TIN TỨC

Để tác phẩm kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao xứng tầm với Thành phố Hồ Chí Minh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-08-24 08:48:31
mail facebook google pos stwis
694 lượt xem

Tham luận tại cuộc tọa đàm của Liên hiệp các Hội văn học nghê thuật TP. Hồ Chí Minh

KTS TRẦN KHÁNH TRUNG
Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM

Thông thường mỗi tác phẩm kiến trúc đều xuất phát từ nhu cầu của 1 cá nhân, 1 tập thể hoặc của cả xã hội. người thiết kế kiến trúc thường sẽ phải đáp ứng các nhu cầu này, các tác phẩm kiến trúc sẽ được xem là các công trình có tính xã hội, tính nhân văn cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ phục vụ nhu cầu cho đa số hay thiểu số người sử dụng. Riêng về khía cạnh nghệ thuật lại là một vấn đề khác, tác phẩm kiến trúc gặp nhiều khó khăn hơn để có được giá trị nghệ thuật cao.

Về mặt sáng tác, mỗi lĩnh vực nghệ thuật thường có các đặc điểm khác nhau. Thí dụ như hội họa, các họa sĩ có thể một mình tự tạo ra tác phẩm và sau đó tùy thuộc vào sự cảm thụ của xã hội để xác định giá trị nghệ thuật tác phẩm của họ. Trong âm nhạc, hay thơ ca, 1 tác phẩm có thể hình thành trong vài ngày, trong 1 đêm hay trong vài giờ sau những cảm xúc bất chợt mà tác giả tiếp nhận từ đâu đó trong cuộc sống. Các tác phẩm hội họa, âm nhạc, thơ ca có thể không tốn kinh phí hoặc chỉ cần 1 nguồn kinh phí rất ít để hình thành và trong quá trình hình thành ít khi chịu sự can thiệp của các đối tượng khác hay dư luận xã hội, và sau đó dù xã hội có chấp nhận hay không, có ủng hộ hay phản ứng thì tác phẩm cũng đã được hình thành rồi.

Riêng với lĩnh vực kiến trúc, một tác phẩm được hình thành thì không đơn giản như vậy. Hầu hết các tác phẩm kiến trúc đều bắt đầu từ một nhu cầu của ai đó, có thể từ một cá nhân là chủ đầu tư, có thể từ một công ty, một tập đoàn kinh doanh hoặc có thể là yêu cầu của chính quyền từ cấp phường xã, quận huyện cho đến đô thị hoặc của quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội. Từ nhu cầu, cộng với ý tưởng của KTS có thể tạo nên một tác phẩm kiến trúc nhưng đó mới chỉ là tác phẩm trên giấy, trên bản vẽ. Để có được tác phẩm trên thực tế lại đòi hỏi một nguồn kinh phí không nhỏ mà thường không phải của tác giả KTS, có nghĩa 1 tác phẩm kiến trúc dù quy mô rất nhỏ luôn được hình thành từ ít nhất 2 đối tượng: KTS sáng tác và người (hay tổ chức) bỏ tiền để thực hiện tác phẩm đó trên thực tế, và người bỏ tiền cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định trong quá trình sáng tác của KTS. Đối với công trình có quy mô lớn hơn, tác phẩm kiến trúc chịu sự chi phối từ rất nhiều thành phần liên quan khác:

- Trước hết chất lượng nghệ thuật của tác phẩm kiến trúc phụ thuộc vào năng lực sáng tác của tác giả thiết kế. Người KTS nếu được đào tạo tốt, có năng khiếu bẩm sinh, chịu tìm tòi học hỏi, chịu đầu tư nghiên cứu cộng có thể sẽ cho ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đó là sự tổng hợp một cách hài hòa kiến thức của rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ mỹ thuật, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế xã hội,… và cả kinh nghiệm thực tế thi công nữa. Và để tích lũy đầy đủ các kiến thức nêu trên KTS cần phải nỗ lực rất nhiều trong 1 khoảng thời gian đủ dài.

- Kế đến, tác phẩm kiến trúc chịu sự chi phối từ các giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công được thực hiện bởi các kỹ sư (kết cấu, điện, nước, điều hòa không khí, công nghệ thông tin,…) là những người thuần túy kỹ thuật không am hiểu nhiều về nghệ thuật, từ đó có thể làm thay đổi hoặc giảm bớt giá trị các ý tưởng độc đáo, thẩm mỹ nhưng khó thực hiện của kiến trúc sư. Chưa kể năng lực thiết kế và thi công của các kỹ sư nếu không tương xứng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ý tưởng của KTS. Nói cách khác phần kỹ thuật giải quyết tính khả thi của công trình kiến trúc nhưng nếu đặt nặng tính khả thi quá cao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của dự án.

Bên cạnh đó có những công trình thể loại khác như công trình giao thông dù đang đóng góp vào tính thẩm mỹ của bộ mặt đô thị nhưng đã không được xem trọng giá trị nghệ thuật của nó giống như công trình kiến trúc, hậu quả làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung đô thị. Tại TPHCM, đó là những cây cầu số 6, số 7 và số 8 bắc qua kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, được xây mới và thông xe năm 2004. 3 cây cầu này đã được giao phó hoàn toàn cho các kỹ sư thiết kế và kết quả đã cho ra những sản phẩm với chất lượng nghệ thuật rất thấp làm ảnh hưởng mỹ quan chung của TP.

Cũng về tính thẩm mỹ của chiếc cầu, năm 2000 khi VN có chiếc cầu dây văng đầu tiên- cầu Mỹ Thuận do Úc tài trợ trọn gói từ thiết kế đến thi công - được khánh thành và được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, dư luận mới bắt đầu nhận ra rằng cầu không chỉ là 1 phương tiện kết nối giao thông đơn thuần mà còn là 1 tác phẩm nghệ thuật cần được quan tâm thay vì chỉ chú ý đến vấn đề kỹ thuật và độ an toàn, từ đó các cây cầu xây mới sau này của VN mới bắt đầu có sự tham gia của các kiến trúc sư.

- Tác phẩm kiến trúc chịu nhiều tác động từ người phê duyệt thiết kế, đó thường là các chủ đầu tư, lãnh đạo công ty, lãnh đạo thành phố hay quốc gia. Đó có thể là kiến trúc sư (rất hiếm) nhưng hầu hết là những người không am hiểu nhiều về kiến trúc và có khi kiến thức nền tảng về thẩm mỹ cũng thấp bởi trình độ thẩm mỹ chung của người VN so với thế giới đang được đánh giá không cao xuất phát từ chương trình giáo dục của VN không đề cao kiến thức thẩm mỹ cho học sinh phổ thông. Trong khi ở các nước phát triển (và cả một số nước đang phát triển như VN) các học sinh của họ được học các môn liên quan đến thẩm mỹ như Âm nhạc, Hội họa, Thơ, Văn,… cho đến hết lớp 12 và cả trên đại học dù sinh viên theo các ngành không liên quan đến nghệ thuật, thì tại VN học sinh phải dừng học các môn này từ năm lớp 10. Với nền tảng thẩm mỹ không cao thì người phê duyệt 1 bản thiết kế kiến trúc sẽ khó chọn được phương án kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao như xã hội mong muốn. Một thí dụ rất cụ thể là Trung tâm hội nghị quốc gia của VN tại Hà Nội được cty thiết kế nổi tiếng của Đức thực hiện. Sau khi công trình hoàn thành và không được dư luận đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Công ty thiết kế kia đã cho biết khi trả lời trên 1 tạp chí: “chúng tôi trình 3 phương án thiết kế nhưng rất tiếc phía Việt Nam đã chọn phương án …xấu nhất!”

- Kinh phí xây dựng là một yếu tố quan trọng khác chi phối hầu hết các tác phẩm kiến trúc hiện nay. Chi phí đầu tư cao sẽ là 1 trở lực rất lớn cho các tác phẩm kiến trúc nhất là đối với một đất nước vẫn còn phải loay hoay chuyện xóa đói giảm nghèo cho một lượng dân số không nhỏ hàng năm. Kinh phí thấp có thể giết chết từ trứng nước một tác phẩm kiến trúc có giá trị nghệ thuật.

Nhìn lại lịch sử thế giới, đa số các công trình kiến trúc nổi tiếng, có giá trị nghệ thuật cao từ xưa đến nay đều có giá trị đầu tư rất lớn, như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Tòa thánh Vatican ở Rome, nhà thờ Đức Bà Paris, đền Taj Mahal ở Ấn độ, đền Angcor của Campuchia,…đều là những công trình tiêu tốn rất nhiều kinh phí mà chỉ có các tầng lớp vua chúa, giáo hội giàu có mới đủ khả năng đầu tư xây dựng. Nếu khi xưa người ta để yếu tố kinh phí chen vào, có thể nhân loại đã không có được những tác phẩm để đời tồn tại đến bây giờ.

Với các công trình thời hiện đại, tòa nhà Opera House tại Sydney là 1 thí dụ khác. Ban đầu công trình có kinh phí dự trù chỉ khoảng 7 triệu USD nhưng sau đó phát sinh tăng dần đến 102 triệu USD (tương đương gần 800 triệu USD hiện nay) khi hoàn thành ở thập niên 70 (tăng gấp hơn 14 lần so với ban đầu). Công trình bị kéo dài gần 13 năm vì thiếu ngân sách, cũng bị dư luận lên án dữ dội nhưng kết quả sau cùng lại hoàn toàn khác: tòa nhà đã trở thành di sản kiến trúc mới của thế giới và là biểu tượng của nước Úc gần 50 năm qua. Bài học rút ra từ tác phẩm kiến trúc này: nếu chính quyền Sydney vì kinh phí mà loại bỏ dự án hoặc cắt giảm thiết kế thì có thể Australia đã không có được một biểu tượng quốc gia xứng tầm như hiện nay, và kinh phí chính là một phần không thể thiếu để tạo nên tác phẩm kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao như vậy.

Ở Việt Nam, sân vận động quốc gia Mỹ Đình khánh thành năm 2003 ban đầu đã có 2 phương án thiết kế vào chung kết.Phương án của 1 công ty Trung Quốc có tổng chi phí thấp nhưng giá trị nghệ thuật không cao, phương án của công ty Đức đẹp hơn nhiều nhưng giá thành lại cao. Hội đồng tuyển chọn đã lấy yếu tố kinh phí làm chính để phê duyệt phương án của cty Trung Quốc, và kết quả là chúng ta có một tác phẩm kiến trúc làng nhàng không tương xứng với tầm quốc gia.

Trở lại chuyện của thành phố chúng ta, mấy năm trước khi hay tin TPHCM duyệt ngân sách 1500 tỷ (#65 triệu USD) xây dựng nhà hát giao hưởng của TP tại Thủ Thiêm, cộng đồng mạng đã phản ứng rất dữ dội với các lập luận: trong khi TP chưa lo được cho dân nghèo, chưa thể xóa hết hộ nghèo, chưa lo được chỗ ở cho công nhân nghèo lại bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho 1 công trình được xem là xa xỉ. Với các phản ứng kiểu như vậy của xã hội, chắc chắn các lãnh đạo TP khi duyệt phương án thiết kế sẽ phải cân nhắc đến kinh phí của dự án rất nhiều, có thể sẽ không đủ can đảm để duyệt các phương án đắt đỏ dù tính thẩm mỹ có cao, và chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của công trình. Theo thời giá hiện nay thì với 1500 tỷ sẽ rất khó để xây dựng một công trình nhà hát có giá trị nghệ thuật cao, thực tế có thể sẽ cần khoảng từ 3,000 đến 5,000 tỷ trở lên.

- Một vấn đề cũng quan trọng không kém chính là ý chí của người quyết định đầu tư cho các tác phẩm kiến trúc. Trên thực tế không phải tác phẩm kiến trúc nào cũng được dư luận đón nhận ngay từ bản thiết kế mà có khi phải đợi công trình được xây dựng xong, phải thêm nhiều năm vận hành nữa mới thực sự được xã hội chấp nhận. Như vậy ý chí của người quyết định đầu tư ban đầu là rất quan trọng, có khi phải chịu đựng được và vượt qua sức ép của dư luận thì mới giúp các tác phẩm kiến trúc tốt, có giá trị nghệ thuật được hình thành. Còn nếu chỉ chọn các giải pháp chung chung, an toàn, không có gì đặc biệt nhưng vừa mắt với mọi người xung quanh thì có thể sẽ khó tạo ra các tác phẩm mang tính đột phá với giá trị nghệ thuật cao.

Tòa tháp Eiffel khánh thành năm 1889 tại Paris – Pháp là 1 thí dụ. Ban đầu dự án bị dư luận của Pháp phản ứng rất dữ dội vì “trông như 1 khối thép đen đủi, khô khan nằm giữa thủ đô”, nhưng chính quyền Paris vẫn quyết tâm cho phép thực hiện. Sau khi hoàn thành và nhận được chút thành công ban đầu, công trình lại trải qua giai đoạn bị chê bai và từng có đề nghị phá bỏ. Nhưng sau cùng xã hội lại tiếp tục đón nhận và công trình đã trở thành biểu tượng của nước Pháp mấy chục năm qua.

Công trình cổng vào cho bảo tàng Louvre tại Paris cũng là trường hợp tương tự, đã nhận phản ứng dữ dội của dư luận ngay từ bản thiết kế được chọn khi hình thức kiến trúc theo phong cách đương đại trái ngược hoàn toàn với phong cách cổ điển của bảo tàng. Tuy nhiên ông thị trưởng TP Paris vẫn vượt qua áp lực dư luận, quyết tâm phê duyệt để rồi khi hoàn thành, xã hội cũng dần dần cảm thụ được và chấp nhận tác phẩm kiến trúc này.

Tổng kết lại, một tác phẩm kiến trúc có giá trị nghệ thuật được hình thành không phải chỉ từ năng lực cá nhân của KTS mà còn chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác: nhu cầu xã hội, kiến thức thẩm mỹ và ý chí của của chủ đầu tư, năng lực của đội ngũ thiết kế, thi công nhiều thành phần. Trong đó vai trò của chủ đầu tư cũng quan trọng không kém KTS (có thể chiếm từ 40-60%) khi là người duyệt thiết kế cũng như định hướng thiết kế cho KTS.

Bên cạnh đó kinh phí và trình độ nhận thức thẩm mỹ của xã hội cũng rất quan trọng. Kinh phí hạn hẹp có thể sẽ làm thay đổi giải pháp thiết kế hoặc cắt giảm hạng mục khiến công trình giảm tính nghệ thuật. Trình độ thẩm mỹ của xã hội chưa đủ tầm sẽ tác động đến ý chí của chủ đầu tư cũng như kiến trúc sư khiến họ có xu hướng chọn giải pháp an toàn thiếu sự độc đáo, hay có tính nghệ thuật cao.

Phần tổng kết này cũng là để trả lời câu hỏi mà dư luận TP đang đặt ra những năm gần đây: vì sao sau gần 50 năm qua, chúng ta không có được tác phẩm kiến trúc nào mang giá trị nghệ thuật cao, xứng tầm với một đô thị lớn nhất nước như mong muốn của cư dân TP. Chúng ta không có một trình độ thẩm mỹ cao của cư dân trong đó có người phê duyệt dự án; chúng ta thiếu nhận thức giá trị của thiết kế; chúng ta còn e ngại dư luận thì kết quả tất yếu là như thế. Trên thực tế  gần 50 năm qua, TP chúng ta vẫn có không ít các công trình kiến trúc đẹp, có giá trị nghệ thuật nhưng để nói là xứng tầm với một siêu đô thị như TPHCM thì chưa thể có mà nguyên nhân chính cần bổ sung đó là vấn đề kinh phí.

Và như vậy để tương lai TP chúng ta sẽ có được các tác phẩm kiến trúc xứng tầm thì việc đầu tiên là phải nâng cao trình độ thẩm mỹ của cư dân toàn thành phố thông qua cải cách chương trình giáo dục hướng đến nâng cao trình độ mỹ học cho học sinh phổ thông cũng như cả thế hệ sinh viên. Kế đến, cần xem trọng giá trị của sáng tác nghệ thuật, giá trị thiết kế, giá trị của kiến trúc sư. Khi thiết kế phí được nâng cao thì người KTS sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu để nâng cao năng lực sáng tác của mình, từ đó mới cho ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao như mong muốn. Và sau cùng hãy phát triển thành phố về mặt kinh tế thật tốt hơn nữa để thành phố có được nguồn quỹ đầu tư xây dựng cơ bản cao, để kinh phí không còn là vấn đề quan trọng đối với các dự án đại diện cho bộ mặt đô thị của thành phố chúng ta.

Ảnh: BN, PH.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hội hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TPHCM: Nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa
Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Điều lệ của Hội được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2020; ghi rõ: “Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TP.HCM là tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”; mục đích hoạt động của Hội là hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện và thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc thiếu thông tin chưa xác định được danh tính; hỗ trợ tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Xem thêm
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam họp mở rộng chuẩn bị cho Đại hội XI
Ngày 18.7, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành cuộc họp mở rộng chuẩn bị cho công việc tổ chức Đại hội lần thứ XI dự kiến diễn ra vào tháng 4.2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Xem thêm
Hồ Huy Sơn ra mắt tập thơ về trẻ em với sự trong trẻo, nhẹ nhàng
Tập thơ “Mùa hè ra biển” (NXB Hà Nội) giống như một khúc hát lí lắc, đáng yêu và ngọt ngào dành cho các bạn nhỏ từ 0+ trở lên.
Xem thêm
Vĩnh biệt nhà thơ Vũ Đức Trọng
Nhà thơ Vũ Đức Trọng, hội viên Hội Nhà văn TPHCM, vừa qua đời lúc 20g20 ngày 05 tháng 7 năm 2024
Xem thêm
Giao lưu văn chương Việt - Hàn
Sáng 5-7, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu văn chương Việt - Hàn năm 2024 với chủ đề “Văn học trẻ đương đại Việt - Hàn và văn học hai nước trong bối cảnh toàn cầu”.
Xem thêm
Thông báo của Hội Nhà văn TP. HCM liên quan đến bà Lương Lan Hương
Ngày 1-7-2024, tại Văn phòng Hội Nhà văn TP HCM, Ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức buổi họp về việc giải quyết khiếu nại của bà Lương Thị Hương Lan,
Xem thêm
Sự kiện Gặp gỡ Văn chương Việt - Hàn sẽ được diễn ra tại TPHCM
Vào sáng thứ Sáu, ngày 5/7/2024, tại Hội trường B, Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM sẽ diễn ra sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn với Chủ đề Văn học trẻ đương đại Việt – Hàn và văn học hai nước trong dòng chảy văn học thế giới (hay toàn cầu hoá văn học).
Xem thêm
Về thu xếp lại - Vitamin tâm hồn
Tôi biết đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từ nhỏ, khi mà tuổi học sinh không bị những nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, YouTube có mặt khắp mọi ngõ ngách, mọi không gian giao tiếp, từ gia đình tới hàng xóm, bè bạn, đi đâu cũng theo những trào lưu chưa được kiểm chứng có ích, có hại như thế nào, đối với tư tưởng, cảm xúc, hành động của con người, nhất là cái tuổi cần thông tin chính xác nhất cho sức khỏe, cũng như là vitamin cho tâm hồn con người. Bác sĩ Nguyễn Hồng Ngọc khi đó, được giao phụ trách hẳn một chuyên mục định kỳ: Phòng Mạch Mực Tím để trả lời về các vấn đế tâm sinh lý, sức khỏe của tuổi mới lớn.
Xem thêm
Chạm vào bóng tối để biết yêu thương vĩnh hằng
Bài tựa, clip hình ảnh và một bài thơ tặng tác giả Hương Thu
Xem thêm
Thư mời dự buổi ra mắt sách Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng
Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng kính mời Quý hội viên và độc giả dự buổi ra mắt sách Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng của lão nhà văn Đoàn Minh Tuấn
Xem thêm
Khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Tối 12.6.2024, tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Lễ khánh thành Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và chương trình nghệ thuật giao lưu Thơ – Nhạc: “Nguyễn Trọng Tạo – Cõi nhớ”.
Xem thêm
Khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam
Sáng ngày 11.6.2024, tại Khu Du lịch Đồi Rồng, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã khai mạc Kỳ họp thứ IX Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự kiến diễn ra trong 2 ngày, nghe báo cáo và thảo luận về kết quả hoạt động Hội trong 6 tháng đầu năm, kiện toàn nhân sự một số cơ quan của Hội, chuẩn bị triển khai những hoạt động thời gian tới để hướng tới Đại hội lần thứ XI Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Viết cho trẻ em phải có cái nhìn trong trẻo
Rất nhiều tác giả đồng tình với nhau rằng, khi viết cho thiếu nhi, cần phải có cái nhìn trong trẻo. Đôi khi thơ thiếu nhi cũng có những nỗi buồn nhưng đó vẫn phải là những nỗi buồn trong trẻo nhất.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ thiếu nhi TP. HCM chào mừng 50 năm Thống nhất đất nước
Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh kết hợp với Sbook tổ chức buổi giao lưu ra mắt tuyển thơ thiếu nhi TPHCM 1975-2025, tác phẩm đón mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Xem thêm
Công bố hội đồng chuyên môn Giải thưởng sách thiếu nhi TP.HCM
Chiều 31-5, Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 5 năm 2024 đã chính thức khai mạc tại Đường sách TP.HCM
Xem thêm