- Tin tức - Hoạt động Hội
- Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy đã thôi cất tình thành rượu
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy đã thôi cất tình thành rượu
Theo thông tin từ gia đình, Tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy vừa qua đời sáng nay 21/12, thọ 85 tuổi. Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh xin chân thành chia buồn cùng gia đình nhà thơ và xin được giới thiệu dưới đây bài viết mới nhất về ông của nhà báo nhà thơ Tuy Hòa.
TUY HÒA
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy, một gương mặt trí thức xứ Nghệ, vừa qua đời sáng 21/12 tại TP.HCM ở tuổi 85, sau nhiều năm bị tai biến và hen suyễn.
Nhà thơ - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (1936-2021)
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1936 tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy được đào tạo Tiến sĩ khoa học cầu đường tại Nga. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy là em ruột của nhà báo Hàm Châu (1935-2016).
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy khởi nghiệm viết lách bằng những trang sách về lĩnh vực chuyên môn của mình, đó là cuốn “BAM, con đường và sức mạnh” do Nhà xuất bản Giao thông Vận tải ấn hành vào năm 1987.
Sau khi hoàn thành học vị Tiến sĩ khoa học cầu đường, ông về định cư ở TP.HCM và công tác tại Viện thiết kế giao thông. Công trình quan trọng đầu tiên của Tiến sĩ khoa học cầu đường Nguyễn Xuân Thủy chính là khôi phục quốc lộ 27 nối từ Đắk Lắk sang Lâm Đồng. Quốc lộ 27 do Pháp mở và không sử dụng, nên cây rừng đã phủ kín hàng thập niên. Nhiều tháng lặn lội trên quốc lộ 27 để tìm địa điểm xây dựng cầu Krong Nô nối lại tuyến đường cao nguyên, thi ca đã xuất hiện và đồng hành cùng Nguyễn Xuân Thủy mà sau này ông in thành tập thơ “Đèo dốc”.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy lúc du học tại Nga.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy đã xuất bản các tập thơ “Vòng tay nhỏ”, “Cảm ơn thời gian”, “Thắp xanh ngày tháng”, “Thổi chín mùa nhau”, “Đôi mắt hỏi vay”... Nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy với tư duy mạch lạc của một Tiến sĩ khoa học cầu đường, nên có thế mạnh ở thể loại thơ ngắn.
Tập thơ “Cất tình thành rượu” của nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy được nhiều đồng nghiệp quý mến, có không ít câu thơ lắng đọng “Nước mượn sông nước đi tìm nước/ Mây mượn trời mây đuổi theo mây/ Ta mượn thơ cất tình thành rượu/ Ly rượu nồng ta mượn ta say” hoặc “Tình yêu – con suối nhỏ - u mơ giữa rừng/ Con thác đổ - chẳng thể đừng/ Biết xả thân thành sông, tan mình thành biển/ Tự mình mênh mông”.
Năm 2009, nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy phát hành hồi ký “Ru lại tuổi mình”, kể về khoảng thời gian bản thân đã trải qua, từ thời thơ ấu ở làng Xuân Liễu quê nhà đến ngày non sông thống nhất. Bước qua thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy cùng vợ - Tiến sĩ Đồng Thị Thanh Phương (nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) chuyển xuống Vũng Tàu sinh sống, với tâm sự: “Dẫu vẫn biết/ Con sóng bây giờ không phải con sóng ngày xưa/ Tôi vẫn về với biển/ Dẫu vẫn biết/ Chàng trai tài giỏi của tôi đã chết/ Tôi vẫn lang thang trên đường Hạ Long/ Con đường đẹp nhất Việt Nam/ Do bạn tôi thiết kế”.
Hồi ký của nhà thơ - tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.
Sau cơn tai biến, nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy đối diện thêm với chứng hen suyễn nên sức khỏe ông suy giảm dần. Quay lại TP.HCM trú ngụ cho gần con cháu, nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy thấu hiểu mình “một bước nữa sẽ là thiên cổ/ cũng một đời - một kiếp phù du”, nhưng ông luôn lạc quan nhìn ngắm “Bông hoa nhỏ giấu mình thơm cành lá/ Bé bỏng cánh bèo tím cả quê hương/ Bao nhiêu chuyện ồn ào bay theo gió/ Nửa lúm đồng tiền cứ nhớ cứ thương” và lên mạng giao lưu: “Đường về hạ giới giờ xa lắm/ Ta cứ online đủ thích rồi/ Bạn like vài cái, còm dăm chữ/ Facebook gom đầy những đóa vui”.
Nhà thơ – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cả đời theo đuổi trí thức và sáng tạo. Con người hiền lành và khiêm nhu ấy, đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 21/12, gửi lại nhiều nhớ thương cho người thân và bè bạn: “Lật sang chiều/ gặp trang nước nổi/ Thuyền tình/ gối rách chân mây/ Lọ mọ ra chợ đêm, rao bán tuổi/ Sang tên cổ thụ, bóng dẫm tim mình... / Kiếm chút gì để hát, để còn biết quay đầu về đâu”.
Nguồn: https://nongnghiep.vn