- Truyện
- Đáy sông lấp lánh - Truyện ngắn của Hoàng Anh Linh
Đáy sông lấp lánh - Truyện ngắn của Hoàng Anh Linh
Tôi cục cựa, mở hé mắt len lén nhìn ông già đang xì xụp húp miếng cháo đựng trong cái gáo dừa màu đen xỉn. Yên ắng. Chỉ có tiếng rì rầm của nước sông đang chảy, tiếng vạc sành xào xạc ăn đêm. Bình tĩnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên chiếc ghe mục nát của ông già. Đầu xây xẩm, cả người như tê liệt, tôi không nhớ vì sao mình lại nằm ở đây. Đêm, trăng tròn sáng, khi tôi đang chơi trốn tìm thì có gì đó đập vào gáy mình. Rồi tối om, không nhớ gì nữa. Tôi khẽ cựa mình, đau nhức âm ỉ kéo dài từ gáy tới toàn thân. Ông già đã húp xong gáo cháo, đang cúi đầu xuống nước vục uống. Một chiếc thuyền chở khóm bành bành chạy qua, chiếc ghe khẽ tròng trành.
Ảnh minh họa
- Dậy rồi hở con? Để tao quạt mát cho mầy…
Tôi nghiêng người sang bên khi thấy ông lòm khòm bò qua, lục lọi trong bóng đêm lấy cái quạt cũ mèm được cắt ra từ mo cau.
- Mát không?
Tôi ngửi thấy mùi mốc mốc bay ra từ chiếc quạt. Khịt mũi, tôi nằm yên. Chiếc ghe lắc lư làm tôi muốn ói.
Ở cái xóm ven sông này không ai không biết ông già. Hơn hai chục năm, kể từ khi người con trai mất, ngày nào ông cũng say ngất ngưởng, cầm chai rượu ngủ vạ vật bên mép hàng rào, bụi tre. Khi đói quá lại vô nhà dân xin cơm. Chỉ ăn cơm chan nước tương nhưng khi có tí tiền lại uống rượu đến say mèm, khật khưỡng lang thang khắp mọi lối mòn trong xóm nhỏ. Những ngày tỉnh táo, ông đi kiếm cá, mò ốc, cào hến dưới sông.
Ông già thích chơi với trẻ con. Mỗi lần thấy bọn tôi chơi đá banh bằng trái bưởi ngoài đồng, ông bệt xuống những gốc rạ lởm chởm, dựa vào chóp đất bờ đê nhìn theo cười khì khì mãi. Chẳng ai biết tên, tuổi ông, chỉ nghe người ta gọi là ông già thôi. Đôi lúc, ông chạy ra nhập vào bầy trẻ, vồ vập giành lấy trái bưởi rồi chơi đùa. Mỗi lần gặp đứa trẻ nào đó chơi một mình, ông lại gần ngoác miệng. Nụ cười méo xệu phô hàm răng cóc cáy dính toàn bựa với hai chiếc răng nanh nhọn hoắt chồi ra là thứ đáng sợ hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Khi thấy nó khóc ré lên mới bỏ đi.
Tôi nghe người ta kể, hồi trẻ ông làm nghề mổ lợn nên người trong xóm gọi là ông đồ tể. Tính khí vô cùng hung dữ và ngang tàng, vẻ ngoài đen đủi, da xù xì như củi khô, sống mũi lệch về một bên, đôi mắt đục đục, vàng vàng chẳng thấy chiếc lông mi nào, mỗi lần có chuyện không vừa ý, ông lại chém con dao bầu bén ngót xuống cái thớt tiện bằng gốc me dùng lâu ngày mốc meo xước sẹo. Bàn tay chỉ có chín ngón, móng tay vàng khè cụt lủn như bị ăn sâu vào trong da thịt tự khi nào vằn những đường gân. Những khi nổi giận, khuôn mặt nhăn nheo cau lại, cặp mày lưa thưa nhíu sát vào đôi mắt long lên hằn những tia đỏ rực như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Cả xóm không một ai dám bắt chuyện. Đối với mọi người, ông là một gã hung thần. Mỗi lần con dao vung lên chặt vào tảng thịt, người ta lại thấy lạnh sống lưng và giật mình chột dạ. Vì thế trong khoảng thời gian đầu, ông đồ tể sống cô độc trong sự sợ sệt của người đời. Nhưng vì thịt luôn tươi, ngon, giá lại phải chăng, và cái chính, ông cân rất thật nên người ta vẫn đến mua.
Ông đồ tể không phải người vùng này, cũng không ai biết ông đến từ đâu. Chỉ biết cách đây rất lâu rồi, sau một đêm mưa to gió lớn, có một chiếc ghe cũ trôi lạc về đây. Trên ghe là ông đồ tể và một thằng bé xanh xao gầy gộc. Ông neo ghe lại bờ sông rồi cõng thằng bé đi vòng quanh xóm, thi thoảng lại thì thầm gì đó với nó. Ông chẳng bao giờ nói chuyện với ai, cũng chẳng bao giờ nhờ vả ai bất cứ thứ gì. Sự im lặng của ông khiến người ta rất đỗi tò mò. Ông ta là ai và vì sao lại tới đây, cái xóm nghèo xa xôi hẻo lánh này? Có lần người ta bất ngờ nhìn thấy trên cái lưng đen nhẫy của ông đồ tể có những vết sẹo dọc ngang chằng chịt. Họ kháo nhau, ông từng là một kẻ giang hồ đâm thuê chém mướn hoặc từng là một tên cướp cùng đường lưu lạc. Những vết sẹo trở thành chủ đề bàn luận trong một thời gian dài.
Thằng bé lại khác. Ông xấu xí và hung tợn bao nhiêu, thằng bé lại đẹp bấy nhiêu. Tuy ốm yếu nhưng da dẻ nó lại trắng như bông, gương mặt thanh tú, một trời một vực chẳng hề liên quan gì đến ông đồ tể. Những khi ông mổ lợn, nó là người duy nhất không sợ con dao bén ngọt vung lên chặt xuống những tảng thịt đẫm máu. Nhưng cứ đêm về thằng bé lại khóc. Nó thổn thức suốt nhiều giờ liền như muốn đòi một điều gì. Mỗi lần nó khóc, ông đồ tể lại dỗ dành nó bằng cách khoác vào người chiếc áo bà ba gụ rồi ru nó nín. Chiếc áo cũ mèm có đôi ba chỗ vá chằng vá đụp cứ nhấp nhô như muốn giãn ra rồi rách toạc từng mảng bên ngoài cơ bắp cuồn cuộn. Mỗi lần ông ru, cái miệng giống như đang nhai trái ổi. Tiếng hát ru ồm ồm cứng ngắc phát ra từ cổ họng méo mó. Đôi tay thô kệch ôm gọn thằng bé vào lòng, cố gắng xoa dịu nó bằng những cái đung đưa mạnh như chặt thịt. Vậy mà lúc đó thằng bé như một chú mèo con rúc vào ngực ông cười. Nó đi vào giấc ngủ bằng nụ cười sung sướng đó. Ông lẳng lặng bế nó vào giường rồi ngồi nhìn mãi ra khoảng không tăm tối. Nó có phải là con của ông không, không ai biết.
Ai đồn gì cứ đồn, ông vẫn sống như một người câm điếc.
Thằng bé không biết nói, nó chỉ u ơ từng tiếng, rồi khóc, cười. Dù ông đồ tể kiên trì thế nào, nó vẫn không thể đánh vần, khuôn miệng chỉ há ra mếu máo. Mỗi lần như thế, cơn tức giận khiến ông trở nên dữ tợn. Ông la hét, đấm thùm thụp vào ngực, mắt long lên bùng ra những tia máu đỏ như quỷ dữ. Ông chửi trời, chửi người, chửi hết những gì ông thấy. Chửi bằng những ngôn từ khủng khiếp, đến khi cổ họng khàn đặc không còn phát ra âm thanh nguyên vẹn, đột nhiên nước mắt ứa tràn, vừa khóc vừa cười sằng sặc. Ông vớ lấy con dao mổ lợn lao ra ngoài dùng hết sức lực chém một nhát thật mạnh vào mạn ghe. Khi chuôi dao còn đang rung lên bần bật, ông nhảy ùm xuống, vùng vẫy náo động cả một khoảng sông.
Một lần như thế, ông bơi rất xa. Thằng bé một mình lẫm chẫm bò ra thành ghe. Nó vừa khóc vừa u ơ gọi ông về. Nó khóc đến khi mệt lả, người nhũn ra như bột, đầu ngửa hẳn ra ngoài thành ghe, nước miếng từ miệng nhểu xuống nước. Giữa đêm, ông đồ tể mới trở về. Ông hốt hoảng ôm lấy nó ngồi bất động. Bóng hai người in trên vách ván cho đến khi mờ hẳn vì ánh sáng mặt trời rọi tới.
Sau đêm ấy, ông chẳng bao giờ dạy thằng bé tập nói nữa. Càng ngày nó càng nhiều biểu hiện của một đứa trẻ không được bình thường. Nó cứ lủi thủi chơi một mình. Đôi khi, ngồi trên ghế rơi uỳnh xuống đất cũng không tự ngồi dậy được. Đôi mắt nó hay mơ màng như đang cảm khái những thứ quanh mình. Hàng ngày nó ngồi bên phản thịt lợn chăm chăm nhìn những đứa trẻ con vô tư cười nói rồi lại quay sang nhìn ông đồ tể tỏ vẻ thèm thuồng. Ông hiểu ý nó nhưng làm gì có đứa trẻ nào dám lại gần. Ông bèn mua cho nó nhiều đồ chơi, vặt cỏ gà dạy nó những trò con nít. Chơi chán ông và nó nằm trên mạn ghe kể cho nó nghe những câu chuyện cổ từ ngày xưa ông biết được. Nó gối đầu vào cánh tay cứng như đá tảng của ông điềm nhiên, mặt tỉnh queo như thấu hiểu hết mọi chuyện trên đời. Ông và nó nhìn thẳng lên trời. Bầu trời lộng lẫy mà hai con người lại vô vàn cô độc. Nhìn mãi, nhìn mãi…
Lâu dần chiếc áo đàn bà rách tả tơi không còn dùng được nữa. Ông đồ tể lại nghĩ ra cách khác để dỗ dành thằng bé. Ông đột nhiên để tóc dài. Mái tóc đen khô cứng lúc nào cũng rối tung rối mù được bới thành một cục tròn sau gáy. Những lần ông ngồi bên bờ sông xõa tóc gội đầu, trông ông hệt một hồn ma, một người rừng vừa lạc xuống đồng bằng. Ông cúi đầu xuống nước sông vằng vặc, chà cục xà bông vào tóc mà vò xát như đang giặt một tấm thảm xác xơ nhàu nhĩ. Thằng bé ngồi bên rất kiên nhẫn. Nó dùng cái lược gỗ để gỡ đám tóc rối cho ông. Chiếc lược như dính chặt vào búi tóc khiến mặt ông đồ tể nhăn lại mỗi khi thằng bé giật giật ở một chỗ rối nào đó. Mỗi lần như thế hết cả nửa ngày. Buổi chiều heo hút, ông lại cõng nó trên lưng đi dọc theo những cánh đồng xa xôi bắt cào cào, đào tổ dế. Đôi tay gầy rạc của nó thỉnh thoảng lại lau mồ hôi cho ông. Những lúc ấy, ông đồ tể mới cười, giống như biết bao người cha bình thường chiều chuộng con mình vô điều kiện. Ngày cứ trôi, bóng dáng ông già lập dị cõng con lang thang trên đồng trở thành một hình ảnh quen thuộc trong mắt mọi người…
Lâu ngày bệnh của thằng bé nặng hơn trước. Nó gầy tới mức chỉ còn như bộ xương khô được bọc bên ngoài bởi lớp da xanh mét. Bán thịt lợn được bao nhiêu tiền ông đều dùng để chữa chạy thuốc men cho nó. Hàng ngày ông lặn lội khắp nơi ven sông ngòi kênh rạch hái cây cỏ thuốc. Có vài người bắt đầu bắt chuyện. Tuy vẫn có khoảng cách nhưng sự mở lòng của họ đã khiến một gã cục súc như ông trở nên mềm lòng. Và cũng kì lạ thay sau này thằng bé không khóc nữa. Nó ngoan hơn và hiểu chuyện hơn nhiều. Nó đã biết gội đầu cho ông. Ông ngồi phủ phục xõa tóc ra ngoài mạn ghe. Tay nó múc từng gáo nhỏ nước sông xối lên mái tóc dài thườn thượt rối tung lởm chởm. Ông cúi đầu xuống cho thằng bé chà xà bông lên tóc. Từng đám bọt trắng xóa rơi xuống và tan dần trên mặt sông thênh thang. Trên chiếc ghe cũ mèm chênh chao rách nát, ông đồ tể ngồi xoay lưng lại cho nó chải tóc. Xung quanh những mảng trời chiều như vừa rơi xuống vỡ ra lấp lánh.
Một đêm hè xa vắng, thằng bé nằm ngủ rồi không bao giờ dậy nữa. Có lẽ, cái cơ thể yếu ớt của nó không chịu nổi sương gió. Trong đêm, ông đồ tể cõng nó chạy vào trong xóm, cầu xin mọi người cứu lấy con trai mình nhưng lúc ấy, thằng bé đã đi rồi. Ông ôm xác con nước mắt rỉ ra như cái cây già rỉ những giọt nhựa cuối cùng. Sau khi đắp cho con nấm mộ tròn ngoài một quãng đồng xa, ông một mình lang thang say bờ ngủ bụi. Khi tỉnh táo lại xuống cái ghe ngày xưa đã cũ nát, nằm ngửa mặt nhìn trời
Sau này người ta không gọi là ông đồ tể nữa. Chuyện đã cũ rồi. Người ta chỉ gọi là ông già thôi. Người ta đã thương chứ chẳng còn sợ ông như trước. Thân thể mạnh khỏe ngày nào cũng như bị hút hết máu thịt đến mức nhăn nhúm gầy còm. Mỗi khi thấy ông già liêu xiêu đi ngang, người ta lại ngoắc vào, xúc cho tô cơm, chén cháo. Và tuyệt nhiên ông chẳng bao giờ đụng đến miếng thịt lợn nào…
Ông già thấy tôi nôn thốc nôn tháo, vỗ vỗ vào lưng:
- Có sao không? Để tía lấy kẹo cho mầy!
Ông già mò mẫm một xó, xòe ngửa bàn tay ra có mấy trái mù u khô đét tự bao giờ. Sóng sông lăn tăn, dẫu có bóng trăng nhưng những rặng dừa nước vẫn âm u tối mù tối mịt. Ông già ốm nhom như bộ xương khô được bọc bởi lớp da nhăn nheo, bụng hóp lại, lõm vào trong vì đói khát lâu ngày. Không hiểu sao đó, tôi nghe câu nói an ủi khi nãy của ông già mà cảm thấy ông tỉnh táo hơn bao giờ hết. Tôi chợt mủi lòng cầm lấy mấy trái mù u sau khi nhìn thấy đôi mắt khẩn khoản ngóng trông của ông…
Đôi mắt ông già chợt long lanh, sáng lên.
- Khuya rồi sao ông không ngủ? Con giận ông đó.
Tôi biết trời đã rất khuya, có lẽ tía má cũng đang đi tìm tôi nên đánh lạc hướng ông già. Ông ngoan như một đứa trẻ, nằm ngay xuống, gối đầu lên cánh tay, cười hạnh phúc và mãn nguyện. Tôi lấy cái quạt, quạt quạt chờ ông ngủ. Nhưng ông già mắt cứ mở thao láo. Tôi sốt ruột gắt gỏng:
- Ngủ mau, con giận ông bây giờ.
Ông vội vã nhắm tịt mắt. Chẳng mấy chốc nghe tiếng ngáy phì phò. Trên bờ tía tôi cũng đang đốt đuốc đi tìm. Nghe tiếng gọi “An ơi”, tôi len lén nhè nhẹ đứng dậy nhảy lên bờ chạy nhanh về phía tía, ra hiệu đừng gọi nữa.
Tía tôi nhìn về phía chiếc ghe hiểu ý. Tôi bám chặt cổ để tía cõng tôi về nhà, sợ ông già lại bắt đi lần nữa. Người tôi mệt lả rồi. Cảm giác nóng rát sau gáy, tôi quay đầu nhìn lại. Ông già đã dậy đứng bên bờ sông tự lúc nào, đứng im lìm như một bức tượng già nua trong bóng tối nhìn theo. Tôi giục tía đi nhanh, không dám quay đầu lại.
Về nhà, tôi mới thấy run cầm cập. Lỡ khi nãy ông ấy chèo ghe chở tôi đi mất thì không biết phải làm sao. Tía tôi nói không có đâu, bây giờ ông lành lắm. Chắc nhớ con mới làm liều. Thằng con của ông ngày ấy cũng gầy đét hao hao giống mầy bây giờ đó. Nghe tía kể tôi mới nhớ ra mọi chuyện. Thì ra khi đang chơi cùng lũ trẻ, tôi trèo lên ngọn cây cao vì phát hiện một con chèo bẻo. Con chèo bẻo màu xám xanh đuôi cờ tuyệt đẹp. Tôi mê mẩn nhìn nó rồi trượt chân té xuống đất không còn biết gì. Lũ trẻ sợ hãi chạy về tìm tía tôi nhưng khi tía ra đến nơi thì không thấy tôi đâu nữa. Tía đốt đuốc đi tìm tôi cả đêm, không biết ông già thấy tôi bất tỉnh đã cõng về ghe. Nghe tía nói tôi không sợ nữa. Sâu giấc chiêm bao trong đêm hè lặng gió, tôi mơ hồ thấy ông già đứng nơi bờ sông như lúc tối, cứ đứng im như thế nhìn mãi theo tôi suốt một quãng dài…
Trời vừa hửng sáng, bỗng nghe tiếng chửi um lên cả xóm đều nghe thấy. Tiếng chửi ầm ĩ phía bờ sông. Tôi chạy thật nhanh ra thấy một đám lông gà. Ông già đang nằm yên, mở mắt nhìn không ư hử. Ông nằm cong như con tôm, y hệt tối hôm qua tôi dụ ông ngủ say.
- Mả cha thằng đồ tể!
Bà Bảy đứng gân cổ chửi. Chửi rất lâu. Chửi long trời lở đất. Thì ra đêm qua nhà bà Bảy bị mất một cặp gà. Người kéo đến ngày một đông, đứng xung quanh tò mò nháo nhác. Dưới đám cỏ ven sông còn vết máu gà trải dài. Tôi đứng ngó trân trân. Đêm qua lúc nhảy lên bờ, tôi không để ý thấy cọng lông gà nào. Không lẽ… Nhưng đột nhiên trong thâm tâm mình, tôi không tin ông già là kẻ trộm. Đêm qua tôi chỉ thấy ông già húp một ít cháo trong chiếc gáo dừa
Sáng hôm ấy cả xóm như náo loạn. Sau trận chửi, bà Bảy cũng thấm mệt rồi bỏ về. Bà bỏ về thôi chứ không làm gì cả. Người trong xóm rất nghèo. Nhà bà Bảy nghèo nhất nên mất đi cặp gà như nước vỡ bờ. Tôi quắc mắt nhìn ông già. Ông già cũng nhìn tôi. Mắt ông u buồn cụp xuống và vẫn nằm im không nhúc nhích. Mọi người nghe chửi chán cũng tản ra vì trách một người không tỉnh táo cũng không được gì. Tôi đứng tần ngần một chút rồi về. Mặt sông nước lặng như tờ, chỉ còn nghe tiếng bìm bịp vang lên chập chờn, khắc khoải…
Vài hôm sau đó, con sông nước cạn sâu đến đáy chẳng mò mẫm được gì. Ông già lại lang thang đi vòng quanh xóm nhỏ nhưng chẳng còn ai cho ông cái gì để ăn nữa. Năm đó mất mùa, nhà ai cũng khó. Tiếng ăn trộm của ông cũng lan xa đến cuối xóm cùng làng. Người ta lại bắt đầu xa lánh, e dè ông. Một vài người thương ông muốn cho ông ăn thì lại rất nghèo. Một vài người độc miệng thì lại kháo nhau chuyện năm xưa rồi xua đuổi ông như hủi.
Một lần đi học về, tôi ngây người bắt gặp ông đang đào bới một hang chuột. Trong ánh chiều vàng sẫm giữa cánh đồng xác xơ rơm, hình ảnh ông già đói khát moi tìm chuột làm cái ăn in sâu vào tâm trí của tôi. Nhưng đào mãi cũng chẳng có con chuột nào. Ông già thất vọng quay về ghe. Tôi lẳng lặng đi theo mà ông không hay biết. Ông vục mặt xuống uống dòng nước sông phù sa đỏ quạch. Cái ngực quắt lại trơ xương của ông nhấp nhô liên hồi. Tôi ngẫm nghĩ rồi ném viên kẹo duy nhất của mình về phía ông. Tôi muốn cho ông. Ông nghe tiếng động, nhìn thấy viên kẹo rồi ngỡ ngàng nhìn tôi. Tôi lùi lại rồi co giò chạy biến. Đột nhiên bên tai tôi nghe hai tiếng: “An ơi !” Ông già vừa kêu tôi chăng? Tôi cũng không rõ nữa. Tôi cứ vậy cắm cúi chạy đi. Bên bờ sông, những đám cỏ vòi vẫn đong đưa theo cơn gió tràn qua nở hoa trắng xóa...
Những ngày sau khoảng sông vắng lặng. Chỉ vài ngày mà mọi người như quên mất sự hiện hữu của ông già. Tía dẫn tôi đem một nắm cơm đến cho ông nhưng chiếc ghe rời đi đâu từ lúc nào không ai biết. Không ai còn thấy ông già say khướt lang thang một mình đi vòng quanh xóm nữa. Có người nói trong đêm thấy ông già chèo ghe đi mất hút. Có người lại nói thấy ông ta đang lang thang ngật ngưỡng đâu đó ở một chỗ khác rất xa xóm này. Cũng có người thấy chiếc ghe trôi tận tới ngã ba sông lớn ở xa tít tắp. Và ông già đang moi bắt những con hến nằm phơi xác bên mép sông nước cạn mùa gió chướng ùa về…
Một ngày người trong xóm bắt được một thằng trộm. Thằng trộm là cái gã Hùng ở xóm trên, vô công rồi nghề định bắt con ngỗng của chú Tư trong xóm. Trong ánh sáng đuốc lá dừa cháy đỏ rực và trận đòn của chú Tư, gã khai ăn trộm gà bà Bảy rồi chia miếng cháo cho ông già. Tôi sực nhớ cái gáo cháo đêm đó. Thì ra gáo cháo mà ông già đã húp là của thằng trộm cho. Ai cũng hiểu lầm ông ấy. Tôi vui như mở cờ trong bụng. Ngay đêm hôm đó, tôi nằng nặc đòi tía đưa tôi ra bờ sông. Tôi muốn báo tin mừng cho ông già nhưng chỉ còn lại bóng trăng phả xuống mặt sông loang loáng. Tự dưng tôi như người mất trí. Tôi quên mất đã một thời gian bờ sông ngan ngát vắng bóng ông rồi.
Mỗi ngày đi học ngang triền sông, tôi đều ngơ ngẩn đợi ông quay lại. Lâu ngày cỏ mọc dày thành những cụm um tùm, vẫn có mấy cái hoa cỏ vòi trắng xóa đang nở. Tôi lại nhớ cái đêm hôm ấy, ông già đứng lặng lẽ nhìn theo tôi đang nằm trên lưng tía, sợ hãi giục tía chạy đi. Phải chăng đêm ấy, ông già cố tình nhận nhầm tôi là đứa con bệnh tật của ông từ ngày xưa cũ. Phải chăng đêm ấy, ông già giả vờ ngủ, chỉ muốn tìm một chút tình thân giữa cuộc đời rách nát cô độc?
Thời gian trôi qua mênh mang, sâu thẳm. Một ngày nọ tôi đi chợ huyện. Tôi bất ngờ khi thấy ông già ngồi vật vưởng ngả nghiêng giữa chợ. Đúng là ông già. Tôi reo lên. Ông đeo một cái bị và đang cạp một củ khoai sùng quá nửa. Tôi vui mừng lấy hết can đảm gọi “Ông ơi! ” Nhưng hình như ông không còn nhận ra tôi nữa. Ông nhìn tôi bằng đôi mắt ráo hoảnh như không quen biết rồi lờ đi tiếp tục nhặt ăn những củ khoai đen đúa người ta đã vứt tự lúc nào. Tôi nghe đắng nghét như chính mình đang ăn củ khoai sùng. Không còn cách nào khác, tôi đứng ngậm ngùi nhìn ông. Nhìn bóng dáng gầy gò thảm thương rách rưới, tôi cảm giác ông già sẽ không còn trở về cái xóm nhỏ của tôi…
Thật vậy. Một tháng sau, cả xóm ồn ào với tin ông mất. Ông nằm bên bụi tre, tả tơi, co quắp trong cái lạnh cơn mưa dội mướt đầu mùa. Những ngày mưa xối trắng trời, tấm thân tuổi già không chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Người trong xóm nhỏ đội mưa đưa ông về nằm cạnh con trai ở ngoài quãng đồng xa. Hai nấm mộ tròn nằm cô quạnh trong chiều hoàng hôn vàng rực rỡ. Tự nhiên tôi nhớ hình ảnh ông già đang cầm chai rượu cười khì hòa vào đám trẻ nô đùa quanh quẩn năm xưa. Và cũng tự nhiên trên cánh đồng xa xôi năm ấy, tôi như thấy hình ảnh ông già đang cõng đứa con trai của mình lang thang xa vắng đi về nơi tận cùng phía mặt trời. Tôi bùi ngùi đứng lặng. Tôi buồn hiu hắt. Tôi thật sự mong rằng ông già không còn khổ nữa và đã gặp lại người con trai năm ấy của mình…
Tôi rạc buồn ngồi lại triền sông, nhặt mấy trái mù u hóa khô rơi rụng rồi nhìn ra quãng chân trời thênh thang cánh đồng xa tắp. Tôi nhớ những chiếc kẹo mù u, nhớ dáng ông nằm co ro cô đơn và nhớ ánh sáng hắt ra trong đôi mắt ông già đêm ấy, sáng trong lấp lánh như ánh mặt trời vàng rực mỗi chiều sáng tận đáy sông…
H.A.L/VNQĐ