- Chân dung & Phỏng vấn
- Hành trình rèn luyện kỹ năng tự học của Nguyễn Hiến Lê
Hành trình rèn luyện kỹ năng tự học của Nguyễn Hiến Lê
Khi nhắc đến việc tự học, người ta thường nhớ đến tấm gương điển hình là học giả Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, để có được kỹ năng tự học, chính bản thân Nguyễn Hiến Lê cũng phải tự mày mò phương pháp, tự tìm kiếm sách vở và tự nghiên cứu để có thói quen, có được kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực như di tác mà ông để lại.
Trong Lời mở đầu của cuốn Đời viết văn của tôi, Nguyễn Hiến Lê bộc bạch: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ học và viết. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi viết để học và học để viết”. Và đó cũng là cách tự học của ông. Hành trình rèn luyện gian khổ, những kinh nghiệm về cách đọc sách, cách tự học được của một học giả (kiêm là nhà văn, dịch giả, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế...) được nói đến trong các cuốn sách dưới đây.
Mày mò cách đọc như ‘tằm ăn dâu” để “nhả tơ” cho đời
Năm 1934, Nguyễn Hiến Lê tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời với nửa thế kỷ gắn bó với Nam Bộ. Tại đây, sau những ngày mới ra trường, ông được giao công việc đo mực đất và mực nước ở khắp miền Hậu Giang và Tiền Giang. Sau này tác giả kể lại trong cuốn Tự học - một nhu cầu thời đại (Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa - Thông tin, HN, 2007) là phải đo ban đêm, làm việc từ 6 giờ chiều đến 12 giờ khuya, hoặc từ 12 giờ khuya đến 6 giờ sáng. Đời sống với công việc khác thường ấy dĩ nhiên là không thích thú gì nhưng có lợi là có nhiều thì giờ rảnh, mỗi ngày có 18 giờ tự do. Và tác giả tự quả quyết: “Đành phải đọc sách!”.
Khi ấy, sách khan hiếm, và chẳng biết bắt đầu việc đọc từ đâu. Nguyễn Hiến Lê kể lại: “Tôi có mờ mờ một mục đích là tray dồi Việt ngữ, nhưng trau đồi ra làm sao và nên đọc những sách nào thì xin thú thật là hồi đó tôi không nghĩ tới. Thậm chí tôi không biết mua sách ở đâu nữa”. Tác giả cũng tự thú rằng, lúc đầu tự mình loay hoay, bối rối như “người lạc lối trong rừng”, nhưng nhờ kiên trì, đam mê mà dẫn đến thành công trong việc đọc sách, tự học.
Khẳng định vai trò quan trọng của cá nhân trong việc tự học, Nguyễn Hiến Lê từng dẫn câu nói của nhà sử học Anh Edward Gibbon (1737-1794): “Mỗi người nhận ha thứ giáo dục: một thứ từ người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự kiếm lấy”. Để trở có được kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, yêu cầu đầu tiên là phải học để có được “sở học” cho bản thân. Sở học của Nguyễn Hiến Lê tích lũy được để thành danh là nhờ vào sự tự học, tự đọc sách sau khi ra trường. Trong cuốn Tự học - một nhu cầu thời đại tác giả tự bạch: “Tôi học 30 ông thầy vừa Việt vừa Pháp. Mà tôi nhớ chỉ có mỗi một vị khuyên tôi đọc sách để luyện Pháp văn, tức cụ Dương Quảng Hàm”. Nguyễn Hiến Lê cũng đã trích dẫn các tấm gương lớn về tự học để bản thân tự phấn đấu. Đó là Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, không hề học trường cụ Đốc, cụ Nghè nào mà nghiên cứu về văn hóa cổ phương Đông hơn cả cụ Cử, cụ Thám. Ngô Tất Tố không xuất thân từ một trường trung học, đại học nào của Pháp mà viết văn thì rành mạch hơn nhiều nhà văn có tân học. Thấm thía nhất về tinh thần tự học có lẽ là tấm gương cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hồi bị đày ở Côn Đảo, chỉ tự học tiếng Pháp trong một cuốn tự vị Pháp - Việt, thế mà chỉ sau 6, 7 tháng, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đọc được báo Pháp. Sau đó viết được cả thư bằng tiếng Pháp để gửi cho viên khâm sứ ở Huế.
Cũng từ kinh nghiệm đó, trong cuốn Luyện văn (Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa - Thông tin, HN, 1993), nói về việc lựa chọn sách trước khi đọc, học giả Nguyễn Hiến Lê đã trích ý kiến của nhà triết học người Anh Francis Bacon: “Có loại sách chỉ nên nếm, có loại khác chỉ đáng nuốt, có ít cuốn cần phải nghiền ngẫm”. Nghĩa là có những cuốn chỉ nên đọc từng đoạn, có những cuốn nên đọc qua cho biết và ít cuốn phải đọc hết, đọc siêng năng, chăm chú rồi suy nghĩ. Từ cơ sở trên mà người đọc xác định mục đích việc đọc. Đọc sách để giải trí, để tiêu khiển hay để kiếm tìm nguồn tư liệu thì nên đọc theo hai cách đầu. Còn đọc để nghiên cứu, “nghiền ngẫm, suy nghĩ, để luyện văn”, thì theo tác giả, nên chọn cách sau, có cả việc ghi chép. Những kỹ năng này từng được Nguyễn Hiến Lê bàn đến với mong muốn về ý nghĩa việc đọc: “Muốn viết thì trước hết phải đọc. Người ta đã ví nhà văn với con tằm. Tằm có ăn dâu rồi mới nhả được tơ. Nhà văn cũng phải đọc nhiều rồi mới viết được nhiều”.
“Đọc sách là hai người sáng tác chung”
Trong lời tựa của cuốn Tự học - một nhu cầu thời đại, cố học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Tự học mà thiếu phương pháp như vậy thì 100 người tới 95 người thất bại, chỉ 4-5 người thành công. Nhờ có nhiều nghị lực, chịu kiên nhẫn, lại thông minh, mau hiểu, mau nhớ, gặp môn hợp với khả năng mình...”, nên tác giả đã thành công.
Tùy theo thói quen, sở thích, tính tình mỗi người mà hình thành nên lối đọc sách. Tuy nhiên để đọc hiệu quả, theo Nguyễn Hiến Lê, nên chọn một trong hai cách sau. Một là đọc chậm, chắc, đọc đến đâu hiểu hết ý nghĩa đến đó. Cách hai là, đọc nhiều lần, lần đầu đọc lướt qua để hiểu sơ lược, sau đó đọc lại để hiểu tường tận nội dung sách. Muốn hiệu quả hơn phải tự đặt câu hỏi ngầm trong đầu khi đọc và dự đoán trước những gì sách sẽ viết tiếp, diễn biến những gì sẽ diễn ra, vì “đọc sách là hai người sáng tác chung” (H.Balzac, nhà văn hiện thực Pháp). Các câu hỏi ngầm phải hướng đến mục đích của việc đọc sách làm gì. Chẳng hạn đọc để luyện viết văn (như học sinh, sinh viên, nhà văn...) thì nên chú ý đến cảm tưởng, cách hành văn, sử dụng ngôn từ, cú pháp... Và nhất thiết phải biết liên hệ, so sánh (ngoài văn bản) khi đọc.
Chúng ta thấy kỹ năng trên hiện nay được đề cập đến trong tiêu chí đánh giá về năng lực đọc hiểu của PISA (Chương trình nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, OECD). Học sinh hiện nay khi học môn ngữ văn chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cũng được chú trọng đến kỹ năng đọc (một trong bốn kỹ năng, gồm đọc, viết, nói nghe). Các soạn giả sách giáo khoa cũng định hướng bằng hệ thống câu hỏi gợi ý đọc theo cách đọc này.
Những lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê từ hơn 50 năm trước về cách đọc sách, cách tự học đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó rất hữu ích là với những người yêu thích việc đọc sách, với học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế học đường; và với mọi người dân. Bởi vì, “sách là ánh sáng soi đường cho văn minh” (F.D.Roosevelt).
Trần Ngọc Tuấn