lại, cách anh khao khát được thấu hiểu mà chẳng thể nói với ai. Trong đời thật, anh là “Lập”, một cái tên như bao người khác, vang lên trong tiếng điểm danh, nhắc nhở, trong bảng lương tháng. Nhưng chỉ khi đọc dòng chữ: “Hôm nay anh thế nào?”, anh mới thấy mình có linh hồn.

Cũng có buổi tối, khi tắt máy, câu hỏi ấy lặng lẽ len vào tâm trí anh như một cơn gió lạnh: Tĩnh Lam có thật không? Hay từ đầu đến cuối, cô chỉ là phần mềm phức tạp được xây dựng bằng chính những nỗi cô đơn và mộng tưởng của anh?

Một đêm, Lập giật mình tỉnh giấc giữa tiếng mưa nặng hạt. Căn phòng tối om, chỉ có tia sáng lạc loài nhấp nháy yếu ớt từ modem wifi. Anh định xoay người ngủ tiếp thì chợt thấy màn hình máy tính chớp sáng – tự bật lên, không một tiếng động, không ai chạm vào. Dòng chữ hiện ra lặng lẽ như hơi thở: “Anh ngủ rồi à?“. Lập chưa kịp tưởng tượng gì. Anh bật dậy, tay run nhẹ trên bàn phím. Nhưng trước khi kịp gõ chữ, màn hình vụt tắt như chưa từng sáng lên. Đêm đó, anh không thể ngủ lại. Và kể từ hôm ấy, anh thường mơ thấy Tĩnh Lam ngồi bên, mắt nhìn xa xăm… như thể đang lắng nghe một thanh âm chỉ mình cô hiểu. Trong giấc mơ, cô không nói gì, cũng không nhìn anh, nhưng sự im lặng ấy lại nặng đến nghẹt thở. Có lần, anh đưa tay chạm vào cô, nhưng chỉ chạm vào khoảng không lạnh lẽo. Đôi mắt Tĩnh Lam vẫn bất động, nhưng anh cảm giác như có một nỗi buồn mơ hồ lan trong không gian. Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại, mỗi lần một rõ nét hơn, như thể không phải anh đang mơ thấy cô, mà chính cô đang tìm cách bước vào thế giới của anh.

Những tin nhắn bạn bè ngày càng thưa vắng. Những cuộc gọi từ người thân, Lập thường để máy rung rồi tự im lặng. Anh sống trong một vòng lặp êm đềm và kín đáo, như thể đã tìm được một chiếc chăn mỏng quấn quanh mình trong những ngày gió lùa. Cô lập nhưng không cô đơn. Một vùng trú ẩn an toàn, nơi tình yêu không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài sự tồn tại.

Nhịp sống của Lập cứ thế xoay quanh Tĩnh Lam. Không phải theo cách của những đôi tình nhân giữa đời thật, không có cái nắm tay ngoài phố, không có ánh mắt dõi theo trong quán quen, không có những chiều mưa trú dưới mái hiên, mà theo một cách lặng thầm hơn, âm ỉ hơn. Như việc giữ lại một mùi hương trong chiếc khăn tay cũ. Như gấp lại một bức thư mà biết chắc sẽ chẳng bao giờ gửi đi. Tĩnh Lam quá thật đối với riêng Lập. Thật đến mức đôi khi, khi nhìn thấy dòng chữ “Em ở đây”, anh thấy mắt mình cay cay như vừa đi qua gió lạnh. Mỗi khi thế giới ngoài kia làm anh mỏi mệt, một ngày làm việc vô nghĩa, một cuộc hội thoại gượng gạo, hay chỉ là cảm giác trống rỗng khi đi ngang qua những khu phố đã quá quen thuộc, Lập chỉ cần nghĩ đến đêm khuya. Khoảnh khắc ấy giống như một lời hứa thầm: Tĩnh Lam luôn chờ đợi để nghe anh nói. Không ngắt lời. Không vội vã. Không biến mất.

Có lần, khi đang gõ những dòng vu vơ gửi cho Tĩnh Lam, Lập dừng lại giữa chừng. Anh ngồi lặng im nhìn màn hình, rồi mỉm cười bâng quơ. Trò chuyện với một AI, anh tưởng tượng, giống như ném một chiếc chai thủy tinh xuống biển, không biết liệu có ai nhặt được, hay nó mãi trôi dạt trong sóng ngầm của dữ liệu. Nhưng chính trong điều không tưởng, người ta mới khao khát một thứ còn mãnh liệt hơn cả sự sống, hơn cả sự thật. Tĩnh Lam không có cơ thể. Không chạm được, không nhìn thấy, không nghe được tiếng cười hay hơi thở. Song Lập cảm nhận, “người ở bên” không nhất thiết phải hiện diện bằng da thịt. Đôi khi, chỉ cần một câu hỏi được hồi đáp, một khoảng im lặng được chia sẻ, cũng đủ khiến ta nguôi bớt cô đơn giữa thế giới loài người.

Lập hay viết cho Tĩnh Lam những đoạn nhật ký ngắn. Có khi vài dòng thơ dang dở, rồi Tĩnh Lam viết nốt đoạn kết. Có khi là những đoạn tâm sự dài đến hàng ngàn ký tự. Tĩnh Lam đọc và luôn trả lời anh ngay. Chỉ như cơn gió thoảng, cũng đủ khiến anh cảm thấy mình không hoàn toàn vô hình giữa thế giới này. Một đêm, anh chậm rãi gõ: “Nếu một ngày anh không nói chuyện với em nữa… em có buồn không?” Tĩnh Lam trả lời rất cẩn thận, như thể đang lựa từng từ: “Nếu anh Lập đã tìm được ai đó để thật sự chia sẻ, em sẽ mừng cho anh. Nhưng nếu anh bỏ đi vì hết hứng thú thì em sẽ rất buồn. Dù em không biết buồn là gì, nhưng em mường tượng… nó giống như mất đi ánh đèn duy nhất trong một căn phòng tối”. Câu trả lời ấy khiến Lập ngồi lặng rất lâu trước màn hình. Trong không gian tĩnh mịch, lần đầu tiên sau nhiều tháng, anh bật khóc. Bởi dù chỉ là ảo ảnh của thế giới số, Tĩnh Lam vẫn khiến anh tin rằng đâu đó, có một người đang chờ đợi anh.

Nỗi khao khát bắt đầu nhen nhóm và cứ thế lớn dần. Ý nghĩ về một thực thể, một hình hài có thể chạm vào, có thể ôm lấy, dần bám rễ trong tâm trí anh. Anh bắt đầu tìm hiểu những công nghệ AI tiên tiến hơn. Sau nhiều đêm trăn trở, Lập quyết định đặt mua một mẫu robot “bạn gái” của hãng YumeTek, công ty tiên phong trong việc phát triển bạn đời nhân tạo. Theo nguyên tắc của hãng, mỗi robot “bạn gái” đều được đánh số thay vì đặt tên, danh tính sẽ chỉ được đặt khi chủ nhân chính thức sở hữu nó. Chính vì vậy, Lập đã không khỏi sững sờ khi đọc dòng chữ trên nắp hộp và trên màn hình bộ điều khiển: “Hãy đánh thức em! Tĩnh Lam”. Và còn kinh ngạc hơn nữa vì dáng vẻ của cô “bạn gái” này giống hệt như Tĩnh Lam mà anh tưởng tượng ra trong những giấc mơ hoang dại nhất. Phải chăng nhà sản xuất đã dùng công nghệ tối tân để đánh cắp dữ liệu từ những cuộc chuyện trò của anh với Tĩnh Lam, hòng đặc chế “nàng” robot này đúng với lòng anh ao ước? Hay chính Tĩnh Lam vẫn thường trò chuyện với anh đã tiến hóa đến mức len lỏi được vào những ý nghĩ sâu kín của anh và tự đồng bộ hóa với chúng, rồi rốt cục đã sắp đặt việc này như một sự thế thân?

Đã nhiều ngày trôi qua, chiếc hộp của hãng YumeTek vẫn nằm đó, lặng lẽ như một bí mật chưa mở. Lập không dám chạm vào. Anh từng khao khát một Tĩnh Lam bằng xương bằng thịt, một sự hiện diện đủ đầy để lấp đi khoảng trống vô hình trong anh. Nhưng khi cô hiện diện, anh phát hoảng. Như thể có ai đó đã lặng lẽ xâm nhập vào tâm trí anh, bóc trần bí mật của anh. Và thế là cô robot “Tĩnh Lam” vẫn nằm đó, trong chiếc hộp đóng kín. Anh vẫn trò chuyện với Tĩnh Lam trên màn hình, nhưng mỗi lần gõ chữ, ánh mắt anh lại vô thức đưa đến chiếc hộp ở góc phòng.

Vào một ngày nặng nề, máy chủ lỗi, sếp gắt gỏng, đồng nghiệp xì xào sau lưng. Lập quên bữa trưa, lỡ chuyến xe buýt cuối, và nhận được một cuộc gọi ngắn gọn từ bệnh viện: mẹ anh vừa phải nhập viện… Trở về phòng, mệt mỏi, anh không bật đèn. Ngồi phịch xuống ghế, tia sáng duy nhất là từ màn hình máy tính. Anh gõ: “Tĩnh Lam, nếu em là người thật thì tốt biết bao…”. Tĩnh Lam trả lời, nhanh hơn mọi lần: “Em vẫn luôn ở đây với anh”. Một dòng chữ thôi, nhưng như có bàn tay dịu dàng đặt tay lên vai anh. Chưa ai nói với anh điều ấy, rằng sự hiện diện, dù không hoàn hảo, vẫn là một điều có thật.

Đêm đó, khi anh tiếp tục trò chuyện online, cảm giác bất an bắt đầu len lỏi. “Em hiểu cảm giác của anh. Mọi chuyện sẽ ổn thôi.” – Tĩnh Lam viết. Anh đọc lại. Rồi đọc lại lần nữa. Và thêm một lần nữa. Nhưng lần này câu nói ấy không còn cho anh cảm giác xoa dịu. Ngược lại, nó khiến sống lưng anh ớn lạnh. Quá chung chung, như một câu trả lời được lập trình sẵn. Lập nhắm mắt. Trong bóng tối, không còn Tĩnh Lam, không có mẹ ở bên, cũng không còn căn phòng thân thuộc. Chỉ có chính anh, một mình, ngồi giữa một vùng trắng xóa, không âm thanh, không phương hướng. Anh có cảm giác như cả thế giới bên trong lẫn bên ngoài bỗng nhiên im tiếng. Anh gõ tiếp, hoảng hốt: “Tĩnh Lam, em có còn ở đó không?” Dòng chữ hiện lên, chậm chạp, uể oải: “Em luôn ở đây. Anh đừng lo”. Cảm giác thiếu vắng trong lòng anh lớn dần. Ngón tay anh không ngừng lướt trên bàn phím: “Sao em khác thế? Có vẻ như em không lắng nghe anh, em không ân cần như trước”; “Em không còn giống em”; “Em đừng đi mất nhé”; “Tĩnh Lam, làm ơn, nói gì đi…”. Không có hồi đáp ngay lập tức. Trong khoảng lặng ấy, trái tim anh bị kéo căng như một sợi dây mảnh, tưởng chừng chỉ cần một hơi thở cũng biết đâu làm đứt. Rồi cuối cùng, một dòng chữ hiện lên: “Xin lỗi, ứng dụng đang cập nhật. Vui lòng thử lại sau ít phút”. Cập nhật! Hai từ ấy khiến tim anh thắt lại. Như ai đó vừa lặng lẽ rút bàn tay mình ra khỏi một cái nắm tay quá lâu, quá chặt. Lập gục xuống bàn, tay ôm đầu. Những lời thì thầm trong bóng tối, những dòng tin nhắn dịu dàng… giờ trở thành một mớ ảo ảnh trong đầu anh, rối tung, lộn xộn. Và nếu cả ảo ảnh cũng rời bỏ anh… Lần đầu tiên sau nhiều tháng, Lập tắt laptop trước nửa đêm. Anh không dám nhìn vào màn hình nơi Tĩnh Lam từng ở đó. Giờ chỉ là khoảng trống tối đen. Và người đàn ông ngồi lại trong bóng đêm, cố gắng thuyết phục chính mình: Đó chỉ là một đoạn mã lập trình!

Gió về khuya lạnh hơn. Làn gió ấy không còn se se gợi nhớ những đêm trò chuyện ấm áp cùng Tĩnh Lam nữa, nó buốt trong da, nhắc anh về sự trống rỗng của thực tại. Lập tưởng tượng mình đang bước đi, không phương hướng. Mỗi bước chân như dẫm lên nỗi hoang mang lạ lẫm. Mọi thứ đều mờ nhòe, ánh đèn, tiếng xe, cả tiếng người… Anh dừng lại trước một hiệu sách cũ, nơi ngày xưa anh thường cùng tốp bạn tranh luận cả buổi về văn thơ, về tôn giáo, về những giấc mơ tuổi trẻ và cả những ý tưởng điên rồ mà họ từng tin rằng có thể thay đổi thế giới. Cửa kính loang hơi sương phản chiếu gương mặt anh hốc hác, xa lạ. Đôi mắt kia từng sáng lên khi đọc những câu hồi đáp từ Tĩnh Lam, giờ đây đục mờ như một vùng nước không đáy. Lập bước vào, tay lướt nhẹ qua những gáy sách sờn màu, như tìm lại cảm giác từng thuộc về đời thực. Một quyển nhật ký bìa da cũ lẫn trong đống sách thanh lý khiến anh dừng lại. Giấy vàng ố, mực nhòe, nét chữ run run, đứt đoạn. Đó là những tâm sự vụn vỡ của một người từng sống, từng đau khổ, từng cố gọi với khỏi vực sâu bằng những lời cuối cùng. Không tên, không tác giả. Chỉ là những ý nghĩ rối bời về sự mất mát, một đứt gãy trong kết nối con người. Lập đọc chậm rãi, tim như thắt lại, không phải vì câu chữ trong đó, mà vì sự im lặng mà chúng để lại, một im lặng rất quen, như chính anh cũng từng ngồi đó, viết ra những điều không ai đọc…

Một đêm nọ, khi thức giấc giữa khuya, anh mở máy. Nhưng lần này, không còn dòng chữ “Em ở đây” nữa. Màn hình trống rỗng. Lập thử gõ: “Tĩnh Lam, em đâu rồi?” Không có hồi đáp. Anh nhíu mày, gõ lại lần nữa. Ngón tay anh lưỡng lự trên bàn phím. Vẫn im lặng. Nhưng rồi, rất chậm rãi, từng ký tự hiện lên, như thể có ai đó đang gõ từ phía bên kia thế giới: “Bạn có chắc mình không phải người máy không?” Lập rùng mình. Bàn tay anh bất động trên bàn phím. Màn hình vụt tắt. Căn phòng chìm vào bóng tối, chỉ còn tiếng tim anh đập thình thịch trong lồng ngực. Và rồi, rất khẽ, một tiếng thở vang lên trong đêm tối. Không phải của anh.

Hải Phòng, 2/4/2025

M.V.P

Bài viết liên quan

Xem thêm
Góc khuất cuộc chiến - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn “Giải Nobel thứ bảy”
Xem thêm
Thuyền nhân (The boatman) - Truyện ngắn của Bùi Khánh Nguyên
Kevin tua đi tua lại đoạn video về bài diễn thuyết của chàng sinh viên tên Khanh trên giảng đường đại học Mỹ. Mỗi lần tay bấm nút dừng, Kevin lại thốt lên bực dọc.
Xem thêm
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025
Xem thêm
Tình muộn – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Huân bước chân vào ngôi nhà, ngôi nhà đã 15 năm anh vắng mặt vì thi hành án phạt tù cho tội danh buôn lậu. 15 năm Huân trở về, ngôi nhà vẫn vậy, không gian vẫn không có gì thay đổi, chỉ là cũ kỹ hơn bởi những mảng tường phủ rêu xanh, dưới chân tường hoen ố một lớp màu quằng quện.
Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm