TIN TỨC
  • Truyện
  • Thuyền nhân (The boatman) - Truyện ngắn của Bùi Khánh Nguyên

Thuyền nhân (The boatman) - Truyện ngắn của Bùi Khánh Nguyên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-04-12 19:45:44
mail facebook google pos stwis
203 lượt xem

BÙI KHÁNH NGUYÊN

Kevin tua đi tua lại đoạn video về bài diễn thuyết của chàng sinh viên tên Khanh trên giảng đường đại học Mỹ. Mỗi lần tay bấm nút dừng, Kevin lại thốt lên bực dọc.

Khanh: Tôi rất tự hào rằng chúng tôi đã có thể làm được những điều phi thường…

Kevin: Thằng khùng, cả bài diễn thuyết chỉ có một thông điệp đó thôi à?

Khanh: Quê hương tôi là một ngôi làng ven biển, nơi đã nuôi tôi khôn lớn…

Kevin: Quê hương nào nuôi mày? Học Kinh tế mà không được thông não à? Mày lớn lên bằng cơm gạo của ba mẹ mày, mua bằng tiền của họ. Ở đâu thì cũng phải còng lưng nộp thuế chứ ở đó mà quê hương nuôi với nấng. Đồ ngốc!

Thứ Bảy tuần trước, khi chạm trán Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam trong buổi tranh luận đầu tiên của cuộc thi thu hút hơn ba ngàn sinh viên của trường đại học California ở vùng Los Angeles này, Kevin hơi sững lại vì thứ tiếng Anh chuẩn của đối thủ từ trong nước. Vị giáo sư cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có cuộc tranh luận trực tiếp giữa Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam và Chủ tịch Hội sinh viên Việt Kiều ở trường đại học này. Một sự trùng hợp thú vị. Ông thầy người Mỹ cười bao dung, nói với cả hai:

- Rất thú vị. Đại học này có tới hai Hội sinh viên Việt Nam, tôi lần đầu gặp đấy. Tôi cá là sẽ có rất nhiều sinh viên khác muốn nghe các cậu tranh luận lần này. Cố lên nhé!

Kevin cố gắng không nhìn đối thủ, nhưng khi cậu ta cất giọng lên với âm sắc chuẩn Mỹ, cậu hơi bất ngờ. Dù sao cậu cũng đã rất quen với những sinh viên Việt Nam từ trong nước, nói tiếng Anh đặc sệt kiểu của người Việt. Dù họ có học và làm việc chục năm ở Mỹ thì cậu vẫn nhận ra. Cậu có khả năng nghe giọng tiếng Anh mà đoán chắc được họ là người Bắc, người Trung hay người Nam ở Việt Nam, và đã ở Mỹ được khoảng bao nhiêu năm rồi. Khanh, chàng sinh viên kia, dáng vẻ thanh tú, thư sinh – đặc điểm của những thanh niên ít tập thể thao mà chăm đọc sách, cũng chỉ gật đầu chào rồi lướt qua Kevin như một cơn gió. Nhưng Kevin không dứt được cậu ta ra khỏi tâm trí cả tuần nay. Là Chủ tịch Hội sinh viên Việt kiều của trường, Kevin cảm thấy dị ứng với Hội kia, nơi tụ tập của đám sinh viên hoặc đầu to mắt cận quanh năm đèn sách săn học bổng cần mẫn như người đi đào vàng, hoặc con cái các trọc phú mới nổi vơ vét được ít tài sản sang đây “rửa phèn”. Cậu luôn thấy ác cảm với đám này. Cậu có thể hòa nhã với Hội sinh viên Hàn Quốc, Hội sinh viên Nhật Bản, thậm chí cả Hội sinh viên Trung Quốc của trường, nhưng Hội sinh viên Việt Nam thì không, nhất định không. Cậu chưa bao giờ muốn giao lưu với họ, chứ đừng nói đến chuyện “hai hội nhập thành một” như gợi ý của ngài Chủ tịch đại học trong một buổi trò chuyện với cộng đồng sinh viên gốc Á.

***

Kevin lớn lên ở quận Cam, nơi cộng đồng người Việt rất đông đảo. Gia đình cậu là một gia đình khá truyền thống ở đây, cậu vẫn sống cùng đại gia đình có cả ông nội. Ở nhà, cả gia đình cậu vẫn nói tiếng Việt với nhau, vẫn thường xuyên nấu đồ ăn Việt Nam, và trong nhà có bàn thờ gia tiên. Lúc Kevin lớn lên, trên ban thờ của gia đình luôn có sự hiện diện đặc biệt của một người phụ nữ còn rất trẻ mà cậu được cho biết là bà cô, em của ông nội. Bà đã không đến được nước Mỹ này.

Là người gần gũi ông nội nhất trong bốn đứa cháu nội của ông, Kevin đã thuộc làu câu chuyện ông kể ông đã vượt biên như thế nào để đến được nước Mỹ. Lúc ông càng lớn tuổi, càng mau nước mắt. Mỗi lần ông kể lại câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” ấy với cậu, Kevin lại thấy những giọt nước mắt hòa với những hàng gân đỏ li ti trong mắt ông thành những giọt hồng như giọt máu. Ba cậu thấy vậy thường hay chen vào:

- Ba à. Bao nhiêu năm rồi ba nhắc lại chuyện cũ làm gì. Với lại thế hệ Kevin chúng nó khác lắm, giờ ông kể chúng nó cũng biết thế nào mà hinh dung.

Nhưng Kevin có khả năng tưởng tượng rất phong phú. Chính vì vậy, khi còn thơ ấu, cậu thường đi ngủ với những giấc mơ biển. Kevin bơi rất giỏi, cậu nhiều lần giành huy chương trong các giải bơi của trường và giải liên trường. Cậu như con rái cá lặn ngụp dưới nước không bao giờ thấy mệt. Chính vì vậy, thường sau mỗi lần ông kể chuyện, là cậu lại ngủ thiếp đi và chìm ngay vào những giấc mơ kì lạ. Cậu gặp người đàn bà ấy, người đàn bà khuất sau làn khói hương trên ban thờ gia đình với đôi mắt đen thăm thẳm. Đôi mắt ấy thường hút lấy cậu mỗi khi cậu đi ngang qua phòng khách chính của gia đình.

Trong giấc mơ, cậu hỏi bà cô em gái của ông nội:

- Chuyện gì đã xảy ra với bà?

Người ấy không trả lời. Cậu chỉ thấy mình bị hất tung ra khỏi con tàu, bị nhấn chìm xuống biển. Một đàn cá mập trắng nhào tới và cơ thể của cậu văng mỗi nơi một mảnh. Cậu bật dậy hổn hển nhận ra mình đã gặp ác mộng.

Có một điều Kevin không bao giờ được thỏa mãn, là được ông giải thích người đàn bà đó đã chết như thế nào. Ông nội, cho đến khi nhắm mắt, vẫn không hết day dứt về việc không cứu được em gái mình khỏi bọn cướp biển. Bị trói hai chân bằng thừng và trói giật cánh khuỷu vào thành tàu trong khi có hai thằng lực lưỡng dí súng vào hai bên mang tai, ông đã nghiến vỡ một chiếc răng hàm của mình nhìn một đám bảy thằng dẫn đứa em 16 tuổi của mình xuống khoang tàu. Người anh hiểu rằng giây phút ánh mắt của hai anh em quét qua nhau bỏng rát, họ đã chết.

Người con gái ấy bị bảy tên hãm hại, nhưng không bị bọn cướp biển giết chết. Bọn cướp đã lục lọi mọi thân thể cho tới những khe hở nhỏ nhất trên tàu, vơ vét tất cả những gì quý giá mà đám hơn bốn chục con người tìm cách cất giữ, che chở, thì chúng kéo nhau bỏ đi. Đàn bà con gái hơn chục người thì có hai bị bắn vào đầu ở dưới khoang tàu vì chống cự, đàn ông ở bên trên thì ba người bị bắn ngang ngực, đạp xác xuống biển trong khi tay vẫn bị trói chặt. Khi lũ cướp mang đồ cảnh sát nước ngoài lục tục leo lên thuyền bỏ đi, thì người con gái ấy vùng chạy lên boong tàu. Cô đòi đi theo đám lính. Cô quả quyết mình muốn đi theo để phục vụ bọn chúng. Bọn chúng kê súng ngang đầu cô nổ một loạt đạn nhưng cô không hề run sợ. Loạt đạn bay vèo qua mang tai cô nhưng không trúng, bọn cướp chỉ dọa cô cho vui. Chúng phá lên cười. Nhưng cô nhất định đòi lên tàu của bọn chúng. Thế là cô đi. Cô không nhìn ai, kể cả anh trai mình, lần cuối.

Sau này, đoàn người trong trại tị nạn kể rằng cảnh sát thấy một tàu hải tặc với bảy tên đã bị giết chết hết, chỉ có một cô gái còn sống sót trên con tàu trôi dạt ngoài vịnh Thái Lan. Cũng có người nói với ông nội Kevin thấy xác một người con gái bị treo rút lên cột buồm của một con tàu ma chạy băng băng giữa biển. Cũng có người quen quả quyết gặp đúng em ông trong một trại ở Mã Lai, người này sau đó được bảo lãnh đi Mỹ, em ông được bảo lãnh đi Úc. Có người nói từng trông thấy em ông ở Toronto, nhưng khi chạy lại hỏi thăm, thì người ấy không nói không rằng, bỏ đi.

Bà còn sống không hả bà? Đó là câu hỏi mà cậu bé Kevin đã hỏi hàng ngàn lần khi cậu đi qua phòng thờ của gia đình nơi có bức ảnh vẽ chân dung người con gái trẻ măng với ánh mắt bình thản mà xoáy vào người nhìn như muốn hút vào trong.

***

Năm 1945, giữa nạn đói ở Việt Nam, bà cụ Cả sinh đôi được hai cậu con trai đặt tên là Phúc và Đức. Với bốn người con gái đã có, ông bà không còn cơ may nào nuôi nổi hai đứa con trai mà ông bà cầu trời khấn Phật để có được. Ông bà đành mang một đứa sinh đôi đi gửi cho một gia đình khá giả làm công chức cho Tây, đứa còn lại cho một nhà địa chủ. Ông bà Cả và đàn con bốn đứa đã chết đói ngay trong năm Ất Dậu ấy. Cậu bé Phúc sống với gia đình công chức Pháp ở Hà Nội rồi lớn lên theo cha mẹ vào Nam. Cậu bé Đức ở lại chăn trâu cắt cỏ cho nhà địa chủ, được ông bà thương yêu như con ruột. Cả Phúc và Đức chỉ còn nghe loáng thoáng rằng cha mẹ và các chị đã chết hết trong nạn đói, họ không còn biết gì thêm về họ, cũng như không biết gì thêm về nhau.

9 tuổi, Phúc theo cha mẹ nuôi vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, ông bà may mắn có thêm được người con gái. Phúc chịu ơn ông bà và hứa sẽ làm mọi cách chăm sóc cho đứa em khi ông bà nhắm mắt qua đời. Ông bà đã thanh thản ra đi mà không hề biết rằng, hai anh em đã có những tháng ngày trần ai thời loạn lạc. Họ phải rời căn biệt thự của gia đình ngay quận trung tâm Sài Gòn xuống đường bán dạo kiếm sống. Phúc đã mất sáu tháng trời để làm quen con chó của gia đình ấy, họ sống trong căn biệt thự của chính cha mẹ anh để lại, kín cổng cao tường. Phúc thường bớt phần ăn của mình lại mang cho con chó ấy mỗi đêm khuya. Anh dụ dỗ nó. Cho đến khi nó coi anh như bạn. Nó chấp nhận nằm ngoan như một con chó cảnh một đêm khuya để anh hì hụi xới tung góc vườn tìm lại hộp nữ trang, vàng bạc cha mẹ anh cất giấu phòng khi bất trắc. Ông bà đã sống cả đời trong cảnh chiến tranh, ông bà đã cẩn thận tính toán. Nhưng ông bà không thể ngờ rằng các con của ông bà phải ra khỏi nhà ngay trong đêm mà không có cơ hội kịp mang theo bất cứ tài sản gì của gia đình.

Có số tài sản trang sức ba mẹ để lại, Phúc và em gái sắp xếp lại cuộc đời mình. Phúc tìm cách vượt biên để em gái lại. Anh hứa nếu sống sót sang tới bên kia, sẽ biên thư về, tìm cách đoàn tụ với em. Anh em bẻ đôi chiếc vòng đá, mỗi người giữ một nửa. Nếu đám người tổ chức vượt biên cho anh thành công, sẽ có thư của anh. Nếu có ai mang nửa chiếc vòng về cho cô, có nghĩa là anh đã chết.

Đêm trước ngày vượt biên, Phúc trao cho đám người đó một nửa số vàng thỏa thuận. Hai bên giao hẹn, nếu chúng đưa anh tới lãnh hải nước ngoài, anh sẽ trao cho chúng một nửa chiếc vòng để chúng mang về đưa cho em gái anh, sẽ lấy được một nửa số vàng còn lại. Bọn tổ chức vượt biên nhìn thấy số vàng thì nổi lòng tham. Chúng chuốc cho anh say rồi vứt cậu lên giường trong căn nhà lá ven biển tối om, không quên mò túi anh tước đi nửa cái vòng. Đã bỏ đi rồi, chúng còn chưa yên tâm, quay trở lại nhằm thẳng chiếc giường có gã thanh niên say mèm nằm dưới chiếc màn buông, trút hết một băng đạn không chừa chỗ nào rồi mới bỏ trốn về thành phố.

Em gái Phúc cầm chiếc vòng trên tay, biết là anh mình đã bị lũ người kia lừa gạt và giết hại. Cô bèn trao cho chúng nửa số vàng còn lại, như lời anh cô dặn, nhưng là vàng giả, rồi nhanh chóng chuyển sang chỗ ở mới trong một con hẻm ở Sài Gòn, nơi có bóng dáng của cán bộ nhà nước và lũ du côn thường không mò tới, chắc chắn sẽ an toàn cho cô hơn. Cô giữ chặt số vàng còn lại trong tay, khóc như mưa vì từ nay, cô chỉ còn lại một mình trên đời.

Một đêm tháng Giêng, hồn ma của anh cô về gọi cô dậy. Cô khiếp đảm bật nảy lên trên chiếc giường con khi thấy anh mình hiện về bộ dạng tiêu điều, rách rưới. Nhưng cô đã nhầm, anh cô không chết. Anh con trai ấy dù say, vẫn còn nhớ lời cha từ nhỏ, là khi ngủ ở nơi lạ, để giữ mạng mình, luôn buông màn, đặt chăn gối cẩn thận rồi bò ra một góc đối diện mà nằm. Quả nhiên, lũ người dàn cảnh vượt biên cướp của đã lộ nguyên hình là kẻ cướp, sau khi lột được vàng ngọc của anh, chúng tặng cho anh một băng đạn xuyên thủng giường, rồi mang nửa chiếc vòng kia về thành phố lấy nốt số tiền còn lại từ người thân của anh. Chắc chắn giờ này bọn chúng đang lùng sục cô gái vì đã biết nhận phải đống vàng giả. Do vậy, Phúc và em gái tức tốc tìm cách trốn về Bình Thuận để tìm đường vượt biên lần thứ hai.

Lần này, cô gái nhất định không rời anh trai. Cô quả quyết, một là sống sót thì sống cùng nhau, hai là chết thì chết cùng nhau. Họ dùng toàn bộ số vàng còn lại để có suất lên tầu. Người tài công được lựa chọn cẩn thẩn bởi một đoàn người hơn 40 người không ai quen ai mà ráp lại như một gia đình. Gã tài công phải làm tin bằng cách bị xích chân vào con tàu bởi những người khách đã sẵn sàng giao toàn bộ tính mạng và tài sản vét đến đồng cuối cùng của họ. Tài công chỉ còn một con đường duy nhất là phải lái tàu cập bến bất cứ lãnh thổ nước ngoài nào, để họ được lên bờ bước vào trại tị nạn. Lần vượt biển thứ hai, hai anh em đã may mắn ra được khỏi lãnh hải Việt Nam, cho đến khi tàu cạn dần lương thực và xăng dầu, trôi trên biển và gặp tàu hải tặc.

***

Cậu bé Kevin hỏi ông nội:

- Ông ơi, vì sao tên ông là “Phúc”?

- Là tên cha mẹ đẻ đặt cho ông đấy. Cha đẻ ông là Lê Văn Nho, mẹ là Nguyễn Thị Hòe ở làng Tròn, phủ Nam Định. Các cụ đều chết trong nạn đói năm Ất Dậu.

- Thế ông có còn người họ hàng nào không?

- Ngoài bà trẻ đã “mất tích” khi vượt biên, ông có 4 người chị ruột đều đã chết đói cùng cha mẹ. Ông nghe kể còn có một người em song sinh tên là Đức được cha mẹ cho đi ở nhà địa chủ, nhưng không còn gốc tích gì để tìm lại. Nếu còn thì tầm này cũng tuổi gần đất xa trời như ông rồi.

Ông nội Kevin không bao giờ dùng từ “đã chết” với người em gái. Ông chỉ nói rằng “mất tích”. Trong hồi ức dữ dội của ông, đó vẫn là cô em gái 16 tuổi, hoàn toàn bất tử. Cô chỉ tạm lánh mình ở một chốn nào đó trên thế gian này, dù ông đã lập bàn thờ cho cô và thờ cúng suốt mấy chục năm qua.

Dù sống ngay tại miền Nam California, rất gần biển, ông nội Kevin không bao giờ đi ra biển. Ông rất sợ biển. Những ký ức của các “thuyền nhân” như ông tưởng như đã phai nhạt theo thời gian, thì mỗi lúc lại hiện về rõ ràng. Khi ông lớn tuổi hơn, ông thường hay mê sảng và co giật khi ngủ. Kevin nắm lấy tay ông giữ chặt, bày tay gầy guộc của ông níu vào cậu, toàn thân run lẩy bẩy, lên cơn sốt. Kevin không biết ông thấy gì trong giấc mơ, nhưng cậu hy vọng ông có thể gặp lại được người em gái – người mà ông hứa với cha mẹ nuôi sẽ bảo vệ an toàn cho cô suốt đời, nhưng ông không làm được. Ký ức về chuyến vượt biển cùng hơn 40 người Việt trên một con thuyền cũ kỹ, chạy mông lung giữa biển khơi mịt mùng sóng nước, đã nuốt cạn dần sức khỏe của ông.

Có những lần ông bật dậy giữa đêm khuya, thảng thốt nói với ba Kevin:

- Con cho ba về Việt Nam. Nhà mình ở trên đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn, con cho ba về mau.

Ba Kevin nắm lấy tay cha:

- Ba ơi, mình đang ở Mỹ. Ba đang ở đây với tất cả các thành viên của gia đình. Nhà mình đang ở đây. Ba gặp má con ở đây. Ba má sinh ra chúng con trên đất này. Chúng ta chỉ có nơi này là nhà. Ba đừng đòi về…

Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện, ông nội Kevin không còn nhắc tới chuyện về quê nữa.

***

Kevin muốn mình phải thắng đối thủ của anh trong cuộc tranh biện sắp tới. Anh cảm thấy ức chế tột cùng mỗi khi chạm trán gã tên Khanh kia. Không phải địa vị Chủ tịch Hội sinh viên Việt Kiều của anh bị đe dọa, bởi vì dù gì hai hội sinh viên người Việt cũng chẳng thể nhập làm một được. Nhưng anh muốn hắn ta được khai sáng khỏi những mớ bùng nhùng hắn ta vẫn đang nói kia.

Kevin tìm nhiều cách khác nhau để có được thông tin về hắn, kể cả dùng network riêng của anh. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Sinh viên Kinh tế ở một trường “California Public Ivy” như anh thì ai cũng thuộc làu các chiến lược và thủ thuật cạnh tranh trên thương trường dù là của Tây hay Tàu. Anh muốn biết gã kia là ai, vì sao hắn ở ở trong nước mà giọng tiếng Anh khác hẳn những người Việt khác sang Mỹ.

Nguyên quán: Làng Tròn, Nam Định!

Ồ, thú vị đây. Hóa ra là người Việt gốc Bắc. Ở nhà, ông nội Kevin vẫn thường dùng cụm từ này. Ông không nhận mình là Việt Kiều, mà chỉ tự gọi mình là “người Việt gốc Bắc”. Kevin mỉm cười nhớ tới ông nội, dù cuộc đời trải qua những đau thương tột cùng, nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ sắc sảo, hóm hỉnh mà cậu ngưỡng mộ.

Phần thưởng cho cuộc tranh biện lần này là một suất học bổng toàn phần cho nghiên cứu sau đại học. Thực ra Kevin chẳng cần đến học bổng ấy, vì gia đình cậu có thể trả học phí cho cậu một cách dễ dàng. Nếu ông nội còn sống, biết được rằng cậu đang là sinh viên top của một đại học danh tiếng ở xứ sở này, chắc ông sẽ hãnh diện lắm. Ông là người dạy tiếng Việt cho cậu khi cậu còn nhỏ. Ông cũng từng là cậu ấm học trường Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, thông thạo tiếng Pháp.

***

Khanh cũng đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc tranh biện sắp tới. Trước ba ngàn sinh viên của trường đã đăng ký tham dự, cậu cảm thấy vinh dự được đứng trên giảng đường của một đại học danh giá để nói về toàn cầu hóa, văn hóa và lịch sử. Cậu đến đây bằng học bổng, thêm chút tiền dành dụm của cha mẹ và tiền cậu làm thêm từ rất sớm. Việc được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam của trường cũng hoàn toàn ngẫu nhiên, vì cậu đã lập trang web hỗ trợ cho các sinh viên du học thậm chí trước khi cậu được bước chân vào ngôi trường này. Đối thủ của cậu rõ ràng là một kẻ hiếu chiến. Hôm trước, một vài sinh viên khác nói trước với cậu đã có những cuộc tranh luận như thế này trước đây, và đối thủ của Khanh luôn ở thế tấn công cho đến khi đối phương chịu thua trước sự thông minh, sắc sảo của anh ta.

Khanh không có gì để bì với anh ta. Anh ta tới trường bằng xe rất xịn, còn cậu dùng xe bus công cộng và ở phòng ký túc xá. Cha mẹ cậu chỉ là người bình thường ở Việt Nam, sống tùng tiệm để nuôi con. Cậu cũng không phải dân Hà Nội hay Sài Gòn, mà là dân tỉnh. Tức là chẳng phải cậu ấm, cô chiêu gì từ Việt Nam sang đây “giải ngân” tiền bạc. Cha mẹ cũng chẳng phải đại gia lắm đất, nhiều công ty. Cậu thi vào đại học bằng khối C, và đơn giản là rất thích môn lịch sử.

Nếu giành phần thưởng trong cuộc tranh luận lần này, Khanh có cơ hội ở lại Mỹ lâu hơn. Bốn năm học tại Mỹ mới chỉ đủ để cậu biết một chút về nơi này vì nó quá rộng lớn.

Nhưng Khanh không mấy áp lực. Cậu đã quen với rất nhiều cuộc thi mà cậu biết rõ mình “chẳng có gì để mất”. Thế nên, khi nói về cuộc nội chiến Bắc – Nam của nước Mỹ, cậu là sinh viên duy nhất dám đứng lên tranh luận tay đôi với giáo sư Mỹ, trong khi cả hội trường im phăng phắc. Nhưng cuối cùng thì cậu lại được ông nhiệt liệt khen ngợi trước hàng trăm sinh viên hôm ấy trên giảng đường.

Khanh lục tung thư viện của hệ thống liên trường để tìm thông tin về những cuộc tranh luận về chủ đề người tị nạn. “Boatman” hay “Thuyền nhân” ngày càng ám ảnh cậu mỗi lúc cậu đọc nhiều hơn. Hóa ra một cuộc chiến tàn khốc hơn những gì người ta có thể nhìn thấy. Nếu không phải vậy, hàng trăm ngàn người leo lên mọi phương tiện dù thô sơ nhất để có thể đổ túa ra giữa biển Đông làm gì? Khanh chú ý đến một cuộc tranh luận về chủ đề này giữa một sinh viên Đức và một sinh viên Việt Nam nhận học bổng Fulbright (Fulbrighter) trong hồ sơ được thư ký ghi chép lại:

Một sinh viên Đức ở Mỹ: Tại sao bạn nghĩ họ muốn trở thành người tị nạn?

Fulbrighter: Tôi nghĩ những kẻ xấu đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn để tuyên truyền về một cuộc trả thù khiến họ lao ra biển bằng mọi giá.

Sinh viên Đức: Họ là ai?

Fulbrighter: Là những kẻ hôi của, những kẻ trấn lột, chúng lừa người dân lên mọi loại thuyền bè để vơ vét vàng bạc, tài sản của họ mà biết trước những chuyến tàu không có đích đến.

Sinh viên Đức: Nếu họ muốn ra đi, vì sao họ bị giữ lại? Nếu họ phải dời đi, đó là vì họ cần phải đi.

Fulbrighter: Việc di cư ấy là một thảm họa.

Giáo sư, chủ tọa phiên tranh luận: Các em cần đưa ra bằng chứng cho lập luận của mình. Ngày mai, các em tiếp tục nghiên cứu ở thư viện, và quay trở lại gặp tôi vào tuần sau.

***

Kevin từ chỗ bị ám ảnh bởi cậu sinh viên tên Khanh, đã chuyển qua bị ám ảnh bởi cái tên: Làng Tròn, Nam Định. Đó là quê của ông nội cậu, được ông nhắc tới không biết bao nhiêu lần khi ông còn sống, dù cuộc đời ông chỉ có ký ức về những ngày sống ở Hà Nội, Sài Gòn, trại tị nạn Philippines và cuối đời ở California. Ông nội Kevin chưa bao giờ có cơ hội về lại làng Tròn.

Còn hắn ta cũng ở cùng cái làng này của ông nội. Nếu thế thì ông bà cha mẹ hắn cũng thuộc dạng may mắn không chết đói năm 1945.

Thông tin theo network và tra cứu của Kevin mỗi ngày đến một dày hơn. Hắn từng học trường chọn của huyện, rồi trường chuyên của tỉnh. Bỏ dở đại học ở Hà Nội. Rồi nộp đơn vào đại học ở Califorina. Nói tốt tiếng Anh và tiếng Hoa. Có một vài thành tích về lập trình game và tranh biện.

***

Chỉ còn một ngày trước ngày tranh biện. Chủ tịch Hội sinh viên Việt Kiều và Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam được đưa hình lên các poster trong trường để thu hút sinh viên tham gia. Các sinh viên, chủ yếu Hàn Quốc, Trung Quốc cùng Việt Nam đăng ký tham gia, số lượng đã vượt con số ba ngàn người. Họ đơn giản muốn nghe những người trẻ tranh luận câu chuyện “thuyền nhân” Việt Nam sau năm 1975.

Kevin đứng ở ngoài phòng giáo sư. Cậu vân vê cuốn sổ trong tay, không biết rõ mình cần phải làm gì. Trong cuốn sổ, cậu ghi chép thông tin về đối thủ để có thể dùng cho cuộc tranh luận. Ông nội ơi, nếu ông nội còn sống, con đã có thể hỏi ông rất nhiều điều. Vì sao ông quyết định ra đi? Vì sao ông luôn muốn trở về? Ông có thật sự tin rằng người em gái của ông còn sống sót? Chỉ có ông là “thuyền nhân” thực sự trong gia đình ta.

Cuối cùng, cậu quyết định đẩy cửa:

- Thưa giáo sư, em muốn dừng cuộc tranh biện ngày mai.

- Vì sao? Tất cả đã sẵn sàng và em có rất nhiều cơ hội giành suất học bổng Chủ tịch trường.

- Vâng, nhưng em muốn rút lui khỏi cuộc thi hùng biện lần này. Em không nghĩ mình đủ hiểu về họ. “Thuyền nhân” duy nhất mà em sống cùng là ông nội em, mà ông không còn nữa.

- Tôi hiểu. Tôi tôn trọng quyết định của em.

Kevin lái xe dọc bờ biển. Cậu tấp lại bên một đoạn đường vắng người, đứng bên lan can hành lang biển. Ngoài kia, biển quăng những con sóng lớn lên không trung nửa như đe dọa, nửa như đùa giỡn. Ngọn sóng nào đến đây từ biển Đông? Ngọn sóng nào đã từng nâng đỡ hay nhấn chìm người con gái 16 tuổi ấy? Một cách vô thức, cậu lại mở cuốn sổ ghi chép những nội dung chuẩn bị cho cuộc tranh biện của mình ra. Lê Quốc Khanh. Cha là Lê Quốc Việt. Ông nội là Lê Văn Đức, sinh năm 1945, người Làng Tròn.

Sài Gòn ngày 3/2/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025
Xem thêm
Tình muộn – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Huân bước chân vào ngôi nhà, ngôi nhà đã 15 năm anh vắng mặt vì thi hành án phạt tù cho tội danh buôn lậu. 15 năm Huân trở về, ngôi nhà vẫn vậy, không gian vẫn không có gì thay đổi, chỉ là cũ kỹ hơn bởi những mảng tường phủ rêu xanh, dưới chân tường hoen ố một lớp màu quằng quện.
Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm