TIN TỨC

Những người suốt đời “mua vé ngồi”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
473 lượt xem

CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

HUỲNH DŨNG NHÂN

Một trong những người “suốt đời mua vé ngồi” trên chiếc xe lăn (cách nói đùa của thương binh liệt hai chân) đó là một thương binh mà tôi quen biết từ lần đến đây viết bài lần đầu tiên cách đây 30 năm.



Anh Nguyễn Văn Hoàng là thương binh Tây Nam, quê Long An, anh có một người vợ khỏe mạnh và xinh đẹp ở thị trấn Long Hải.
Hai vợ chồng mở thêm quán nước, cho thuê bàn bi-a, lúc nào tụ tập thương binh thì hát karaoke tưng bừng.
Mỗi khi có dịp về quê anh chạy xe máy ba bánh về Long An hết 3 tiếng rưỡi…
Mới hơn 20 tuổi anh đã dính chặt vào cái xe lăn cho tới bây giờ đã trên dưới 50 năm. Anh chàng này khá đẹp trai, đàn hát tốt, ngồi xe lăn chơi bi-a mà tôi đủ tay đủ chân còn thua anh.
Năm 1993, khi tôi đến đây viết phóng sự, anh là người đầu tiên tôi làm quen với câu hỏi ất ơ: “Có nhậu được không?”. Hoàng trả lời: “Không nhậu thì biết làm gì?”. Lúc đó Hoàng còn độc thân. Chán đời lắm, suốt ngày nhậu nhẹt đá gà ở xóm nhà lá (nơi tập trung toàn thương binh độc thân). Sau Hoàng bén duyên với cô Loan em gái y sĩ Dũng, hai gia đình đều ngăn cản, nhưng họ vẫn quyết đến với nhau.
Giờ cái câu “Không nhậu thì biết làm gì?” đã khác xưa. Hoàng vẫn nhậu, nhưng bận rộn, vì đã ra ngoài khu dân cư ở, mở quán cà phê bi-a. Sống cũng ổn. Thỉnh thoảng Hoàng lại đích thân chở cô vợ xinh xắn sau chiếc xe ba bánh gắn máy phóng về quê tận Long An. Tình bạn giữa tôi và Hoàng thương binh gắn chặt từ cái thủa ban đầu ấy.
Cái năm anh cưới vợ, bạn bè đến đông vui lắm. Đám cưới toàn thương binh ngồi xe lăn đến dự.
Hôm nay tôi đến, khu thương binh có biệt danh là “xóm nhà lá” 30 năm trước nay đã rất khang trang đẹp đẽ. Nhưng hiện nay chỉ còn 51 thương binh vì nhiều người do bệnh tật hoặc lớn tuổi đã mất…
Cơ ngơi Khu điều dưỡng hiện nay đã ổn định. Nhưng trước kia, đã có lần khu thương binh suýt bị dời đi nơi khác để “giữ gìn bộ mặt cho khu du lịch”. Sau nhờ có chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nơi nào tốt nhất hãy dành cho thương binh”, cơ ngơi mới được yên ổn cho đến nay.
Trước đây, khi tôi đến khu thương binh lần đầu vào năm 1993. có 64 thương binh trong đó có 17 người quê ở miền Bắc, có 10 thương binh nữ, 4 thương binh từ thời chống Pháp, 20 thương binh từ thời chống Mỹ, còn lại là thương binh từ chiến trường Campuchia trở về. Trong số các thương binh, có 31 người bị liệt tủy sống, 5 người liệt não, 3 người mù cả 2 mắt, 7 người cụt cả 2 chân… Ngày qua ngày, mọi việc lặp đi lặp lại trên chiếc xe lăn quen thuộc. nhiều người điều trị ở đây trên dưới một năm vẫn chưa một lần thấy biển. So với những khu thương binh mà tôi đã đến, thì nơi đây có thể nói là khá hơn. Mỗi người một phòng, một quạt máy, giường đệm, bàn ghế đầy đủ, toilét riêng. Chế độ: tiền trợ cấp theo quân hàm (ở đây cao nhất là đại úy). Nhà nước cấp 40kg gạo một người. người bị mù 2 mắt và bị tâm thần được thêm 20kg gạo quy ra tiền. Nói chung một thương binh có gần 300.000đ/tháng. Tạm đủ cho những nhu cầu tối thiểu của một người hầu như không bước ra khỏi nhà. Chỉ thương cho anh em thương binh quê ở các tỉnh miền Bắc xa xôi, các địa phương ít vào thăm được.
Trong những lần đến đây tôi đã kịp tìm hiểu về hoàn cảnh khá đặc biệt của một số cặp vợ chồng thương binh mà mỗi câu chuyện về những đôi vợ chồng này rất nhiều điều để viết được tiểu thuyết.
Đó là: Anh Nguyễn Hoàng Sáu, quê Nghệ An bị thương ở biên giới Tây Nam, liệt tủy sống. Nằm Quân y viện 175 nhiều năm trời. Có một cô giáo trẻ ở quận 1 tên là Nguyễn Thị Ánh đến thăm cùng đoàn đại biểu, gặp hoàn cảnh anh Sáu, chị Ánh hết sức khâm phục, yêu thương, và sau đó đã tổ chức cưới rồi chuyển về đây. Một tay chị nuôi mấy con heo kiếm tiền nuôi chồng, ai cũng khen giỏi. Anh Sáu đã mất mấy năm sau đó. Đó là:
- Anh Phạm Quốc Chính, quê Quảng Ngãi, kết duyên cùng chị Lý Thị Tương, một y tá gây mê hồi sức cấp cứu của Quân y viện 175. Năm 1986, cả hai người về đây tổ chức làm lễ cưới. Nguồn thu nhập chính của anh chị là nuôi heo. Đó là:
- Chị Văn Thị Hồng Vân, thương binh liệt nửa người, nhưng qua quá trình thăm hỏi động viên nhau, anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng quản trị của Khu điều dưỡng vẫn quyết định tiến tới hôn nhân, và nay cả hai đều là nhân viên của Khu điều dưỡng. Đó là:
Một cặp vợ chồng cả hai đều là thương bệnh binh là anh Nguyễn Văn Hạnh, cụt cả hai tay, chị Mai Cúc là bệnh binh hạng 1/3. Anh chị được tỉnh Đồng Tháp giúp đỡ xây nhà và huyện Long Đất hỗ trợ bán giải khát ở bờ biển…
Đó là những cặp vợ chồng thương binh mà người vợ hoàn toàn lành lặn khỏe mạnh. Sáng ra họ đi mua phở cho chồng, còn mình ăn cơm nguội. Có người vợ là hộ lý, chồng là thương binh mất, sau này chị lại vẫn lấy một thương binh khác vì chăm sóc anh nên có tình cảm. Đó là những gia đình thương binh mà người chồng bị liệt tủy sống, không thể có con, đám cưới không có đêm tân hôn, sau này người vợ phải thụ tinh ống nghiệm. Đó là một gia đình cả hai vợ chồng đều là thương binh mà nuôi dạy cả 3 con vào đại học…
Đó là bác Bưởi thương binh thời chống Mỹ quê Đồng Tháp, hai tay cụt đến khuỷu tay, nhưng tất tật mọi sinh hoạt đều tự làm một mình dứt khoát không cho ai làm thay…
Những cái gạch đầu dòng ngắn ngủi nhưng sau nó là những cuộc đời đầy xung đột nội tâm trước cuộc sống. Và tôi tin, trong những đồng cảm bác ái của những con người chân chất ấy, còn cả tình đồng chí nữa.
Trong những năm đầu tiên tôi đến đó, vui chuyện, các anh trong Ban giám đốc còn tiết lộ: Trong những năm khó khăn ở khu thương binh cũng có chuyện tiêu cực như: cờ bạc, đá gà, bảo kê nhà hàng đèn mờ. Sau nhờ huyện Long Đất quan tâm và có phong trào các đoàn thể ban ngành giúp đỡ, một số thương binh đã làm thêm nghề bán giải khát, cho thuê phao ở bờ biển, sống khá hơn. Có người còn mua được tivi riêng hoặc gửi tiền về quê cho gia đình… Đời sống khá hơn nên nhiều anh em cảm thấy dễ chịu hơn. Ở đây, sự mặc cảm, tự ti, công thần, bất mãn rất ít khi trở thành nỗi lo cho Ban giám đốc Khu điều dưỡng.
Tôi nhớ mãi một ấn tượng không quên vì chưa chứng kiến một cảnh như thế bao giờ. Các bàn ăn trong một đám giỗ đã dọn lên, nhưng chỉ có cái bàn tròn, không có một chiếc ghế nào. Bởi khách đều là thương binh ngồi trên xe lăn. Những thương binh điều khiển chiếc xe lăn một cách nhanh nhẹn và chính xác qua các dãy hành lang rồi tụ vào bàn. Mỗi bàn một ly xây chừng. Trên gương mặt mỗi người vẫn còn nét lạc quan, vui nhộn của người lính.
Người làm đám giỗ là anh Trao, thương binh thời chống Mỹ. Ở đây anh Trao còn có một người con rể. Đó là anh thương binh Mai Văn Hương, quê Hà Tây. Khi đám tiệc chưa vào cuộc, tôi còn chú ý đến một thương binh khác, anh Thủy, quê Quảng Bình. Mảnh đạn từ cổ xuyên ra sau gáy đã làm anh liệt cả hai bàn chân và co quắp một tay. Tôi nhìn anh chơi Brikgame, trò chơi xây nhà, chỉ bởi có một bàn tay và những ngón tay vụng về, hầu như anh không chơi được bao nhiêu điểm nhưng vẫn rất say sưa.
Nói đến phong trào văn nghệ của thương binh, không thể không nhắc đến thương binh Xuân Hải, quê Hà Tĩnh. Hải trước cũng ở xóm nhà lá bên cạnh hồ sen trước khi có người phụ nữ đem lòng yêu thương dọn ra riêng “góp gạo thổi cơm chung”. Hải là cây văn nghệ với giọng hát khỏe và ấm áp của người miền Trung. Mỗi khi có đoàn khách đến thăm là mọi thương binh nhao lên gọi Hải hát. Hầu như Hải chỉ hát mấy bài tủ: Bài ca nhớ Bác, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh… Nghe anh hát lạc quan và tự tin yêu đời quá, không chỉ các cô gái mà cả những người đàn ông đến thăm cũng đỏ hoe mắt. Không mấy ai nghĩ anh liệt nửa người, trong thân thể nặng nề phần trên ấy đủ thứ bệnh, túi ni lông đựng nước tiểu lủng lẳng bên hông, cả ngày ngồi trên cái ghế xe lăn diện tích chưa đầy 1m2 lăn tới lăn lui trong khu “ra ngõ gặp thương binh” này.
Trước Hải nhậu cũng tới bến lắm. Giờ già yếu, anh bỏ rượu bia, chăm vào Quân y viện 175 chữa bệnh. Nhưng hát thì vẫn khỏe. Vẫn những tâm tình ấy, vẫn những bài hát ấy. Mấy năm trước khi chúng tôi tổ chức đưa các thương binh về thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh rất xúc động vì lần đầu tiên anh được hát Bài ca nhớ Bác ngay tại Bến Nhà Rồng. Tiếng hát người thương binh “tàn mà không phế” theo lời Bác dạy ấy đã khiến chị Hoa Xinh - Giám đốc Bảo tàng lúc ấy bật khóc và bao người khác đều nước mắt rưng rưng cảm động. Lần này tôi đến thì thương binh Hải đã mất.
Xóm nhà lá trước kia cũng có một câu chuyện tình của thương binh mà tôi muốn nhắc tới ở đây. Đó là thương binh Vũ Văn Hấn, quê Thái Bình. Anh là lính xe tăng, cùng đơn vị có chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975. Anh bị thương ở chiến trường Tây Nam. Anh ngồi xe lăn nhưng thỉnh thoảng vẫn cố gượng lấy nạng đi vài bước cho bàn chân có cảm giác được chạm vào đất cho dù có lúc té lăn quay. Anh ở xóm nhà lá khá lâu cùng các thương binh độc thân.
Rồi một chương trình giao lưu kết bạn trên sóng phát thanh đã kéo anh ra khỏi khu nhà lá, biến anh thành môt người đàn ông may mắn, hạnh phúc. Qua chương trình này anh đã viết thư kết bạn với một cô giáo dạy tiếng Anh ở Trị An, Đồng Nai. Ngày anh nhận được thư hồi âm của cô ấy là ngày anh đã bắt đầu rời xe lăn ra tựa cửa trông chờ.
Và không phải cô giáo ấy mà chính anh đi xe lăn, giấu đơn vị, đón xe đò vượt hàng trăm cây số đến với nơi hẹn ở một thị trấn đất đỏ miền Đông. Đến nơi anh choáng người không thấy cô ấy đâu, khi anh bắt đầu thất vọng đau đớn thì cô giáo ấy từ chỗ trốn trong bến xe chạy ùa ra ôm anh và khóc. “Anh ấy đây rồi. Giữa đám đông chỉ có anh ngồi xe lăn nên không nhầm vào đâu được. Anh ấy hiền hơn cả hình dung của em qua thư từ và điện thoại. Em chạy ra cuống cuồng trong mưa, bùn lầy trơn trợt quá, em bỏ cả guốc mà chạy ra với anh ấy, sợ anh ấy biến mất”. Sau này cô giáo ấy kể lại. Hiện nay cô làm giáo viên ở Long Hải, ngoài giờ nhận dạy kèm trẻ tại ngôi nhà bao giờ cũng có những chiếc xe lăn trong sân này.
Mỗi khi tôi đến thăm thương binh, anh Hấn và anh em hay đón tôi ngoài sân, nơi có một cái hồ sen lớn. Khu nhà trệt của thương binh bao quanh hồ sen này. Mỗi thương binh ở một nhà, có phòng trong phòng ngoài, có bếp và nhà cầu thiết kế riêng cho thương binh. Nhiều lúc đến đây tôi có cảm giác như không có người ở. Vắng và buồn. Nhiều thương binh chỉ nằm trong nhà. Họ xem tivi nghe đài, nuôi gà, nuôi heo, có mấy chú chó làm bạn. Một số thương binh có người ở quê đến nuôi dưỡng. Một số anh có những người phụ nữ của mình, sớm hôm chia sẻ mọi vui buồn cũng ấm áp cửa nhà. Đây là nơi mà những người thương binh mà tôi đã làm mấy câu thơ tặng anh em:

“Tôi nhớ cái giường đầy bông băng, những bức tường rất lạnh
Anh thương binh bảo thèm tiếng “Anh ơi” và thèm tiếng “Con ơi”...
Ừ những riêng tư cũng từng có đấy thôi
Nhưng có thế mà nhiều khi không thế
Những toan tính đau đời và những ống nghiệm âu lo, cuối cùng cũng phá tan giấc mơ bồng bế
Những người đàn bà đi qua không để lại số điện bao giờ”

(Thơ Huỳnh Dũng Nhân)

Ở phòng số 5 có anh thương binh tên Phòng, quê Hải Phòng, cựu lính xe tăng, là một người như thế. Tôi đến thăm anh lần nào anh cũng níu kéo lôi mấy hũ rượu ngâm ra đãi. Và lần nào anh cũng ngượng ngịu thú nhận rượu anh ngâm chưa kịp ngấm thuốc đã hết nên phải đổ thêm nước mới liên tục. Tôi hay ngồi với anh, thấm cái đau xót anh kể về chú chó cưng vừa bị người ta bắt mất khiến anh ngẩn ngơ cả tháng trời. Anh Phòng mê bóng đá, trên tường dán đầy lịch bóng đá, mùa World Cup nào anh cũng thức thâu đêm, anh dành tiền mua báo, nghe đài, và tất nhiên có bắt độ chút chút cho thêm hào hứng.
Cứ uống vài ly rượu với khô mực, Phòng lại rơm rớm nước mắt: “Thời gian bọn tôi tính từng tuần chứ không phải bằng tháng bằng năm anh ạ. Cứ sống qua tuần nào biết tuần ấy. Trời gọi ai nấy dạ. Vết thương cũ tái phát, biết “đi” lúc nào. Đến với Khu thương binh Long Hải 30 năm nay, tôi chứng kiến sự ra đi của nhiều anh chị em thương binh ở đây. Họ đi âm thầm có, đi trong đau đớn có. Hầu hết họ đều bình tĩnh chờ ngày ra đi. Mấy anh trong ban giám đốc kể: “Trong hành trang của anh chị em thương binh bao giờ cũng có đủ bộ quân phục, giày và mũ chỉnh tề để chuẩn bị trước. Tôi đã có lần tò mò  thốt lên: “Nhiều thương binh cụt chân hoặc liệt teo chân, họ có dùng giày đâu?”. Các anh trả lời: “Nhưng nghi thức khi khâm liệm vẫn trang nghiêm nhà báo ạ... Một thương binh cụt hai chân chỉ nằm gọn trong nửa quan tài, nhưng trên đầu vẫn là mũ gắn sao, hai ống quần kéo thẳng, đôi giày để bên dưới. Như một thời làm người lính trong quân ngũ”…
Thương binh Nguyễn Văn Phòng vừa mất cách đây 3 năm. Ngày tôi đến đưa tiễn anh, sau xe tang chở linh cữu anh là một hàng xe lăn thương binh nối nhau quanh cái hồ sen hàng ngày anh vẫn ngồi nhậu và hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… Bài hát này trong một buổi trưa uống với nhau, mọi người đã kết nối cho nhà văn Hữu Thỉnh tác giả bài thơ “Năm anh em một chiếc xe tăng” cùng nghe.
Tháng 7 này, chúng tôi lại đến với nơi đây. Nhà điều dưỡng sau này đã nhận thêm nhiệm vụ chăm sóc Người có công, nay vừa xây dựng rất khang trang, có thang máy, có hồ bơi, vườn cây xanh, tiêu chuẩn khách sạn 3 sao. Khu nhà lá thương binh trước kia nay đã được thay thế bằng những dãy nhà khang trang trên vùng biển thơ mộng này, đúng như lời nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt  trước kia: “Nơi nào tốt nhất, đẹp nhất hãy dành cho thương binh”. Sau nhiều năm, nhiều thương binh đã có gia đình và dọn ra ngoài ở. Những thương binh mà tôi quen từ 30 năm trước tới nay cũng đã lần lượt khuất xa, có một năm nơi đây tiễn biệt 6 người. Nỗi buồn của anh chị em thương binh là nhiều quy định tiêu chuẩn để xếp hạng thương binh, việc công nhận liệt sĩ cũng còn bất cập, khó khăn. Mối quan hệ quan tâm với một số địa phương và gia đình vẫn chưa đều đặn. Nhiều người nằm điều trị mà không mấy người đến thăm, hoặc có gia đình chỉ đến thăm để nhận thay… lương hay khoản tiền chế độ gì đó của những thương binh tâm thần.
Để kết nối với gia đình và địa phương, trung tâm điều dưỡng đã phải làm mọi cách để thông tin. Mới đây một bác sĩ khoa tâm thần vừa gọi điện báo tin cho chúng tôi biết: Sau hàng chục năm tìm kiếm qua hệ thống ban ngành lao động - thương binh - xã hội các cấp, cũng như thông qua cách kênh báo chí truyền thông, một  thương binh đã tìm thấy gia đình của mình sau bao năm trời tưởng như mất liên lạc, mất tích.
Ngày TB-LS vào 27/7 năm nào Khu thương binh cũng tổ chức thi báo tường và gửi lên TP.HCM nhờ tôi chấm. Tôi nhớ trong một  bài báo tường một đứa bé trai hỏi: “Bác ơi? Tay bác đâu?”. Bác thương binh cụt hai tay trả lời: “Tay bác chưa mọc cháu ạ”. Không phải tay bác bị thương bị cưa cụt, không phải bác bị tàn phế, mà chỉ là tay bác chưa mọc, tay chưa mọc thì tay bác sẽ mọc. Câu trả lời đầy lạc quan của bác thương binh làm tôi nhớ mãi.
Có một điều đặc biệt là ở đơn vị có khá nhiều người quê Nghệ An, từ ban giám đốc đến các bác sĩ và nhân viên văn phòng đến các thương binh…
Đầu tiên là anh Vương Minh Châu giám đốc. Anh cũng là một thương binh, quê Nghệ An.
Sau khi anh Vương Minh Châu được điều động về Bộ LĐ-TB và XH công tác thì anh Nguyễn Cảnh Hòa quê Nghệ An làm giám đốc. Bác sĩ Phan Bá Thống - phó giám đốc cũng là người Nghệ An, các anh Cảnh Tân, Văn Tân là các trưởng phòng cũng là dân Xứ Nghệ, hai bác tài lái xe có tay lái lụa của Khu thương binh là anh Danh, anh Lâm cũng quê Nghệ An. Các thương binh đang điều trị ở đây cũng có gần 10 người lính từng ra đi từ quê Bác, hầu hết là lính bị thương ở biên giới Tây Nam và chiến trường Campuchia như anh Tịnh, anh Dân, anh Văn, anh Nguyên và chị Lâm (bị thương ở Lào). Cảm nhận của chúng tôi  về “hội đồng hương xứ Nghệ” ở Khu thương binh là có một “mẫu số chung” chịu thương chịu khó, lạc quan yêu đời và thích văn nghệ.
Chúng tôi đã trò chuyện với anh Phan Văn Tịnh (thương binh ¼ - 99%, sinh năm 1958, quê ở Nghĩa Hoàng, Tân Kì, Nghệ An) nhập ngũ tháng 2/1976, biên chế theo đoàn 7705 Trung đoàn 205, ra mặt trận tại tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia). Anh kể: Tôi bị thương trong một trận đánh lớn vào ngày 9/12/1979.


Đó là trận đánh quân Pôn Pốt và Khơme đỏ ác liệt nhất, một ngày một đêm. Chúng tàn sát dân, con gái thì chúng hãm hiếp, đàn bà trẻ nhỏ, người già chúng cũng giết sạch rồi vứt xác dưới hồ cá sấu cho cá sấu ăn thịt. Bộ đội ta đến nơi, ai còn sống thì cứu lên, ai đã bị cá sấu ăn thịt cũng mang lên để chôn cất. Cảnh tượng ấy thật sự hãi hùng. Chúng tôi dồn địch lên đến núi Hồng và bao vây chúng ở đó. Vì không có gạo, sau 10 ngày, chịu không nổi, chúng đã đầu hàng quân ta”.
Khi được hỏi về cuộc sống, anh thương binh Phan Văn Tịnh cười hạnh phúc và chia sẻ: Vào thời bình, cuộc sống lúc đầu của thương binh liệt hai chi và đốt sống L1, L3, L5 là khá khó khăn. Sau khi chuyển về điều trị tại Sài Gòn, rồi tôi chuyển xuống ở Trại thương binh Long Đất này từ năm 1986, cuộc sống thời kì đầu tương đối vất vả. Nhớ thời gian đầu, vợ tôi bán nước giải khát tại khu du lịch, tôi cũng chạy xe lăn ra để giúp vợ. Mấy tháng sau có được chút vốn, tôi về nuôi heo, ngày ấy, tôi là một tay thợ nuôi heo nổi tiếng trong toàn trung tâm. Cuộc sống ngày một đỡ vất vả hơn, năm 2003, theo sự vận động, gia đình tôi chuyển ra ngoài sống, lúc này tôi lại đau đầu nghĩ xem làm nghề gì để sống, trong một lần đi xe ngoài đường, xe bị lủng bánh, tôi vào vá thì chợt lóe lên à, nghề kiếm sống đây rồi. Thế là về nhà tôi mở cửa hàng thuê thợ và học nghề sửa xe gắn máy. Đến bây giờ, tôi có nhận thêm hai thợ về dạy nghề nữa”.
Chia sẻ thêm với tôi, anh Tịnh còn rất vui khi nói đến công việc từ thiện anh đang làm. Cứ đến mùng 1 và ngày rằm mỗi tháng, anh lại nấu cơm chay để giúp người dân lao động nghèo. Hoạt động này anh duy trì được 5 năm liền rồi. Cũng trong hoạt động từ thiện của mình anh còn tặng sách cho con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn để đi học, xin tiền mai táng cho những gia đình nghèo trong khu vực.
Tất cả những việc tốt anh em thương binh làm theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn, nhưng không phế”, mọi người đều làm việc tùy theo sức khỏe và khả năng của mình. Khi nhắc đến tên anh Tịnh, anh em thương binh trong Trung tâm đều hết lòng khen anh Tịnh - Nghệ An sống có tâm và giỏi làm kinh tế.
Còn đây là câu chuyện của chị Thạch Thị Lâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng thương binh. Chị Lâm là thương binh ¼, sinh năm 1950, quê Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An, nhập ngũ tháng 10/1968, huấn luyện 3 tháng tại Việt Nam rồi sang Lào chiến đấu. Công việc chính của chị là thông đường. Đến năm 1971, trong một lần dẫn đường cho đoàn quân của bộ đội vào chiến trường tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), chị đạp phải mìn rồi bị thương phải cưa một chân. 
Nhớ lại ngày bị thương, chị không khỏi rùng mình: “Khi dẫn đoàn bộ đội của ta ra chiến trường, tôi đi trước các anh đi sau. Đang đi trong rừng rậm rạp tôi dẫm phải mìn, máu phụt ra như nước, tôi kêu lên, thì một anh bộ đội phía sau chạy lên cởi áo thắt vết thương lại cho tôi. Kể từ lúc đó tôi lịm đi. Khi tỉnh dậy, tôi đang thấy mình nằm trong phòng bệnh, xung quanh toàn là thương  binh. Nhìn xuống chân mình, tôi vô cùng đau đớn và hụt hẫng khi không thấy đầu gối đâu nữa, vì khi trước khi phẫu thuật, tôi còn cố gắng xin mấy anh để lại đầu gối cho tôi vì nghĩ là sau này tôi sẽ đi bằng hai đầu gối, chứ cắt đi rồi tôi đi bằng gì nữa. Vậy là tôi khóc, khóc đòi đầu gối, tôi cứ kêu lên, đầu gối của em đâu? Mọi người trong Bệnh viện Quân y 11, khóc theo tôi. Khi hoàn toàn phục hồi, các anh chị trong bệnh viện có kể lại cho tôi nghe rằng, vì tôi nhóm máu O, lại mất máu quá nhiều, cơ thể chỉ còn là 1 triệu hồng cầu, mà cả một trận địa pháo không ai thuộc nhóm máu của tôi. Lúc ấy trong trạm có duy nhất chị Nguyệt (quê Thanh Hóa) vừa mổ ruột thừa cùng máu O với tôi, bác sĩ đã xin 100cc máu của chị ấy để truyền cho tôi. Các bác sĩ nói rằng, trong lúc cấp cứu tôi mà không có 100cc máu của chị Nguyệt e là tôi đã chết, khi tôi tìm để cảm ơn thì chị đã được chuyển về quê Thanh Hóa, đến nay, dù rất muốn tìm chị ấy, nhưng tôi không có cách nào”.
Trên đây là câu chuyện tôi ghi theo lời kể của chị Lâm, người nữ thương binh đã hơn nửa thế kỷ sống với cây nạng gỗ.
Tháng 7/2022 vừa qua chị đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bộ LĐ-TB và XH mời ra Hà Nội giao lưu nhân ngày TBLS.
Khu Điều dưỡng thương binh nặng Long Hải (huyện Long Đất - tỉnh BRVT) hôm nay đã đổi mới rất nhiều, từ cái thời “không nhậu thì biết làm gì” nay Khu thương binh đã trở thành một đơn vị đạt nhiều danh hiệu thi đua của Bộ LĐ-TB và XH, từ chỗ ít ai biết tới dù nằm ngay vùng biển sầm uất  thì nay đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi và là một điểm đến của hàng trăm đoàn khách trong và ngoài ngành, cũng là nơi mà các nghệ sĩ mong muốn đến phục vụ các tiết mục đặc sắc nhất của mình.
Năm nay, vào dịp 27/7, tôi lại đến thăm anh chị em thương binh và
gặp lại thương binh Nguyễn Văn Hoàng nhân vật trong phóng sự “Vết xe lăn trên cát”, thấy anh khỏe hơn, có nhiều chuyện vui hơn…
Anh khoe các lãnh đạo các cấp của tỉnh Long An quê hương anh vừa đến thăm anh, một anh lãnh đạo tỉnh còn tuyên bố: Trước đây sáu tháng đi thăm thương binh một lần, thì nay sẽ đổi thành 3 tháng đi thăm một lần.
Anh còn khoe: Anh thấy vợ em thương em không? Bã ngâm cho em hẳn ba hũ rượu thuốc.
Anh cũng báo tin vui:
- Anh Tống Đức Bình - Giám đốc trung tâm điều dưỡng vừa nhận đứa con trai anh vào làm việc tại trung tâm, thế là cháu đỡ phải đi xe máy làm việc tuốt Bà Rịa, vợ chồng em đỡ lo hơn.
Anh em thương binh cho biết:
- Hôm qua Hoàng đoạt giải Nhất cuộc đua xe lăn trong Hội thao dành cho thương binh của tỉnh được thưởng 1 triệu đồng. Thế lại lại tụ tập chiêu đãi anh em thương binh và hát karaoke tưng bừng.
Thấy Hoàng vui, anh em vui, tôi rất cảm động. Khi tôi chia sẻ những điều này trong các bài viết của mình, mọi người đều hết lòng khen anh chị em thương binh ở đây sống lạc quan, đối xử với đồng đội  có tâm và làm kinh tế giỏi, dù họ suốt đời phải “mua vé ngồi” trên những chiếc xe lăn.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm
Nhớ hoa đào - Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu
Mỗi năm khi sắp tết bao giờ mình cũng mua hoa đào. Hà Nội không có hoa đào làm sao gọi là tết. Dù là bích đào bạch đào hay đào phai thì hoa đào bao giờ cũng mang tết đến mỗi ngôi nhà thân thương. 
Xem thêm
Giữa những mùa hoa nở - Bút ký Nguyễn Xuân Thủy
Từ Yên Khương, thuộc huyện Lang Chánh chúng tôi đi theo đường tuần tra biên giới lên Đồn Biên phòng Bát Mọt, thuộc huyện Thường Xuân. Đường tuần tra biên giới chập chùng uốn lượn giữa núi non, len lỏi giữa màu xanh của rừng. Càng lên hướng Cửa khẩu Khẹo càng có cảm giác đang đi về nơi thâm sơn cùng cốc. Cũng đúng, Bát Mọt là tuyến cuối của dải biên giới xứ Thanh, nơi có cột mốc 378 là nơi tiếp giáp biên giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Những nơi cuối đất cùng trời bao giờ cũng gợi cho người ta sự rưng rưng về những niềm thương nỗi nhớ.
Xem thêm
Lửa Cát Bi, ngọn trao truyền khí chất Hải Phòng
“Ơi Hải Phòng cửa biển quê hương/ Tổ quốc đang ghi những trang lịch sử/ Của Hải Phòng viết trên sóng bão Thái Bình Dương”. Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn là miền đất tiền tiêu quan trọng, cửa ngõ chiến lược. Bởi kẻ thù thường tiến hành xâm lược Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long – Hà Nội. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là một trong những tuyến đường rút chạy cuối cùng. Hải Phòng là địa phương luôn “đi trước về sau”, có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng như các cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng”.
Xem thêm
Mùi Tết vương dấu chân xa – Tản văn của Đặng Tường Vy
Mỗi độ xuân về, người con xa xứ không tránh khỏi rưng rức, chạnh lòng. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương rất lạ: sâu lắng, dịu dàng, chôn kín. Như gái đôi mươi thầm thương trộm nhớ một ai đó, âm thầm, mãnh liệt, nồng nàn,  tha thiết.
Xem thêm
Mùi hương thảo - Tản văn Quốc Tuấn
Chị mười tám, hay hai lăm tuổi. Tôi cũng chẳng biết và không cần biết, chỉ cần trong tôi đã bận lòng trước vẻ đẹp thuần khiết của loài cúc lam đồng thảo ấy. Nơi đáy mắt thể hiện những đốm lửa vui, những nét cong, nếp gấp mong manh nơi khóe miệng, bờ môi thể hiện sự phong phú nơi nhiệt tâm.
Xem thêm
Phép màu đã không đến với chị, chị Hồng Oanh ơi!
Chia sẻ của nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Vào vườn hương
Thành phố Cần Thơ đất rộng người thưa không chỉ có gạo trắng nước trong để níu chân người và du khách bốn phương. Tây Đô còn là mảnh đất văn hiến với không hiếm những trang anh hùng hào kiệt yêu nước và nghệ sĩ phong lưu tài hoa nhân cách. Kế thừa truyền thống văn chương của Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt … và các bậc văn nghệ sĩ đàn anh: Kiều Thanh Quế, Lưu Hữu Phước, Hoài Sơn, Mai Văn Bộ, Trần Kiết Tường, …đã có không ít thế hệ đàn em kế thừa xứng đáng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Xem thêm
Suy ngẫm về “chữ” của “một thời vang bóng”_ Tản mạn của Quốc Tuấn
Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực sẽ lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự “sùng chữ” (trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa) của ông cha. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì dễ hiểu các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào.
Xem thêm
Má tôi
Bài đăng báo Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024
Xem thêm
Xuân yêu thương - Tết sum vầy
Phút giao thừa, nhìn ngắm dòng người “tống cựu”, “nghinh tân”, cảm nhận trong mắt mỗi người lấp lánh ánh nhìn hạnh phúc, nhất là khi trên bầu trời đêm pháo hoa rực rỡ...
Xem thêm
Ngày cuối năm... - Tản văn Lê Thiếu Nhơn
Kẻ tha phương dù mải mê danh lợi cũng bất giác bần thần trước mênh mông tiếng gọi quê nhà ngày Tết. Tháng Chạp bao giờ cũng vội vàng trong mắt kẻ tha phương. Tháng Chạp bao giờ cũng hấp tấp trong lòng kẻ tha phương. Vì vậy, càng nhiều tuổi, tôi càng thấy sốt ruột khi thời gian nhích dần vào khoảnh khắc tất niên mà mình chưa kịp trở về ngôi nhà thơ ấu.
Xem thêm