- Truyện
- Dấu chấm hỏi | Truyện ngắn
Dấu chấm hỏi | Truyện ngắn
NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG
Trời còn mờ hơi sương chưa rõ mặt người, chú tiểu Tịnh An đã tỉnh giấc, cố ngủ thêm nhưng không được nên chú ngồi dậy nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Ánh đèn vàng leo lét ngoài hiên hắt vào rọi rõ bóng chú lên vách tường. Chú cứ ngồi như thế thật lâu, đôi mắt như nhìn vào hư vô, thăm thẳm một nỗi buồn man mác. Câu hát trong chiếc đài nhỏ đêm qua cứ quẩn quanh trong đầu chú: Cha ơi cha là ai? Mẹ ơi mẹ là ai? Cha ơi cha ở đâu? Mẹ ơi mẹ ở đâu? Đêm đêm trên hè vắng, chú bé mồ côi vẫn nằm đơn côi, như dấu chấm hỏi, hỏi giữa cuộc đời? Tiếng hát như nức nở, như nghẹn ngào đã đánh thức nỗi khắc khoải mà chú giữ kín trong lòng bao lâu nay.
Tiếng chuông trên chánh điện bỗng vang lên làm chú khẽ giật mình. Chú biết Thầy đã dậy tụng kinh. Với tay lấy tấm áo tràng, chú mặc vào rồi bước ra ngoài.
Hơi lạnh của sương sớm phả vào mặt khiến tâm tình chú nhẹ nhàng, sảng khoái hơn. Cầm theo chiếc ấm nhỏ, chú bước về phía hồ sen trước cửa chùa, gió từ xa bay tới vờn hương sen ngào ngạt toả khắp không gian. Sáng nào cũng thế, chú thường dậy sớm ra hứng những giọt sương đêm lóng lánh đọng trên lá sen đem về pha trà, những hạt ngọc tinh tuý của đất trời, của thiên nhiên làm nên một bình trà mang hương vị riêng biệt, nhấp ngụm trà sẽ thấy lòng mình an tĩnh, nhẹ nhàng.
Đợi sư phụ tụng kinh xong, chú pha trà rồi mang lên mời.
- Sư phụ, con pha trà rồi ạ.
Chú đặt ấm trà lên bàn rồi lặng lẽ quay ra.
- Tịnh An, con qua đây với Thầy. Mấy ngày nay Thầy thấy con chểnh màng trong tu tập. Con không còn vui vẻ như xưa, tâm con có điều gì bất an chăng?
Nghe giọng nói hiền từ, ánh mắt ấm áp của sư phụ, lòng chú bỗng rung động chú chỉ muốn lao vào ôm chặt lấy sư phụ mà oà khóc, kể lể như hồi còn nhỏ, nhưng chú kịp dừng lại, chú đã 10 tuổi rồi, không còn là chú nhỏ lên 5 lên 3 nữa.
Hít một hơi thật sâu, chú khẽ khàng nói:
- Sư phụ, dạo này con vẫn thường tự hỏi cha mẹ con là ai, ở đâu, vì sao không nuôi con mà lại bỏ con.
Vị sư thầy khẽ thở dài, rồi đưa tay xoa đầu chú, hỏi nhỏ.
- Tịnh An, con có biết vì sao Thầy đặt tên con là Tịnh An không?
- Sư phụ luôn mong con sống thân an ổn và tâm thanh tịnh.
- Đúng vậy, khi thầy thấy con còn đỏ hỏn nằm khóc trước cổng chùa, thầy ôm con vào lòng, bỗng nhiên con ngừng khóc, rồi nhìn thầy nở nụ cười ngây thơ, đáng yêu. Thầy mong con dù sống trong nghịch cảnh hay thuận cảnh đều phải giữ được thân tâm vui vẻ, an lạc.
- Nhưng… 10 năm rồi sao họ vẫn không đi tìm gặp lại con. Con… con … nghĩ tới lại thấy lòng mình buồn lắm. Con thấy mình thật bất hạnh khi không được cha mẹ thương.
- Tịnh An, vạn sự đều là duyên. Những lời thầy nói với con trước nay, con hãy tự mình suy ngẫm. Trời sáng rồi, hôm nay là ngày rằm của tháng cuối năm, con mở cửa chùa sớm cho đại chúng vào thắp nhang, lạy Phật nhé.
Tịnh An dạ nhẹ rồi hoang mang bước ra cổng. Những câu nói của Thầy, chú nghe cái hiểu cái không, trong lòng chú vẫn như đang có một cái gai đang khẽ nảy mầm, đau nhói.
Trời sáng dần, khi tia nắng ấm áp chiếu xuống xua đi cái se lạnh của những ngày cuối năm. Sau dịch covid, chùa đón nhiều Phật tử, nhiều khách thập phương đến vãn cảnh chùa, thắp nhang lạy Phật cầu bình an cho gia đình hơn, ngày rằm nên chú tiểu Tịnh An lại càng bận rộn, tất bật từ sáng đến chiều không ngơi nghỉ.
Hoàng hôn buông xuống, người khách cuối cùng đã ra về, mọi vật quay trở lại sự yên tĩnh thường ngày, chỉ còn lại tiếng chổi tre xao xác trong gió lạnh, bóng chú tiểu hoà dần vào bóng chiều thăm thẳm, đơn côi.
Bỗng nhiên, chú tiểu nhỏ ngừng tay quét nghe ngóng, chú nghe như có tiếng khóc đâu đó văng vẳng, như xa như gần, tiếng khóc ngày càng nhỏ dần, yếu ớt hơn. Như nghĩ ra điều gì, chú quẳng chổi xuống rồi chạy ra phía cổng chùa, một cái giỏ đệm cói nằm lẻ loi trên bậc thềm, tiếng khóc phát ra từ đó. Chú bước vội lại chiếc giỏ, một khuôn mặt nhỏ nhắn với một đôi mắt ầng ậc nước ngước lên, vội đưa đôi tay nhỏ bé về phía chú, miệng bi bô : anh.. anh.. bế.. bế. Tim chú như hẫng đi một nhịp, một cậu bé nhỏ khoảng chưa đầy 3 tuổi gầy gò ôm chặt cánh tay chú không buông. Chú bế cậu bé lên và thấy một tờ giấy trong giỏ: Bạch Thầy, con cầu xin nhà chùa cưu mang cháu của con. Ba mẹ nó đều mất trong đợt dịch covid vừa rồi sau khi sanh nó. Con đã cố nuôi cháu mình, cho nó một mái nhà nhưng giờ con không cố được nữa. Con năm nay hơn 80 tuổi, bệnh tật đầy mình, sống chết không biết lúc nào. Con đành gửi nhờ cháu cho nhà chùa ăn mày cửa Phật. Được vào chùa là phước đức của thằng bé, con cầu xin Thầy chấp nhận, dạy dỗ, con tin cuộc đời nó sẽ tìm được con đường thiện lành, tìm được sự an lành, giải thoát…
Đọc xong mảnh giấy, chú tiểu Tịnh An bỗng oà khóc tức tưởi, cậu bé nhỏ ngơ ngác nhìn chú. Cái gai trong lòng chú vừa nảy mầm bỗng như biến mất hoàn toàn. Chú bỗng như ngộ ra những lời sư phụ từng dạy bảo. Chú hiểu rằng không cha mẹ nào muốn bỏ con mình, cha mẹ nào cũng yêu thương con mình vô hạn. Cha mẹ chú, chắc cũng có nỗi đau riêng mà đành đoạn phải xa con, nhưng dù vậy vẫn chọn một nơi lành, một trời phước cho chú, dù như thế nào vẫn mong chú được sống tốt, sống vui. Nghịch cảnh chưa chắc đã là bất hạnh, đôi khi đó còn là một món quà mà cuộc sống ban tặng, chú đã được sư phụ dạy dỗ, nuôi nấng từ khi còn đỏ hỏn, chắt chiu, chăm sóc cho chú một mái ấm yêu thương. Người chính là cha là mẹ của chú. Cuộc đời sẽ có đắng cay cũng có ngọt ngào, có đau cũng sẽ có thương, lựa chọn sống như thế nào, trở thành con người ra sao đều do chính mình lựa chọn, chú biết ơn cuộc sống này. Duyên khởi, duyên diệt, duyên tụ, duyên tán, mọi việc hết thảy đều là thiên ý.
Đưa tay xoa đầu cậu bé, chú tiểu Tịnh An bảo nhỏ: Từ nay trở đi huynh và sư phụ sẽ là người thân của đệ. Mình cùng về nhà nào.
Cậu bé nhỏ ngước đôi mắt to tròn nhìn chú và nhoẻn nụ cười trong veo.
Dưới ánh trăng sáng soi rọi bóng một lớn một nhỏ nắm tay nhau đổ chồng xuống sân chùa như một dấu chấm hỏi. Dấu chấm hỏi đã có lời giải đáp. Tiếng cười khúc khích vang lên trong không gian ngập tràn hương sen thơm ngát, giữa thinh không, những tiếng chuông khoan nhặt nhẹ nhàng vang xa.
Ngày mai, mùa Xuân sẽ về.