TIN TỨC

Nhà báo Phương Huyền: Người nghèo vô cùng tự trọng

Người đăng : staff
Ngày đăng: 2021-08-14 19:24:26
mail facebook google pos stwis
1508 lượt xem

VIỆT QUỲNH thực hiện (*)

Khi nhiều người “ngồi yên trong nhà” để thực hiện giãn cách toàn thành phố, nhà báo Phương Huyền, sau giờ làm việc tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, vẫn tích cực chuẩn bị nhiều phần hàng là các nhu yếu phẩm, thực phẩm cần thiết, giúp đỡ người nghèo.
 
Là người con của thành phố Hải Phòng đến sinh sống và làm việc tại TP.HCM, giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn hơn mình đã trở thành công việc khá thường xuyên của Phương Huyền nhiều năm qua.
 
  • Khi đến với TP HCM, chị đã cảm nhận ra sao về chất và tinh thần con người nơi đây?
 
- Ngày ấy tôi còn là cô sinh viên mới chập chững vào trường đại học, chưa biết gì nhiều, chỉ cảm nhận TP HCM thật đẹp và rộng lớn. Trưởng thành hơn một chút thì tôi biết thành phố thật bao dung. Và cứ thế, mỗi ngày, tôi cảm nhận được nhiều hơn, yêu nhiều hơn mảnh đất và con người nơi đây.
 
  • Là người tích cực chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn, cùng khổ… vì sao chị lại gắn bó với công việc này đến thế?
 
- Có lẽ là duyên. Tôi có từng chia sẻ rằng: “Mình không phải là người mạnh về kinh tế nhưng tôi luôn nhận được nhiều yêu thương, và muốn san sẻ tình cảm đó với những người kém may mắn”. Công việc của một phóng viên, biên tập radio giúp tôi được trực tiếp gặp gỡ chia sẻ nhiều với thính giả. 15 năm làm báo nói, tôi có duyên gặp nhiều, rất nhiều mảnh đời khó khăn. Tôi gần họ. Có lẽ tôi thấy một phần tuổi thơ của mình trong họ. Tôi không còn nhớ tôi bắt đầu những việc thiện nguyện như vậy từ năm nào nữa, chỉ biết nó mang lại cho tôi rất nhiều thứ. Đôi khi cũng cảm thấy buồn, bất lực vì thấy khó, thấy khổ mà không giúp được. Thành ra, làm được gì cứ làm thôi, chẳng có lí do gì cả.
 
  • Bản thân chị là phụ nữ, vẫn phải chăm lo chăm sóc con gái, vẫn phải đảm đương công việc dẫn chương trình cũng như biên tập viên, nhưng khi thành phố bùng dịch, vì sao chị vẫn miệt mài chở lương thực thực phẩm đến với những người dân cách ly?
 
- Có bốn đợt dịch thì đợt này là đợt thứ ba tôi tìm cách giúp đỡ người nghèo. Còn nhớ đợt giãn cách đầu tiên, ngày trước đó tôi bị rối loạn tiền đình, nằm bẹp ở nhà. Nhưng ngay khi đọc thông báo giãn cách toàn thành phố, tôi bật dậy như cái lò xo, tỉnh hẳn. Trước đó tôi đã chia sẻ trên trang cá nhân, muốn giúp đỡ những người thu gom ve chai, người bán vé số dạo… và đã nhận nhiều sự đóng góp của mọi người. Vậy mà chưa kịp làm thì thông báo giãn cách. Chiều đó, tôi đã trao những phần quà đầu tiên cho người bán vé số ngay tại cơ quan mình. Rồi lần thứ hai, cũng vừa chuẩn bị quà tết xong thì lại có thông báo hạn chế đông người. Lần thứ ba… tôi không có ý định làm. Chỉ bởi ai cũng khó khăn, kêu gọi lúc này cứ thấy mình tạo thêm gánh nặng cho mọi người. Thế nhưng, không làm gì thì lòng tôi áy náy không yên. Tôi lại chia sẻ đúng tâm trạng này lên Facebook cá nhân, và ngay sau đó, bao nhiều bình luận cùng tin nhắn đến với lời động viên “Làm đi Huyền!”. Làm thôi. Tôi không suy nghĩ gì nữa.
 
Đó là tất cả lí do, tại sao vừa lo cho con, vừa làm công việc cơ quan, còn cả choàng gánh cho đồng nghiệp trong khu vực cách ly, tôi vẫn đến với người nghèo. Vì đâu đó, dù không nhìn thấy họ ngay trước mắt thì tôi vẫn nghĩ “dịch thế này, những người lao động sẽ sống thế nào?”.
 
  • Chị có lo lắng lây nhiễm không? Vì sao chị bỏ qua việc có thể ảnh hưởng sức khỏe bản thân để miệt mài giúp đỡ mọi người?
Nhà văn Phương Huyền (giữa) trong một chuyến đi phát quà thiện nguyện
 
- Có ai mà không sợ lây nhiễm đâu. Tôi cũng sợ, rất sợ ấy chứ. Vì nếu mình bệnh, không chỉ ảnh hưởng mỗi mình và gia đình mà còn cả cơ quan, đồng nghiệp. Nhưng như tôi đã từng chia sẻ “nếu cứ sợ và ngồi yên không làm gì hết, thì nỗi sợ càng lớn hơn”. Vậy nên tôi phải làm. Tuy nhiên mình phải cẩn thận hơn, trách nhiệm hơn.
 
  • Chị chia sẻ về trải nghiệm của chị trong quá trình chị đến với người dân?
 
- Tôi không vào khu cách ly mà chỉ tặng quà cho những người lao động ở những khu vực giãn cách. Nhưng với công việc của nhà báo thì tôi theo dõi hoạt động của nhiều nơi tại các khu cách ly. Tôi có dịp phỏng vấn nghệ sĩ tình nguyện trong khu cách ly tại Gò Vấp. Tôi phỏng vấn nhiều tình nguyện viên ở vùng tâm dịch. Tôi khâm phục và ngưỡng mộ họ, thật sự xúc động trước những câu chuyện của các chiến sĩ tuyến đầu. Tinh thần của tất cả mọi người đều một lòng chống dịch.
 
Riêng những nơi tôi đến tặng quà, rất cảm động. Tôi chọn những người lao động nghèo. Đa số họ là dân tứ xứ về thành phố mưu sinh. Họ bán vé số, nhặt ve chai, bán hàng rong, phụ hồ… Có người lành lặn, nhưng cũng nhiều người khuyết tật. Họ sống trong những khu nhà trọ nghèo nàn. Một phần quà vài trăm ngàn có lẽ chẳng đáng là bao nhưng với họ, đặc biệt trong lúc khó khăn này thì rất đáng quý. Tôi nhớ hình ảnh một người khuyết tật đi gom ve chai ngang qua điểm tôi phát quà, bà dừng lại. Nhưng khi bà nghe mọi người nói quà được phát theo danh sách lập trước thì bà khó nhọc đẩy chiếc xe đi. Tôi mang phần quà bỏ vào chiếc xe của bà, lòng rưng rưng. Bà nhìn tôi với ánh mắt biết ơn, không nói lời nào. Người nghèo họ cũng tự trọng vô cùng.
 
  • Chị đã nhận sự ủng hộ của bạn bè, người thân ra sao trong việc giúp đỡ người dân trong thành phố vào thời điểm này?
 
- “Chị ủng hộ nha. Làm bất cứ điều gì mà em thấy cần thiết. Cảm ơn em!”. “Nhờ con mua giúp quà cho một số bà con khó khăn”, hay “Mua quà tặng mọi người giúp mình nhé. Cảm ơn bạn”… Đó chỉ là một số ít trong số những tin nhắn mà tôi nhận được. Hình như không phải mọi người ủng hộ những hoạt động tôi đang làm mà là mọi người cảm ơn tôi, vì đã giúp họ chia sẻ yêu thương. Đáng quý vô cùng.
 
Chị nghĩ sao khi người dân thành phố mình dù đang trong giãn cách, ca bệnh vẫn tăng từng ngày, gặp nhiều khó khăn nhưng tinh thần tương thân tương trợ vẫn đầy nhiệt huyết, như ủng hộ Bắc Giang vải, mở chợ hoa cho Đà Lạt, “giải cứu” khoai miền Tây, ủng hộ quỹ vaccine quốc gia hàng nghìn tỉ đồng…
 
- Đó chính là những con người của thành phố mình. Không chỉ trong dịch, mà trong bất kỳ hoạn nạn nào như thiên tai lũ lụt, chúng ta cũng sẽ thấy người thành phố luôn đi đầu giúp đồng bào mình. Người thành phố mà, lúc nào cũng bao dung, sẵn lòng san sẻ.
 
  • Mong muốn của chị lúc này với người dân và TP HCM là gì?
 
- Mong ước lớn nhất là ngành y tế mau khống chế được dịch. Mong thành phố chúng ta bình yên trở lại. Mong chúng ta sớm trở về với những gì bình thường nhất của thành phố. Mong thấy những con đường nhộn nhịp, những góc phố quen rộn ràng, những nụ cười không khẩu trang…
 
  • Xin cảm ơn chị!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Khơi nguồn văn hóa Việt qua xuất bản sách
Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) từ ngày 16 - 19.11. Tại đây, 2 đầu sách về văn hóa VN đã được giới thiệu với bạn đọc ngoài nước.
Xem thêm
Hội Nhà văn Việt Nam mời dự Đại hội
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) - Chi hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Xem thêm
Thể lệ Cuộc thi viết và ảnh Đánh thức những miền đất
Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức Cuộc thi viết và ảnh với chủ đề Đánh thức những miền đất dành cho mọi công dân Việt Nam
Xem thêm
Danh sách các tác giả vào Vòng chung khảo Cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Công bố Danh sách các tác giả có thơ được chọn đăng trong tập thơ Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya (trong đó 33 tác giả vào Vòng Chung khảo cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Xem thêm
Trí tưởng tượng bay bổng và những bài học quý
Đọc sách “Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo” của Trần Hà Yên
Xem thêm
Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân
Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước.
Xem thêm
Hội nghị những người viết trẻ: Đồng hành khát vọng phương Nam
Chúng tôi những người lính tuổi U80 đến dự Hội nghị những người viết văn trê lần thứ 5 do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức.
Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm