TIN TỨC

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, từ khổ luyện đến tài hoa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-03 17:08:10
mail facebook google pos stwis
996 lượt xem

Tọa đàm Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sẽ được diễn ra vào sáng ngày mai, 04/01/2023 tại Hội trường B, Tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật TPHCM, số 81 - Trần Quốc Thảo - Quận 3. Tại cuộc tọa đàm này, một số tham luận sẽ được trình bày, như: Nguyễn Vũ Tiềm, một đời tài hoa thương nhớ tài hoa” của Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; “Nhớ anh Nguyễn Vũ Tiềm” của Trần Đăng Thao, nguyên TBT báo Giáo dục – Thời đại; "Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cả gan làm việc đó” của Trần Quốc Toàn, bạn văn và là đồng nghiệp lâu năm của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm… Nhân sự kiện này, Văn chương TPHCM xin giới thiệu bài viết “Nguyễn Vũ Tiềm - từ khổ luyện đến tài hoa” dưới đây của Hoàng Minh Tường cũng là một bạn văn, đồng nghiệp làm báo của nhà thơ quá cố.
 

HOÀNG MINH TƯỜNG

Báo Người Giáo viên Nhân dân (nay là báo Giáo dục và Thời đại) có thời kỳ tập hợp nhiều cây bút văn chương: Lê Khắc Hoan, Phạm Phát, Lê Phú Hưởng, Hoàng Hưng, Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Ngọc Chụ, Nguyễn Vũ Tiềm, Trần Đăng Thao, Hoàng Minh Tường…) Lê Khắc Hoan thời kỳ 1960 với truyện ngắn đầu tay “Chân trời xa xôi”, rồi truyện vừa “Mái trường thân yêu” đã gây chấn động văn đàn. Hoàng Hưng, những năm dạy học ở Hải Phòng đã là một tác giả thơ trẻ cách tân đầy ấn tượng. Nguyễn Thái Vận thơ đằm thắm, nhiều suy tưởng và kỷ niệm về nghề thầy… Nguyễn Vũ Tiềm, về báo sau 1975, chất mô phạm nhà giáo hằn trên khóe mắt, nụ cười, lặn trong lời nói cử chỉ. So với các nhà văn, nhà thơ ở báo, ông xuất hiện muộn hơn, như một vận động viên marathon, bền bỉ dẻo dai, dồn toàn bộ tinh lực, ý chí cho nửa cuối nước rút, và… đã gặt hái thành quả, thậm chí soán ngôi vị cao chung cuộc.

Là tờ báo ngành hàng đầu cả nước, ra đời từ năm 1957, lại có độc giả hàng triệu giáo viên, ngay sau 1975, báo NGVND đã thành lập văn phòng đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh. Thường trực văn phòng là nhà thơ Hoàng Hưng, (mang cả vợ con, từ giã ngôi biệt thự gia tộc ở 12 Đường Thành, Hà Nội, vào ngụ cư Sài Gòn), cùng nhà giáo Nguyễn Vũ Tiềm cũng từ biệt làng Nành, tên nôm của Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, cùng vợ, mẹ vợ và bốn đứa con, vào Sài Gòn lập nghiệp.

Nhiệm vụ hai phóng viên thường trú chủ yếu là đại diện tòa soạn bên cạnh văn phòng 2, Bộ Giáo dục, nhận bài vở, biên tập rồi chuyển về tòa sọan 14 Lê Trực, Hà Nội. Hằng quý, tòa soạn bổ sung nhóm phóng viên từ Hà Nội vào tăng cường đi cơ sở, tổ chức các số báo chuyên đề về các tỉnh, các điển hình tiên tiến.

Tôi thân với Nguyễn Vũ Tiềm ngay từ ngày đầu gặp gỡ. Ra Hà Nội, anh liền rủ tôi về làng Nành, thăm ông anh cả và ngôi nhà thờ cổ dòng Nguyễn Khắc, một dòng họ có tiếng nho gia trong làng. Anh dẫn tôi đi thăm chợ Ninh Hiệp, sát nhà anh, một trung tâm thương mại, đầu mối giao thương của cả vùng Từ Sơn, Gia Lâm, nơi buôn sỉ và lẻ đủ thứ hàng trên rừng dưới biển, thậm chí có thứ hàng mà bên Hà Nội không có. Khách buôn vải tấm, thuốc bắc từ Trung Quốc sang, từ nam chí bắc kéo đến tấp nập. Khách buôn Thổ Tang, La Phù ăn dầm nằm dề chờ lấy hàng và trao đổi hàng. Suốt những năm cấm chợ ngăn sông, Ninh Hiệp như chiếc bếp lò rèn còn sót lại ánh lửa than cuối cùng, để rồi sau này mở cửa, bùng lên thành đầu mối giao thương lớn.

  Những lần vào công tác phía nam những năm ấy, tôi thường ở nhà Nguyễn Vũ Tiềm ở đường Điện Biên Phủ, gần cầu Phan Thanh Giản cũ. (Sau này, khi đường Điện Biên Phủ cải tạo mở rộng, gia đình anh chuyển về đường Phan Đăng Lưu). Căn hộ tầng hai trong ngôi biệt thự cũ ở Điện Biên Phủ, bẩy nhân khẩu, chẳng rộng rãi gì, nhưng bà mẹ và cô giáo Dậu cứ giữ tôi ở lại. (Chính tình thân ái này, sau đó mấy năm tôi còn gửi con gái đầu của tôi đến nhờ gia đình chăm sóc khi cháu vào xin việc ở Sài Gòn). Sống với bà mẹ vợ mà chẳng ai nghĩ Nguyễn Vũ Tiềm là con rể. Sau mới biết bà cụ chỉ có cô con gái duy nhất, và coi anh Tiềm như con trai. Bà cụ quá thất tuần, nhưng mắt còn tinh, suốt ngày đeo kính và đọc tiểu thuyết. Mấy cuốn sách của tôi biếu, cụ đọc trong ba ngày hết veo. Chú viết hay lắm, đọc sách chú, tôi lại nhớ quê ngoài ấy. Đi công tác thì đi, nhưng cứ về đây nhá. “Nhà lá đơn sơ nhưng tấm lòng rộng mở”, chú đừng có ngại. Thuộc làu làu thơ kháng chiến, đủ biết trình độ của cụ đến đâu. Hồi ấy Nguyễn Vũ Tiềm chỉ viết bài cho báo nhà, còn thời gian anh dồn cho làm sách hướng dẫn thầy cô giáo và bồi dưỡng học sinh. Anh bảo, mình muốn được sáng tác như các bạn lắm, nhưng bây giờ làm thơ thì đói to, phải tập trung kiếm tiền nuôi bốn cái tàu há mồm và mẹ già trước đã. Anh tâm sự với tôi. Trước đó đã có thời gian anh làm ở Sở giáo dục thành phố, đã quen làm các lọai sách nghiệp vụ, sách hướng dẫn dạy và học các môn văn, toán, lý, hóa… cho nên về báo càng có điều kiện tiếp xúc với các tỉnh, đưa sách tới các trường. Khoản thu nhập này lớn gấp nhiều lần lương hằng tháng. Có hôm, tôi khó ngủ, nửa đêm tỉnh dậy, vẫn thấy anh ngồi bên bàn hí húi viết, đọc dưới ánh sáng ngọn đèn vàng vọt.

Năm 1980, tôi từ Hà Nội vào, cùng Nguyễn Vũ Tiềm đi công tác miền Tây. Đang cùng giám đốc Sở giáo dục Hậu Giang Nguyễn Hữu Nghiệp đi thăm các trường miệt Sóc Trăng thì có điện vợ anh nhắn về đưa con đi viện. Còn lại mình tôi độc lập tác chiến. Tôi đi khắp lục tỉnh cho thỏa chí giang hồ. Đến Rạch Giá, tìm đường ra Phú Quốc, nhưng xếp hàng ưu tiên cũng phải chờ một tuần, vì ngày ấy tuyến Rạch Giá – Phú Quốc một ngày chỉ có một chuyến tàu cũ kỹ chở khách ra vào, và diện ưu tiên nhất là bộ đội và thân nhân của lính đi thăm thân. Anh cán bộ Sở giáo dục Kiên Giang đi cùng, cũng chưa từng ra Phú Quốc lần nào, rủ tôi đi Hà Tiên may ra có tàu ra đảo. Nhưng hồi ấy chưa có tuyến tàu biển Hà Tiên - Phú Quốc, đành ngủ nhờ đồn biên phòng Mũi Nai, chờ các chú lính tốt bụng gửi quá giang một chiếc thuyền nào đó. Ba ngày sau, lính biên phòng nhờ được một chiếc ghe chở heo từ Hà Tiên ra An Thới. Bốn giờ chiều, trời trong veo, mây trắng nhởn nhơ, trăng trung tuần như múi bưởi dậy thì, hai đứa chúng tôi cùng hai cha con ông lái heo, và con heo gần một tạ, rời Mũi Nai thơ mộng. Chiếc tắc ráng gắn máy chạy đến hòn Hải Tặc, thì trời như sập xuống, đen kịt. Mưa như trút, sóng chồm từ mũi ra sau ghe, sóng nâng bổng con thuyền lên ba bốn mét, rồi nhấn chìm xuống. Hệt như cảnh chiếc tàu vỏ chấu của Noi-ê trong Kinh Thánh. Chín phần mười cái chết cận kề. Hai anh cứ bình tĩnh. Cha con tôi quen gặp cảnh này rồi. Ông lái quát trong tiếng sóng và bảo hai đứa tôi hãy dùng chiếc chậu và chiếc nồi cùng với cô bé hơn mười tuổi ra sức múc nước để cứu thuyền khỏi ngập. Thú thực, đêm ấy tôi đinh ninh mình chết mà không ai biết. May mà chỉ một giờ sau cơn mưa giông cũng tạnh. Trăng vằng vặc và biển như tấm gương trời ánh bạc. An Thới đón chúng tôi trong tiếng chó sủa râm ran và tiếng gà khuya…

Chuyến đi ấy, tôi có loạt bài trên báo ngành về các thầy cô giáo Thái Bình, tỉnh kết nghĩa với Kiên Giang trên đảo hồ tiêu Phú Quốc. Hồi ấy, Phú Quốc nghèo tơi tả, muỗi như chấu, thị trấn Dương Đông bệ rạc, nhếch nhác, nhà tù hoang tàn như chứng tích của địa ngục, còn các thầy cô giáo Thái Bình tăng cường cho đảo thì sống lẫn với dân Hàm Ninh, Bến Tượng trong những vườn hồ tiêu, như sau này tôi viết trong bút ký “Làng giáo có gì vui” in trên báo Văn Nghệ, nơi tôi chuyển về công tác: “Những năm tháng này, chúng ta có định nghĩa mới: Thầy cô giáo là những người nông dân có nghề phụ là nghề dạy học.”

Trên đường từ Phú Quốc về, tôi ghé thăm các thầy giáo chuyển sang nghiệp cầm bút: Nguyễn Khoa Đăng, Hà Văn Thùy ở Kiên Giang, Trần Quốc Toàn, Bùi Mạnh Nhị ở Đồng Tháp… Ông phó giám đốc Sở giáo dục Đồng Tháp thương tôi về Sài Gòn không có gì ăn, bảo nhân viên vác ra bến xe một bao gạo Nàng Thơm hai chục ký. Đúng là gạo châu củi quế, còn qúy hơn vàng. Thấy tôi vác gạo về, bà cụ mẹ vợ anh Tiềm tưởng tôi mua, ý không bằng lòng. Anh Tiềm cũng không tin là tôi được tặng, cứ trách tôi khách xáo.

 ***

Năm 1990, nhà báo Lê Khắc Hoan sau bao nhiêu năm vướng lý lịch (ông cha dòng Lê Khắc là quan lại triều đình Huế), cũng được cất nhắc chức Phó Tổng biên tập, vào Sài Gòn khai mở tạp chí Thế Giới Mới, tập hợp đông đảo các cây bút văn chương giáo dục (Nguyễn Vũ Tiềm, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Khoa Đăng, Đặng Hấn, Thanh Tùng, Đỗ Quốc Anh, Lê Khắc Hân…), khuynh đảo  báo chí Sài Thành. Rồi thêm một phụ san Tài Hoa Trẻ do Nguyễn Vũ Tiềm phụ trách, như song kiếm hợp bích, không chỉ thu hút bạn đọc trong ngành, độc giả trẻ tuổi, mà cuốn hút hết thảy những ai ham hiểu biết khám phá. Những năm báo giấy lên ngôi ấy là những năm Nguyễn Vũ Tiềm, như Quỷ cốc tử, nhào luyện trong trường văn trận bút. Ông đọc và ghi chép, chiêm nghiệm và suy ngẫm, hành nghiệp và sáng tạo. Để rồi ông có một kho tàng đồ sộ những câu thơ tài hoa đông tây kim cổ. Từ thuần túy sáng tác chuyên cho thiếu nhi với các tập thơ: “Nữ hoàng trái cây”, “Chia tay võ sỹ Dế”, thơ trữ tình, thơ thế sự: “Thức đợi hoa quỳnh”, ông mở một hướng mới, đúc kết, khám phá, nghĩ về nghề thơ, về đời thơ, cho ra đời nột loạt tác phẩm: “Thương nhớ tài hoa”, “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”, “ Đi tìm mật mã  thơ”, “Văn đàn bi tráng”. Từ giãi bày cảm xúc cái tôi cá nhân, ông phân thân, đắm mình vào thân phận, cảm xúc của các thi nhân, lật mở từng văn bản, câu chữ để khám phá những mật mã riêng của tài hoa và tài năng, thiên tài. Từ thơ viết cho thiếu nhi, thơ trữ tình hiền lành, mơ mộng, giọng điệu thơ ông bỗng đổi khác. “Ra khỏi chiến tranh/ Nhiều người trong chúng tôi còn lành lặn/ Sao giờ đây thương tích đầy mình? / Những vết thương nhân tính, nhân văn/ cái đã qua rồi cái còn dang dở…”. Đó là những dòng mở đầu tráng ca “Văn đàn bi tráng”. Một nhà giáo lành hiền bỗng nổi giận khi ông xoáy nhìn vào thực trạng thơ văn “phải đạo” một thời: “Đội ngũ nhà văn rất giỏi nghề ảo thuật/ Chung sức thổi đồng ruộng lên trời như thổi bóng bay…/ Không ít nhà cơm độn ngô khoai sắn/ Không ít nhà cơm độn…  thơ văn!”. Ông tự coi mình lầ một đệ tử của văn chương để nhìn lại từ mạch nguồn thơ ca nước Việt. “Có đêm tôi nằm mơ/ Các văn tài phát quang rừng rực/ Làm bốc cháy cả gian nhà năm gian/ Nhiều vị khóc nước mắt ròng ròng tuôn lửa/ Nhiều vị nói cười trong nghìn độ suối gang/ Cả trái đất sắp thành tinh cầu lửa…” Và ông nhận ra ý nghĩa sống còn của văn hóa, nhân văn, trong đó có văn chương đích thực mà ông suốt đời là một tín đồ: “Không ít cuộc phế hưng/ Bắt đầu từ đồng dao con nít/ Không ít ngọn núi lửa/ Thức dậy từ địa chấn nhân văn.” (Văn đàn bi tráng).

Tôi rất ngạc nhiên và trầm trồ thán phục, nhận ra bóng dáng người thầy trong những trang “giáo khoa thơ” của Nguyễn Vũ Tiềm khi chứng kiến những câu lạc bộ thơ ở Hà Đông, Hà Nội cùng nhau nghiền ngẫm phân tích từng trang viết trong ”Đi tìm mật mã thơ” của ông, coi như chìa khóa cho sáng tác của mình.

Có lần , đi dự trại sáng tác văn học ở Nha Trang, một chiều lộng gió, Nguyễn Vũ Tiềm cùng tôi và vài bạn viết ngồi cà phê bên Hòn Trồng. Ông bảo, đêm qua  đọc bản thảo cuốn tiểu thuyết mới của tôi, day dứt trăn trở không thể ngủ được. Ông đọc tặng tôi hai câu thơ: “Hết Thủy Hỏa lại đến thời Đạo Tặc/ Đồng Sau Bão chỏng chơ những tượng đất Thánh Thần”. Ông ghép những tên sách của tôi. Tôi xúc động, vì ông hiểu tận ruột gan mình, ông đọc tôi suốt bao năm nay, hầu như không sót cuốn sách nào. Hai câu thơ này sau được ông đưa vào trường ca “Văn đàn bi tráng”. Ngay sau đó, tôi đã xin phép ông ghi hai câu thơ gan ruột ấy ở cuối bìa cuốn tiểu thuyết tôi sắp in, Thời của Thánh Thần, cuốn sách có số phận chìm nổi cho tới bây giờ.

Những năm sau này, Nguyễn Vũ Tiềm chuyển hướng sang viết tiểu thuyết lịch sử và thế sự. Cuốn “Bắc cung hoàng hậu” ông viết về công chúa Lê Ngọc Hân, (Mẹ bà là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người Ninh Hiệp). Ông từng dẫn tôi ra thắp hương tại ngôi đền thờ Lê Ngọc Hân, ở đầu làng Nành. Viết truyện lịch sử, cũng là viết về cái làng Nành thân thương của ông mà sống ở phương Nam, ở Sài Thành hoa lệ, nơi ông đã buồn vui hết mình hơn nửa đời người, nhưng ông vẫn đau đáu nhớ về nơi gốc gác, cội nguồn.

Năm 2020, tôi đến thăm Nguyễn Vũ Tiềm ở Phan Đăng Lưu, ông đang dưỡng bệnh, căn bệnh ung thư quái ác khiến ông không qua khỏi sau đó. Nguyễn Vũ Tiềm khoe với tôi đang viết dở một tiểu thuyết. Ông bảo, nhân vật của tiểu thuyết này là một người bạn thân thiết của chúng ta, một người tài hoa có bài thơ để đời, nhưng số phận long đong, chìm nổi. Không ngờ đó là cuốn sách cuối cùng mà ông chưa kịp nhìn thấy chào đời. Ấy là cuốn tiểu thuyết về nhà thơ Thanh Tùng.

Những mùa hoa như lửa cháy khát khao”, câu thơ Thanh Tùng ấy, khúc ca vĩnh cửu của Hải Phòng, nhiều năm nay đã có bao người hát lên. Và Nguyễn Vũ Tiềm, trước khi đi xa đã hát lên. Ông luôn hát lên những câu thơ tài hoa, những kiếp người tài hoa. Và chính ông, một nhà giáo, một đệ tử đích thực cuả thi ca, từ âm thầm khát khao mê đắm khổ luyện với văn chương, đã chạm tới Tài Hoa.

Hà Nội, 12/2022.

Mời đọc bài cùng chủ đề: Người không biết mệt mỏi trên hành trình đi tìm mật mã thơ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Khơi nguồn văn hóa Việt qua xuất bản sách
Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) từ ngày 16 - 19.11. Tại đây, 2 đầu sách về văn hóa VN đã được giới thiệu với bạn đọc ngoài nước.
Xem thêm
Hội Nhà văn Việt Nam mời dự Đại hội
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) - Chi hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Xem thêm
Thể lệ Cuộc thi viết và ảnh Đánh thức những miền đất
Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức Cuộc thi viết và ảnh với chủ đề Đánh thức những miền đất dành cho mọi công dân Việt Nam
Xem thêm
Danh sách các tác giả vào Vòng chung khảo Cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Công bố Danh sách các tác giả có thơ được chọn đăng trong tập thơ Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya (trong đó 33 tác giả vào Vòng Chung khảo cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Xem thêm
Trí tưởng tượng bay bổng và những bài học quý
Đọc sách “Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo” của Trần Hà Yên
Xem thêm
Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân
Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước.
Xem thêm
Hội nghị những người viết trẻ: Đồng hành khát vọng phương Nam
Chúng tôi những người lính tuổi U80 đến dự Hội nghị những người viết văn trê lần thứ 5 do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức.
Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm