TIN TỨC
  • Truyện
  • Cũng nằm trong tơ – Truyện ngắn của Phan Duy

Cũng nằm trong tơ – Truyện ngắn của Phan Duy

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
16 lượt xem

Đời gạo chợ nước sông đi hát bầu gánh không còn đắp đổi qua ngày được nữa. Cải lương đã băng qua thời hoàng kim của mình bằng một cách buồn tẻ. Còn đâu khoảnh khắc tung hoành với câu ca mùi mẫn và những tràng pháo tay tán thưởng giòn giã phía dưới sân khấu. Mỗi đêm kiếm được khấm khá thù lao, rất nhiều người đã đổi đời nhờ vào tiếng hát lời ca, nhờ vào bức màn nhung trên sàn diễn. Vai diễn cho họ danh tiếng, thăng hoa nghệ thuật làm cuộc sống trở nên lung linh hơn. Đến khi gánh hát cải lương không còn thế độc tôn thì những óng ánh dát bạc tên tuổi một thời cũng dần dà phai nhạt. Thưa vắng người xem, sân khấu bỗng đìu hiu lặng lẽ. Cho nên kép hát, đào hát đều chán ngán.

Ai cũng muốn đổi nghề. Không đổi sao được. Đâu thể bám víu mãi với những tuồng tích thấm đẫm nhân sinh mà trong bụng cứ cồn cào cứ xa xót được. Đời mà. Cần nuôi sống bản thân cái đã. Không thực thì làm sao vực được đạo. Mà đạo nào chênh vênh như đạo theo nghiệp hát. Với lại, những giọng ca chắc mẫm và nhịp nhàng thuần thục đều tản ra, về Sài Gòn mà bươn chải vào các phòng trà, đi ca đám tiệc. Số còn lại thì tập trung về các đoàn tỉnh để tạm nương nhờ khi có suất diễn. Mà đoàn tỉnh thì cũng lây lất, năm khi mười họa mới công diễn được một tuồng. Nhưng cũng chỉ là những tuồng tích cũ mà thôi.

Gánh hát Hoa Liên giờ chỉ còn lưa thưa vài chiếc bóng ảo não. Tiếng đờn kìm của ông Sáu hôm nay buồn quá. Mấy chục năm theo nghề có bao giờ nghe ông nhấn nhá những chữ đờn đứt gan đứt ruột như vầy đâu. Cái điêu luyện của ngón đờn tài hoa đã phiêu bạt với gánh này từ khi ông còn thanh niên. Mê đờn quá, ông lén gia đình đi học đờn và rong ruổi với gánh hát từ đó. Giờ thì mái tóc ông đã nhiều sợi trắng rồi. Ngần ấy thời gian ông vui buồn cùng lớp lang, tuồng tích. Ông nắn nót, chỉ dạy tận tình cho đào kép trong gánh những cách thức phô diễn được làn hơi làm sao cho hấp dẫn khán giả. Không gian như yên lặng hẳn đi. Trong tiếng tơ lòng buông nhả ấy, có tiếng réo rắt nỉ non như suối ngàn vọng lại, tiếng ầm ĩ của trùng khơi sóng vỗ, tiếng hẹn hò, luyến lưu, giận hờn, oán trách...Bao nhiêu cung bậc đều trải dài lên từng phím nhấn.

Lê ngồi nghe ông đờn như muốn nuốt trộng từng tiếng buồn phát ra. Ông Sáu say sưa đưa tay lả lướt trên cần đờn, mắt nhíu lại. Ông đờn theo cảm tính hay đờn cho nỗi lòng của mình. Cảm giác ông và đờn dường như hòa làm một. Đến khi dứt song loan, ông mới bùi ngùi đưa mắt lại tay chữ nhấn cuối cùng của bản phụng hoàng. Lê ngước nhìn ông, hỏi lại.

- Chú Sáu, đêm nay nữa là gánh mình chia tay hả chú?

- Chắc thế rồi con ạ. Chứ không thể để anh em khổ thêm nữa. Chú nghe đâu vợ chồng thằng Tư lục đục hoài. Còn ông bầu thì không còn đủ sức giữ gánh. Chưa nói tới con Út Mảnh và thằng Ba Lành, đứa thì dầm mưa phơi nắng với từng lọn rau bó cải, đứa quần quật gió sương từng cuốc xe ôm mà kiếm được có là bao. Chú cũng đau lắm nếu phải bỏ đờn, xa gánh. Cây đờn này nó theo chú ngần ấy trôi dạt. Nhưng cái nghiệp cầm ca vốn lênh đênh mà.

- Vậy là...

Lê cố nén lại những giọt nước đang làm nhòa đi trên đôi mắt mình. Cô chỉ là cô đào trẻ mới vào gánh chừng hơn ba năm chứ mấy. Không lâu nhưng đủ dài cho những tấm lòng đối đãi với nhau. Dòng máu nghệ sĩ nào mà không đa cảm với vui buồn trong lời ca nét diễn từng đêm trên sân khấu. Dù coi như là người mới về với gánh nhưng cô cũng để lại biết bao ký ức trong những đêm diễn thưa thớt khán giả. Cô về khi gánh Hoa Liên dần đi xuống. Mấy lần rồi, bạn bè có ý rủ rê cô bỏ gánh để lên Sài Gòn hát đám tiệc, chạy sô quảng cáo cho công ty này nọ nhưng cô cứ còn bịn rịn nghề chưa quyết. Nghiệp cầm ca mà. Không vướng vít thì thôi chứ đã sống cùng nhau rồi thì ít nhiều gì cũng muốn nắm níu với nó. Chiều qua, Lê được tin nhắn của ông Sáu là về tập dợt lại tuồng. Hát một đêm nữa rồi buông. Anh em coi như gặp gỡ, diễn chung với nhau một lần sau cùng để chia biệt. Thế là cô đến sớm nhất, cô đến khi ông ông Sáu đang loay loay lên dây cây kìm với vài ba tiếng tích tịch buồn so.

- Thằng Hoài không về sao bây?

- Ảnh kẹt nhận hát đám tang trên thị trấn rồi chú.

- Cái thằng, coi vậy mà tệ. Mà trách móc nó sao được. Thời buổi miếng ăn còn lo chưa nổi, thì sao anh em trụ lại được. Thôi thì có nhiêu làm nhiêu vậy.

Được ông bầu ủy quyền phụ trách cho đêm diễn tối nay, mọi việc từng nhỏ đến lớn đều do ông Sáu sắp xếp. Ông báo tin cho những anh chị em đã từng theo gánh, có kẻ thành danh với nhiều sân khấu lớn cũng có người phải chật vuột kiếm cơm bên quán nhỏ tạm bợ lề đường hay phải tất tả mồ hôi với nghề xe ôm đầu chợ. Vậy đó, bỏ lớp áo hoa lộng lẫy bỏ son phấn trên khuôn mặt từng đêm dưới ánh đèn sân khấu rồi thì từ ông hoàng bà chúa tới công nương hay tiểu thư con nhà khuê các cũng chỉ là những mảnh đời vất vả, gieo neo. Xốn xang cho giọng ca trong vắt đêm nào giờ lại cất tiếng rao hàng lanh lảnh ngoài đầu hẻm. Dáng thanh thoát của một nữ tướng oai nghiêm lại hì hục với chiếc xe đẩy chở đầy các loại rau, cải. Người nên danh phận thì hiếm hoi trở về thăm gánh, còn kẻ lận đận thì không dứt được phận tơ tằm. Mà nói vậy chớ làm sao níu chân người ta khi mà gánh hát càng thưa khách. Thời buổi câu ca không còn mua nổi được miếng ăn thì phải cho người ta kiếm đường khác để liệu. Hồi trước Mảnh về chịu tang mẹ không biết thế nào bị người ác ý dèm pha, nên cô tự xin rời gánh. Vừa để ông bầu không khó xử vừa để anh chị em trong gánh yên tâm mà làm nghề. Ở đâu mà chẳng có những nghi kị tính toan. Út Mảnh đẩy xe hàng rau ra ngõ tranh thủ bán buôn buổi sáng để đầu hồi chiều về gánh tập dợt lại tuồng. Cũng mấy năm rồi đâu có thử dây thử nhợ gì, giọng cô đào ăn khách một thời đã quen với những câu rao í ới biết có còn bắt lòng người mộ điệu như trước không. Loe hoe trên sàn diễn chỉ có vài người. Luýnh quýnh trong bộ đồ thơm mùi nắng cháy, mặt lơ lửng chạy vào với nụ cười roi rói như con nít sắp được quà.

- Chú Sáu, con đến hơi trễ. Anh em tập tới đâu rồi chú.

- Cũng vừa tập thôi. Bây cũng không có trễ gì đâu. Tao quý bây ở chỗ này, cứ có việc là xốc vác quày về gánh. Chỉ một nỗi bây giờ bầu gánh không nuôi nổi cuộc sống nên mỗi đứa đành phải một nghề mà bươn chải. Biết bây còn quyến luyến với lời ca câu hát nên chú nhắn về đây.

- Đường Minh Hoàng hả chú?

- Ừ. Chú cho tụi bây được lộng lẫy thêm lần này.

Dàn nhạc đã có thêm người đánh ghita, Út Mảnh đợi đờn rao lại bản quen, những tuồng này đâu còn lạ gì nữa mà phải cần cầm kịch bản. Ca từ như đã ăn vào tim vào máu hết cả. Cô Út hắng lại giọng cho bớt khan mùi rau cải, rồi cất giọng lên ngân nga.

- Quân vương ơi...

Vẫn lảnh lót vẫn ngọt ngào như thuở trước, chỉ có làn da đã đen sạm vì nắng mưa đầu ngõ cuối xóm mà thôi. Cái chất nghệ sĩ bấy lâu ngủ quên trong Út nay lại bất chợt thức dậy. Nghe trong ca từ có đôi chỗ chát chúa nhưng không nghe ai than vãn gì cả bởi dòng đời xuôi ngược thì sạn sẩy đôi chút đó cũng có là bao. Nhịp phách vẫn êm ru và sành điệu. Út cứ còn đó là hào quang sáng chói ở cô đào chánh của gánh hát Hoa Liên. Mỗi bước đi đứng nhanh nhẹn khác thường. Như cá được về sông, như chim được về rừng. Tiếng ca cứ trầm bổng du dương này đã từng lấy lòng biết bao khán giả.

Tư hỏi vợ cho anh về gánh để hát đêm chia tay. Chị Tư có cò kè, mắng mỏ gì đâu. Nhưng mỗi lần đi hát là anh lại say be bét. Tiền thù lao không được bao nhiêu không nói. Còn la cà quán xá làm cho chị thêm mệt mỏi. Nếu khó khăn với anh thì hồi xưa chị đâu ưng kép hát làm gì cho cực. Gánh hát xuống dốc, chị cũng buồn. Chị giận là giận anh lại dựa vào đó để lân la rượu chè hoài nên chị Tư mới không cho anh đi hát nữa. Nghe nói đêm nay là bầu gánh tổ chức hát đêm cuối, chị cũng chẳng kỳ kèo gì anh.

- Mình đi, gặp mặt anh em cho tôi gửi lời thăm hỏi. Gánh giải tán, mọi người sẽ cực khổ nhiều. An ủi, khuyên lơn nhau để họ bớt buồn. Nói vậy chớ, nghề nghiệp mà. Vắng ca vắng diễn cũng xót lắm.

- Tôi biết rồi. Mình lại bao đồng.

- Hàng giao gấp quá, nếu không tôi cũng đến xem. Dù gì cũng nhờ sân khấu gánh đó mà tôi với mình mới gặp nhau. Thôi mình đi, để kịp tập tuồng với anh em.

Tư nghe mấy lời chị nói, lòng cũng chạnh se sắt. Chị Tư ra mở cửa hàng rào. Chiếc xe cũ cứ tè tè về phía gánh Hoa Liên. Anh nghe văng vẳng bên tai câu ca “không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ”. Chỉ là lời ca thôi, sao viết chi mà thắt thẻo quá.

 

Ông bầu gánh lựng khựng bước vào. Cái tướng bảnh khảnh hồi trước đã thay bằng một dáng đi chậm rãi, tư lự. Sân khấu đêm nay trang hoàng khá bắt mắt. Phía bên trên ghi rõ ràng dòng “đêm diễn chia tay” vẽ lên một gian màu buồn tịch. Phía dưới sân khấu người đến xem có phần nhỉnh hơn những lần diễn trước. Không biết người ta đến vì tò mò câu chuyện Hoa Liên rã gánh, hay là vì còn mê mẩn những giọng ca một thời sáng chói. Mê cái xuống vọng cổ ngọt ngào của cô đào Út Mảnh hay nét luyến láy đưa hơi của chàng kép Tư qua những tràng vỗ tay rần rần. Ông bầu cầm chiếc micro lên tâm sự với mọi người bằng những câu chữ tận đáy lòng và xúc động khi thốt ra lời chia tay cùng gánh. Sự chia tay này là điều đáng tiếc nhưng không còn cách nào giải quyết được. Cuối cùng, ông mời tất cả thưởng thức lại vở hát “Đường Minh Hoàng” với cặp đào kép Tư - Mảnh như là để tri ân với mọi người. Là đêm diễn chia tay nên gánh hát đêm nay không bán vé.

Sân khấu vụt tắt, nhường lại khoảng lặng cho cánh màn nhung. Đèn chợt lóe lên, màn đã mở ra. Ở đó, người ta thấy một vị vua lấp lánh trong đồ diễn rực rỡ. Cạnh bên là một nàng Dương Quý Phi kiêu sa, lộng lẫy. Chẳng ai còn nhớ ra nàng ấy hàng ngày phải đẩy xe rau cải tới lui kiếm từng đồng nhặt nhảnh. Họ say sưa với lớp lang nhịp phách, với nét diễn ăn ý hòa quyện cùng những ngón đờn điêu luyện của dàn nhạc nép sau cánh gà. Lại những tràng pháo tay giòn giã sau những câu ca chất chứa cả hồn người diễn xuất. Tiếng ca cứ cất lên và vang vọng ra, lan ấm cả màn đêm thưa thớt sao.

Chẳng còn ai quan tâm điều gì khác, chỉ có tiếng đờn đang quyện vào từng phân cảnh, níu tình nghĩa giữa người nghệ sĩ lại gần nhau hơn. Một nửa thời gian trôi qua, khán giả dần dần vơi đi. Tiếng ca vẫn bay bổng, vẫn còn đầy hỉ, nộ, ái, ố cùng những trạng thái đặc biệt bên chữ đờn xốn xang của ông Sáu và dàn nhạc. Khi nức nở, lúc nghẹn ngào như nỗi lòng của người nhạc sĩ già qua những thăng trầm của nghề xướng ca lang bạt.

Đêm diễn chia tay, mọi người cứ tha hồ tung tấy cứ thỏa sức ca diễn, bởi sau đêm nay biết còn gặp lại như vầy nữa không. Nàng Dương Quý Phi rồi trở về với xe cải, còn Đường Minh Hoàng lại về cùng với vợ con trong cuộc sống thường nhật, viên tướng An Lộc Sơn lại nhọc nhằn từng cuốc xe ôm, chở người thiên hạ về những bến đợi mà không biết bến đợi nào đang chờ mình.

Những phân cảnh cuối cùng cũng đến. Ông bầu nán lại cho đến cuối, gượng cười nhẹ như ủng hộ những thành viên mà mình gắn bó bấy lâu. Tiếng đờn vẫn còn tươi lắm, giòn lắm. Giọng ca vẫn còn day dứt lắm, lảnh lót lắm. Nhưng lớp diễn chót này chẳng còn ai thưởng thức ngoài ông bầu gánh Hoa Liên. Khoảng im ắng để An Lộc Sơn thương tiếc người tình trong lần hội ngộ buồn bã. Lần này hội ngộ này có phải là điều ông Sáu gửi gắm tâm tư của nghề không sao cũng não lòng như những cô đào anh kép về lại đêm nay với gánh. Lộng lẫy đó huy hoàng đó nhưng Dương Quý Phi, người con gái nhan sắc khuynh thành kia lại lặng lẽ nằm đấy mà trả lại cho viên tướng si tình nỗi buồn thiên cổ. Khán giả còn đâu để chứng kiến cảnh tình này. Thôi thì mình diễn cho mình và mình diễn vì mình, diễn cho trọn một vở tuồng chia biệt.

Nước mắt An Lộc Sơn, nước mắt vua Đường, lẫn nước mắt của nàng quý phi họ Dương rỏ nóng lên sàn diễn. Tiếng song loan ngập ngừng. Đêm trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết. Còn tiếng đờn kìm của ông Sáu thì vẫn cứ bịn rịn, réo rắt không điểm dừng.

Màn khép lại. Dưới kia là một sự vắng tanh lạnh lùng. Đêm bỗng dưng trôi nhanh, trôi nhanh qua từng ánh mắt thành viên trong lúc bôi xóa đi lớp son phấn hóa trang. Trả lại hết. Ông hoàng bà chúa. Cung son điện ngọc. Giang sơn cẩm tú. Mọi người ôm siết lấy nhau thủ thỉ những lời từ biệt. Sân khấu trả cho đời bằng những lớp diễn, sau từng lớp diễn này ai sẽ trả lại tâm tình nghệ sĩ với những đam mê rực lửa. Vãn hát, tất cả nức nở khi biết sau đêm này mọi người sẽ quay về cuộc sống thực tế đang đợi phía ngày mai. Không màn nhung, phông nền dựng cảnh. Những nguy nga không còn tráng lệ trên muôn mặt đường đời. Lam lũ, cơ cực vẫn đang đợi chờ họ trong từng vai diễn trên một sân khấu khác. Sàn diễn cuộc đời với biết bao lo toan, gánh nặng trên những phận tằm lỡ một lần mang nợ dâu.

Cơn gió khuya nhẹ thổi vào lòng người với điệu thức ưu tư trầm lắng. Rồi Lê cũng phải để lại tất cả và suy nghĩ về những lời rủ rê kia của bạn bè cô. Lê chỉ là cô a hoàn trong thời hưng thịnh của gánh hát về chiều. Giọt lệ của cô a hoàn như cũng đắng ngắt trong đêm.

Mọi người về hết, chỉ còn lại ngọn gió khuya đơn điệu. Phía trên sân khấu anh em dọn dẹp thế nào mà còn sót lại cái lô gô mặt cười mặt khóc chênh chao trước gió. Mặt nào cười với cuộc đời thì không biết, chỉ biết mặt khóc kia là nét cô liêu còn rơi lại trong đêm diễn sau cùng.

Rất lâu sau đêm diễn ấy, trong một lần, Út Mảnh bán rau cải khắp phố. Vô tình dừng lại trên một con đường, Út thấy ti vi nhà nọ đang mở xem lại tuồng “Đường Minh Hoàng”. Vẫn còn đó những ca từ quen thuộc, vẫn những trang phục lộng lẫy của ông hoàng bà chúa đầy hấp dẫn trong lớp vũ đạo cung đình.

- Ngộ, thời buổi này người ta vẫn còn xem cải lương sao?

Út mỉm cười, đẩy xe đi. Tiếng rao lại vang lên giữa lòng phố.

 

Phan Duy

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm