- Tin tức - Hoạt động Hội
- Chương trình thơ - nhạc chủ đề Hãy sống và hy vọng
Chương trình thơ - nhạc chủ đề Hãy sống và hy vọng
Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có thơ và nhiều nước có sử thi lâu đời, có nhiều nhà thơ nổi tiếng. Song có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa có một dân tộc nào có nhiều thi nhân nổi tiếng và thơ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu như thơ ở Việt Nam!
Là một người yêu thơ, nên hầu như Ngày Thơ Việt Nam hàng năm tôi đều theo dõi sự kiện này, dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2022 do ngần ngại dịch bệnh Covid-19 nên tôi theo dõi trên mạng xã hội, tình cờ tôi xem được chương trình Thơ - Nhạc do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh thực hiện, một bất ngờ đầy thú vị từ nội dung tư tưởng đến nghệ thuật và tính mới lạ của chương trình.
Chương trình mở đầu bằng tiết mục múa trống đặc sắc của Biên đạo Múa Kim Chi và nhóm Múa Nắng Mai kết hợp với đọc bài thơ Nam quốc Sơn Hà mà ngày xưa Lý Thường Kiệt sử dụng để khích lệ tướng sĩ và diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ, tạo cảm xúc về lòng tự hào dân tộc, yêu nước, yêu thiên nhiên trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022. Sau phần phát biểu khai mạc là tiết mục hát múa Tự hào Việt Nam- Sức mạnh Việt Nam rất hoành tráng, ca ngợi tinh thần Việt Nam chiến thắng đại dịch, đến phần diễn ngâm 04 bài thơ, vần thơ dạt dào cảm xúc thể hiện tình yêu quê hương và niềm tin, hy vọng vào cuộc sống qua phần diễn ngâm của các nam, nữ nghệ sĩ với chất giọng truyền cảm và kỹ năng diễn đạt cũng như phong cách biểu diễn tư tin, sinh động.
Trước tiên là bài thơ Tổ quốc vùng biên –Tác giả Phước Hội, Bài thơ ca ngợi, tri ân các chiến sĩ biên phòng vẫn cầm chắc tay súng giữ gìn cột mốc biên cương và sự yên bình cho nhân dân vui xuân đón tết, đồng thời tác giả còn hướng lòng mình tri ân với những người có công mở cõi và giữ nước, nội dung được chuyển tãi qua diễn ngâm của Xuân Thu, giọng nam ấm, truyền cảm và đầy nội lực.
Nếu như tác giả Phước Hội hướng về biên cương thì Bài thơ Xuân hy vọng – tác giả Trúc Lan hướng đến cái Tết đoàn viên, về gia đình, người thân, cha mẹ, về con cái và con trẻ đến trường sau những ngày đại dịch. Minh Tâm với giọng ngâm điêu luyện và phong cách biểu diễn tự tin sinh động đã mang đến cho người xem bức tranh vùng quê Tây Ninh với những giọt mồ hôi trên những cánh đồng với lo toan và cơ cực nhưng vẫn tràn đầy niềm tin, hoa vẫn nở, gia đình sẽ đón cái tết ấm no và trang sách học trò vẫn viết nên đầy hy vọng, là tất cả những gì đẹp nhất của tình cảm gia đình.
Tác giả Đào Thái Sơn với bài thơ Trong độ xuân về đã khắc họa bức tranh xuân đổi mới đầy sức sống, thắp sáng niềm tin và hy vọng giữa những khó khăn bũa vây là tình yêu cuộc sống, bày tỏ nỗi lòng tri ân với quá khứ gian lao anh dũng, là nỗi nhớ trường, nhớ lớp, tình cảm thầy trò những buổi dạy học trực tuyến của những năm tháng đại dịch vừa qua, giọng ngâm thanh, truyền cảm và phong cách biểu diễn khá xuất sắc của Hồng Lê đã chuyển tãi và gửi gấm tình cảm của của bài thơ đến người xem.
Bài thơ Thắp sáng niềm tin - tác giả Bùi Hiền, hướng về những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, những người đã hy sinh thầm lặng cứu người, cứu biết bao nhiêu bệnh nhân và mang lại bình yên cho cuộc sống. Như là tiếng lòng của mỗi con người, Tây Ninh hướng về những chiến sĩ hy sinh thầm lặng, vượt qua ban nhiêu hiểm nguy, bằng tình yêu thương giữa con người với con người với nhau, của tình nghĩa đồng bào. Nguyễn Tuyết với thế mạnh là sở hữu giọng Bắc, chất giọng ấm, truyền cảm, phát âm chuẩn, xử lý và kỷ thuật nhã từ rất tốt đã chuyển tãi được nội dung tư tưởng và tình cảm bài thơ đến với khán giả thật tốt.
Xen kẽ giữa những giai điệu thơ ngọt ngào, êm ả là các ca khúc được phổ từ thơ làm lay động lòng người qua sáng tạo của các nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ đã tạo nên không khí vui tươi, lạc quan, hy vọng. Bằng sự sáng tạo nghệ thuật, bằng quá trình hưng phấn và cảm xúc, nhạc sĩ đã hiện thực hoá thơ thành âm nhạc như ca khúc Mặt trời và cuộc sống - Thơ Ngọc Tình, phổ nhạc: Lê Hữu Trịnh, với thể thơ lục bát giàu truyền thống tình dân tộc, trong thơ có âm vang giai điệu của muôn loài có tiếng chim hót giữa rừng cây bạt ngàn hoa lá với tiếng cười e ấp trao gửi tình xuân, hướng về một tấm lòng, tin tưởng vào ngày mai với bao hy vọng “Mắt em lúng liếng tình xuân, Tin yêu cuộc sống trong ngàn nắng mai, Bước đi vững trãi đường dài. Em là hạnh phúc hoa cài tóc thơm”. Ca khúc với tiết tấu nhanh, giai điệu vui tươi, hân hoan được thể hiện qua giọng hát trầm ấm và dạt dào tình cảm của ca sĩ Nguyễn Nhật Tân tạo ấn tượng, thu hút hấp dẫn khán giả. Bài thơ Đẹp mãi mùa xuân “Lòng vững lòng gởi trọn những yêu thương, Mắt hướng tới bình minh đầy nắng ấm, Để mùa xuân thật dịu dàng đằm thắm. Tay trong tay mừng xuân mới yên bình” tác giả Vy Khoa đã đặt niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, tấm lòng nhân ái, yêu thương lẫn nhau, của cộng đồng, quê hương vượt qua bao thử thách. Tấn Lợi với giai điệu tươi vui đầy sức sống được thể hiện qua đôi song ca Kim Ngân và Minh Tiến, 02 ca sĩ trẻ, tài năng của tỉnh đã tạo ra hiệu ứng làm rộn rã lòng người và đặt niềm tin hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp.
Chương trình kết thúc bằng tiết mục Tốp ca nam nữ Xuân về - Nhạc & Lời Lê Hồng Tăng làm rạng rỡ thêm bộ mặt quê hương Tây Ninh chào đón xuân về.
Cấu trúc chương trình với thời lượng hơn 80 phút, hợp lý về mặc cảm thụ thẩm mỹ, các tiết mục được sắp xếp một cách khoa học làm tôn lên tính tư tưởng, sự hấp dẫn và tính mới của chương trình sử dụng các thể loại diễn ngâm thơ, ca nhạc phổ từ thơ, múa, đơn ca, song ca, tốp ca, hát múa,…, phần bình thơ của nhà thơ Phan Hoàng, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ biên Vanvn.vnv được đưa vào chương trình mang tính biểu diễn, không bị nhàm chán mà trở nên thú vị, thu hút sự chú ý người xem là điểm mới, điểm nhấn của chương trình.
Ngoài những nét nổi bật trên và dàn diễn viên trẻ, đẹp cùng hình ảnh minh họa trên màn hình LED trong từng tiết mục, phải nói đến đôi dẫn chương trình trẻ, thanh tú và tài năng, với thiên phú về thanh sắc, Phú Khánh và Hồng Thanh còn chinh phục người xem bởi sự thông tuệ và trí nhớ, sự nhạy bén và tương tác lẫn nhau.
Chương trình thơ- nhạc chủ đề HÃY SỐNG VÀ HY VỌNG đã mang lại kết quả ngoài mong đợi, tạo nên cảm xúc dạt dào tình yêu thương, niềm tin vào cuộc sống với tràn đầy hy vọng, là món quà tinh thần không chỉ những nhà thơ, những người yêu thơ mà cho tất cả chúng ta những người đang sống chung với dịch bệnh Covid-19. Mong rằng, sẽ có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị như thế, bởi Thi ca không mang lại trực tiếp của cải vật chất, nhưng thi ca mang lại những giá trị tinh thần, là nguồn động viên cổ vũ mỗi người chúng ta HÃY SỐNG VÀ HY VỌNG.
T.Đ