TIN TỨC
  • Góc nhìn văn học
  • Nhà văn Kiều Bích Hậu với cơ hội xuất bản sách ở nước ngoài

Nhà văn Kiều Bích Hậu với cơ hội xuất bản sách ở nước ngoài

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-25 15:57:44
mail facebook google pos stwis
809 lượt xem


(Mời click vào logo trên đây để truy cập chuyên mục)

HOÀNG THU PHỐ - Báo Thời Nay
(Thực hiện)

Trong nỗ lực tiếp cận và chinh phục bạn đọc thế giới đang xuất hiện một số tác giả Việt viết văn trực tiếp bằng tiếng Anh và tự tìm cách xuất bản ở nước ngoài. Mới đây nhà văn Kiều Bích Hậu đã viết tập thơ đầu tay “The Unknown” (Ẩn số) bằng ngôn ngữ Anh. Sau đó tập thơ này lại được dịch sang tiếng Italia và xuất bản ở nước này.


Nhà văn - dịch giả Kiều Bích Hậu

TN: Đang được bạn đọc biết tới với truyện ngắn, tạp văn, tiểu thuyết, vì sao chị quyết định chuyển sang… thơ?

KBH: Thơ là cách tôi mở rộng năng lực viết của mình. Thú thực cho đến đầu năm 2019, tôi cũng không hề có ý định làm thơ, thậm chí hoàn toàn không nghĩ rằng mình lại có tiềm ẩn năng lực đó. Nhưng vào tháng 2/2019 tôi gặp một nhà thơ nước ngoài, chúng tôi trò chuyện vui vẻ, và anh có hỏi tôi đã có tập thơ nào chưa, thì tôi đáp, tôi là nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, tôi không phải nhà thơ. Anh nói, anh tin là vào lúc nào đó, trong cuộc đời, tôi cũng sẽ làm thơ. Tôi nghĩ anh ấy nói vui vậy thôi, nên tôi bảo, thực ra tôi đã viết một bài thơ bằng tiếng Anh, để tặng chồng tôi (vợ chồng tôi giao tiếp bằng ngôn ngữ Anh). Nhà thơ này ngạc nhiên, bình luận rằng thường thì các cô gái hoặc chàng trai làm thơ để tán đổ đối tượng, chẳng ai như tôi, đã cưới nhau rồi còn làm thơ tặng chồng? Tôi giải thích, thực ra tôi làm thơ để tán đổ chồng tôi, làm lành với chồng sau một cuộc chiến tranh lạnh. Bài thơ đó tôi ký tên Gấu trúc (Panda), ẩn dụ rằng chiến tranh lạnh chỉ làm rơi nước mắt (Gấu trúc có cặp mắt thâm quầng). Anh bạn nhà thơ nghe thế, vẫn tiếp tục khẳng định, rằng người như tôi, rồi đến lúc nào đó, sẽ làm thơ.

Quả nhiên, điều anh bạn thơ kia nói, tưởng vu vơ, mà thành sự thật.

 

TN:  Ẩn số được viết trong thời điểm/ hoàn cảnh nào thưa chị?

KBH: Mùa xuân năm 2019 tôi sang châu Âu, trong khoảng thời gian đó, tôi gặp duyên, có được người bạn tri kỷ, thích trò chuyện về chữ nghĩa, thích gieo vần và sáng tạo với mỗi chữ, nên có ảnh hưởng tới tôi. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên trong tập “Ẩn số” đã đến với tôi vào một đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (Vương quốc Bỉ), tôi chợt tỉnh ngủ giữa đêm, trằn trọc và từng câu thơ cứ hiện lên. Tôi thấy thú vị quá, nên trở dậy, bật đèn và viết vào một tờ giấy nháp. Những ngày sau đó, tôi viết thơ khi ở Bỉ, khi sang Pháp, lúc đang làm bếp, hoặc khi đợi tàu điện ngầm… Tập thơ gần như hoàn tất trong thời gian tôi ở châu Âu. Tôi cũng có gửi một chùm thơ cho một biên tập viên tạp chí văn học Romania và sau này chị ấy đã dịch, đăng trong tạp chí NEUMA mùa thu năm 2019. Giữa tháng 5/2019 tôi về nước, viết tiếp một số bài và cũng để đó thôi.

 

TN:  Ẩn số có phải là tập thơ đầu tay của chị? Vì sao chị quyết định viết tập thơ này bằng tiếng Anh?

KBH: Đây là tập thơ đầu tay của tôi. Trong thời gian ở châu Âu, do chỉ dùng ngôn ngữ Anh với bạn hữu, người thân nên tôi tư duy bằng tiếng Anh. Và rồi dòng thơ tiếng Anh cứ thế tuôn trào, tôi chỉ việc viết nó ra thôi. Khi làm thơ bằng tiếng Anh, tôi thấy mình đã vượt lên một bậc về năng lực viết. Giống như mình đã chiến thắng chính mình vậy. Khi tôi viết được bài thơ đầu tiên, cảm hứng dâng trào, sung sướng âm ỉ đến vài ngày. Bởi trước đó, năm 2018, tôi đã đặt bút viết một truyện ngắn bằng tiếng Anh, nhưng đang viết dở thì máy tính bị hỏng, tôi cứ chờ chữa máy tính và rồi thời gian qua đi, truyện ngắn đó vẫn dở dang. Nay bỗng dưng viết liền cả chục bài thơ tiếng Anh thì tôi thấy rằng, việc này không còn bất khả. Tôi cần dấn tới, không để nó trôi đi.

Từ năm 2016, tôi đã đặt mục tiêu, đó là đi học một khóa viết văn ở nước ngoài (Mỹ, hoặc Anh) để tăng cường ngôn ngữ Anh cho mình, để bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, sáng tác bằng tiếng Anh. Năm 2018, tôi đã sang Liên hiệp Anh, đi thăm các trường đại học tại Oxford, Cambridge, Belfast, cũng có ý tìm kiếm, nhưng tôi cứ lần lữa mãi chưa đăng ký đi học. Tôi có chia sẻ ý tưởng này với một bạn văn trong nước thì anh gàn tôi, nói rằng tôi hãy viết bằng tiếng Việt cho xuất sắc, chứ sáng tác bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi không tin anh, và cũng nghĩ, mình phải làm điều này, bất chấp kết quả.

 

TN: Trong những năm qua, chúng ta đã dịch và xuất bản rất nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn thế giới. Những tác phẩm đoạt giải thưởng văn chương thế giới đều nhanh chóng có mặt ở Việt nam, thậm chí những tác phẩm ăn khách cũng được dịch. Tuy nhiên, con đường văn học Việt đến với thế giới vẫn còn khá chật vật. Theo chị vì văn chương Việt ít tác phẩm phù hợp với tâm lý đọc của độc giả thế giới, hay bởi độc giả thế giới ít quan tâm đến văn chương Việt, hay chúng ta thiếu đội ngũ dịch giả?

KBH: Những năm vừa qua, tôi có để ý đến việc tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài, thì đều thấy rằng, chúng ta có hàng ngàn nhà văn, tác phẩm tốt, nhưng số lượng nhà văn được dịch tác phẩm giới thiệu ở nước ngoài lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người Việt Nam đi du học nhiều, và nhiều người trong số họ trở thành dịch giả, nhưng hầu hết dịch xuôi (do quá trình học tập ở nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ, thẩm thấu vẻ đẹp văn hóa, văn học ở nước đó, nên họ dịch tác phẩm nước ngoài, giới thiệu cho độc giả Việt Nam). Ngược lại, người nước ngoài du học tại Việt Nam rất ít nên có ít dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt. Ta tự dịch ngược thì thiếu tự tin, vì vẫn dựa vào từ điển là chính, không tư duy bằng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ ấy chưa là máu thịt. Điều này quả thực là một thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà văn Việt Nam, khi sức lan tỏa tác phẩm không vượt qua biên giới.

 

TN: Chứng kiến những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài, người ta nhận ra sự cố gắng có phần đơn lẻ của cá nhân từng nhà văn. Như nhà văn Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn… Hình như văn chương Việt đang thiếu một tổ chức, như Hội Nhà văn VN chẳng hạn, đứng ra làm “bà đỡ mát tay” cho việc xuất khẩu văn chương?

KBH: Trong vấn đề làm sao để tác phẩm văn học Việt Nam có sức lan tỏa bên ngoài đất nước, thì một trong những bất lợi của hầu hết các nhà văn Việt Nam là ngoại ngữ. Hai trường hợp nhà văn mà bạn nhắc ở trên, đều biết ít nhất ngôn ngữ thông dụng trong giao dịch quốc tế, đó là ngôn ngữ Anh. Chính vì nhà văn Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, và sau này là Nguyễn Phan Quế Mai, DiLi có thể đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận lượng bạn đọc hoàn toàn khác, là vì các nhà văn đó đã biết dùng ngoại ngữ để liên tục kết nối với bạn văn nước ngoài, và từ họ, biết được “lối đi” đến các nhà xuất bản nước ngoài. Cơ hội xuất bản ở nước ngoài luôn có, chỉ có điều cá nhân mỗi nhà văn phải tự thân vận động, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này để đặt mục tiêu và tiến tới mục tiêu.

Chúng ta đã có một tổ chức là Hội Nhà văn Việt Nam, tích cực kết nối với bạn văn quốc tế. Hội có mối liên hệ với trên 100 tổ chức văn học quốc tế, hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản quốc tế. Bốn sự kiện “Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam” được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong những năm qua đã thu hút rất nhiều bạn quốc tế tới dự. Đó chính là cơ hội tuyệt vời để mỗi nhà văn Việt Nam chủ động kết giao với bạn quốc tế, giao lưu thường xuyên chứ không chỉ trong sự kiện đó.

Đơn cử, trong tháng 2/2019, tôi chỉ là cộng tác viên của Hội Nhà văn Việt Nam trong sự kiện “Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần IV”, do tôi biết tiếng Anh, nên Hội ký hợp đồng vụ việc với tôi, nhiệm vụ đi đón các nhà văn quốc tế, chăm sóc họ trong thời gian Hội nghị. Đó là một điều tuyệt vời đối với tôi. Trong sự kiện đó, tôi đã làm quen và trò chuyện thân tình, phỏng vấn được 3 người bạn lớn: Giáo sư Gunter Giesenfeld người Đức (người bạn lớn của văn học và nhân dân Việt Nam); nhà thơ người Ý kiêm Chủ tịch Ngôi nhà thơ Como, Giám đốc sự kiện Lễ hội thơ châu Âu - chị Laura Garavaglia; nhà thơ Hungary kiêm sáng lập nhà xuất bản AB Art – anh Sandor Halmosi. Chính từ mối quan hệ đó, chúng tôi thành bạn nghề thân thiết, rồi không chỉ trao đổi thông tin nghề nghiệp thường xuyên sau khi các bạn về nước, chúng tôi còn tích cực dịch và giới thiệu tác phẩm của nhau… Những kết quả mà chúng tôi đạt được trong năm qua thật bất ngờ!

Hội nhà văn Việt Nam cũng có hoạt động để dịch và in tác phẩm chọn lọc của Hội viên ở nước ngoài, nhưng tôi nghĩ mỗi nhà văn cần chủ động làm việc này, không nên chỉ chờ đợi Hội nhà văn Việt Nam, hay bất cứ tổ chức nào khác, làm việc đó cho mình.

 

TN:  Với tập thơ Ẩn số của chị trực tiếp viết bằng tiếng anh, dường như chị đang cùng với một vài tác giả khác đã tự tìm cho mình một con đường, một lối đi riêng để đến với bạn đọc thế giới?

KBH: Tôi từng có một số truyện ngắn được dịch tiếng Anh, in trong nước và nước ngoài, tuy nhiên khi đọc bản dịch thì tôi không ưng ý hoàn toàn. Tôi từng nghĩ, hay là mình tự dịch truyện của mình, có thể sẽ không thất thoát ý tưởng và bảo toàn dung lượng cảm xúc. Tôi đã tự dịch truyện của mình, nhưng thấy tốn thời gian quá, trong khi tôi còn dư ý tưởng chưa viết ra thành truyện. Cho đến khi viết tác phẩm bằng tiếng Anh, tôi thấy rằng mình tiết kiệm được thời gian, kinh phí, và quan trọng là ý tưởng cũng như cảm xúc nguyên vẹn. Tôi biết Nguyễn Phan Quế Mai cũng đang làm điều này. Khi viết bằng tiếng Anh, dù vẫn nguyên liệu đó, nhưng cách thể hiện được quốc tế hóa, sẽ dễ đến với bạn đọc thế giới hơn.

 

TN:  Con đường đó có thuận lợi và khó khăn gì?

KBH: Khó khăn nhất chính là khi bắt đầu. Khi tôi thấy một từ nào đó chưa thể diễn tả trọn nghĩa, tôi có ý muốn tra từ điển. Nhưng tôi phải lập tức gạt bỏ nó, bởi như thế, dòng tư duy của tôi lại trở ngược về thói quen cũ, tư duy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi phải đạt bằng được mức tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh thì viết mới mượt mà, trơn tru được. Vậy nên, thay vì tra từ điển để tìm từ diễn đạt cho đủ, tôi đã viết ra từ đầu tiên nảy đến trong đầu, để mạch viết được liên tục.

Thuận lợi là khi đã vượt qua được nỗi ám ảnh về từng từ thì chữ bắt đầu lũ lượt kéo đến, và tôi viết không khó khăn gì cả.

Khó khăn nữa là vấn đề quảng bá tác phẩm. Khi chúng tôi thống nhất sẽ xuất bản tác phẩm ở một nước nào đó, tôi cần làm việc liên tục với nhà xuất bản, phải theo lộ trình quảng bá của họ. Nếu tôi thiếu ngoại ngữ, sẽ rất khó làm việc này. Nếu tôi không chịu bỏ thời gian để cùng tương tác, sáng tạo các phương pháp quảng bá sách, theo đuổi các sự kiện thì tôi không thể có tác phẩm bán được ở nước ngoài.

Nhưng thuận lợi là tôi học được nhiều từ bạn nước ngoài, các phương pháp, kỹ năng làm sách, quảng bá sách. Họ cũng liên tục hối thúc tôi, tạo cảm hứng cho tôi, tiếp sức mạnh cho tôi, khiến tôi không thể lười biếng dậm chân tại chỗ. Tôi đã bỏ hẳn được ý nghĩ vớ vẩn “Mình viết hay là được rồi. Việc bán sách là của thằng khác!”

Tôi hiểu rằng, mỗi nhà văn cũng phải là một doanh nghiệp, chứ không chỉ là một nghệ sĩ, phó mặc sự trôi nổi của đứa con tinh thần của mình trên thị trường sách đang hỗn độn.

 

TN:  Trên con đường đó, chị mong chờ điều gì?

KBH: Tôi mong chờ nguồn cảm hứng và tình yêu nghề sẽ không bao giờ vơi cạn. Tôi mong chờ trường văn của mình ngày càng được nới rộng.

 

TN: Mới đây, chị cũng vừa xuất bản tập truyện “Mũi tên đỏ vút bay”. Chị có thể nói gì về tập sách này? Năm 2020 có vẻ là một năm “được mùa” của chị?

KBH: Tôi có may mắn đi thực tế cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ. Và tôi chứng kiến những hoàn cảnh đầy nước mắt, những số phận bi thương được tập trung tới đây, tôi cũng được vui mừng trước sự chuyển hóa phi thường của những em nhỏ tự kỷ. Chưa có ai để tâm đến những số phận này với lăng kính văn học, cho nên tôi quyết tâm viết tập truyện ngắn “Mũi tên đỏ vút bay”. Cuốn sách vừa ra đời đã được bạn đọc đón nhận tích cực. Họ liên tục nhắn tin, gọi điện cho tôi để có sách đọc. Tôi tin rằng, cuốn sách đã chạm đến trái tim không chỉ những bậc cha mẹ có con tự kỷ, mà nhiều người có hoàn cảnh trớ trêu, cũng tìm thấy nguồn hy vọng mới khi đọc sách.

Năm 2020, lẽ ra tôi có kế hoạch đi châu Âu khoảng 3 tháng, nhưng vì Covid-19 nên tôi ở lại Việt Nam. Tôi chuyển hóa kế hoạch đi châu Âu năm nay thành kế hoạch xuất bản sách. Trong những năm qua, tôi vừa đi vừa viết, nên dồn lại 5 bản thảo chưa xuất bản. Như vậy tôi dự định sẽ xuất bản hết các cuốn đó trong năm nay, 2 tiểu thuyết, 1 tập bút ký, 1 tập truyện ngắn, 1 tập thơ. Tính đến tháng 7/2020, tôi đã xuất bản 1 tập bút ký, 1 tập truyện ngắn, 1 tập thơ. Nếu không có gì thay đổi, thì tháng 8/2020, cuốn tiểu thuyết “Là người - cũng là ma quỷ” của tôi sẽ xuất bản.

Trong thời gian VN có lệnh giãn cách vì dịch, tôi ở nhà, vừa làm việc cơ quan, vừa sáng tác chung với một bạn người Bulgaria một tập sách. Sự kết hợp này hơi lạ lùng, còn hơi quá sớm để tôi chia sẻ cụ thể về nội dung sách, hơn nữa chúng tôi vẫn chưa thống nhất thời gian nào sẽ xuất bản sách, dù phần tôi thì đã viết xong, phần của bạn còn thiếu. Nhưng cũng có thể trong lúc chờ đợi bạn hoàn thành phần viết của bạn, tôi sẽ viết bổ sung.

TN: Xin cảm ơn chị!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm