- Thế giới sách
- Một giọng thơ nghĩa tình, khí khái
Một giọng thơ nghĩa tình, khí khái
Nhà thơ BÙI PHAN THẢO
(Đọc Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Thưởng, NXB Hội Nhà văn, 2024)
Trong giới văn chương TP HCM, nhà văn Nguyễn Văn Thưởng, Hội viên Hội Nhà văn TP HCM được nhiều người biết đến với những bài thơ mộc mạc về quê hương đất nước, những bài thơ trào phúng mà ông gọi là thơ vui với bút danh Vươn Thẳng, cũng như cá tính thẳng thắn của người con đất Hà Tĩnh, thấy chuyện bất bình là lên tiếng đấu tranh, phê phán, kiến nghị sửa chữa…
Cuối năm 2024, đón chào 75 năm tuổi đời và 50 năm tuổi Đảng, ông ra mắt Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Thưởng, gồm 2 phần: thơ thông thường và thơ vui. Thơ thông thường ông chọn 75 bài, cùng số tuổi của ông và thơ vui ông chọn 105 bài trong số gần 300 bài đã xuất bản, ông viết với bút danh Vươn Thẳng.
Với tuyển tập này, người đọc cảm nhận rõ hơn về con người ông, sinh ra và lớn lên ở quê nhà Hà Tĩnh, đi học rồi đi làm gắn bó suốt 40 năm với mảnh đất Bình Trị Thiên, tham gia xây dựng các công trình thủy lợi ở Quảng Bình, Quảng Trị, ra Hà Nội học Đại học Thủy lợi, về làm chuyên viên ở Sở Thủy lợi Bình Trị Thiên, rồi 10 năm “cắm chốt” ở huyện Hương Điền. Năm 1993 rời chức Trưởng phòng Thủy lợi huyện Hương Trà chuyển về Đông Hà (Quảng Trị) sau đó làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty xây dựng, 10 năm làm bí thư chi bộ và nghỉ hưu năm 2008. Năm 2011 ông lại vào TP HCM sống và trở thành cây bút chuyên nghiệp, là Hội viên Hội Nhà văn TP HCM, nhận giải thưởng về thơ của TP HCM năm 2013 và giải thưởng về thơ của Trường Đại học Thủy lợi năm 2019.
Gần như trọn đời mình, ông sống với khí chất thẳng ngay, yêu Đảng, yêu Bác, yêu nước, yêu đời; đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn lên. Ông tự nhận tính cách của mình đã gắn vào 2 câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Rằng quen mất nết đi rồi/tẻ vui, thôi cũng tính trời biết sao”.
Còn thơ thông thường thì ông dùng những lời thơ mộc mạc, ân tình:
“Năm mươi năm tuổi Đảng tròn/ vững tin vào Đảng sắt son một lòng/ thấy đời tiêu cực, bất công/ vẫn còn tranh đấu quyết không chịu lùi” (Tuổi bảy lăm)
Ông bày tỏ lòng mình với mọi người, cho hay cả người thân cũng lo ngại bị phiền nếu đấu tranh chống lại những điều chướng tai gai mắt, song ông kiên quyết một lòng:
“Còn tôi thì vẫn dửng dưng/ không hề run sợ, chẳng mừng chẳng lo/ quan liêu, vô cảm, thờ ơ/ thấy mà không chống, làm ngơ sao đành/ đứng ra bảo vệ dân lành/ ngăn ngừa kẻ xấu lộng hành khắp nơi”
“Linh hồn cùng với trái tim/ tình thương trách nhiệm niềm tin vững vàng” (Những điều nghe thấy)
Với tính cách đó, yêu ghét rõ ràng, ông yêu quê như máu thịt: “Cho dù cách trở núi sông/ quê hương yêu dấu vẫn không phai mờ”.
Ông yêu dòng sông “trong tôi bóng dáng sông quê/ đi cùng năm tháng không hề nhạt phai”; “sông bao nhiêu khúc sông ơi/ mà ta thương nhớ khôn nguôi tháng ngày”; yêu mái trường ngày nhỏ dại “tôi đang tìm lại bóng hình/ một thời thơ ấu của mình nơi đây”.
Ông đem theo nỗi nhớ, từ đêm trăng “cây đa bến nước sân đình đầy trăng”, đến bến đò xưa “mẹ tôi qua chuyến đò ngang/ cáy cua mang bán khoai lang mua về”. Câu thơ giản dị, song ai ở quê nghèo miền Trung mới thấm thía 4 chữ “cáy cua mang bán”. 4 chữ đó là bao người dầm dãi trên đồng dưới bãi bắt cáy bắt cua để kiếm tiền chợ nuôi con dại. Mẹ cha áo không lành, không đủ che thân trong giá rét, mưa gió quanh mình… Mang bán cua cáy song không đủ tiền mua gạo, chỉ mua khoai lang cho cả nhà cầm hơi, qua tháng ba ngày tám…
Trọn đời ông nặng lòng yêu quê, nặng tình củ khoai hạt lúa “quê hương hai tiếng thiêng liêng/ củ khoai hạt lúa làm nên cuộc đời”. Những người vì hoàn cảnh phải xa quê đều thương và nghĩ về những người ở lại với lòng biết ơn: “Ơn những người bám trụ đất quê/ khó khăn gian khổ họ chẳng nề/ xây dựng quê hương từ đổ nát/ để đi lên sánh kịp bạn bè”.
Cùng với Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng là vùng đất ông dành nhiều tình cảm thân thương. Gần 40 năm công tác ở tỉnh Bình Trị Thiên, ông có 20 năm công tác ở Quảng Trị nên ông am hiểu rành rẽ, có nhiều kỷ niệm gắn bó, nhiều sự kiện quan trọng của cuộc đời ông diễn ra tại đất này, coi như một quê hương thứ hai của ông vậy. Tháng 11- 1999, cơn lũ dữ quét qua Quảng Trị khiến hàng trăm người chết, thiệt hại vô cùng lớn, ông xót xa thương cho bao cảnh đời: “nước rút rồi chẳng biết về đâu/ nhà cửa không còn cái ăn chẳng có”; “ôi miền Trung sao mà gian nan thế/ hết gió Lào đến bão lũ triền miên”
Dù vậy, ông tin tưởng người Quảng Trị sẽ vượt qua thương đau, tạo dựng lại cuộc sống từ những hoang tàn:
“Nhưng miền Trung chẳng bao giờ nao núng/ vẫn vững vàng vượt gian khổ thương đau/ miền Trung ơi có đồng bào cả nước/ cùng dõi theo cùng chia sẻ vui buồn/ hãy anh dũng mà vượt lên phía trước/ đắng cay nhiều sẽ có ngọt bùi hơn” (Viết trong cơn lũ)
Ba mươi năm từ đổ nát hoang tàn/ thắng đói nghèo vượt biết mấy gian nan/ hái quả ngọt qua muôn vàn cay đắng/ niềm hy vọng một tương lai tươi sáng/ đang đến gần Quảng Trị mến yêu ơi” (Trở về Quảng Trị)
Trong thư gửi cho tác giả, ngày 25-4-2002, nhà thơ Huy Cận nhận xét bài thơ này là rất tình cảm.
Ông đã đưa con trai về thắp hương cho mười cô gái Đồng Lộc và sáng tác bài thơ “Thăm ngã ba Đồng Lộc”, bài thơ này đăng báo Hà Tĩnh và được lưu giữ tại bảo tàng 10 cô gái Đồng Lộc từ mấy chục năm nay.
Sau 3 năm nghỉ hưu, năm 2011 ông rời Quảng Trị vào TP HCM sống. Trước lúc chia tay ông không khỏi bùi ngùi, lưu luyến
“Ngày mai tôi phải đi xa/ chia tay Quảng Trị, Đông Hà mến yêu/… chia tay cảnh vật con người/ bao năm gắn bó đầy vơi ân tình/ vào thành phố Hồ Chí Minh/ xin mang theo cả bóng hình nơi đây” (Chia tay Đông Hà)
Với giọng thơ chân chất, nhà thơ Nguyễn Văn Thưởng cho thấy điều hiển nhiên “thơ là tiếng nói của tình cảm”, thơ là tiếng lòng chân thật, từ đó dễ đi vào lòng người.
Những hồi ức thân thương đó cho thấy phải nặng tình thế nào mới mang theo suốt đời người. Ông nhớ gần hết những sự kiện, những tên đất tên người trên đường đời dài rộng mà ông đi qua. Thời gian đã trôi đi, cái còn lại luôn là tình người, là những nghĩa nhân, cùng góp sức xây dựng đời sống cộng đồng – xã hội tốt đẹp hơn lên.
Đó cũng là một phần quan trọng trong đời người – đời thơ của ông với những bài thơ vui, trào lộng sâu cay mà ý nghĩa. Nhiều bài thơ vui của ông vang lên ở chợ quê, ở bệnh viện Hà Tĩnh… Có bữa ông đi dạo ở bãi biển Nha Trang nghe một nhóm người đọc bài thơ “Con gà chồn tha” của ông. Khi biết ông là tác giả, họ rất vui, mời ông đi ăn sáng, chuyện trò. Bài thơ này như sau:
“Thấy anh lo việc sớm khuya/ việc công nhanh nhẹn việc kia lơ là/ tối qua em thịt con gà/ rượu ngon sẵn có mang ra anh xài/ nhìn anh ăn uống no say/ mừng thầm em nghĩ đêm nay ra trò/ ai ngờ anh ngáy khò khò/ một giấc đến sáng mới bò dậy luôn/ thôi thì biết nói gì hơn/ coi như gà ấy bị chồn tha đi”
Ông viết rất dí dỏm, duyên dáng về chị vợ khoe có chồng ngoan:
“Chồng tôi hay lam hay làm/ suốt ngày cặm cụi chẳng ham chơi bời/ lại còn nghe vợ hết lời/ dù la dù mắng vẫn cười vô tư…/ việc gì làm cũng tròn vo/ không cờ không bạc không bồ không say/ đêm đêm đều đặn “trả bài” (Chồng ngoan)
Trong cuộc sống gia đình, người nội tướng dĩ nhiên cực kỳ quan trọng. Chẳng thế mà vợ đi vắng 3 ngày, nhà cửa đã nháo nhào lên:
“Vợ đi vắng bữa thứ ba/ mà lâu đằng đẵng như là… nửa năm/ cha con đi chợ nấu ăn/ bí quên gọt vỏ, Vedan cũng thừa/ thịt chẳng nhớ, hành thì mua/ tội cho chén bát bị lùa vỡ toang/…may mà vợ vắng ba ngày/ kéo dài thêm nữa thì… gay vô cùng” (Ba ngày vắng vợ)
Ông có những bài thơ hài hước với câu chuyện khiến người đọc thích thú dõi theo và bất ngờ với cách xử trí. Chẳng hạn chuyện anh chồng nhậu say khi trời mưa không kịp rút áo quần trên dây phơi, bị vợ rầy, anh ngồi chịu trận:
“Bạn anh lên tiếng cười chê/ sao mày sợ vợ làm ê mặt chồng/ việc này nếu phải tay ông”
Gặp lúc cô vợ anh bạn này bất ngờ đến nghe thấy:
“Cô nàng vợ bạn liền xông ngay vào/ nếu ông thì sẽ làm sao/ tôi đưa quần áo chạy vào trước mưa/ may mà nhanh trí bất ngờ/ không thì vợ trị bơ phờ một phen” (Nếu phải tay ông)
Ông hóm hỉnh với tuổi già qua câu thơ diễu nhại nhẹ nhàng: “Ngày xưa tóc hãy còn xanh/ toàn nghe những tiếng chào anh ngọt ngào/ bây giờ tóc bạc tuổi cao/ nghe ông nghe bác mà nao nao lòng” (Tóc xanh – tóc bạc)
Bạn thơ cả nước đều ngợi khen, đánh giá cao thơ vui của ông. Nhà thơ Tùng Bách nhận xét ông là người có duyên kể chuyện tiếu lâm bằng thơ. Nhà thơ Vương Trọng đánh giá cao khả năng lục bát hóa các chuyện tiếu lâm rất cao của ông bên cạnh sử dụng thành công ngôn ngữ của thơ vui nên giúp bạn đọc có nụ cười thoải máí…
Có thể nói đây là một tuyển tập thơ đẹp, đầy ý nghĩa đối với nhà thơ Nguyễn Văn Thưởng nhân kỷ niệm những ngày quan trọng của đời ông. Qua thơ, ông giãi bày tâm tình gan ruột, đời người như dòng sông mải miết chảy về xuôi, luôn biết sống cho đi, sống trọn đạo làm người:“Mong sao xứng đáng làm người/cho lòng thanh thản khi rời trần gian” (Tuổi bảy lăm)
Và với đất phương Nam, với Sài Gòn – TP HCM nơi ông vào cư trú cuối đời, đã tiếp tục chắp cánh cho những vần thơ của ông bay xa, đây là đất của nghĩa tình, ông và gia đình gắn bó, yêu thương, đạt được những mơ ước của cuộc đời. Chúc mừng ông với hành trình thơ, với hành trình cuộc sống:
“Cảm ơn số phận cuộc đời/ cho tôi hạ cánh về nơi Sài Gòn/ quây quần bên cạnh cháu con/ đạt nhiều mơ ước, chẳng còn đâu hơn” (Mười năm vào với Sài Gòn).
TP HCM, tháng 12-2024
B.P.T