- Văn chương thế giới
- Niềm chua xót của Sophie
Niềm chua xót của Sophie
Có thể nói sự nghiệp và cuộc đời của đại văn hào Léon Tolstoï gắn liền với cuộc hôn nhân cùng cô gái kém 16 tuổi, cũng là một người thuở ấu thơ khao khát trở thành nhà văn. Đời sống gia đình chứa đựng nhiều bi kịch cùng những quan niệm cực đoan của Léon Tolstoï theo thời gian đã đẩy họ ra xa nhau dù đã có cùng nhau tới 13 đứa con và sống cùng nhau đến cuối đời. Sau khi Léon Tolstoï bỏ đi khỏi nhà và qua đời, bà Sophie Tolstoï vợ ông cùng với việc xuất bản một số tác phẩm đã viết về cuộc hôn nhân của mình với đại văn hào. Bản dịch dưới đây của dịch giả Dương Thắng từ bài viết của nhà văn Linda Lê cho thấy một góc nhìn chua xót từ phía người cả đời nguyện làm cái bóng của Léon Tolstoï.
Sophie Tolstoï nói rằng bà đã sống bốn mươi tám năm với tác giả của Anna Karenina mà không biết ông là ai. Các nhà văn khi tìm hiểu về cuộc đời của Léon Tolstoï đều thắc mắc về mối quan hệ của ông với vợ, từ đám cưới được tổ chức vào tháng 9 năm 1862 cho đến chuyến đào tẩu của ông khỏi điền trang Iasnaïa Poliana vào tháng 10 năm 1910. Victor Shklovski, khi biên soạn tiểu sử của Tolstoï, đã nhìn thấy ở Sophie một “mẫu người trung bình, (bản chất) nhân hậu thiên phú, nghĩa là sống theo những định kiến của thời đại”, đồng thời ông cũng thừa nhận rằng bà rất chăm chỉ, năng động, tận tụy với chồng, luôn sao chép không biết mệt mỏi các bản thảo cho chồng.
Ivan Bunin, khi biên soạn cuốn Sự giải thoát của Tolstoï (La Délivrance de Tolstoï) thì không tìm cách phán xét Sophie, nhưng đã thuật lại lời của các nhân chứng, những người dường như đã được nghe Léon nói rằng hôn nhân, đó là một sự hủy hoại, một sự đổ nát và tàn phế. Còn trong cuốn Tolstoï đã chết (Tolstoï est mort), Vladimir Pozner, như một người ghi biên niên kí, đã ghi chép tỉ mỉ tất cả những sự kiện đã xảy ra trong những ngày cuối cùng của nhà tiên tri để lưu lại cho các môn đệ của ông. Pozner đã phục dựng lại tất cả những diễn tiến của cơn kích động đã ngập tràn xung quanh ngôi nhà của viên xếp nhà ga ở Astapovo nơi mà Leon đang hấp hối. Cũng trong cuốn sách này, ở chương có tựa đề Lịch sử một cuộc hôn nhân, độc giả sẽ có cơ hội được đọc những trích đoạn lấy ra từ nhật kí của Tolstoï và của vợ ông, chúng cho thấy bầu không khí trong gia đình nhà văn đã xấu đi đến mức nào trong những năm cuối.
Sophie – Người có cuộc đời gắn liền với Léon Tolstoï.
Còn mới đây thì Grazia Livi, tiểu thuyết gia người Ý, trong cuốn Người chồng thiếu kiên nhẫn (L’Époux impatient) , đã chọn để kể lại những bước khởi đầu khá yên bình giữa hai người đang yêu nhau. Dominique Fernandez, với trực giác nhạy bén, đã khám phá ra cái vũ trụ mang tên Tolstoï, ông tin rằng cặp đôi này luôn bị trói buộc vào với nhau bởi một thứ tình cảm vừa yêu thương vừa thù hận với cường độ ngày càng mãnh liệt. Sophie cùng lúc đã đảm nhiệm “hai vai trò trái ngược nhau: nàng thơ và ác quỷ”. Đối với Léon, Sophie đại diện cho thứ mà ông căm ghét: lòng tham và tính dâm đãng. Lời kết tội nặng nề và bất công này thực sự đã đầu độc cuộc sống của cả hai người.
Léon Tolstoï phân chia cuộc đời mình thành bốn giai đoạn: từ thời thơ ấu đến năm 14 tuổi – giai đoạn thơ ngây và hồn nhiên, tiếp theo đó là hai mươi năm chìm đắm trong tham vọng và trụy lạc, sau đó là khoảng thời gian mười tám năm, kể từ khi kết hôn đến khi bắt đầu có những chuyển biến về tâm linh (khoảng năm 1880), khi ông bắt đầu lên án văn chương, lên án đặc quyền của tầng lớp giàu có, và ủng hộ sự thanh khiết. Trong một quãng thời gian dài, ông đã được hưởng thụ trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc gia đình, nhưng theo ông, giờ đây nhìn lại thì những mối bận tâm trước đây hoàn toàn là ích kỉ, nó chỉ tập trung vào việc tích lũy tài sản và những thành công cá nhân trong văn chương. Đó là những lỗi lầm mà ông đã cố gắng sửa chữa vào lúc cuối đời bằng cách xem xét lại quá khứ và những thiếu sót của mình.
Coi trọng nhân dân hơn gia đình
Theo lời của chính Tolstoï, vào tuổi ba mươi, sau khi ném mình vào những cuộc phiêu lưu đủ các thể loại, sau khi đã là một kẻ bạc tình, một kẻ bại hoại, một kẻ theo đuổi một đời sống cuồng nhiệt và hưng phấn thái quá, ông đã nghĩ đến việc kết hôn. Trong những cuộc phiêu lưu thời trẻ, ông nhớ nhiều đến lần ve vãn, tán tỉnh Valérie Arséniev, một thiếu nữ mồ côi, người sau đó được khắc họa trong hình ảnh của nhân vật Masha trong Hạnh phúc lứa đôi (Le Bonheur conjugal). Tolstoï cũng tự trách mình vì đã quyến rũ một người hầu gái rồi bỏ mặc để cô tự xoay xở với số phận của mình, câu chuyện mà ông sẽ nhớ lại khi bắt tay vào viết cuốn Phục sinh (Résurrection). Nhưng mối tình nổi bật nhất của ông là mối tình với một thôn nữ, Axinia, người sinh sống trong khu điền trang của ông. Trong Quỷ Dữ (Diable), cô trở thành Stepanida, tình nhân của một Irteniev nào đó, người đã kết hôn, nhưng niềm đam mê mãnh liệt bỗng trỗi dậy mạnh mẽ khi gần gũi với cô. Bi kịch đau đớn nhất của con người là bi kịch chốn buồng the, đó chính là cái kết của truyện ngắn này.
Tròn 18 tuổi khi đặt chân đến Iasnaïa Polyana, Sophie phát hiện ra rằng Axinia đã chia sẻ sự thân thiết và gắn bó của Léon từ trước đó rất lâu và bà đã cảm thấy bị tổn thương đến tận đáy lòng. Trong cuốn tự truyện Đời tôi (Ma vie), Sophie nhớ lại cái ý nghĩ rằng mình chỉ là “kẻ ăn thừa” hay “dọn cỗ” cho Axinia, như một ngọn roi, đã giáng xuống bà với một sức nặng kinh hoàng và tuyệt vọng. Bà sẽ còn trở lại với nỗi đau này trong cuốn tiểu thuyết có tựa đề Lỗi tại Ai? (À qui la faute?), cuốn tiểu thuyết được bà viết ra như một lời đáp trả cho tác phẩm Bản Xônát cho Kreutzer của Tolstoï
Sophie nhận xét rằng Tolstoï rất coi trọng ý kiến của những người khác, ông không hề dửng dưng trước những bài báo lên án “thái độ đạo đức giả” của ông, một mặt, luôn tiếng kêu gọi hãy trao tất cả cho những người nghèo khó, mặt khác bằng việc giao phó tất cả cho vợ, ông đang làm giàu và phản bội lại những điều mình giao giảng. Chính vì thế Léon Tolstoï đã muốn từ bỏ tất cả tác quyền của mình, một ý định đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ những đứa con của ông (Tolstoï có 13 người con chung với Sophie).
Hồi kí của Sophia Tolstoy.
Nhiều va chạm, tranh chấp đã nảy sinh từ vấn đề tiền bạc. Tình yêu dâng hiến mà Tolstoï dành cho nhân loại đã va chạm với thứ tình yêu mang tính sở hữu / giam cầm mà Sophie đã thể hiện với ông, một thứ tình yêu dựa trên những nền tảng của quyền lợi và nhu cầu bảo vệ hạnh phúc của gia đình. Bản di chúc gây tranh cãi của Tolstoï như một giọt nước tràn li và sự hiện diện liên tục của Chertkov, một người theo chủ thuyết Tolstoï, càng làm tăng thêm sự bất đồng. Dưới ảnh hưởng của người này, Léon đã tách mình xa ra khỏi Sophie. Trong mắt ông, giờ đây Sophie đã trở thành vật cản lớn nhất cho việc tu dưỡng đạo đức của ông, ngăn cản ông thực hiện lí tưởng của mình, cụ thể là việc thực hiện lời thề sống một cuộc sống khiêm nhường và nghèo khó. Trong hồi kí của mình, Sophie đã nhận xét rằng Léon đã chọn đứng về phía những người dân khi bày tỏ những ác cảm với bà và rằng ông muốn tìm kiến sự đồng thuận với quần chúng để tăng thêm sự nổi tiếng của mình.
“Ngôi nhà của những kẻ điên”
Quả táo bất hòa thực sự giữa Sophie và Tolstoï chính là sự xuất hiện (tác phẩm) Bản Xô nát cho Kreutzer (La Sonate à Kreutzer) vào năm 1891. “Cuốn truyện vừa này đã phủ một bóng đen u ám lên tôi vì rất nhiều người nghĩ rằng tác giả của nó đã lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của hai chúng tôi”. Sophie đã thổ lộ điều này trong cuốn hồi kí của bà. Để chứng minh cho sự trong sạch của mình và chứng minh rằng mình không có liên hệ gì với những tình tiết được viết trong truyện, Sophie đã phải đích thân tiến hành một cuộc vận động quyết liệt và đưa đơn thỉnh cầu lên tận Sa Hoàng để có thể hủy bỏ được lệnh cấm đối với tác phẩm này. Trong Bản Xô Nát cho Kreutzer, Léon đã để cho Pozdnychev, nhân vật chính trong truyện, bị tra tấn bởi lòng ghen tuông tới mức đâm chết vợ, đưa ra một nhận định rằng những người phụ nữ, do bị tước mất quyền bình đẳng với nam giới, “trả thù bằng cách hành động dựa trên sự ham muốn nhục dục của chúng ta, giam cầm chúng ta trong chiếc lưới của họ”. Đau khổ khi đọc được những dòng chữ được viết ra từ ngòi bút của chồng mình, những dòng chữ khẳng định rằng tình yêu là một thứ gì đó đáng ghê tởm và bẩn thỉu, Sophie đã quyết định viết hai cuốn tiểu thuyết Lỗi tại ai (À qui la faute) và Tiểu thuyết không lời (Romance sans parole) trong đó mối quan hệ giữa hai giới được lí tưởng hóa, ở đây sự dịu dàng và và chia sẻ chiếm ưu thế so với những hấp dẫn về thể xác. Một trong những người con trai của Tolstoï, cũng tên là Léon, thậm chí đã cảm thấy rằng mình phải có nhiệm vụ hỗ trợ mẹ bằng việc xuất bản cuốn Khúc nhạc của Sô-Panh (Le Prélude à Chopin), tác phẩm được coi như một lời cầu xin ủng hộ hôn nhân, giải pháp duy nhất cho vấn đề tình dục.
Trước khi lâm vào bi kịch, cuộc hôn nhân của Sophie và Léon đã có những năm tháng hạnh phúc.
Một nguyên nhân khác dẫn đến những cuộc xung đột, đó là cuốn nhật kí của Léon mà khi đó hai người đều có thể đọc nó. Sophie rất đau khổ khi đọc thấy ở đó rất nhiều lời trách móc, đa phần là bất công, dành cho bà và một thái độ khinh miệt không che giấu đối với bà. Bà lo sợ (và điều này không phải là không có lí) rằng hậu thế, dựa trên những phán xét xuất phát từ những tâm trạng thất thường của Tolstoï, sẽ nhìn nhận và kết án bà như một đao phủ và Léon như một “nạn nhân vác thập giá”. Để làm dịu bớt những cuộc cãi vã và để có được nhiều tự do hơn khi đưa ra những đánh giá của mình, vào tháng 7 năm 1910, vài tháng trước khi qua đời, Tolstoï quyết định giữ cuốn nhật kí cho riêng mình, mỗi khi viết xong ông lại giấu nó trong chiếc ủng đang đi. Điều này chỉ càng làm tăng thêm những mối nghi ngại của Sophie và bà đã nhiều lần tự hỏi, liệu có phải ông đang rơi vào tình trạng sa sút trí tuệ và tinh thần hay không?
Trong năm cuối cùng của đời mình, Léon luôn bị giằng xé giữa hai ý nghĩ, một bên là sự mong muốn được rời khỏi cuộc sống gia đình để lui vào sống trong cô độc, một bên là nỗi lo sợ sẽ gây ra những phản ứng cuồng loạn không kiểm soát được ở Sophie nếu ông bước qua ranh giới đó. Nhưng tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức ông đã gọi ngôi nhà mà ông đang ở là “ngôi nhà của những kẻ điên”. Vào một đêm tháng 10, Tolstoï đã quyết định bỏ đi sau khi đã để lại cho vợ mình một lá thư giải thích rõ rằng ông không thể tiếp tục sống trong “những điều kiện tội phạm của sự xa hoa đến mức điên cuồng” trong khi tất cả xung quanh ông đều đang rên xiết trong khốn khổ. Hành trình của ông đã dừng lại ở Astapovo. Ông hấp hối ở đó trong khi Sophie bị yêu cầu phải tránh xa ra. Trong con mắt của cả thế giới, Tolstoï đã rời bỏ Iasnaïa Polyana chỉ để chạy trốn khỏi vợ mình. Sophie đã cố gắng trẫm mình xuống hồ nước khi nghe tin Léon bỏ đi. Nhưng chính vì nhân phẩm và lòng tự trọng đã giúp bà đứng vững và chịu đựng được cái thử thách khắc nghiệt là không được ở bên cạnh chồng trong những thời khắc cuối cùng của ông: “Bởi vì tôi yêu ông ấy, trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn bị lôi cuốn bởi cái ham muốn mãnh liệt là có ích cho ông, làm vui lòng ông trong mọi việc. Đúng vậy, cả cuộc đời tôi đã dành trọn cho nỗi ham muốn này”. Bà đã viết như thế trong cuốn hồi kí khi nói đến những năm tháng đầu tiên đầy ắp hạnh phúc của mình. Sau cái chết của Tolstoï, Sophie còn sống thêm 9 năm nữa, trong 9 năm đó, bà luôn chôn chặt những kí ức buồn, kìm nén mọi nỗi niềm uất hận, chỉ để dành chỗ để tôn thờ người đàn ông của cuộc đời bà, người đang an nghỉ ở dưới nấm mồ.
Theo Dương Thắng (dịch)/VNQĐ