- Truyện
- Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
LỆ HỒNG
Bà Sêm từ bệnh viện huyện về. Nắng đã gắt lên, bóng hắt lấp lánh qua mấy sào tre. Đã lỡ buổi bán ban sáng, ba thong thả nhóm lửa, hấp cho xong mẻ bánh bò đang dở rồi đi nghỉ. Chưa kịp đặt lưng xuống võng đã thấy hai công an gấp gáp đi về hướng nhà mình. Không chỉ có bà, mà cả cái xóm thốt nốt này đều ngó theo một ngả. Họ đi vào nhà Gù. Bà Sêm cũng bung cửa bén gót họ vào theo.
Tin Gù làm bé Pha có bầu lan nhanh. Chuyện bé Pha có bầu rồi sảy bầu là chuyện của tối qua. Chuyện hôm nay mới đáng để họ nghe ngóng. Cả xóm chộn rộn như đêm ba mươi, cơn hiếu kỳ lắm lúc kết họ làm thân, và xởi lởi thắm thiết như họ hàng. Tin mới nhận làm họ ngạc nhiên hơn thõa mãn.
Cuộc đời oái ăm của bà và hai đứa trẻ thật vớ vẩn. Nhà bà chắn giữa nhà bé Pha và nhà Gù, ngó sang phải trái gì cũng toàn cảnh đời bi thảm. Không biết tự khi nào bà buộc mình phải trông chừng hai đứa. Chúng chưa từng trò chuyện với nhau, như thể thế giới của hai đứa đặt ở hai đầu trái đất.
Bé Pha chỉ quanh quẩn chơi trong sân. Mỗi khi mẹ nó ra khỏi nhà thì khóa cửa rào lại. Hàng rào lưới kẽm gai có thể gọi là bảo vệ được con nhỏ không để ai vào hoặc nó đi lang thang. Mà đi đâu được, nó bị chậm hiểu mà, miệng cứ ú ớ nói không tròn chữ. Thỉnh thoảng cũng biết nói cám ơn khi bà cho bánh. Bà thích nhìn nó cười, mắt nó tuy hơi chồi ra một chút nhưng đen láy, nheo nheo làm khuôn mặt sáng bừng.
Nhà Gù lọt thỏm dưới bóng cây me dốt, gọi là nhà chứ nó xập xệ vách nứa lợp lá thủng bung mái. Từ lúc mẹ Gù chết thì cha nó bỏ đi làm ăn xa cả năm mới về ngày giỗ vợ. Mỗi lần về lại thấy hắn khắc khổ hơn. Hắn leo lên đắp lại mái lá vừa vặn, hắn đi vài tháng mái lại bung. Mùa mưa tới Gù loay hoay trong chòi kiểu gì cũng ướt. Nhìn mắt nó buồn dại, đôi môi mím không hé nụ cười, sóng mũi thẳng gọn trên làn da bánh mặt. Giá có nhiêu đó thôi đủ khiến cuộc đời nó khác, đâu cần thêm chi cục bướu to đùng buộc thằng nhỏ phải nặng lòng một kiếp.
Ngày đầu tiên Gù đi học. Cũng như bao đứa trẻ khác, nó háo hức chộn rộn suốt mấy ngày. Tiếng cười trong trẻo vô tư của một hình hài khác lạ, chẳng thể cảnh báo cho ai biết được điều gì sẽ đến với một đứa trẻ như Gù.
Bà nội đưa cháu đi học, cũng có đôi lời gửi gắm Gù với cô giáo. Có lẽ buổi sáng đó là thời khắc tươi đẹp nhất trong đời Gù và nó qua nhanh quá. Bà nội quên bẵng thằng cháu tật nguyền, ngày đầu tiên nó nên bà nội chưa nhớ ra. Bà ra vườn, leo lên võng đánh luôn một giấc. Đến khi mọi người dẫn được Gù về thì nó đã trở thành một đứa trẻ khác người hơn nữa.
Tan học, Gù ngồi trước cổng trường chờ. Xế trưa rồi không thấy bà nội đến đón, Gù lần theo con đường bà dẫn đi khi sáng. Nó có trí nhớ tốt và sáng dạ, mẹ nó hay khen con thế, nhắc một lần thôi là đã in vô cái đầu nhỏ xíu của nó rồi. Nghe Bảy xe ôm kể Gù bị đám trẻ làng bên đè ra lột áo, rồi thay nhau leo lên cái bướu cưỡi như cưỡi ngựa. Gù khóc thét đến sùi bọt mép, tình cờ Bảy đi ngang qua, không thì tiêu tùng thằng nhỏ. Mà nó tiêu rồi còn gì! Gù hoảng loạn sợ hãi người co rúm, nó không cho ai đến gần, đụng vào nó là nó quẫy đạp la hét.
Ba nó chạy ghe chở hàng, vài bữa về lại vài bữa đi. Mẹ nó cũng lội làng trên xóm dưới làm mướn, mùa lúa chín thì mẹ nó đi gặt đến chiều mới về. Gù ở nhà với bà nội. Bà nội không già nhưng bị cái lãng tai và lãng quên, chuyện bà bỏ đói Gù xảy ra như cơm bữa, ngày bà cháu ăn một cữ là chuyện quá đỗi bình thường.
Hôm xảy ra tai nạn, mẹ Gù đi cấy lúa trên thượng nguồn. Bảy xe ôm cưỡi con cánh én phóng vèo gần chục cây số đi báo tin. Lũ đang lên, nước tràn từ biển hồ qua rất xiết. Xót con, mẹ Gù không chạy đường lộ theo chú Bảy mà đi tắt đường đất cho nhanh. Nước lên xấp đường chỉ còn mấy cây cột đèn xiêu vẹo, lủng lẳng dây điện treo. Chẳng biết lo lắng thế nào mà mẹ nó đạp xe băng xuống lõm nước xoáy, người xe bị cuốn đi, chỉ tìm được xác xe gãy gập, còn người thì mất hút. Có người mạnh miệng nói cô ấy bị cuốn ra biển cũng nên. Gù nín lặng luôn từ đó.
Đời người như một cung đường, có người được chọn có người không. Ai biết sẽ đến phần ai. Phần của Gù thì buồn như điệu hò tống biệt. Nó lặng lẽ mà day dứt não lòng.
Bà cháu nương tựa vào nhau cho đến một ngày bà nội đi quên về. Người ta nhặt bà đâu tuốt bên Campuchia, ôm khư khư cái giỏ đệm toàn trái thốt nốt. Quên, nhưng quán tính cứ thấy trái thốt nốt rơi là nhặt. Sau lần đó, chú Hai của Gù về đón hai bà cháu lên Sài Gòn để chăm sóc.
Dòng máu trong người thằng nhỏ vẫn chảy, nó đã thấy mặt mẹ đâu mà bỏ đi cho được. Nó ôm cứng cột nhà không buông, miệng gọi mẹ, mẹ! Nhưng tiếng nói của nó đâu còn âm lượng, nghe như tiếng heo con kêu è è. Mà cũng đâu ai rảnh rỗi để lắng nghe tiếng lòng của nó. Chỉ thấy nước tuôn dòng từ đôi mắt lạc thần, đôi mắt héo hắt vì không thấy mẹ, đôi môi trắng nhợt vì thiếu hơi người. Cuối cùng họ bỏ Gù lại cho xóm giềng.
Thằng nhỏ lây lắt sống cho đến cái ngày sự việc xảy ra. Thiệt là quân bất nhân mà. Bà Sêm chửi đổng, tay quẹt cái nước mằn mặn trên khuôn mặt sạm nắng. Bà Sêm đứng ngồi không yên, tay chống nạnh ngó qua nhà bé Pha, cố nhớ xem có gì khác lạ. Chuyện động trời như vậy làm sao đổ lên đầu thằng nhỏ được. Vài tháng trước có một lần, Pha được mẹ chở đi chơi, con bé xúng xính áo bông tay phùng, tóc buộc nơ. Từ lúc cha sanh mẹ đẻ đến bữa đó mới thấy con bé ra dáng người.
Người ta thấy bà Sêm đi như chạy, tay cầm bịch bánh bò. Bánh bò đường thốt nốt Mộc Hoá thì nhất. Họ biết bà lên công an xã, đem bánh cho Gù.
Mặt trời vừa ngã bóng tây đã thấy bà cháu đủng đỉnh về làng. Cái kiểu đi của bà là để thiên hạ thấy Gù vô tội. Nắng chiếu vào cái chỗ lồi lên bạc thếch, cái áo vá có một mảnh, nó nằm chà bá trên lưng Gù.
Đâu ai để bà cháu vô được trong nhà. Họ kéo rê nhau qua cái sân trống giữa làng, chỗ họp tổ dân phố, có kê sẵn ba cái ghế gỗ dài đóng kiểu học trò. Chẳng mấy chốc cuộc họp ngang hông bắt đầu. Bà kể rành rọt như người chứng kiến từ đầu đến đuôi, mấy con mắt thao láo, dỏng tai cục cựa.
- Tối qua tui đâu có ngủ được, suốt đêm trằn trọc. Tui nghe con Pha nó khóc rấm rức, khóc hồi đầu hôm lận. Tui lơ mơ ngủ được chập thì nghe tiếng đập hự hự.
Thằng Khang con Bảy xe ôm ưỡn ngực chen ngang.
- Lúc đó nửa đêm rồi, chính con nhảy qua hàng rào chứ ai vô đây.
- Tía mầy nín cái coi, tao kể có lớp lang kẻo mọi người không hiểu. Tiếng con Pha khóc thét, tui hốt hoảng chạy qua thì thấy đèn trong nhà sáng, biết con gái mẹ nó lại đánh con. Sốt ruột tui liều qua nhà Bảy gọi, thằng Khang leo rào vô đạp cửa, vào trong thấy cảnh đó nó cũng té ngửa luôn chứ chơi sao.
Nuốt nước miếng ực ực, tay bà vuốt mắt trông bất nhẫn.
- Mẹ nó muốn phá cái thai, nên mua thuốc bắt con uống. Uống mà nó không tuột ra, gấp kiểu gì mà đạp vô bụng con đến máu bung sàn nhà. Mặt mày con nhỏ tèm lem, mắt sưng húp, cái miệng rỉ máu một dòng. Tôi kéo nó lên xe Bảy chở thẳng bệnh viện huyện.
Bảy xe ôm cũng chen vô góp chuyện.
- Má nó qua đồn công an trình báo tội thằng Gù làm con nhỏ có bầu.
- Thì cái chính là sao Gù được thả? Mấy bà sồn sồn tranh nhau hỏi.
- Thì cuối cùng mẹ nó cũng khai ra, nghe mà không chịu được hà, thánh thần nào mà để cho nó sống yên chớ!
Bà Sêm liếc ngang những khuôn mặt hóng hớt, rồi tiếp.
- Mẹ nó bán con!
“Trời”. Cả xóm giống lên một điệu. Ai cũng biết cha bé Pha bỏ đi cả năm rồi. Sau khi bán hết đồ đạc và vay mượn thêm cho đủ số tiền qua Campuchia chuộc vợ về. Biết không dạy được vợ bỏ thói mê cờ bạc anh chồng đi luôn. Cú sốc đó cũng thức tỉnh được mẹ bé Pha đôi chút, cũng chịu khó làm lụng nuôi con. Chả hiểu sao lại đổ đốn, nhảy qua đánh đề đến nợ nần mà phải bán con đi.
- Bán đâu, thấy chị Pha nằm nhà kìa!
- Mày ngu quá, là bán cái khác kia. Cha Bảy cú đầu con mà không chắc thằng nhỏ hiểu.
Mà cũng chẳng ai hiểu được. Mọi người lấm lét nhìn nhau không biết nói sao. Bà Sêm buông thỏng mà mặt giận xanh lè.
- Mẹ nó! Thằng chủ đề mua trinh lấy hên, trả có một triệu à, mà gán nợ hết nửa còn nửa. Con nhỏ bệnh mà!!! Ức nghẹn sao mà bà bỏ lửng câu, quẹt nước mắt.
Không gian im ắng, chỉ có những cái lắc đầu cùng tiếng thạch sùng “chẹp chẹp” thằng Khang không yên được lâu, nó hỏi bà Sêm.
- Ủa mà sao công an chịu tin bà, họ đã bắt anh Gù rồi mà.
- Mẹ nó nói cửa ngoài lúc nào nó cũng khoá kỹ, chỉ có thằng Gù chui hàng rào vô nhà làm bậy thôi, nói vậy mà họ tin mới ghê chớ!
- Thì cũng đúng, hàng rào lỗ to mà. Thằng Khang bép xép, lắc mái tóc khét cháy.
- Ừ thì to, mà muốn chui lọt chỗ đó trừ khi thằng Gù bưng cái cục thịt dư để qua một bên.
Giọng bà Sêm nghe có cái mòi sướng rân thì phải. Mọi người ngớ một hồi rồi cười rần.
Giờ họ mới nhìn qua Gù. Nó lùi sát vô cây đinh lăng ngồi nãy giờ như thể chuyện của ai chứ không phải của nó. Bà Sêm phủi tay cái rột, ngó thằng Gù rồi ngó qua nhà bé Pha. Thôi chết, lại quên mất cái vụ nấu cơm, giờ là phải đôi lon gạo, trước chỉ mỗi thằng Gù, nay lại thêm phần con Pha. Xóm giềng cũng tản mác ra. Mới đâu chừng chục phút, đã thấy tụ lại nhà bà Sêm, nào là gạo, là thịt, là cá, là rau. Khói bếp từ nhà bà Sêm nhóm lên, bay quyện cả cái xóm thốt nốt.
(Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025)