- Thế giới sách
- Sinh viên đồng hành cùng “Miền Nam xưa ngái”
Sinh viên đồng hành cùng “Miền Nam xưa ngái”
Trong phạm vi chuỗi ra mắt tập truyện ký “Miền Nam xưa ngái”, nhà văn Thu Trân (tác giả tập truyện) đã “nối dài cánh tay” giới thiệu tác phẩm đặc trưng văn hoá Nam Bộ này với đội ngũ sinh viên Trường đại học Văn hoá TP.HCM. Cho đi và nhận về, Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu một số cảm nhận của đại diện giới trẻ về những gì được mặc định là “miền Nam xưa ngái” của nhà văn Thu Trân.
1. “Miền Nam xưa ngái”- những câu chuyện ám ảnh về người & đất
Tôi là một người con chính gốc Nam Bộ. Tôi sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, ấy vậy mà tôi chưa bao giờ có thể hình dung được một cách rõ ràng cái văn hóa đặc trưng Nam Bộ của quê hương mình là như thế nào.
Nam Bộ với những con người hào sảng, chân chất, thật thà, luôn sống hết mình vì tình làng nghĩa xóm; Nam Bộ với những ký ức một thời tuổi thơ của biết bao đứa trẻ trong xóm, bày đủ thứ trò chơi như trốn tìm, đá dế, tạt lon, thả diều… Nam Bộ - vùng đất trẻ được sinh sau đẻ muộn nhưng mang trong mình một nhịp thở rộn ràng, đủ sức thu hút những người con tứ xứ theo tiếng gọi “đất lành chim đậu”. Tất cả những gì là văn hóa đậm đà bản sắc Nam Bộ, nay phần lớn đã bị cuốn theo vòng xoáy của thời “công nghiệp hóa- hiện đại hoá”, chỉ còn là những ký ức xưa cũ trong từng câu chuyện kể của bà của mẹ. Tôi cảm thấy thật tiếc nuối khi những giá trị ấy đang ngày càng mai một đi, khiến cho nhiều người thế hệ sau không hình dung được cái đẹp xa xưa ấy như thế nào.
Nhưng khi đọc tập truyện ký “Miền Nam xưa ngái” của nhà văn Thu Trân, tôi có cảm giác như được tham gia chuyến du hành ngược về quá khứ của nền văn hoá khẩn hoang Nam Bộ. Thật vậy, Nam Bộ xưa hiện lên trước mắt tôi như một thực thể vô cùng sống động, như tôi thực sự đang hòa mình vào dòng thời gian xưa mà chứng kiến mọi việc. Tập truyện “Miền Nam xưa ngái” phản ánh đầy đủ những nếp sống xã hội, những sinh hoạt đời thường và phương ngữ Nam Bộ thấm đượm trong từng con chữ. Cứ mỗi câu chuyện là một phần hồi ức đầy sắc màu lý thú, mới lạ cho những độc giả như tôi - những người sinh ra trong thế hệ công nghệ. Đồng thời, “Miền Nam xưa ngái” cũng là chuyến hành trình nhìn lại của những độc giả lớn tuổi như thế hệ ông bà, cha mẹ tôi - những người đã trải qua một miền ký ức khó quên tại vùng quê Nam Bộ.
Đọc câu chuyện “Hàng ranh hàng giậu hàng rào”, tôi chưa bao giờ nghĩ rào giậu miền Nam quê mình lại có những điều hấp dẫn như thế. Chỉ là những hàng cây trồng theo rào kẽm gai đơn sơ nhưng lại tạo ra được không gian riêng tư cho cả hai nhà, tuy vậy, “ngăn” mà không “cách”. Rào giậu ngăn ra để xác định ranh giới của mỗi nhà, nhưng tình lãng nghĩa xóm vẫn luôn gần gũi nhau, chỉ cần “kiểng chân” ngó qua rào một cái là thấy được bên kia. Tác giả Thu Trân đã viết “hàng xóm đi xa thấy nhớ” là điều có thật của Nam Bộ xưa, thật khiến ta thấm thía cái tình cảm dạt dào của con người thời khẩn hoang mở đất. Chuyện “đi coi tivi ké” cũng hay. Ngày nay mỗi nhà có vài chiếc tivi hiện đại, sắc nét là điều bình thường. Nhưng nhìn lại khoảng thời gian mà cả xóm cùng xúm xít xem một chiếc tivi đen trắng nhỏ xíu dưới một mái nhà mới thấy nó thật đáng quý biết bao! Việc tụ họp mọi người lại không chỉ để coi tivi cùng nhau, mà bà con xóm giềng còn có thời gian để gắn kết với nhau hơn. Đó chính là cái cách mà người Nam Bộ quan tâm đến nhau, một kiểu quan tâm thật đặc biệt: giản dị, chân chất, sảng khoái mà không “vòng vo tam quốc”. Sự khoáng đạt của người Nam Bộ cũng vậy, họ đã dùng từ rất hay: “chịu chơi”. Từ này vừa mang tính dí dỏm lại vừa thể hiện được bản tính của người Nam Bộ. Người Nam Bộ thường không phân biệt giàu nghèo, thường không keo kiệt bủn xỉn, luôn sống hết lòng với nhau theo kiểu “có nhiêu chơi nhiêu”.
Lần tìm theo những hồi ức của tác giả, tôi nhận ra nhiều giá trị văn hóa của con người Nam Bộ quê hương mình thông qua “Miền Nam xưa ngái”. Tác phẩm không chỉ cùng người đọc nhìn lại chặng đường dài đã qua của miền Nam, mà nó còn là những tri thức quý báu cho thế hệ đi sau, không phải là kiểu “trí thức hàn lâm” khô cứng khó hiểu, mà là tri thức được góp nhặt từ chính cuộc sống, từ chính con người chơn chất Nam Bộ xưa để lại. Đó là những giá trị được xen kẽ trong từng mẩu chuyện bình dị, đời thường nhưng dạt dào cảm xúc. Chứ không như thể loại sách khoa học được đúc kết, tổng hợp một cách rõ ràng nhưng vẫn khiến người đọc có phần ngao ngán và khó hiểu. “Miền Nam xưa ngái” đối với một sinh viên học ngành văn hóa như tôi thật sự là một tài liệu học thuật quý báu, với một người trẻ yêu văn hóa quê hương thì nó lại là hồi ký chứa đựng bản sắc văn hóa đậm đà Nam Bộ. Dù là giá trị học thuật hay giá trị văn hóa, tôi vẫn thấy cuốn sách thật sự lôi cuốn và hấp dẫn. “Miền Nam xưa ngái” với cơ man những câu chuyện về con người, vùng đất, tập tục Nam Bộ với “Thương nhớ bánh mì Sài Gòn”, “Sài Gòn- Biên Hoà anh em sinh đôi”, “Mặc niệm Phước Long và câu chuyện về ông kẹo ú”, “Lu Lu yêu dấu”, “Vườn ma”, “Chuyện nhà ông Năm Sọc”… đã mang đến cho tôi sự tò mò về những điều mới lạ mà mình chưa từng được chứng kiến; đồng thời cũng khiến tôi hiểu thêm, yêu thêm thật nhiều những giá trị tốt đẹp của con người Nam Bộ. “Miền Nam xưa ngái” của nhà văn Thu Trân là một tác phẩm đặc sắc, nó là quyển sách sẽ làm bạn ngạc nhiên với 60 câu chuyện ám ảnh về người và đất- đôi khi như những giai thoại liêu trai chí dị nhưng ẩn chứa bao điều sâu xa về văn hoá và lịch sử.
Lê Trần Thế Vinh, lớp Văn hoá học 15, Trường đại học Văn hoá TP.HCM
2. Tôi lắng lòng theo từng trang “Miền Nam xưa ngái”
Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung, năm 18 tuổi tôi bắt đầu đặt chân vào TP.HCM học tập. Lòng nhiệt thành của người miền Nam đã “cưu mang” tâm hồn tôi suốt gần 3 năm nay. Điều này chính là nguồn cảm hứng cho tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa nơi “miền hào sảng” này. Có thể nói, tập truyện ký “Miền Nam xưa ngái” của nhà văn Thu Trân là cuốn sách giúp tôi khởi đầu đầy hào hứng trong hành trình tìm hiểu văn hóa Nam Bộ.
Bước đi thời cuộc dịch chuyển, đổi dời, giằng xé giữa cũ - mới, mất - còn… khiến những giá trị tinh thần bị xáo trộn hoặc mất đi những chuẩn mực đã được xác lập từ người xưa. Sự biến thiên nghiệt ngã của thời cuộc hằn sâu thêm những dấu ấn bi hùng lên khuôn mặt lịch sử; đồng thời cũng nhào nặn, nhấn chìm tan tác bao phận người phận đời nổi nênh dâu bể khóc cười. Con người và vùng đất của “Miền Nam xưa ngái” như đã lùi sâu vào quá khứ; lớp bụi thời gian đủ dày, đủ cao theo ngày tháng chất chồng; nhưng giờ đây, tất cả như đã được tái hiện qua ngòi bút của nhà văn Thu Trân thông qua tập truyện ký “Miền Nam xưa ngái”. “Miền Nam xưa ngái” gợi ta về một miền ký ức xưa, nơi đó chất chứa bao hoài niệm của một đời một thời, chất chứa nỗi mình nỗi người với bao oan khiên buồn vui vinh nhục không chỉ của riêng ai.
“Miền Nam xưa ngái” gần 400 trang. Đọc không một mạch, đọc không dễ dàng. Bởi mỗi trang, người viết nhắc tới những kỷ niệm, những ký ức xưa… buộc người đọc đặt sách xuống, xôn xao, bâng khuâng, buồn vui sống lại bằng nỗi nhớ của chính mình. Tôi lắng lòng mình theo từng trang từng trang “Miền Nam xưa ngái” và tôi như gặp lại chính mình đâu đó trên trang viết của Thu Trân. “Miền Nam xưa ngái” chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Không gian trong sách ôm trùm một góc nhỏ Đồng Nai thời mở đất, thời chinh chiến, thời khốn khó của những ngày đầu miền Nam mới giải phóng. Hiển nhiên, “Miền Nam xa ngái” mang tầm khái quát, đây không còn là những câu chuyện của riêng Đồng Nai, Sài Gòn hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
“Miền nam xưa ngái” được tác giả chia làm bốn phần; mỗi phần gồm nhiều câu chuyện, mỗi câu chuyện là một lát cắt nho nhỏ so với bề dày bộn bề của cuộc sống. Sách được viết bằng lối viết chân phương, đằm thắm, dung dị, kiệm lời; không cầu kỳ khoe chữ hay triết luận cao vời mà chỉ bằng những chi tiết rất thực, rất đời thường- nhà văn Thu Trân đã làm “thức dậy” cả một miền Nam xưa ngái.
Tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà tác giả trang trọng đặt phần Văn hóa khẩn hoang Nam Bộ mở đầu quyển sách “Miền Nam xưa ngái”, có phải đây là tâm thế của người cầm viết, có trước có sau quê hương nguồn cội? Văn hóa khẩn hoang Nam Bộ chuyên chở nhiều điều thú vị, là nguồn tư liệu quý cho những ai muốn khám phá về một Nam Bộ qua nhiều thời. Và nhất là tác giả dành nhiều chữ nghĩa cho “miền phương ngữ”. Phương ngữ Nam Bộ là một kho tàng văn hóa độc đáo, mang sắc thái đặc trưng của vùng đất phương Nam, mỗi từ mỗi câu đều mang dấu ấn văn hoá- lịch sử con người và vùng đất. Bên cạnh đó, “Miền Nam xưa ngái” còn là một tập hợp sinh động những trang viết gợi lại ký ức, kỷ niệm của người đọc bằng cách viết rất riêng, nhiều màu nhiều vẻ như lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xử, phong tục tập quán, tập tục kiêng cữ, cúng bái… Các truyện ký trong sách không nặng về chất khảo cứu; thiên về hướng cảm xúc, hình tượng giàu chất văn học. Cây bút nữ Thu Trân là cây bút tài hoa, với vốn chữ nghĩa dồi dào, chị coi trọng điều được kể ra; nhưng đặc biệt chú ý tới cách kể, cách dàn “đội quân chữ nghĩa” ma mãnh, sau mỗi đoạn mỗi trang luôn tạo sự bất ngờ cho người đọc. Những chuyện kể, những kỷ niệm, những hồi ức trong sách đều nhắm về một đích: thương yêu, đồng cảm, trân trọng những phẩm chất đạo đức, những lề thói dân dã của cha ông; thấm đẫm sự cảm thông, sẻ chia về sự chịu đựng, hy sinh, thiệt thòi mất mát của bà con xóm làng. Có lẽ vì chạm được “tiếng lòng” này nên tác phẩm “Miền nam xưa ngái” dù đề cập tới những gì thuộc một vùng đất rất cụ thể nhưng đã vươn lên được tầm khái quát sâu rộng thuộc di sản tinh thần văn hóa chung của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
“Miền Nam xưa ngái” ngồn ngộn những buồn vui nỗi mình nỗi người đắng đót xót xa, có thể gói gọn trong một chữ tình. Và tôi xin được trân trọng viết hoa chữ “Tình” chan chứa ấy. Người đọc ắt không thể ngăn dòng nước mắt, không thể không rờn rợn trong nỗi kinh hoàng khi đối diện với “Tàu đêm năm cũ”. Đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi của một đời một thời “ngăn sông cấm chợ”. Để có được miếng ăn sống qua ngày, người ta đã bất chấp sự sống chết hiểm nguy, chen chúc rượt đuổi dẫm đạp chồng chất lên nhau trên những chuyến tàu sinh tử. Hậu quả của những chuyến tàu đêm như thế đã cướp đi hơn bảy mươi sinh linh, trở thành cô hồn dạ quỉ lang thang không chốn quay về. Bảy mươi người vĩnh viễn nằm lại bên đường cầu thực, không ai có giấy tờ tùy thân. Bảy mươi nấm mộ hoang hiu hắt bên đường sau tai nạn khủng khiếp lật tàu ở địa phận Dầu Giây- Long Khánh. Nước mắt tôi lăn dài theo từng con chữ, rờn rợn nỗi đớn đau của một thời xưa ngái.
“Miền Nam xưa ngái” dành hẳn phần cuối cho những gì còn chưa “xưa ngái”: kể lại những sự việc, những thân phận, những mảnh đời của tầng lớp “dưới đáy” xã hội miền Nam thời kỳ chiến tranh 1964-1975 và những năm đầu sau tháng 4 năm 1975. Đấy là những trang viết chân thực, giàu xúc động, đầy lòng trắc ẩn và tình người. Những người nghèo khổ phải sống qua ngày bằng cách bòn bới đồ phế phẩm từ các căn cứ Mỹ, những phụ nữ chấp nhận sự khinh rẻ của xã hội để đi làm sở Mỹ nuôi sống bản thân và gia đình, những đứa con lai thống khổ ra đời bất đắc dĩ… Phần này của “ Miền Nam xưa ngái” đầy tính nhân văn và cũng “hầm hập” tính thời sự về những gì đang diễn ra trên thế giới. Những trang viết này không chỉ mang âm ba của quá khứ mà còn đủ sức nóng, độ rung và cả lời cảnh tỉnh cho nhân loại trước những xung đột lớn nhỏ đã, đang và sẽ còn xảy ra trên thế giới…
Hoàng Thị Mi Tơn, lớp 20DVH, Trường đại học Văn hoá TP.HCM
3. Sự “giàu có thú vị” của người Nam Bộ xưa
Tôi là người con được sinh ra và nuôi dưỡng nơi đất phương Nam- vùng văn hoá trẻ của Việt Nam. Nhưng thú thật, hứng thú về văn hoá Nam Bộ trước giờ của tôi dường như là một nửa của con số một trăm phần trăm (!). Tổ tông là người miền Nam, ba mẹ là người miền Nam, giọng nói rặt miền Nam, mà tâm tôi cứ hướng về đất Bắc. Những kiến thức văn hoá- lịch sử- xã hội, thường tôi đều đọc về vùng đất phía ngoài, có lẽ do không phải người miền Bắc nên tôi luôn có sự tò mò và thích khám phá. Học phần Văn hoá đô thị, tôi trình bày rất nhiều và chi tiết về thị dân miền Bắc. Đến phần thị dân miền Nam, tôi ngập ngừng và thay bằng thước phim ngắn quay về chốn phồn hoa Sài Gòn- Gia Định (chứ có biết gì nhiều về con người và đời sống miền Nam đâu!). Cho đến lúc kết thúc môn, thầy gọi tôi, đưa một quyển sách có tên “Miền Nam xưa ngái”, có thể nói lúc đấy tôi đang nín thở, đặc biệt khi thầy nói: “Em sẽ thích quyển sách này khi em là người con của đất miền Nam”…
Cầm quyển sách trên tay, xuất phát từ thói quen đọc tài liệu nghiên cứu, tôi đọc mục lục đầu tiên. Tôi lướt mắt, dừng lại ở dòng chữ in đậm: “Má mình xài phương ngữ”. Và như thế này: “Mày đừng có ấy con ấy của tao nha, lúc này tao thấy nó ấy ấy làm sao á, in như nó cũng ấy mày thì phải”. Quen, rất quen. Đây chính là cái từ mà tôi hay nói nhất và cũng là từ khiến tôi bị cự nhiều nhất khi nói chuyện với bạn miền khác. “Ê, mày lấy giúp tao cái ấy trên cái ấy đi” hoặc là: “Bài này mày đọc tài liệu ấy là ra”, “Cô kiểm tra cái ấy kìa”, “Ấy nhanh đi thầy la đó ba”… Từ tấm bé tầm 2- 3 tuổi, về nội chơi tôi cứ nghe mấy cô mấy thím cứ “ấy ấy”. Lớn lên, tôi cũng “ấy” và thành từ dùng thông dụng khi nào không hay. Từ “ấy” hay thần kỳ, dù không có trong “danh sách” đại từ điển tiếng Việt nhưng người miền Nam nghe chắc chắn sẽ hiểu. Nhà văn Thu Trân- tác giả “Miền Nam xưa ngái” cũng đã chỉ ra rằng, từ “ấy” có thể là đại từ, danh từ, tính từ hay thậm chí là cả động từ. Đấy chính là ngôn ngữ biến hoá trong giao tiếp vùng văn hoá Nam Bộ.
Nói đến văn hoá thì phải đề cập đến con người, bởi con người là chủ thể của văn hoá. Muốn hiểu về con người miền Nam, nhanh nhất là tiếp cận với đời sống của họ. Đọc “Miền Nam xưa ngái”, tôi đặc biệt thú vị các bài đề cập đến cách sống của người giàu Nam Bộ thời xưa, như là “Người giàu ăn chén bịt bạc, xài răng bịt vàng và đeo vàng đỏ tay”, “Làm dâu xưa phải mặc áo dài”… Người giàu Nam Bộ xưa, trong văn hoá ăn sẽ dùng chén bịt bạc, trong thị hiếu thẩm mỹ sẽ bịt răng vàng, trong văn hoá trang phục sẽ mặc áo dài lụa chít eo hoặc “đeo vàng đỏ tay”. Chén bịt bạc trông như thế nào mà lại được các nhà giàu ưa dùng? Đó là loại chén làm bằng sứ Giang Tây trắng tinh, nguồn gốc từ Trung Quốc. Về hình thức, thành chén rất mỏng và nhẹ, chính cái sự mỏng nhẹ này mà khi gõ vào, chén sẽ vang tiếng boong boong nghe rất trong. Quanh chén điểm bằng những hình vẽ cô tiên, trái đào theo các tích của Trung Hoa. Cái chén với màu sắc thanh tao, có độ trong như ngọc, lại được viền thêm một sợi bạc lấp lánh chạy quanh miệng chén. Chiếc chén quý chẳng những từ nguyên liệu sứ, sợi chỉ bạc, mà còn ở cái công của nghệ nhân. Tác giả Thu Trân gọi đây là một công trình “phân kim”. Quá trình để đưa một sợi chỉ bạc vào chiếc chén sứ rất công phu, đòi hỏi trình độ tay nghề và mắt thẩm mỹ của nghệ nhân.
Về cái sự đẹp của người giàu Nam Bộ xưa còn thể hiện qua hàm răng- chính là cái gốc con người mà bao đời đã đúc kết:
Cười lên đi cho răng vàng sáng chói
Hát lên đi cho sáng chói cái răng vàng.
Thời nay cũng có người bịt răng vàng, nhưng ít, chỉ thấy ở những người phá cách hoặc các nhân vật với phong cách dị trong giới văn nghệ sĩ. Người bây giờ ưa cái màu trắng toát của sứ, nên mới đi bịt sứ. Gái nhà giàu Nam Bộ xưa toàn bịt răng vàng cho cười có duyên, cho nên “hạ đỏ có chàng tới hỏi”. Còn những quý ông quý bà trung niên trở lên, “chơi” nguyên cái răng vàng, khi cười đúng là khiến người đối diện chỉ lo nhìn vào khuôn răng, sau đó mới nhìn mặt chủ. Lại liên quan đến vàng, chịu khó quan sát quý bà quý cô Nam Bộ xưa, ai cũng thích “đeo vàng đỏ tay”. Người giàu đi cưới vợ cho con, vàng tính bằng “cây” (lượng) cho cô dâu. Khách đi dự tiệc cưới cũng đeo vàng từ dây chuyền, bông tai, vòng tay, nhẫn… vàng hết cả… ngày vui!
Trang phục, ngoài chức năng bảo vệ con người từ tác nhân tự nhiên. Nhưng nếu con người đã đạt đến mức cao nhất của tháp Maslow, sẽ quyết định ngược lại chức năng của trang phục, đó là sự thể hiện đẳng cấp của người mặc. Áo dài không nằm ngoài sự mặc định này. Xưa, chỉ có người giàu mới có khả năng mua sắm, ăn mặc và giữ gìn một bộ áo dài lụa là. Tôi có câu chuyện áo dài rất hay qua chuyện kể của mẹ về tổ tiên nhà ngoại tôi. Bà cố Ba của tôi mỗi lần đi thu lúa ruộng, tà áo dài của bà trải hết chiều dài chiếc ghe, cố lên xuống ghe đều có người hầu hô to theo kiểu “tiền hô hậu ủng”. Trong gian thờ họ tộc ngoại nhà tôi, vẫn còn những bức ảnh đen trắng, tuy mờ nhưng có thể thấy rõ tà áo ngũ thân tay chẽn quen thuộc của người giàu miền Nam khi ấy. Áo dài với phần tay chẽn chỉ được diện bởi quý bà quý cô con nhà có điều kiện. Còn trong “Miền Nam xưa ngái”, tác giả chỉ ra tà áo dài khi vào tay những cô dâu con nhà hào môn thì lại khác. Áo dài, theo tôi nghĩ, người mặc dành cho hội hè, tiệc tùng, sinh hoạt vui vẻ. Chưa nghe ai mặc áo dài để xay lúa, bồng em, nấu nướng phục vụ cả nhà chồng bao giờ. Nhưng đọc tác giả miêu tả “áo dài làm dâu may rộng thùng thình, không cần phải chít eo”, có lẽ với những phần việc này, nàng dâu nhà giàu làm cũng không khó. Đây cũng là một điểm khám phá của riêng tôi trong chuyện “làm dâu phải mặc áo dài”.
Chuyện cái tivi ở miền Nam ngày xưa mà tôi nghe mẹ kể, nhà nào giàu mới mua được. Chứ không phải như bây giờ, bất luận giàu nghèo, nhà nào cũng có ít nhất một tivi màu, sắc nét. Ông ngoại tôi dù là cán bộ, nhưng vẫn không mua được tivi nên mẹ và dì tôi đi xem tivi ké nhà hàng xóm đến tận lúc vào đại học. Trong “Miền Nam xưa ngái” cũng có đề cập đến chuyện “đi coi tivi ké”. Sự coi tivi ké này, theo như tác giả thể hiện là sự san sẻ giữa người với người, người có sẽ tạo điều kiện cho người không có được coi tivi cùng mình. Tác giả gọi đây là “coi tivi tập thể”, mà bất kỳ vấn đề gì mang tính tập thể, trước hết đều có lợi ích chung. Đây cũng là một điểm sáng trong văn hoá xóm làng Nam Bộ xưa.
Đọc qua một số đề mục liên quan đến lĩnh vực mà tôi đang học, “Miền Nam xưa ngái” cũng đã cho tôi thấy văn hoá Nam Bộ thú vị dường nào. Cứ tưởng không có gì lạ, nhưng lại lạ không tưởng. Tôi thích lối hành văn của tác giả Thu Trân. Không cần câu từ văn vẻ hay thuật ngữ khoa học chuyên môn, chỉ cần lối kể ngắn gọn với cách viết đậm đà ngôn ngữ địa phương, nhẹ nhàng giọng miền Nam… là đã quá đủ để mọi người “thâm nhập” văn hoá, lịch sử, xã hội miền Nam một thời. Quyển sách này phù hợp cho tất cả những ai muốn ngược dòng tìm về miền Nam xa xưa khuất nẻo; đặc biệt là tư liệu cần thiết cho sinh viên và các nhà nghiên cứu thực hiện các đề tài về văn hoá, lịch sử vùng miền xưa…
Trần Ngọc Hân, lớp 20DVH, Trường đại học Văn hoá TP.HCM