TIN TỨC

Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-05-04 17:00:03
mail facebook google pos stwis
579 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Thi ca có giá trị gì trên cuộc đời? Câu hỏi ấy có lẽ không dành cho kẻ thờ ơ. Với nhiều người may mắn và thực dụng, thi ca hoàn toàn vô nghĩa. Thế nhưng, với nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa, thì thi ca là tất cả. Thi ca không chỉ cho anh điểm tựa vượt qua những ngày buồn thương, mà thi ca còn giúp anh có được lương duyên hạnh phúc. Trong bóng tối hẩm hiu của số phận, thi ca giống như đôi mắt cho Lê Đình Hòa nhìn thấy cuộc sống ấm áp, mà thi ca cũng giống như lăng kính để những tâm hồn đồng điệu sẻ chia với từng nhịp đập trái tim Lê Đình Hòa!


Nhà thơ Lê Đình Hòa

Sáng tạo không phân biệt sang hèn, và văn bản nghệ thuật cũng không dành chỗ cho những ái ngại và xót xa. Tôi tin như vậy, khi viết về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa, bởi lẽ tác phẩm của Lê Đình Hòa đủ sức để đại diện cho khát khao của anh, mơ ước của anh, run rủi của anh, xao xác của anh. Sinh ra trong gia đình có 6 người con, từ nhỏ Lê Đình Hòa đã có năng khiếu văn chương.

Hiền lành, chăm chỉ và học giỏi, Lê Đình Hòa từng là niềm hy vọng của cả nhà. Bố của anh mất sớm, mẹ của anh - bà Huỳnh Thị Lài chịu đựng góa bụa làm lụng nuôi các con khôn lớn. Không phụ công mẹ, Lê Đình Hòa trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Qui Nhơn. Thế nhưng, dự định trở thành giáo viên của Lê Đình Hòa bị cắt ngang vì một biến cố quái ác.

Năm thứ hai ở giảng đường, Lê Đình Hòa cứ thấy mắt mình mờ dần, mờ dần từng ngày. Thương con, bà Huỳnh Thị Lài bán chiếc nhẫn cưới - di vật duy nhất người chồng để lại, hòng chữa chạy cho anh. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, bác sĩ chỉ có thể xác định Lê Đình Hòa bị teo dây thần kinh thị giác, nhưng không có phương pháp điều trị.

Lê Đình Hòa nhớ lại: "Tháng 6/1984, tui quay lại ký túc xá để thu dọn hành trang và giã biệt thời sinh viên. Bạn bè ôm tui khóc nức nở, mà tui vẫn chưa hết bàng hoàng vì định mệnh nghiệt ngã ập xuống bản thân nên không rơi được giọt nước mắt nào. Đêm cuối cùng ở Qui Nhơn, tui ra mộ Hàn Mặc Tử ngồi đến sáng. 21 tuổi, tui không biết ngày mai của mình ra sao". Bơ vơ và hoang mang, Lê Đình Hòa trở về mái nhà xưa sống với người mẹ héo mòn vì đau khổ, ở thị trấn Phú Lâm (bây giờ là phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)

Bóng tối và bóng tối bủa vây, chàng trai Lê Đình Hòa hoạt bát hôm nào chỉ còn biết co ro ngồi trong bóng tối. Bà Huỳnh Thị Lài cũng đã trải qua rất nhiều cơ cực, đôi vai bà đã quá mệt mỏi trước bao nhiêu giông bão tảo tần. Đôi mắt Lê Đình Hòa đột ngột bị cướp đi, thực sự là một đòn chí mạng khiến bà ngỡ như đổ quỵ. Tuy nhiên, với tấm lòng của một người mẹ, bà không nỡ nhìn con trai cứ suy sụp triền miên.

Bà Huỳnh Thị Lài muốn đứa con trai bất hạnh tiếp tục một cuộc sống khác, dẫu mịt mờ hơn, dẫu thiệt thòi hơn. Bà lục tung đống sách vở cũ của Lê Đình Hòa, để tìm lại những bài thơ mà Lê Đình Hòa đã sáng tác thuở mộng mơ mái trường trung học. Bà vốn dân quê chân lấm tay bùn, không thể rạch ròi cái hay cái đẹp của thơ, nhưng bà mong con trai có thể nhờ thơ để giãi bày, nhờ thơ để buông bớt tủi hờn, nhờ thơ để có lối thoát tương lai.

Lắng tai nghe người mẹ quanh năm buôn thúng bán bưng cất giọng nghẹn ngào đọc những câu thơ mình viết dạo nào: "Nhà em ở phía chân trời ấy/ Thương nhớ đi vòng mấy xóm quê/ Những hội ngày xuân nay đã vãn/ Bươm bướm trễ mùa bay ngẩn ngơ", Lê Đình Hòa chợt nhận ra mình còn có thơ. Lê Đình Hòa biết rằng đã đến lúc phải dựa vào thơ để đứng dậy, vì mẹ và vì mình.

Chấp nhận nghịch cảnh, Lê Đình Hòa làm thơ về chính khoảnh khắc đen đủi nhất của mình: “Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau/ Làm xa lạ bỏ tình yêu giữa phố/ Chiều nghiêng môi uống cùng ta bão tố/ Trời rưng rưng trăng chín sắp rơi rồi/ Sóng làm ta hoảng sợ chạy mòn hơi/ Ta vấp ngã bên vỉa hè đại học”. Và Lê Đình Hòa làm thơ về cái đêm anh tạ từ Hàn Mặc Tử đắng đót ở đồi gió Quy Hòa: "Chút hương vị phong cùi trên mặt đất/ Ta còn gì giữ lại Quy Nhơn ơi”.

Từ đó, thi ca trở thành người bạn đồng hành với Lê Đình Hòa. Và người mẹ của Lê Đình Hòa bao giờ cũng ngân ngấn khóe lệ khi con trai nhờ chép lại những câu thơ vừa được hình thành trong tâm trí, dù lắm lúc là những lời buồn váng vất khôn nguôi: “Cuộc chơi đến nỗi mía trổ bông cũng hóa thành lau trắng/ May mà cõi thơ còn sót một nhành trăng/ Mùi hương gần quá không thơm nữa/ Riêng đóa vô ưu nở vĩnh hằng”.

Tôi quen Lê Đình Hòa đã hơn 30 năm, có tình đồng hương và có tình văn chương. Mỗi dịp về Phú Yên, tôi đều ghé thăm Lê Đình Hòa và cố gắng thu xếp đưa anh đi chơi đâu đó. Nhà của Lê Đình Hòa cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 5 cây số, phân định bằng bên này và bên kia sông Đà Rằng.

Có lần ngồi sau xe tôi, Lê Đình Hòa bất chợt ngâm nga: “Một khúc sông bốn cây cầu lữ thứ/ Ta và em cuộc gặp tình cờ”, khiến tôi giật thót. Đúng là có bốn cây cầu nối dọc nối ngang ở khu vực này, nhưng tôi chưa bao giờ để ý. Tôi tỏ vẻ thán phục, Lê Đình Hòa thật thà: “Tui bị mù, dễ gì được ra khỏi nhà, nên mỗi khi đi phải luôn cố gắng cảm nhận và thu nạp xung quanh để tự bù đắp cho mình”.

Các anh chị em của Lê Đình Hòa lần lượt lập gia đình riêng. Lê Đình Hòa lủi thủi ở nhà với mẹ già. Mỗi ngày, ngoài thời gian nghe đài, Lê Đình Hòa dò dẫm trong ngõ hẻm quanh co bên hông chợ Phú Lâm. Anh thuộc từng mảng tường loang lổ, và thuộc từng căn hộ láng giềng cách xa bao nhiêu bước chân.

Từng tháng từng năm trôi qua trong thơ Lê Đình Hòa, như những trang nhật ký. Lê Đình Hòa nghe được sự chuyển mùa lặng lẽ: “Một chút mơ màng trong sương tím/ Hồ thu vừa khép cánh sen thơm/ Mình có ai đâu mà lỡ hẹn/ Chiều ngồi bó gối đợi trăng lên”, nghe được sự thay đổi bần thần: “Hôm nay mưa xóa mờ phong cảnh/ Trắng cả cành dâu sẫm lá tơ/ Nào hay thoáng chốc đàn chim lạnh/ Mang cả mùa đông vội vã về” và nghe được cả sự hiu quạnh cá nhân: “Chao ôi, ngày đuối trên sông cạn/ Tóc dại hồn nhiên ngập trắng đầu”.

Không khó nhận ra, thơ Lê Đình Hòa thường xuất hiện từ "trắng", đấy là màu sắc lờ mờ ám ảnh cuối cùng trước khi anh mất hẳn ánh sáng. Lê Đình Hòa thổ lộ: “Người ta nhìn thấy hoa phượng đỏ, còn mùa hè chấm dứt giai đoạn bút mực của tui chỉ có hoa phượng trắng”.

Tôi dám chắc, những ai đọc thơ Lê Đình Hòa cũng vẫn thấy sức quyến rũ của hoa phượng trắng, khi anh rộn ràng: “Mây trắng nhập vào hoa phượng trắng/ Ta ngồi xếp lại giấc mơ xưa/ Người đi về phía vang rền nắng/ Phố cũ nhìn theo mộng hải hồ” và khi anh tư lự: “Hai con mắt chói lòa hoa phượng trắng/ Tóc mấy sợi nhàu chờ hóa mây bay”.

Lê Đình Hòa nói chuyện nhỏ nhẹ và sâu sắc. Tôi dám chắc trước khi bị mù thì anh cũng được không ít cô gái thầm thương trộm nhớ. Lê Đình Hòa chân thành xác nhận, tuổi cập kê anh cũng có mối tình với nữ sinh cùng trường, nhưng từ ngày anh khiếm thị thì không còn liên lạc nữa. Mối tình đang nồng nàn bỗng bất ngờ cách ngăn trớ trêu ấy, lâm ly như thơ anh viết: “Một lần liều mạng đến thăm em/ Chiều đã cài then nắng ngủ thềm/ Lơ mơ tôi đứng bên hàng giậu/ Thiên lý u buồn phảng phất hương”, và cũng đành cầu chúc cho người xưa an vui lấy chồng: “Những áng mây bay rối nửa trời/ Những hình dung cũ em xa xôi/ Đèn hoa hòa bóng hoa giăng mắc/ Anh biết làm sao thương nhớ ơi”.

Cứ ngỡ Lê Đình Hòa phải vò võ một mình với ngổn ngang lận đận “Nghe gió mách những lời ác độc/ Tôi buồn vì cô hàng xóm ở không/ Ba năm tu chùa không bằng một ngày tu chợ/ Soi gương không thấy bóng mình, chỉ thấy bóng cô đơn”, thì có một ngẫu nhiên long lanh cổ tích. Tình cờ đọc được một bài báo viết về Lê Đình Hòa, cô giáo Trần Thị Hạnh đang dạy mầm non ở thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, Bắc Kạn đã viết thư làm quen và động viên anh.

Thư đi thư lại cũng thấy bất tiện vì anh phải nhờ người đọc giùm, Trần Thị Hạnh quyết định thu âm những tâm sự của mình để gửi vào miền Trung cho anh nghe. Cô giáo Trần Thị Hạnh cũng có làm thơ với bút danh Hạnh Vân, nên hai trái tim nhanh chóng có cùng nhịp đập.

Có được hồng nhan tri kỷ, Lê Đình Hòa quyết định tỏ tình: “Có ai về Bắc Kạn anh nhắn thăm/ Em không thể chỉ là em gái/ Ước gì cha mẹ đừng già, chúng mình trẻ mãi/ Chân trời góc bể tìm nhau”. Thấu hiểu hoàn cảnh Lê Đình Hòa “Đêm thật buồn, đêm như vực sâu/ Anh đăm đắm nhìn về phương Bắc/ Anh sống được nhờ thơ, nhờ hoa và nhờ ảo giác/ Và nhiều khi anh sống nhờ nước mắt”, Trần Thị Hạnh ngồi xe đò vượt hơn ngàn cây số tìm đến tận nhà anh cho thỏa mong ngóng. Bàn tay nắm lấy bàn tay, ấp iu và gần gũi, không ai nỡ chia lìa.

Biết bản thân tự xoay xở đã khó, mà Trần Thị Hạnh cũng phải đối mặt với sự khuyên can của dòng họ, Lê Đình Hòa ngậm ngùi cho cơ duyên trùng phùng: “Thôi đừng buồn nữa Hạnh Vân/ Đêm màu trắng, người phân thân tìm người/ Vết thương gào xé trêu ngươi/ Xót xa ai biết, ngậm ngùi ai hay”. Thế nhưng, Trần Thị Hạnh vẫn quyết định làm dâu đất Phú Yên. Đám cưới của họ được tổ chức giản dị vào cuối năm 2004. Chuyện tình đẹp như một truyện phim của họ được đánh dấu bằng sự ra đời của đứa con gái Lê Trần Phương Anh!

20 năm qua, vợ chồng nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa đỡ đần và che chở nhau vượt qua những chật vật cơm áo với niềm tin "bên dốc kia vẫn còn dung dăng nắng". Đôi khi hạnh phúc chênh chao, Lê Đình Hòa xoa dịu bằng thơ: “Thưa em chuyện đã lỡ rồi/ Xin em bỏ quá cho người chiêm bao". Thương chồng và tháo vát, Trần Thị Hạnh ngược xuôi vun đắp cho tổ ấm của mình ngày thêm vững bền. Đáp đền ơn vợ, Lê Đình Hòa chắt lọc tài sản thi ca sống trong bóng tối vừa qua của mình, để in tập thơ lấy tên là “Cõi Hạnh”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một
Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời.
Xem thêm
Một gương mặt khác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 153, ngày 5/12/2024.
Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm