- Truyện
- “Mấy anh trên Tổng cục” | Trần Minh Hợp
“Mấy anh trên Tổng cục” | Trần Minh Hợp
TRẦN MINH HỢP
“Đồng chí Tri - Phó phòng công tác sinh viên phối hợp tổ chức buổi biểu diễn với Đoàn nghệ thuật” - Chữ viết bằng bút máy của thầy Hiệu phó mang nét đẹp cổ điển, uy quyền và dạt dào.
Công văn vừa đến sáng nay tại phòng Văn thư trường. Tờ công văn của Đoàn kịch viết rõ: “Biểu diễn phục vụ những tác phẩm kịch về đề tài ca ngợi tinh thần truyền thống dân tộc, đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chính thống cho sinh viên. Khơi gợi, bồi dưỡng, nâng cao ý thức xây dựng văn hóa, bảo vệ văn hóa cho thế hệ trẻ”.
Tri nhanh như chớp, vừa cầm tờ công văn vừa chạy đi các phòng ban nhờ giúp đỡ trong ngày đón đoàn kịch.
Đoàn kịch Lúa Mới đang lưu diễn miền Nam, tuần này sẽ diễn ở trường.
*
- Như anh đã biết, đoàn kịch Lúa Mới với nhiệm vụ quốc gia là khơi gợi, bồi dưỡng, nâng cao ý thức xây dựng văn hóa, bảo vệ văn hóa… thông qua nghệ thuật - Đại diện đoàn kịch mở đầu cuộc nói chuyện.
- Ừa, bây giờ kịch nhảm trên mạng nhiều quá. Nói tục, chửi thề, nói cà khịa tràn làn, làm các em tưởng những lời nói đó là đúng nên học theo. Có kịch từ nghệ sĩ chính thống như tụi anh thì hay quá… Kịch sân khấu chuyên nghiệp bây giờ cũng pha màu giật gân câu khách gần hết, vì sức ép của thị trường - Tri tiếp lời bằng giọng nói hừng hực của một cán bộ làm công tác chính trị.
Sau khi thống nhất lịch biểu diễn, Tri gấp sổ, đậy nắp viết, rót thêm trà cho phó đoàn.
- Bên mình hỗ trợ được bao nhiêu cho anh em ạ? Bữa mấy tỉnh miền núi, cũng hơi khó khăn nhưng ủng hộ đoàn 20 triệu. Bên em đơn vị dưới quyền trực tiếp của Tổng cục Trưởng, nên cũng có nhiều mối quan hệ ngoài Tổng cục. Nên mấy ảnh có hỏi về trường, thì tụi em cũng dễ nói chuyện.
Dòng nước trà Ô Long như chảy lệch ra khỏi mép ly vì tay Tri bị co giật.
- Tất nhiên có chứ! Mình biết anh em diễn cực mà! Mình biết anh em phải tập luyện nhiều, rồi tiền trang phục, trang điểm, đạo cụ. Mình yêu nghệ thuật mà nên mình biết. Mà mấy khi đơn vị được đoàn đến biểu diễn, mình biết, vì có hàng trăm đơn vị của Tổng cục mình ở miền Nam, mình biết, đoàn nhớ đến trường, đó cũng là cái vui, cái vinh hạnh, mình biết - Tri trả lời giả lả để chống chọi lại cơn sốc.
- Vậy bên anh cho em con số cụ thể được không ạ?
Tri đã bàn về con số với thầy hiệu phó nhưng vẫn giật mình với thái độ “chốt giá” của đại diện đoàn nghệ thuật.
- Thì các đơn vị khác nhiêu, thì bên mình nhiêu, mình biết anh em diễn kịch cũng cực mà!
- Vậy 20 triệu đúng không ạ? Em biết sớm để báo cáo với thủ trưởng chứ không có gì…
- Ừa, chắc cỡ đó, đó anh!
*
Tiểu phẩm “Chuyện lạ trên hòn đảo hoang” là câu chuyện có 3 nhà nghiên cứu lịch sử đang công tác trên một hòn đảo hoang vu, nơi không có người dân sinh sống. Nút thắt mở của tiểu phẩm là lúc người vợ một trong ba nhà lịch sử học đang mang thai vẫn ra đảo thăm chồng. Chị lên cơn đau đẻ giữa một ngày gió bão đang vây lấy hòn đảo bé nhỏ. Các câu thoại hài diễn ra trên tình huống nhà nghiên cứu chạy ra chạy vô giữa vợ mình và trưởng nhóm để báo cáo diễn biến của cơn vượt cạn. Mỗi lần báo cáo, thủ trưởng cũng chỉ đạo cho ông “mụ” bất đắc dĩ như chỉ đạo một dự án nghiên cứu. Kết thúc tiểu phẩm là nhà nghiên cứu bồng đứa con lên, hò reo: Thế là ngành ta lại có thêm một ông nghiên cứu lịch sử con rồi…
“Không biết mọi người có tập vở kịch này không hay họ diễn cương, kiểu tùy cơ ứng biến trên sân khấu như trong cải lương” - Tri bần thần tự hỏi, rã rời rời hội trường.
*
- Hy vọng những tiếng cười sẽ giúp các em bớt căng thẳng trong những ngày học hành căng thẳng. Kịch đôi khi chỉ cần nhẹ nhàng vậy thôi anh nhỉ, anh em bây giờ diễn chính kịch nhiều quá, nặng, khó xem, dễ chán, khó nuốt, khó cảm - Phó đoàn kịch nói chuyện trong bữa ăn chia tay sau đêm diễn.
Tiễn đoàn lên xe, Tri đi dạo đêm trong sân trường, nơi 15 năm trước, Tri hay tập kịch cùng các bạn trong lớp.
Các sinh viên đang tập vở kịch về câu chuyện về cuộc đời người tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Anh bị gia đình từ mặt khi buộc phải gia nhập lính Việt Nam Cộng hòa để thu thập tin tình báo cho quân đội Giải phóng. Gương mặt của cô gái diễn vai người mẹ miền Tây đủ làm cho Tri thấy sự giằng xé giữa tình thương con và nỗi đau có người con “phản quốc”. Anh cũng chợt như thấy đâu đó một vết thương của đất nước, lâu lâu vẫn lên cơn đau.
*
“Mấy anh bên Tổng cục đề xuất tụi em diễn tiếp ở miền Nam, nên gọi điện xin anh sắp xếp cho tụi em diễn một buổi chiều. Tụi em cũng muốn có cơ hội phục vụ anh em miền Nam, vì đường sá xa xôi, chẳng mấy khi mới được vào. Mấy anh trên Tổng cục có ý kiến thế, nên em gọi cho bên anh! Phục vụ ngành hết anh ạ!” - Đại diện đoàn kịch lại gọi điện cho Tri.
“Dạ, bên em mới tổ chức cuộc thi kịch sinh viên. Mấy anh trên Tổng cục có dự, cũng có khen dữ lắm. Mấy ảnh nói các em sinh viên diễn tốt lắm. Nhất là tiết mục “Người con phản quốc”. Mấy ảnh nói nhìn cảnh trí sân khấu giống như miền quê Nam bộ trước 1975, nhất là cái hàng rào, à, mấy ảnh nói là cái bờ giậu. Mấy ảnh cũng khen vở “Trái tim Mỹ Thuận”, kể một anh cứu hộ, lặn xuống sông Tiền trong 3 ngày đêm để tìm xác của một đứa trẻ bị chết đuối. Tụi nhỏ làm mô hình cầu Mỹ Thuận như thật. Với lại, nhiệm vụ tuyên truyền tháng này bên em đã tạm hoàn thành. Báo cáo cũng đã gửi ra mấy anh trên Tổng cục. Nên chắc hẹn với đoàn trong đợt Nam tiến khác, anh nhé!”.