- Tin tức - Hoạt động Hội
- Nhà văn Trang Thế Hy người thành đạt muộn trong văn chương
Nhà văn Trang Thế Hy người thành đạt muộn trong văn chương
TRẦN HOÀNG NHÂN
Sáng 3/1/2025, Hội Nhà văn TPHCM và Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre đã tổ chức tọa đàm nhân 100 năm Ngày sinh nhà văn Trang Thế Hy (1924 – 2015) nhằm khẳng định tầm vóc của một trong những tác giả văn học Nam bộ tiêu biểu thế kỷ 20.
Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại tọa đàm nhân 100 năm Ngày sinh nhà văn Trang Thế Hy
Những trang văn day dứt khôn nguôi
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân, cho biết: “Nhà văn Trang Thế Hy không phải là người thành đạt sớm trong văn chương. Bút danh Trang Thế Hy cũng xuất hiện sau cột mốc 1975, còn trước đó ông dùng các bút danh Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái Văn… Tác phẩm đầu tay của Trang Thế Hy là trường ca “Thanh gươm tháng Tám” in trên báo Nhân Dân Nam Bộ vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chuyển sang chuyên chú thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với các truyện ngắn “Bên miệng hố bom đìa”, “Hột bụi”, “Quê hương thứ hai của người du kích”, “Vui nhỏ trên đường dây”, “Áo lụa giồng”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”… Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nam Việt Nam năm 1965”.
“Chung vai chung sức với đồng bào Nam bộ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà văn Trang Thế Hy đã khẳng định trên trang viết của ông: “Chiến tranh có khi là ân nhân của một dân tộc bất hạnh nào đó. Nhưng vị ân nhân khó thương đó đã đi qua rồi thì cứ để cho ổng đi qua luôn, mắc mớ gì níu áo ổng lại xin ý kiến? Lúc ổng làm ân nhân mình, ổng dạy bảo mình nhiều điều rất hay ho trong cảnh đầu rơi máu đổ. Nhưng trong hoà bình ổng không còn là một cố vấn tốt nữa đâu”. Và đồng thời, ông cũng khẳng định: “Nước mắt khóc người chết vì Tổ quốc, đâu phải là nước mắt dư, mà mình mắc cỡ”, theo nhà văn Trịnh Bích Ngân.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm về nhà văn Trang Thế Hy, từ trái qua: nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Ngô Thị Hạnh, tiến sĩ Hà Thanh Vân
Còn theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn: “Trang Thế Hy xứng đáng được xếp vào nhóm nhà văn tiêu biểu của văn học cách mạng Nam bộ thế kỷ 20, cùng với Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức và Lê Văn Thảo. Thật kỳ lạ, khi ba tác giả vạm vỡ ấy xếp hàng ngang thì dường như không còn chỗ trống nào, vậy mà Trang Thế Hy vẫn tự tin định vị. Lý do, ông bổ sung ba điều mà ba tác giả sinh sau kia ít đề cập trong tác phẩm, thứ nhất là số phận những con người chịu đựng chiến tranh, thứ hai là hình ảnh trí thức nghèo đô thị phương Nam và thứ ba là ý thức phản biện xã hội. Văn chương của Trang Thế Hy chăm chút cho sự suy tưởng. Ông ngẫm ngợi và day dứt khôn nguôi trên trang viết. Trang Thế Hy ở lĩnh vực văn xuôi, tương tự Chế Lan Viên ở lĩnh vực thi ca”.
Những vần thơ mang mùi vị cuộc đời
Năm 2009, nhà thơ Trang Thế Hy ấn hành tập thơ đầu tay mang tên Đắng & Ngọt do nhà thơ Ngô Thị Hạnh và bạn hữu thực hiện. Ngô Thị Hạnh, nhớ lại: “Năm đó, tôi cùng nhà thơ Chim Trắng thường xuyên đến thăm chú Trang Thế Hy, khoảng 2-3 tháng 1 lần, còn lần này là cho tập thơ. Trước đó chú hay khiêm tốn, chú đâu có làm thơ, cũng chỉ là những ghi chép ngắn của người làm văn mà thôi. Nhưng sau nhiều lần trò chuyện, chú đành chịu thua, tại nhỏ Hạnh làm… nên bây giờ lục lại”.
“Tôi có duyên được cùng ngồi lục lại những ghi chép ngắn của chú, những bài thơ viết bằng máy đánh chữ có sửa lại đôi chỗ - chỗ sửa viết tay. Tổng cộng lúc đó, tôi gom được 13 bài thơ chú viết và khoảng hơn 10 bài thơ dịch. Vậy là tôi có tập Đắng & Ngọt, nhan đề tập thơ là do tôi chọn, và được chú chấp nhận khá nhanh”, nhà thơ Ngô Thị Hạnh, hồi tưởng.
Nhà văn Trang Thế Hy viết trong đề từ tập thơ Đắng & Ngọt: “Nhan đề chung cho cuốn sách mỏng này do người biên tập chọn để tỏ lòng thiện cảm với cái nhan đề gốc của bài thơ Cuộc đời. Tháng 9/1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc, khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm, người đã nộp bài thơ Đắng và ngọt, rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và vị ngọt”.
Tập thơ Đắng & Ngọt sau đó ít năm được NXB Trẻ tái bản có bổ sung, đây là một trong các tác phẩm được nhà văn Trang Thế Hy chuyển giao tác quyền cho NXB Trẻ.
Ông Võ Phạm Lê - con trai nhà văn Trang Thế Hy, thay mặt gia đình cảm ơn quan khách tham dự buổi tọa đàm.
Khi tuổi đã cao, vóc dáng suy tàn, nhà văn Trang Thế không thích chụp hình vì sợ… xấu. Và ông cũng không muốn hình dáng của mình “già yếu” trong mắt các đồng nghiệp trẻ. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh, nhớ lại: “Lần đó, tôi cùng nhà thơ Chim Trắng đi Bến Tre thăm chú, do con hẻm vào nhà chú lúc đó đang sửa, nên xe hơi phải đỗ ngoài lộ, tôi và nhà thơ Chim Trắng còn uống nước dừa ở “quán bên đường”, thì chú đã đi ra đón. Một tay chú dắt chiếc xe đạp, cầm theo một cành hoa… Nhà thơ Chim Trắng bèn ghẹo: hôm nay điệu quá, dắt xe đạp cầm hoa? Chú Tư chỉ giải thích, “Hôm nay có nhỏ Hạnh mà”, rồi chú đưa cho tôi cành hoa mà chú vừa hái ở vườn nhà… Chỉ nhiêu đó thôi, mà sao nhớ mãi… Sau tôi mới biết, do thời điểm đó chân chú khá yếu, đi phải chống gậy, thay vì chống gậy đi ra thì chú dắt xe đạp, chiếc xe dù sao trông cũng khá hơn trong mắt nhỏ Hạnh vậy…”.
Nhà thơ Trang Thế Hy do danh họa Nguyễn Trung vẽ
Thơ Trang Thế Hy
Lời nói dối nhân ái
Gió nói với chiếc lá úa:
“Trong vòng tuần hoàn bất tận của chiếc lá,
Màu vàng của mi trong khoảnh khắc này
Là sắc đẹp vĩnh hằng của nhan sắc mùa Thu tàn phai nhanh;
Đừng buồn cái đẹp nào cũng phù du vì chỉ có cái phù du mới đẹp”
Lá biết gió nói dối nhưng lá vẫn vui vẻ bay vèo theo gió.
“Chàng thấy Nàng đẹp rồi chàng mới yêu
Anh thì ngược lại, anh yêu trước rồi sau đó mới biết rằng em đẹp”
Lời nói dối ngược ngạo luật phản xạ của anh chồng làm ửng hồng đôi má cô vợ trẻ.
Cô gái nói với ông già:
“Bố đẹp lão quá! Hồi còn trai chắc bố có số đào hoa”
Ông già - héo queo như cây kiểng còi - uống lời nói dối cực kỳ khó tin của cô gái như uống
giọt nước thần có dược chất hồi xuân
Tiếc thay! những lời nói dối ta phải nghe hằng ngày lại là những lời nói dối không nhân ái.
1989
Nguồn: https://ngaynay.vn/