- Chân dung & Phỏng vấn
- Báo Văn nghệ - ngôi nhà chung của nhiều thế hệ cầm bút
Báo Văn nghệ - ngôi nhà chung của nhiều thế hệ cầm bút
Suốt gần tám thập kỷ, Báo Văn nghệ không chỉ là một tờ báo văn học đơn thuần mà còn là một biểu tượng của nền văn chương nghệ thuật nước nhà...
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tờ báo đã chứng kiến, ghi dấu và góp phần làm nên diện mạo văn học Việt Nam qua từng thời kỳ. Không một ấn phẩm nào có thể thay thế những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc riêng của Báo Văn nghệ - nơi hội tụ của các thế hệ nhà văn, nhà thơ và là không gian kết nối giới văn nghệ sĩ cả nước. Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cùng nhìn lại vai trò của tờ báo trong việc phát hiện và nâng đỡ các cây bút trẻ, đồng thời duy trì diễn đàn văn học đầy sức sống. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, Báo Văn nghệ còn mang ý nghĩa lịch sử, là chứng nhân của những biến chuyển quan trọng của đất nước. Giữa bối cảnh truyền thông thay đổi mạnh mẽ, việc giữ vững bản sắc và lượng độc giả trung thành là một thách thức không nhỏ. Điều gì giúp Báo Văn nghệ tiếp tục là “ngôi nhà chung” của các thế hệ cầm bút? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ tâm huyết từ nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh để hiểu hơn về hành trình gần 80 năm của tờ báo và những thông điệp gửi gắm đến lớp nhà văn trẻ hôm nay.
- Báo Văn nghệ đã có gần 80 năm đồng hành cùng văn học nước nhà. Theo bà, đâu là những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc riêng của tờ báo mà không một ấn phẩm nào có thể thay thế?
Giá trị cốt lõi của Báo Văn nghệ vẫn là thái độ nghề nghiệp đích thực khi phát hiện, sàng lọc và khích lệ những tác phẩm văn chương mang tính sáng tạo và nhân văn đến với công chúng. Sự chuyên nghiệp về lĩnh vực văn học khiến Báo Văn nghệ mạnh dạn và tự tin với những nhân tố mới, những tìm tòi mới, những bút pháp mới. Đây là sứ mệnh riêng mà Báo Văn nghệ khác biệt với các tờ báo phổ thông.
- Tờ báo không chỉ là nơi đăng tải các tác phẩm văn học mà còn là một diễn đàn lớn của giới văn nghệ sĩ. Bà có thể chia sẻ về vai trò của Báo Văn nghệ trong việc kết nối và phản ánh hơi thở của nền văn học nước nhà?
Dĩ nhiên một tờ báo chuyên môn thì không thể thiếu tính tranh luận học thuật. Báo Văn nghệ là nơi mà hầu hết các nhà lý luận phê bình hàng đầu Việt Nam như Hoài Thanh, Lê Ngọc Trà, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Trần Thanh Đạm, Hà Minh Đức, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Ngô Thảo, Mai Quốc Liên, Huỳnh Như Phương… từng thể hiện kiến thức, trình độ và thái độ đối với sự sinh tồn của học thuật. Đồng thời, trên chính báo Văn nghệ, nhiều nhà văn, nhà thơ cũng tham gia công tác lý luận phê bình như: Ma văn Kháng, Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo, Diệp Minh Tuyền, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa… Không chỉ trao đổi về các hiện tượng văn chương như Lê Đạt, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp… mà báo Văn nghệ cũng từng khiến cộng đồng dõi theo khi phân tích về sách giáo khoa, những vấn đề dạy văn còn bất cập trong trường học hoặc mở nhiều diễn đàn để các nhà văn cất lên tiếng nói xây dựng không chỉ cho ngôi nhà văn chương to lớn, bền vững mà còn khẳng định vị thế văn chương trong di sản văn hóa, đời sống văn hóa, giá trị văn hóa mà đất nước đang hướng tới,
- Trong suốt chiều dài lịch sử, Báo Văn nghệ đã góp phần phát hiện và nâng đỡ nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ. Theo bà, điều gì giúp tờ báo duy trì được sứ mệnh này?
Niềm tin vào tương lai văn học Việt Nam, đó có lẽ là động lực lớn nhất để Báo Văn nghệ kiên trì với việc cổ vũ những tài năng trẻ. Nếu không có niềm tin ấy, rất khó để mỗi biên tập viên Báo Văn nghệ cúi xuống những trang bản thảo xa lạ và chịu đựng những áp lực xung quanh sự tiếp nhận khác nhau từ độc giả.
- Bên cạnh giá trị văn học, Báo Văn nghệ còn mang tính lịch sử, chứng kiến và ghi dấu nhiều giai đoạn quan trọng của đất nước. Bà đánh giá thế nào về vai trò của một tờ báo có bề dày truyền thống như vậy?
Nhìn lại hành trình Báo Văn nghệ không thể nào kể hết những gương mặt đã xuất hiện và đã đóng góp. Bề dày Báo Văn nghệ chỉ cần nhìn vào các cuộc thi đã tổ chức cũng đủ thấy hết vai trò của thương hiệu này với đời sống văn chương. Tính riêng các “giải nhất văn chương” thì từ cuộc thi truyện ngắn đầu tiên năm 1958 đến nay, Báo Văn nghệ đã vinh danh những tác giả - tác phẩm tiêu biểu cho từng giai đoạn văn học, như Bùi Đức Ái với “Con cá song”, Vũ Thị Thường với “Cái hom giỏ”, Nguyễn Khải với “Một cặp vợ chồng”, Ngô Ngọc Bội với “Bộ quần áo mới”, Xuân Cang với “Những người thua trận đáng yêu”, Dương Thị Xuân Quý với “Sa mạc tuổi thơ”, Ma Văn Kháng với “Xa phủ”, Lê Lựu với “Người cầm súng”, Nguyễn Thị Như Trang với “Màu tím hoa mua”… Về thơ, thì từ Báo Văn nghệ đã định vị tên tuổi Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc, Hoàng Trần Cương, Đỗ Minh Tuấn…
- Nhiều tờ báo đã phải thay đổi trước xu hướng truyền thông mới. Tuy nhiên, Báo Văn nghệ vẫn duy trì được bản sắc riêng và lượng độc giả trung thành. Theo bà, yếu tố nào giúp báo giữ vững vị trí của mình trong lòng giới văn nghệ sĩ?
Văn chương là loại hình nghệ thuật nền tảng. Báo Văn nghệ chủ trương phát triển văn học thì độc giả và giới văn nghệ sĩ vẫn ủng hộ tuyệt đối. Tuy nhiên, theo tôi, Báo Văn nghệ đang bị “già” hóa trong xu hướng thẩm mỹ hiện đại. Báo Văn nghệ nếu có đội ngũ làm báo trẻ trung và năng động hơn, có lẽ sẽ đáp ứng được công chúng rộng rãi hơn.
- Nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ đã coi Báo Văn nghệ như một “ngôi nhà chung”. Theo bà, điều gì giúp tờ báo giữ được sự gắn kết chặt chẽ ấy?
Sự đồng điệu và sự liên tài giúp các nhà văn, nhà thơ tìm đến nhau và tìm đến Báo Văn nghệ. Điều ấy, nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ dàng đâu. Tôi nghĩ, các thế hệ làm Báo Văn nghệ cũng đã nỗ lực rất nhiều để có “ngôi nhà chung” như bây giờ. Còn tương lai, Báo Văn nghệ sẽ phải bận tâm hơn với tiêu chí “có thực mới vực được đạo” để có sự phát triển bền vững.
- Nếu phải gửi một thông điệp đến các thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ về tầm quan trọng của Báo Văn nghệ, bà muốn nói điều gì?
Có lẽ tôi chỉ xin nói một câu ngắn gọn: Báo Văn nghệ vẫn là bệ phóng đáng tin cậy nhất cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực văn chương.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi đầy thú vị này!
MINH HẰNG (Văn nghệ)