- Tin tức - Hoạt động Hội
- Lễ vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Lễ vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Tại lễ vinh danh tối 3/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cuộc đời Hồ Xuân Hương - nữ sĩ quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sinh ra ở Thăng Long. Bà lớn lên trong một bối cảnh lịch sử đất nước đầy biến động, sự thay ngôi đổi triều, những can qua, nội chiến và chiến tranh chống ngoại xâm tác động mạnh đến mọi tầng lớp xã hội, làm thay đổi số phận biết bao người, trong đó có bà.
Đương thời, nữ giới ít được học hành, chủ yếu chú trọng "nữ công gia chánh" với "tam tòng tứ đức". Nhưng Hồ Xuân Hương hoàn toàn khác. Xuất thân dòng dõi con nhà Nho khoa bảng, bà được học hành bài bản, và tự mình đi theo một con đường riêng, dám đứng lên chống lại những bất công trong xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Xuân Thủy
Chủ tịch nước dẫn chứng cho đến nay các nhà nghiên cứu đều khẳng định trong số các nữ nhà thơ tài danh thời Trung đại như Lê Ngọc Hân, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương vẫn là trường hợp thu hút mạnh mẽ, hấp dẫn nhất. Chính cái độc dị, sắc sảo giúp thơ bà có sức sống bền bỉ, lan tỏa sâu rộng và tính cộng hưởng mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên, thi sĩ Xuân Diệu gọi Hồ Xuân Hương với danh xưng "Bà chúa thơ Nôm", bởi sức sống kiên cường và tầm ảnh hưởng của những sáng tác thơ, những giai thoại và vị trí đặc biệt của bà.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình, vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ..".
Ông Christian Manhart - trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam - bày tỏ vinh dự được thay mặt UNESCO dự lễ vinh danh ngay tại chính quê hương của nữ sĩ. Theo ông, hồ sơ đề nghị của Việt Nam đã được nhiều quốc gia thành viên ủng hộ và đã thuyết phục được 193 thành viên của UNESCO, bởi Hồ Xuân Hương là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của châu Á.
"Lúc sinh thời, bà đã thể hiện tư tưởng vượt qua thời đại, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới từ những ngày đầu. Đây chính là điểm nhấn trong bối cảnh xã hội ở thế kỷ 18, 19. Vì vậy, bà chính là người đã theo đuổi những lý tưởng và ưu tiên mà sau này đã trở thành sứ mệnh của UNESCO", ông Christian Manhart khẳng định.
Ngày 23/11/2021, Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết Vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh - năm mất của một số danh nhân văn hóa tầm nhân loại, trong đó có hai nhân vật nổi tiếng của Việt Nam: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Lễ kỷ niệm còn có chương trình nghệ thuật "Ví đây đổi phận làm trai được", với thời lượng hơn 30 phút do nhà viết kịch Vũ Hải làm kịch bản và tổng đạo diễn. Ảnh: Xuân Thủy
Hồ Xuân Hương để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập thơ Lưu Hương ký (24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm) cùng 100 bài thơ Nôm theo phong cách dân gian, phóng túng; thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng; Trong số sáu danh nhân Việt Nam từng được UNESCO vinh danh (thi hào Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi hào Nguyễn Du, nhà giáo Chu Văn An, nhà thơ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất Hồ Xuân Hương là nữ.
VĂN HẢI & HẢI BÌNH (https://vnexpress.net/)