TIN TỨC
  • Tin tức - Hoạt động Hội
  • Người được tác giả “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” so sánh với thi sĩ chân quê Nguyễn Bính là ai?

Người được tác giả “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” so sánh với thi sĩ chân quê Nguyễn Bính là ai?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-27 18:32:44
mail facebook google pos stwis
301 lượt xem

THANH KIỀU

Sáng nay (27-9) , tại trụ sở Liên hiệp Hội VHNT TPHCM ra mắt tuyển tập thơ Nguyễn Văn Hiếu với sự tham dự của gần như đầy đủ lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM. Thế nhưng, nhiều đồng nghiệp trẻ cầm bút sinh sau 1975 lại ít người biết tác giả Nguyễn Văn Hiếu là ai. Trong khi nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” thì so sánh nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu với thi sĩ chân quê Nguyễn Bính.


Nhóm bạn cầm bút chúc mừng nhà thơ, đại tá Nguyễn Văn Hiếu, từ phải qua: Đỗ Viết Nghiệm, Quang Chuyền, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Duy, Thái Thăng Long.

Trong lời tựa phần đầu cuốn sách “Thơ Nguyễn Văn Hiếu”, nhà thơ Hữu Thỉnh có nhận xét, như sau: “Dù viết về gì thì tâm hồn nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu vẫn khắc khoải một niềm thương. Nó đánh thức trong anh những hoài niệm, những mất mát, những chiêm nghiệm. Đối với một kẻ xa quê như anh, quê hương vừa là nơi đi, vừa là nơi đến. Chính vì thế anh vừa cho ta biết nỗi vật vã của lòng anh vừa cho ta biết tiếng nấc của tâm hồn anh đối với làng. Có lẽ trong thi ca Việt Nam hiện đại, sau Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Hiếu là một nhà thơ viết nhiều và viết rất cảm động về ngôi làng của mình”.

Còn theo nhà văn Nguyễn Trường, thì: “Đọc tuyển tập thơ của Nguyễn Văn Hiếu ta hình dung được tổng thể thơ anh, nếu theo cách chia thông thường sẽ dễ nhận thấy anh có các mảng đề tài: Tình yêu quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên, những cảm xúc của người lính một thời trận mạc, những rung động trước cảnh đẹp quê hương đất nước và con người thời bình. Nhưng dù viết về đề tài nào, nhà thơ cũng có mẫu số chung: “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” (Roman Jakobson - Nhà ngôn ngữ kiêm thi pháp gia nổi tiếng người Mỹ 1896 - 1982)”.


Các nhà thơ, nhà văn nhiều thế hệ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu.

“Thơ Nguyễn Văn Hiếu không cầu kỳ, không đi tìm thi pháp mới lạ, rất nhiều bài thơ dễ hiểu, dễ đồng cảm bởi anh tự lấy mình làm đối tượng nhưng hình như anh nói hộ chúng ta rất nhiều điều về thời đại ta hằng sống, hằng mơ. Đọc xong tuyển tập thơ Nguyễn Văn Hiếu, ta thấy đây là tập thơ có sức nặng, tập thơ rất hay, ta cảm được thơ anh mà không lý giải được vì sao nó hay. Cho đến khi đọc lại bài “Mừng cháu nội ra đời” tôi mới giải mã được thơ Nguyễn Văn Hiếu: “Bấy lâu phấp phỏng nỗi chờ trông/ Cháu nội ra đời lên chức ông/ Sáng nay sân trước con chim hót/ Cây tự nhiên khoe một đốm hồng” – nhà văn Nguyễn Trường, phân tích về thơ Nguyễn Văn Hiếu.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1945 tại Thanh Hóa, ông tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM và Học viện Hậu cần, nhập ngũ năm 1965, công tác và chiến đấu ở binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), ở Tổng cục Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng, đời binh nghiệp của ông đạt đến quân hàm đại tá. Ông xuất hiện trong làng thơ Việt khá muộn với tập thơ đầu tay “Mưa hội chùa” in năm 1999. Như dồn nén cảm xúc lâu năm được dịp khơi thông, nhà thơ – đại tá Nguyễn Văn Hiếu ấn hành liên tục các thi phẩm của ông: “Miền tôi” năm 2000, “Tiếng gõ giao mùa” năm 2001, “Cánh buồm heo may” năm 2004, “Giấc mơ rừng” năm 2009, “Lục bát Nguyễn Văn Hiếu” năm 2009, “Tứ tuyệt’ năm 2011 và “Thơ Nguyễn Văn Hiếu” năm 2024 này.


Nhà thơ, đại tá Nguyễn Văn Hiếu.

Thơ của đại tá Nguyễn Văn Hiếu đã được công nhận qua nhiều giải thưởng của các báo, tạp chí và các tổ chức văn chương, đáng chú ý như: Tặng thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm: Tiếng gõ giao mùa; Giải nhì cuộc thi thơ báo Người Hà Nội năm 2000 bài thơ Đưa em về; Giải thưởng văn học 5 năm Bộ quốc phòng 1999 – 2004 tập thơ Cánh buồm heo may; Giải thưởng cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 2008 – 2009…

Những đồng nghiệp thế hệ sau như nhà thơ, nhà báo Bùi Phan Thảo, Chi hội phó chi hội Nhà văn VN tại TPHCM, nhìn nhận: “Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu trung thành, nhất quán với dòng thơ diễn đạt bằng ngôn ngữ trữ tình, những lát cắt của cuộc sống, cảnh vật. Sắc màu hiện thực trong thơ ông không bóng bẩy chữ nghĩa mà biểu cảm trung thực, chân thành sau lớp vỏ ngôn từ bình dị, mềm mại. Thơ ông không màu mè kiểu cách mà nhìn bằng đôi mắt quan sát tinh tế và tâm hồn khoan dung, nhân hậu. Thỉnh thoảng bật lên sự tìm tòi, phát hiện ý nhị sau sự vật, hiện tượng bằng sự chiêm nghiệm, bằng liên tưởng của người sáng tạo”.

Với nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn (sinh năm 1978) tìm thấy: “Thơ Nguyễn Văn Hiếu chú trọng vần điệu và luôn khởi sự suy tư từ những xao xuyến mà ông không thể nào quên lãng. Chất trữ tình xuất hiện trong thơ ông như những thước phim âm bản, mà kẻ ở người đi cứ ngổn ngang “Cung đường tôi gặp lại em/ Mùi hương bồ kết xanh đầy tóc em/ Em mang màu áo màu cây/ Sớm mai dòng suối xanh đầy bóng em”, cứ bịn rịn “Anh đứng mơ hồ cho chiều xuống/ Chiều cũng mơ hồ ngơ ngẩn em”, cứ bâng khuâng “Tiếng đa đa mỏi một vùng đồi trọc/ Em chờ anh con nước cũng hao mùa”.

“Dù đã định cư và thành đạt ở đô thị lớn nhất phương Nam, đại tá nghỉ hưu Nguyễn Văn Hiếu vẫn tự thú “Ngồi buồn chợt nhớ làng quê/ Lại như ăn phải bùa mê phố phường”. Chốn cũ không xa về khoảng cách đã được giải quyết bằng phương tiện giao thông hiện đại, nhưng chốn cũ ngày càng xa phía kỷ niệm. Sự khắc nghiệt của thời gian chìm khuất trong sự phôi phai ân tình “Bởi sông cách trở đôi bờ/ Cho côi cút núi, cho vờ vật lau/ Lang thang một đám mây nhàu/ Thuyền người để bạc nỗi đau gác chèo”, khiến ông thảng thốt “Người xưa xa lắc nơi đâu/ Để trầu vàng lá, để cau rụng đầy/ Chiều đang nhuộm xuống sông gầy/ Lại vài chiếc lá vèo bay xa dần” – nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, chia sẻ thêm.

Sự cách biệt thế hệ và thơ vốn dĩ là cầu nối đồng điệu của những tâm hồn, cho nên nhiều đồng nghiệp cầm bút trẻ sinh sau 1975 ít biết đến nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu cũng là lẽ thường tình. Nhưng quan trọng với người làm thơ, nói như nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: “Tuyển tập thơ Nguyễn Văn Hiếu là một tập thơ giàu cảm xúc, đầy ắp nỗi niềm, chia sẻ, yêu thương, gởi gắm…, một thơ tập đáng được đọc và suy ngẫm.



Bước vào tuổi 80, nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu (ông vốn là đại tá và là một người làm công tác quản lý một doanh nghiệp quân đội), cho in tuyển tập thơ “Thơ Nguyễn Văn Hiếu” gồm 225 bài thơ và 10 bài viết về thơ mình đã in trên báo chí của những nhà thơ và nhà phê bình văn học tên tuổi từng khoác áo lính như Hữu Thỉnh, Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình. Tuyển dày dặn này giúp cho đồng nghiệp và người yêu thơ cảm nhận rõ hơn tâm hồn một người lính trong thời hậu chiến, ngay cả khi dù có đời sống vật chất có thể sống an nhàn đi nữa, nhưng trong tâm khảm vẫn day dứt niềm đau “Bia trắng dòng tên nhức mắt/ Lòng thành dâng nén tâm hương/ Đất sâu mấy tầng hài cốt/ Chết còn lưu lạc quê hương…” hay “…Chén này nước mắt chan nhau/ Uống cho đứa ở rừng sâu không về”.

Thơ Nguyễn Văn Hiếu còn đau đau với những mất còn của cuộc đời với dòng xoáy nghiệt ngã của nó, thậm chí khốc liệt hơn cả trên trận mạc chiến tranh, bởi thứ “đạn bọc đường” đã giết chết không ít những người từng quả cảm hứng lấy làn tên mũi đạn về mình. Thơ Nguyễn Văn Hiếu đau đáu ngay cả khi tưởng chừng ông hạnh phục trọn vẹn đủ đầy với con cháu, với gia đình trong ngôi nhà yên ấm của mình. Bởi Nguyễn Văn Hiếu có cái cái nhìn sâu hơn, rộng hơn và ông cũng tự nguyện “mang vác” trách nhiệm nặng hơn - trách nhiệm với máu xương của đồng đội, đồng bào, từ trái tim đa cảm của một người lính làm thơ. Ông bộc bạch: “Thơ là chất quặng nằm trong đời sống, là kỷ niệm buồn vui sướng khổ của đời người, đến lúc nào đó tuôn trào thành cảm xúc, thành thơ…” - Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu trong buổi ra mắt tuyển tập "Thơ Nguyễn Văn Hiếu".

Nguồn: Website Ngày Nay

Bài viết liên quan

Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm
Trao giải Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024
Sáng 20.9, tại TP Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024.
Xem thêm
Gặp gỡ và giao lưu cùng 5 tác giả của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp
Sáng ngày 21/9, chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách tiếng Việt giàu đẹp” diễn ra tại Đường sách TP. HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Xem thêm
Thêm một nghĩa cử nghĩa tình cao đẹp
Ngày 4 tháng 9 năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn số 5133/ UBND-KT về việc hỗ trợ chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Theo đó, thành phố chủ trương hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu 2 triệu đồng / người / tháng. UBND TP giao cho các doanh nghiệp do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp ( 10 triệu đồng / tháng ) phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Thành phố giao cho các sở Tài chính, Lao động TBXH triển khai ý kiến chỉ đạo này. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Xem thêm
Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Đây là tác phẩm thứ 10 của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
PGS.TS. Ngô Minh Oanh: Anh muốn làm lá biếc
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Nhà văn Trần Công Tấn qua đời
Nhà văn Trần Công Tấn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm