TIN TỨC

Nhớ nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-08 20:50:02
mail facebook google pos stwis
1891 lượt xem

TRẦN ĐĂNG KHOA

 
Tôi thực sự bàng hoàng khi nghe tin Nguyễn Quang Sáng đột ngột ra đi. Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn lớn. Ông từng đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật.
 
Lần đầu tiên, tôi được tiếp xúc với Nguyễn Quang Sáng và phỏng vấn ông là năm 1993, nhân dịp ông đoạt giải thưởng Hội Nhà văn với tác phẩm “Con mèo Fujita”. Cho dù đó chỉ là một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nhưng cũng đủ để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp.
 
Sau này tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với ông, đặc biệt là khi cùng tham gia ban chung khảo cuộc thi sáng tác chuyện về đạo đức trong ngành giáo dục do NXB Giáo dục và Bộ Giáo dục tổ chức. Sau đó, tôi lại cùng ông với Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Trường và một số nhà văn nữa tham dự một lớp bồi dưỡng cho các thầy cô giáo ở miệt vườn ĐBSCL do Trường Đại học Đà Nẵng tổ chức. Nhờ đó tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với ông.
 
Tôi thật sự bất ngờ khi được nghe ông kể chuyện về chính cuộc đời cầm bút của ông và càng bất ngờ hơn khi biết sự nghiệp văn chương của ông lại bắt đầu từ khi ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Trước đó ông là nghệ sĩ trong đoàn văn công quân giải phóng với nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nghệ sĩ violon Lê Hồng Anh. Giờ bác Lê Hồng Anh là Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị.
 
Nguyễn Quang Sáng kể rằng, ông không hợp lắm với việc làm nghệ sĩ sân khấu bởi chỉ hát đi hát lại vẫn bài hát ấy, kéo đi kéo lại vẫn nốt nhạc ấy. Ông về Đài TNVN, ở bộ phận Văn hóa - Văn nghệ, giờ là Hệ VOV2. Lúc bấy giờ, người phụ trách cao nhất ở mảng văn hóa nghệ thuật này là nhà thơ Bảo Định Giang - tác giả của câu thơ rất nổi tiếng “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Nhà thơ Bảo Định Giang quyết định mở thêm chuyên mục “Tổ quốc ta tươi đẹp”. Ngoài việc chọn tác phẩm in trên báo để phát trên làn sóng, các phóng viên của Đài TNVN cũng phải trực tiếp đi viết bút ký, phóng sự. Một loạt phóng viên của Đài đã ra quân, trong đó có những cây bút trẻ mà sau này đều là những nhà văn lớn, như Bảo Định Giang, Nguyễn Quang Sáng, Bùi Đức Ái (bút danh của nhà văn Anh Đức, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Hòn Đất”) và Bùi Bình Thi.
 
Những tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng chính là những bài báo, phóng sự về vẻ đẹp của Tổ quốc. Không ai ngờ đó là những tác phẩm đầu tiên của nhà văn lớn rất nổi tiếng sau này.
 
Đọc Nguyễn Quang Sáng, không hiểu sao, tôi cứ hình dung nhà văn có cái nét gì đó na ná anh Bảy Ngàn, một anh nông dân Nam bộ ngang tàng, coi những chuyện nguy hiểm chết người cũng bông phèng như trò chơi con trẻ, có thể chống xuồng lao ve vé giữa lúc bom đạn đang vây bủa mù mịt, cũng có thể ngồi thì lì trong một cái quán rượu tạm bợ, dựng tồng tềnh bên vệ cỏ, ngoảnh ra phía sông nước mà nhậu lai rai, nhậu tối ngày. Con người ấy hình như vừa đơn giản, sơ lược, lại vừa phức tạp đến bí hiểm. Hình như đó là một phần của thiên nhiên Nam bộ, do thiên nhiên chắt ra, bởi thế có lúc hồn nhiên như cỏ dại, có lúc ương ngạnh như vách đá, chẳng thèm coi trời đất ra cái thể thống gì!
 
Sau này, khi được gặp Nguyễn Quang Sáng, hoá ra ông chẳng giống như tôi tưởng tượng. Một ông già Nam bộ nhỏ thó, mái tóc bạc trắng, nhưng da dẻ vẫn căng mịn, đỏ au. Ông ngồi lút trong cái ghế bành, vẻ hiền lành, nhàn tản như một người làm vườn hay nuôi chó cảnh. Có ai đó chỉ ông, giới thiệu với tôi. Tôi nhìn ông, mỉm cười. Ông cũng giơ một cánh tay lên trời chào tôi. Cái cử chỉ ấy, trong giây phút ấy, không hiểu sao, nom lại rất hùng tráng, đâu có thua phim Mỹ. Rõ ra cánh giang hồ gặp nhau! Tội vội vã rời ghế, đến sau lưng ông, kính cẩn đáp lễ.
 
- Dạo này, khả năng nhậu của bác thế nào?
 
- Vẫn đều đều. Nói thật, hồi chiến tranh, mình hay la cà với lính. Mà lính Nam bộ là cứ phải nhậu. Bây giờ mình cũng hay lui tới các quán nhậu, có thể ở bất cứ đâu, trong các khách sạn hay ngay trên vỉa hè. Ngồi nhậu với anh em. Nhậu như kẻ bụi đời. Nhậu chỉ là một phần, cái chính là nghe chuyện. Nhiều câu chuyện bất chợt, hay lắm, chẳng cần phải hư cấu. Mà hư cấu thế quái nào được như thế. Rồi cả ngôn ngữ đối thoại. Nó là ngôn ngữ của đời sống, nó tươi rói và sinh động lắm, mình không thể bịa nổi.
 
Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng hình như cũng được viết ở bên lề các quán rượu. Những tình tiết trong đó, có lẽ cũng được gom nhặt trong các quán rượu. Đối với Nguyễn Quang Sáng, đến quán rượu tức là đi thực tế, là đi vào đời sống nhân dân. Ở rất nhiều truyện, Nguyễn Quang Sáng không dựng truyện mà ông chỉ kể chuyện, một lối kể thông thống có đầu có cuối. Đấy là lối kể chuyện của những người uống rượu.
 
- Nghe nói, bác vừa viết, vừa nhậu lai rai?
 
- Đâu có. Khi nhậu mình đâu có viết, mà khi viết thì mình đâu có nhậu. Mình chỉ viết ban ngày. Có khi viết ngay trong nhà tắm. Khi viết, mình đóng chặt cửa, chỉ mặc độc một cái xà lỏn. Lúc viết, mình không muốn vướng víu. Và thường là viết rất nhanh. Nghĩ kỹ mà viết chóng. Không có cái truyện nào kéo dài quá 2 ngày. Mình không thích lối viết câu dầm. Cái nào cảm thấy lây nhây là thôi, vứt bỏ luôn!
 
- Những nhà văn ở lứa tuổi bác, thường họ chẳng biết sợ là gì. Có bao nhiêu gai góc, họ xù ra hết. Ví như ông Tô Hoài chẳng hạn. Còn những nhà văn khác, không có gai thật, họ xù gai giả. Thế mà bác thì em lại chẳng thấy có cái gai nào, kể cả những cái gai giả tết bằng tơ lụa. Mềm mại, dịu dàng có phải là phong cách của bác khi đã qua thời trai trẻ không? Nếu thế thì bác có kinh nghiệm gì để từ một người ngang tàng trở thành người hiền hậu? Hay nói một cách khác, theo cách nói vui vui của người Nam bộ thì bác đã cưa sừng làm... mèo như thế nào?
 
Tôi nói đùa để chọc ghẹo ông. Ông cười:
 
- Cái này, thực tình, mình cũng chẳng biết phân tích ra làm sao. Có lẽ nó do cái tạng. Cái tạng của mình không thể dữ dội được. Mình viết dữ dội là lập tức nó hóa giả ngay. Vả lại, mình nghĩ, nghệ thuật bao giờ cũng là một cái gì đó bóng gió. Nói vòng vèo, có khi người đọc lại dễ tiếp nhận hơn là nói thẳng tuột.
 
Mỗi nhà văn có một con đường riêng đến với độc giả. Nhìn vào các sáng tác của Nguyễn Quang Sáng suốt mấy chục năm qua, tôi thấy ông không đi trên con đường vòng vèo, và ông cũng không dùng ngôn ngữ bóng gió để giãi bày với độc giả. Đối với ông, những cách tiếp cận ấy hết sức xa lạ. Nó không phải là tạng của ông.

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang - một bộ phim kinh điển của VN ra đời từ tài năng của
nhà văn - biên kịch Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Hồng Sến - Ảnh tư liệu
 
Tôi cứ nghĩ một cách nôm na rằng, ngay đối với những nhà văn thiên tài cũng không phải cuốn sách nào họ viết ra cũng đều hay cả. Thế thì sao lại trách những nhà văn tài năng. Mỗi người chỉ cần đóng góp cho nền văn học một cuốn sách cho ra sách là đã hoàn thành sứ mệnh một cách tuyệt vời rồi. Hiện nay nước ta đã có đến gần một ngàn nhà văn hội viên. Nếu mỗi nhà văn có được một cuốn sách thì cả nền văn học của chúng ta đã có tới gần một ngàn cuốn sách. Một đất nước có gần ngàn cuốn sách thì nền văn học đồ sộ biết bao nhiêu, có quốc gia nào trên hành tinh này sánh được? Nhưng liệu chúng ta có được gần ngàn cuốn sách không? Không đâu! Bốn trăm cuốn? Không! Thôi một trăm vậy. Cũng không thể bới đâu ra cho đủ. Thời gian là sự sàng lọc khủng khiếp mà cuốn sách nào cũng phải phơi mình ra trước nắng gió thời gian. Nước lã sẽ bay đi, chỉ muối mặn mới kết tinh lại. Một đất nước có biển vây bọc, đi đâu cũng gặp biển mà hoá ra lại thiếu muối.
 
Thôi, cứ tạm coi như ta có vừa tròn một trăm cuốn sách đi, cứ nhắm mắt mà liều nới ra tùm lum như thế, để tự an ủi mình, để tự tạo cho mình có một niềm hào hứng, mà còn dám ngồi vào bàn, còn dám đánh vật với những trang giấy bướng bỉnh. Nếu ta cứ tạm lấy con số rộng rãi ấy làm một thành tựu, thì hiện nay, mới tính sơ sơ đã thấy có đến 90% các nhà văn hội viên vẫn chưa có sách, vẫn còn đang “ký nợ”. Đấy là món nợ khổ tâm nhất. Món nợ đời!
 
Nguyễn Quang Sáng có “mắc nợ” không? Không đâu. Ông là tác giả có số lượng sách khá đồ sộ. Trong đó, tôi đặc biệt thích tập truyện ngắn “Chiếc lược ngà” và tiểu thuyết “Đất lửa”.
 
Cả hai cuốn truyện này, Nguyễn Quang Sáng đều viết khi ông còn rất trẻ. Sách ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Bây giờ đọc lại vẫn không thấy cũ. Trong tập “Chiếc lược ngà”, có một cái truyện mà theo tôi, Nguyễn Quang Sáng viết rất giỏi. Ấy là cái chuyện kể về anh nông dân du kích Nam bộ Bảy Ngàn. Anh vừa chống xuồng ra khỏi miệt rừng thì đụng phải chiếc cán gáo của địch. Địch bắn và anh tránh. Chúng bắn hết cơ số đạn mà vẫn không giết được anh. Anh cũng vẩy lên trời mấy viên đạn của cái khẩu súng trường cổ lỗ sĩ. Tất nhiên loại súng ấy cũng chẳng làm gì được địch. Cả hai đều ở trong tình trạng tay trắng. Địch không tiêu diệt được anh, nhưng vẫn không muốn bỏ mồi. Chúng cứ quần lượn trên đầu anh mà dậm doạ. Thế là anh trật quần ra, trỏ lên. Đấy, cốt truyện chỉ đơn giản có thế. Kể lại thấy sơ lược và nhạt phèo. Thế mà đặt trong cái không khí của truyện, trong hơi văn của Nguyễn Quang Sáng thì nó lại sống động, nó sục lên cả mùi vị sông nước Tháp Mười, cả cái chất Nam bộ đậm đặc, không thể trộn lẫn.
 
Sau này, Nguyễn Quang Sáng triển khai cái truyện ấy ra thành phim “Cánh đồng hoang”. Bộ phim dài suốt gần hai tiếng đồng hồ, cũng vẫn chỉ có mấy cái mủng, cái cán gáo ấy làm chất liệu, mà người xem không thấy chán, cũng không thấy đơn điệu. Đấy là cái tài của ông và những người làm phim. Cuộc sống hiện lên với đầy đủ những dáng vẻ độc đáo, kỳ lạ. Ở đấy, con người tồn tại bất diệt như cây cỏ, như rắn rết, côn trùng. Có một chi tiết mà khi xem, tôi cứ bị ám ảnh mãi. Ấy là khi kẻ thù, bằng những trang bị của khoa học hiện đại, soi tìm con người trên đồng nước hoang dã. Chúng ập đến bất ngờ, anh du kích vội chụp đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi vào tấm ni-lon, vùi giấu xuống dưới nước. Một học giả phương Tây xem bộ phim này ở Matxcơva cứ hỏi tôi: “Có thật đời sống Việt Nam như thế không? Thật là kinh khủng! Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Mỹ thua các anh rồi. Thắng làm sao nổi một dân tộc như thế. Đấy là cuộc chiến tranh giữa hai nền văn minh...”.
 
- Cái chi tiết vùi đứa trẻ xuống nước ấy là của bác hay của đạo diễn?
 
- Của mình chớ. Cái phim ấy nó theo đúng như những gì mình viết. Cả cái cảnh bắt trăn ấy, nó cũng quay đúng như ý mình và quay đúng như thật. Mà thôi, nhậu đi!
 
Tôi rót một cốc bia, đặt trước mặt Nguyễn Quang Sáng và lặng lẽ ngắm ông, trông ông vẫn còn tráng kiện. Con người này chắc sẽ còn cho chúng ta nhiều điều bất ngờ. Văn Nguyễn Quang Sáng luôn tự nhiên, phóng túng, ngang tàng, pha một chút vui vui, tếu tếu, là cái hóm, cái duyên riêng của người Nam bộ, cũng là nét đặc sắc Nguyễn Quang Sáng, là đóng góp riêng của ông vào nền văn học nước nhà. Nhớ đến Nguyễn Quang Sáng, tôi luôn hình dung một con người cường tráng, sung sức. Vậy mà vào đúng đầu năm Ngọ này, ông lại đột ngột ra đi. Ông mất là một tổn thất không gì bù đắp được./.
 
VOV - 18/02/2014.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm