TIN TỨC
  • Truyện
  • Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ nhất)

Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ nhất)

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-10-10 23:10:44
mail facebook google pos stwis
1064 lượt xem

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại ại Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Anh hiện đang công tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cấp bậc thượng tá, chức danh Phó Tổng Biên tập, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2007), Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Nhiệm kỳ (2020 - 2025). Phùng Văn Khai được biết đến là một tác giả thế hệ 7 X viết nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử nhất gồm 6 bộ gồm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Và sắp tới đây anh sẽ ra mắt bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương”. Trong những tiểu thuyết lịch sử của anh, bạn đọc đặc biệt chú ý đến các bộ tiểu thuyết; Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, trong đó bộ tiểu thuyết Ngô Vương nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ 2016 - 2019. Qua trao đổi trước khi bộ Trưng Nữ Vương sắp được xuất bản, anh cho biết, bộ tiểu thuyết lịch sử này sẽ có nhiều nét mới trong lối hành văn nên văn phong cũng khác hẳn. Và tiểu thuyết Trưng Nữ Vương là tiểu thuyết đầu tiên của anh có nhiều tình tiết hư cấu, có nhiều giai thoại lẫn thần thoại xoay quanh các nhân vật chính, nó thể hiện sự khác lạ so với các tiểu thuyết trước đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Hồi thứ nhất của Bộ tiểu thuyết lịch sử này.

Phùng Hiệu giới thiệu

Nhà văn Phùng Văn Khai

 

HỒI THỨ NHẤT

 

Cổ Lôi sơn trang, Lạc tướng Trưng Định đầu xuân khai hội

Tản Viên miếu tổ, huyện lệnh Chu Diên ngày rằm dâng hương

 

Cổ Lôi sơn trang, huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ đầu xuân năm 33 sau Công nguyên.

Vùng đất cổ nằm dưới chân núi tổ Ba Vì phía đông nối thông xuống vùng đồng bằng trù mật, nơi hợp lưu các nhánh Tích giang, Đà giang, Hát giang, Nhĩ Hà; phía tây thông suốt tới dãy Tản Lĩnh núi non trùng điệp, rừng rậm hoang vu; phía bắc liền kề vô số thung lớn, đồi dài, truông rậm có đường thượng đạo xuyên lên ải Bắc; phía nam sang các vùng Câu Lậu, Chu Diên chính là vùng đất trung tâm ngày trước thuộc kinh đô Phong Châu từ thượng cổ. Triều đại Hùng Vương, Cổ Lôi sơn trang nối đời là trang ấp của các Lạc hầu, Lạc tướng mang dòng máu họ Hùng. Đến khi An Dương Vương lập nước Âu Lạc, vì coi trọng ân đức sâu dày của các vua Hùng Vương với chúng dân đã khoanh riêng Cổ Lôi sơn trang mấy chục dặm vuông cho con cháu họ Hùng cúng giỗ tổ tiên. Tới khi Triệu Đà giữ ngôi quân chủ Bách Việt vẫn giữ nguyên nếp ấy. Thời gian biến động, các bậc đế vương phương Bắc thay chủ đổi ngôi. Nhà Tần quật khởi chiếm giữ Trung Nguyên, bình định sáu nước nhất thống thiên hạ, song vùng Bách Việt phương Nam vẫn khá yên ổn. Ngay cả khi mãnh tướng Đồ Thư vâng mệnh vua Tần xuống phương Nam đánh dẹp đã phải thân bại danh liệt bỏ xác ở nơi rừng thiêng nước độc thật hết sức bi ai. Kế đến, Hán tổ Lưu Bang tranh thiên hạ với Hạng Vũ, khi nhất thống ngôi hoàng đế đã căn dặn các trọng thần phải hết sức cẩn thận với vùng đất phương Nam. Trong số các cận thần, xem ra chỉ có Lục Giả hiểu bụng Hán Cao tổ muốn mưu hoạch phương Nam đã đích thân đi sứ đến Nam Việt tranh biện với Triệu Đà mà rằng: “Túc hạ là người Trung Nguyên, bà con thân thích, anh em, mồ mả đều ở Chân Định. Thiên tử nghe nói nhà vua làm vua ở Nam Việt, không giúp thiên tử giết bọn bạo nghịch; các quan văn võ muốn đem binh đến trừng trị nhà vua. Nhưng thiên tử thương trăm họ mới khó nhọc khổ sở, cho nên hãy cho họ nghỉ ngơi, sai tôi trao ấn quân vương, chặt phù, cho sứ thần đi lại. Nhà vua nên ra đón từ xa, quay về hướng Bắc xưng thần mới phải. Thế mà lại muốn lấy nước Việt mới lập, chưa bình định xong, xưng hùng xưng bá ở đây. Nếu thiên tử quả biết điều đó, thì sẽ sai đào mồ đốt mả của cha ông nhà vua, diệt dòng họ, sai một viên tướng cầm mười vạn quân đến Việt. Thế thì nước Việt sẽ giết nhà vua mà đầu hàng Hán như trở bàn tay thôi”.

Chỉ vài lời nói, Triệu Đà đã quy phục phương Bắc, càng về sau càng lệ thuộc cho tới khi mất nước, để nhà Hán dần biến Bách Việt thành các quận, huyện Hán triều, đến nỗi sau này cai trị là bọn tướng quân, Thái thú, Thứ sử xuống trị nhậm mà dần mất đi nền phong hóa vậy.

Mãi về sau, Trung Nguyên nội loạn, Vương Mãng tiếm quyền khiến nhà Hán suy vi, bọn Thái thú Giao Chỉ là Chu Chương thời Hán Chiêu Đế; Ngụy Lãng thời Hán Tuyên Đế; Ích Cư Xương, Đặng Huân thời Hán Nguyên Đế và đặc biệt là Tích Quang, Đặng Nhượng tổng quản Giao Chỉ đã biết tùy theo thời thế mà tự trị. Điều này Hán triều tuy biết, đều phải tự bưng tai bịt mắt lờ đi. Mãi tới thời Đông Hán, khi Hán Quang Vũ Đế tiêu diệt quần hùng, thống nhất Trung Nguyên mới chuyên tâm để mắt tới vùng đất phương Nam. Vũ Đế cho rằng, thay vì phải hao tổn của cải lương tiền mở cương vực về phía Bắc với bọn rợ Hồ thì việc thống thuộc phương Nam, lấy thóc gạo, tài vật, gái đẹp, thợ giỏi ở nơi ấy đem về Trung Nguyên sẽ nhàn tản hơn nhiều. Hán Đế hỏi ra mới biết mấy chục năm liền, bọn Tích Quang, Đặng Nhượng ở Giao Chỉ, Nhâm Diên ở Cửu Chân đã từ lâu tự ý đặt luật lệ riêng không còn theo quy củ Hán triều nữa. Bọn chúng còn đổ cho triều đình ưa xiểm nịnh, buông bỏ hiền tài, đến nỗi giặc cướp các nơi nổi lên như ong khiến chúng không có đường về cống nạp. Đúng là bọn loạn thần tặc tử đã bị man di đồng hóa, tự coi mình là vua chúa trong cõi riêng, thật không ra thể thống gì. Song lúc đó, nhà Đông Hán mới lập còn chưa an định, lại phương Bắc loạn quân quấy phá không yên, Hán Quang Vũ Đế đành phải nín lặng bỏ mặc vùng đất phương Nam, ngầm coi bọn Tích Quang, Đặng Nhượng, Nhâm Diên như những biên thần, mặc chúng cai trị Giao Chỉ, Cửu Chân theo ý chúng.

Về phần Tích Quang, vốn xuất thân ở Hán Trung. Gia tộc họ Tích nối đời làm quan còn theo nghề văn bút. Từ nhỏ đã được học hành cẩn thận, tổ tiên từng theo phò Hán Cao tổ Lưu Bang luôn được trọng dụng. Sau loạn họ Lữ tiếm quyền khiến Hán thất lung lay, các mưu thần trong đó có dòng họ Tích ở Hán Trung đã phải dùng kế xin đi trấn nhậm ở nơi xa để giữ mình. Khi Tích Quang ba mươi hai tuổi đang làm huyện lệnh ở Hán Trung đã xin với Thừa tướng đời Hán Tuyên Đế nói giúp để Thiên tử cho sang Giao Chỉ thay Châu mục Giao Chỉ bộ Đặng Huân mới mất. Được ân chuẩn, Tích Quang lập tức cùng gia nhân thủ hạ lên đường trèo đèo vượt suối xuống Luy Lâu. Luôn hơn ba mươi năm, họ Tích dần dần trở thành một lão hồ ly nơi vùng đất Giao Chỉ. Chúng dân khắp trong ngoài mười huyện Giao Chỉ gồm: Luy Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Uyên, Chu Diên chỉ biết đến Tích Quang Thái thú và Đặng Nhượng Châu mục mà tuyệt không biết đang là triều Tần hay triều Hán ở Trung Nguyên. Thái thú Tích Quang dựa theo phong tục và nhất là giới sĩ lâm thị tộc vốn xuất thân dòng dõi các Lạc hầu, Lạc tướng cũ của phương Nam mà chế định phương lược cai quản khiến sứ Giao Chỉ ngày càng yên ổn sầm uất.

*

Luôn mấy năm liền được mùa, cư dân khắp trong ngoài vùng Cổ Lôi sơn trang nhà nhà thóc gạo đủ đầy, trâu bò gà lợn sinh sôi nảy nở vô số kể. Trang chủ Cổ Lôi sơn trang nhậm chức huyện lệnh Mê Linh cũng chính là Lạc tướng Trưng Định đã được hơn mười năm. Trong khoảng thời gian ấy, các vùng đất do ngài quản hạt dân chúng đều tuân phục, siêng năng, chăm chỉ làm ăn. Vốn biết ngài dòng dõi Hùng Vương, các vị trang chủ, tộc trưởng trong ngoài huyện Mê Linh đều vô cùng kính trọng, ngầm suy tôn ngài như một thần chủ của vùng đất cổ Phong Châu. Ngay đến cả Thái thú Tích Quang cũng bảy, tám phần kiêng nể. Mỗi khi có việc trọng, đích thân Thái thú cử Đặng Nhượng Châu mục đem xe ngựa đón Lạc tướng họ Trưng tới Luy Lâu. Chính bởi nghe theo kế sách của Trưng Định mà Thái thú vẫn y theo nếp cũ, để các huyện trong toàn cõi Giao Chỉ cho các gia thế dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng đương chức huyện lệnh kiêm quản. Bởi vậy, Giao Chỉ mới luôn được yên ổn còn ngày càng sầm uất, phồn thịnh mãi lên.

Trong căn nhà gỗ lớn chín gian hai tầng được dựng uy nghi trên thềm đất dày vững rộng rãi, trang chủ Trưng Định mình bận bộ nhung phục màu chàm, lưng thắt chiếc đai tía to bản có đính bảy viên ngọc xanh, đầu chít khăn vải đỏ thêu cặp voi trắng, chân đi giày da báo cũng là chiến lợi phẩm mấy năm trước của vị huyện lệnh. Khuôn mặt uy nghi cân quắc của ngài hôm nay tươi tắn khác thường. Ngồi đối diện trên chiếc kỷ gỗ trong gian chính, một vị sư phụ bận bộ đồ vải nâu vóc người vạm vỡ, chòm râu muối tiêu lặng phắc đang nghiêm nghị lắng nghe từng lời nói của trang chủ:

- Đỗ sư phụ đã tới trang ấp thật là vạn hạnh cho ta! Ta đang định sau hội vật kỳ này sẽ tới trang Thạch Xá đất Câu Lậu yết kiến sư phụ.

Vị khách họ Đỗ trang nghiêm đáp:

- Trưng huyện lệnh! Ngài bất tất phải khách sáo làm gì. Lão hủ đây trước sau vẫn là câu nói cũ. Ngày lão Thái thú Tích Quang rời khỏi Giao Chỉ chính là ngày hành sự. Bọn người mới đến tuyệt không tin tưởng được đâu. Xin huyện lệnh hãy quả quyết cho.

Trưng Định trầm ngâm giây lát rồi mới thong thả nói:

- Đỗ huynh! Tấm lòng của huynh như trời bể. Việc phục hưng quốc thống đã từ lâu ăn vào tủy xương máu não của mỗi người Giao Chỉ chúng ta. Ta thân là Lạc tướng càng phải đứng mũi chịu sào mưu đồ đại nghiệp. Song ngặt nỗi, dân ta đã từ lâu không cầm cung kiếm. Thái thú Tích Quang dẫu bên ngoài dùng kế mềm mỏng phân phong quyền trị nhậm cho các Lạc hầu, Lạc tướng bản địa; song bên trong hắn vẫn giữ bốn đạo trọng binh: trấn Đông doanh; trấn Tây doanh; trấn Nam doanh; trấn Bắc doanh, mỗi doanh hơn ba nghìn binh lính, lại có hơn một trăm hải thuyền ngoài cửa bể thanh thế tương hỗ, thực lực của chúng hùng hậu lắm. Ta nếu nhất thời vọng động, chỉ là tìm con đường chết. Thân ta nào sá kể gì, song đại cục sau này sẽ ra sao? Bọn người phương Bắc sẽ càng cảnh giác canh chừng, thì việc giành độc lập cho người Giao Chỉ càng khó hơn lên trời vậy. Ta vẫn luôn canh cánh trong lòng mười mấy năm nay chỉ biết chia sẻ với sư huynh mà thôi!

Nói đoạn, vị Lạc tướng họ Trưng lại chìm sâu vào suy nghĩ.

Vị sư phụ họ Đỗ lại nói:

- Trưng huyện lệnh! Vẫn biết bọn người phương Bắc dùng kế giữ quân cũ thay chủ mới, tức là Hán Vũ Đế đã ngờ vực Tích Quang đến đỉnh điểm rồi. Nay nếu không lợi dụng chúng ngày đầu cũ mới lỏng lẻo mà quyết một phen sống mái, e rằng sau này bọn chúng như cây ấm bụi, muốn nhổ đi cũng không dễ dàng đâu. Lại trong mười vị huyện lệnh, đã có tới bốn, năm vị một lòng một dạ hướng về Lạc tướng ngài. Đêm dài lắm mộng. Nếu không quyết một trận sinh tử, sau này hối hận sẽ không kịp nữa.

Đang trầm tư suy nghĩ, bỗng đột nhiên ngài Lạc tướng cất tiếng hỏi:

- Đỗ huynh! Việc thiên hạ hãy khoan không bàn đến làm gì. Thời nhị nữ tiểu điệt bấy lâu nay huynh dày công huấn hỗ, liệu có tiến bộ gì chăng?

Sư phụ họ Đỗ nghe tới đó chợt tươi tỉnh hẳn lên, mau mắn nói:

- Ôi chao! Đỗ huynh đây quả là may mắn được làm thầy làm bạn với nhị vị công nương. Đời này kiếp này, nếu có chỗ nào thỏa chí nhất, chính là những ngày tháng tươi đẹp được dẫn dắt hai vị công nương vậy.

Vừa nói tới đó, bỗng bên ngoài ồn ào huyên náo, cùng một lúc, bóng hai thiếu nữ như cơn gió thoảng ào vào bên trong. Còn chưa kịp sai bảo đám gia nhân, hai thiếu nữ đã áp sát Trưng huyện lệnh nũng nịu:

- Phụ thân! Phụ thân! Cha về lúc nào mà chúng con không biết vậy? Hay là người đã mặc kệ chúng con để Đỗ sư phụ đây tha hồ bắt nạt rồi.

Cha con còn đương ồn ào náo nhiệt, bỗng từ khoảng sân rộng, một vị phu nhân đoan trang cung kính bước tới trước mặt Đỗ sư phụ thi lễ nói:

- Đỗ sư phụ! Ta thay mặt phu quân cảm tạ ngài. Mong ngài đừng chấp các điệt nữ đang độ nghịch ngợm không biết nặng nhẹ. Trưng nhi! Hãy mau lui xuống để phụ thân con tiếp khách. Nếu các con vẫn chứng nào tật nấy, mẫu thân quyết phải dùng tới gia pháp của Man thị. Khi đó, dẫu có phụ thân của con tương trợ, ta e rằng các con cũng không lẩn trốn được nghiêm hình phép tắc đâu.

Nhị vị cô nương sau giây phút huyên náo tưởng chỉ có một mình phụ thân dễ bề nũng nịu, đột nhiên mẫu thân xuất hiện trong dáng vẻ uy nghiêm, biết các bậc bề trên sắp bàn việc trọng bèn mau chóng rời đi. Trước khi cất bước, nhị vị cô nương đồng thanh hướng về Đỗ sư phụ nhất loạt nói:

- Sư phụ! Nhất định người phải làm chủ cho chúng con!

Vị sư phụ họ Đỗ chỉ biết nở nụ cười ý nhị.

Khi đó, đợi các con rời khỏi căn phòng, Lạc tướng Trưng Định mới thong thả nói:

- Đỗ huynh! Nhân có phu nhân ta có đôi điều bộc bạch. Họ Trưng ta tiếng là Lạc tướng, kỳ thực mấy chục năm nay đều là ở trên hố gai miệng vực. Giao Chỉ từ ngày Triệu Đà mắc mưu Lục Giả tới nay đã như bùn hoang vô chủ, sóng gió dập vùi chìm nổi mấy trăm năm. Ta may được Man thị yêu thương kết nghĩa tóc tơ mới tạm giữ được thân phận Lạc tướng của mình. Sư phụ (Đỗ huynh) cũng đã hơn mười năm hết sức hết lòng dạy dỗ bọn tiểu điệt cũng là san sẻ gánh nặng cho ta. Chính bởi vậy ta càng phải hết sức giữ gìn thận trọng với đám người phương Bắc. Nhiều lần tới Luy Lâu yết kiến Tích Quang, ta đều nghe ngóng trước sau thấy người phương Bắc hãy còn cảnh giác phòng bị kỹ lưỡng lắm. Thái thú Tích Quang theo kế của Nhâm Diên ngoài lỏng trong chặt, lợi ích vật chất đều có thể tùy người phương Nam phân phó, phong tục tập quán nhất loạt đều cho dựng mở tự nhiên, bách nghệ giao thương đều không quản. Song nhất loạt binh khí chiến giáp, đồ sắt đồ đồng, các sách binh thư đều quản chặt, chỉ có dinh Thái thú và bốn doanh Đông, Tây, Nam, Bắc mới được phép lưu trữ sử dụng. Mấy lần đích thân ta xin khai thị mỏ đồng ở thượng du để đúc trống dùng vào việc lễ hội cũng đều bị Châu mục Đặng Nhượng kiên quyết gạt đi. Bọn chúng hãy còn phòng bị chặt chẽ như vậy, ta nhất thời chưa nghĩ ra kế sách gì khả thủ.

Thấy phu quân trang nghiêm bàn việc nước, phu nhân Man thị cũng vốn dòng dõi Lạc hầu thế gia vọng tộc lại là người thạo cung kiếm thi thư từ nhỏ trầm tư suy nghĩ giây lâu mới nói:

- Thưa sư phụ, phu quân! Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thiếp là phận đàn bà con gái, lẽ ra nên giữ phận, song từ bấy lâu nay biết được chí phục quốc của phu quân mà mừng thầm trong bụng. Luôn mười mấy năm, vợ chồng Đỗ sư phụ đã coi các tiểu nữ của Trưng thị như con ruột thịt mà truyền dạy hai đường văn võ cho chúng. Đỗ sư phụ không chỉ là danh sư của vùng Sài Sơn - Câu Lậu mà còn là huynh đệ tri giao của phu quân đã mấy chục năm. Đỗ sư phụ từ trước tới nay để bưng tai bịt mắt người phương Bắc, đều phải thay phu quân tới các vùng An Định, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu… nghe ngóng xem xét lòng người trong thiên hạ. Cũng nhờ sự quảng giao của sư phụ mới biết được Hán Quang Vũ Đế sắp thay ngựa giữa dòng, triệu hồi bọn Tích Quang, Đặng Nhượng về Hán triều mà thay bằng tên sát máu Tô Định. Đây cũng là thời cơ để phu quân cùng các Lạc tướng mưu việc lớn. Thiếp dẫu kết cỏ ngậm vành xin một lòng một dạ theo phu quân phục quốc muôn chết không từ.

Đỗ sư phụ cùng huyện lệnh Trưng Định thấy phu nhân nói lời cảm khái tự đáy lòng ai nấy đều xúc động.

Đỗ sư phụ bèn nói:

- Phu nhân quả dòng dõi Tiên Rồng, một lời nói ra đều là vì nước. Chúng ta phận nam nhi còn há không bằng hay sao? Mong huyện lệnh hãy sớm hạ quyết tâm mới được.

Trưng Định muôn phần cảm khái nói:

- Việc lớn trong thiên hạ, thành bại đều là ở chỗ muôn dân. Nay chuẩn bị khai mở hội xuân, tìm chọn người tài cũng là ước nguyện kén rể hiền cho Trưng nhi, vậy hãy mời Đỗ sư phụ cùng phu nhân cùng làm chủ lễ hội cho. Còn như những việc khác để sau dịp hội xuân hãy bàn đến cũng chưa muộn.

Biết ý huyện lệnh Trưng Định vốn là người kín đáo thận trọng làm việc gì cũng tính kỹ trước sau nên vị sư phụ họ Đỗ và phu nhân Man thị bèn bàn sang chuyện khác.

*

Thủy trại vùng đất Chu Diên.

Nhân tiết đầu xuân, vâng lệnh Dương Thái Bình - huyện lệnh Chu Diên, ba mươi bảy làng chài dọc hai bờ sông Nhĩ Hà thông suốt tới Đầm Dạ Trạch nô nức tuyển chọn các tráng đinh lập ra ba mươi bảy đội thuyền chuẩn bị cho cuộc thi tài. Dương Thái Bình vốn dòng dõi Lạc hầu, mấy trăm năm trước được các đời vua Hùng giao cho làm tướng chuyên chế thủy quân kiêm quản các vùng sông biển phía Đông. Đến thời Nam Việt đế Triệu Đà xuống chiếm nước của An Dương Vương, biết vùng đất Chu Diên xưa nay là đất căn bản của Lạc hầu họ Dương, không thể dùng võ lực thống thuộc bèn lập mưu phân cho như cũ để dễ bề kiêm quản. Các đời sau, đến Hán triều vẫn giữ y như cũ. Khi Tích Quang và Đặng Nhượng tới Giao Chỉ cũng chỉ biết đứng từ xa ngắm đất Chu Diên. Nhất là từ khi con trưởng Lạc hầu Dương Thái Bình là Dương Thi Sách đến tuổi trưởng thành đích thân quản nắm đại doanh thủy quân và bảy đội thương thuyền thì danh tiếng Dương gia càng chấn động Giao Chỉ. Dương Thi Sách tiếng tăm lưu truyền khắp nơi là bậc thần đồng điều khiển thủy quân, từng đem bảy đội thương thuyền nhiều lần vượt sóng to gió lớn tới tận Hợp Phố, vào cửa biển Cửu Chân, được đích thân Thái thú Nhâm Diên tiếp đón khen ngợi. Nhâm Diên cũng ngầm gửi thư nhắc nhở Tích Quang, Đặng Nhượng phải cẩn thận với họ Dương bởi trong mười vị huyện lệnh đất Giao Chỉ, nếu có thể làm phản phục quốc nhất định sẽ do Dương thị cầm đầu. Tích Quang, Đặng Nhượng chỉ biết thầm kêu khổ trong lòng mà chưa nghĩ ra kế sách gì chế phục. Đến khi biết huyện lệnh Chu Diên cho con trai cả nắm giữ thủy đội càng lấy làm lo nghĩ mất ăn mất ngủ.

Đầm Dạ Trạch, nơi đặt trại thủy quân và bản doanh của bảy đội thương thuyền do công tử trưởng Dương Thi Sách quản lĩnh lúc nào thuyền bè cũng vào ra tấp nập. Ngay bên gò đất nổi sát bờ đầm ăn ra phía sông Nhĩ Hà, Dương công tử cho sắp đặt luôn bốn xưởng đóng thuyền với hàng trăm thợ giỏi trong các làng nghề khắp mười huyện Giao Chỉ. Dương công tử vô cùng mê thuật đóng thuyền. Hễ ở đâu nghe đồn có hiệp thợ giỏi, nhất định công tử không quản đường sá xa xôi, tốn kém bạc vàng đều nhất định mời về học hỏi, giao lưu bằng được. Cái đức nghề của công tử họ Dương cũng rất khác người. Tuyệt không giấu giếm kỹ xảo lục nghệ mà còn để các hiệp thợ khắp nơi phô bày tài nghệ của mình rồi cho kẻ vẽ biên chép mẫu thuyền rất cẩn thận để mọi người bàn bạc. Đã trăm năm trở lại đây, chỉ có các thuyền lớn từ bốn xưởng đóng thuyền họ Dương mới đủ sức vượt biển xuống Cửu Chân, tới Hợp Phố an toàn, còn thuyền những nơi khác đóng đều mỗi lúc vượt biển đều hoặc đắm vỡ hoặc trôi dạt mất phương hướng. Nghe đồn có một lần, khi đoàn thương thuyền của Dương công tử tới Cửu Chân, đích thân Thái thú Nhâm Diên đem tới năm trăm lượng bạc trắng để đổi lấy một chiếc thuyền đã bất ngờ được họ Dương tặng luôn năm chiếc không hề lấy một cắc bạc. Thái thú Nhâm Diên thở dài thầm nghĩ trong bụng họ Dương quả có khí chất đế vương mà từ đó càng thêm lo ngại cho sự thống thuộc của người phương Bắc sớm muộn gì cũng bị các anh hùng hào kiệt phương Nam nổi dậy đòi lại nền quốc thống. Họ Dương ở Chu Diên đã hàng trăm năm giống như một nước ở trong một nước vậy.

Ba mươi bảy đội thuyền đua của các làng chài năm nay theo lệnh Dương công tử đều cho kén thêm mỗi đội hai mươi tú nữ tới Đầm Dạ Trạch vừa dự hội vừa cổ động cho cuộc đua thuyền thêm náo nhiệt. Các bậc kỳ lão biết ý công tử dùng các tú nữ để khích lệ bọn tráng đinh dốc sức đua tài vừa nhân thể kén chọn kết duyên chồng vợ cho bọn tùy tướng dưới quyền chứ bản thân Dương công tử nghe đâu đã phải lòng con gái Lạc tướng đất Mê Linh từ đầu xuân năm trước. Câu chuyện cứ như trăng loang bóng nước đồn thổi lung linh nhưng tuyệt chưa thấy Dương công tử bẩm báo gì với Dương huyện lệnh chứ tính chỗ thân tình thì giữa Dương Thái Bình và Trưng Định không chỉ là nhị vị huyện lệnh dưới quyền Thái thú Tích Quang mà còn là chỗ kết giao huynh đệ vốn cùng dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng. Biết cá tính Dương công tử cái gì cũng muốn đích thân tự làm mà không ỷ vào gia thế, hơn nữa, các đường cung kiếm, văn võ, xử thế, bang giao, Dương công đều tin ở đứa con tuy trẻ tuổi nhưng sớm biết nặng nhẹ mọi việc nên cứ để tùy duyên. Ngay cả việc sắp đặt để ngài dùng thuyền nhẹ theo đường sông tới dâng hương trên miếu thờ Tản Viên Sơn Thánh nơi núi tổ Ba Vì cũng đều giao cho Thi Sách. Năm nào cũng vậy, đúng ngày rằm tháng Giêng, Lạc hầu Dương Thái Bình đều đích thân dâng hương hoa oản quả tế vị thần chủ núi Tản Viên. Việc này được biên chép trong cổ phả Dương tộc truyền mãi tới muôn sau vẫn giữ nguyên nếp ấy.

Sau khi cắt đặt mọi việc xong xuôi, giao cho hội đồng kỳ lão đất Chu Diên mười bảy vị chủ trì hội đua thuyền trên Đầm Dạ Trạch, khi đã ở trên chiếc thuyền nhẹ, Dương Thái Bình mới thong thả bảo Thi Sách:

- Sách nhi! Luôn mấy năm nay con vì ta, vì bách tính Chu Diên mà phải bôn ba khắp Cửu Chân, Hợp Phố cáng đáng mọi việc thật vất vả. Con năm nay đã hai mươi hai tuổi, cái tuổi phải có thê tử hầu hạ mới thuận đạo âm dương. Không biết con ta đã chấm nơi nào để ta sớm định liệu, cũng là mau chóng có người nối dõi Dương thị. Mọi việc Sách nhi cứ nói thẳng với ta.

Lời Dương công vừa dứt, chàng trai khôi ngô tuấn tú mặc bộ trường bào màu xanh, lưng thắt đai trắng, đầu để trần, mái tóc soăn tít như sóng cuộn vội quỳ xuống ngay trên mạn thuyền đĩnh đạc đáp:

- Bẩm phụ thân! Mẹ con mất cũng đã được bốn năm. Theo đạo lý cũng là gia pháp của Dương thị, phụ thân hãy kén chọn người hầu hạ cũng là để chúng con bớt lo lắng. Việc riêng của Sách nhi chưa cần phải vội vàng. Con nghe đồn phủ thành Thái thú ở Luy Lâu sắp thay ngôi đổi chủ, e rằng sóng gió sẽ nổi lên với Dương gia ta nên chưa dám tính việc riêng. Xin phụ thân định liệu!

Dương Thái Bình thấy con trai lúc nào cũng biết suy nghĩ sau trước vẹn toàn trong lòng xúc động lắm bèn nói:

- Sách nhi! Ta đã nhiều lần nói với các con tuyệt không bao giờ tính đến việc thê thiếp gì đó nữa. Mẹ con giữa đường đứt gánh cũng là ông trời thử thách lòng ta. Nay các còn đều đã trưởng thành, ta còn mong gì hơn thế nữa. Mẹ con đã ra đi được hơn bốn năm rồi. Nay Sách nhi không mau chóng cưới dâu hiền về cho Dương thị, hẳn mẹ con ở dưới suối vàng trách con một mà trách cha mười đấy.

Chàng trai tuấn tú vẫn quỳ khẳng khái nói:

- Con xin nghe theo chỉ dạy của phụ thân!

Dương Lệnh Công đỡ con đứng dậy rồi chỉ về phía chân trời xa đang lờ mờ hiện lên bóng núi tổ Ba Vì thong thả nói:

- Sách nhi! Kia là núi tổ Ba Vì. Đó cũng là nơi thờ vị thần chủ của đất Giao Chỉ ta. Tản Viên Sơn Thánh không chỉ là vị thần chủ của một nước mà còn là vị đức thánh trong lòng muôn dân người phương Nam từ thuở các vua Hùng. Tổ tiên ta đều là các Lạc hầu, Lạc tướng nối nhau giúp Hùng Vương trị quốc, an dân. Ta từ trước đã biết Sách nhi để ý tới con gái của Lạc tướng đất Mê Linh. Nay con đưa ta tới Tản Viên miếu tổ dâng hương sau nhân tiện sẽ ghé thăm ngài Lạc tướng chẳng phải là thuận cả đôi đường hay sao? Biết đâu cũng chính là duyên trời run rủi.

Chàng trai trẻ chợt như ngượng ngập chỉ biết khẽ cúi đầu nhìn dòng sông sóng nước mênh mang.

*

Cổ Lôi sơn trang, buổi sáng.

Tiếng trống hội ầm ầm như trống trận nổi lên từ lúc còn tinh sương chưa rõ mặt người. Hội xuân năm nay, huyện lệnh Mê Linh cho tổ chức liền một lúc hội cờ, hội vật, thi kéo co, thi đánh đu và nhất là dựng riêng một kỳ đài trên khoảnh bãi đất rộng sát đầm nước lớn hướng ra sông Nhĩ Hà để tổ chức hội trọi trâu. Các môn đánh vật, kéo co, đánh đu, cờ tướng năm nào cũng có, nhưng riêng hội trọi trâu phải ba năm mới tổ chức một lần nên dân chúng trong vùng kéo đến xem đông đúc lắm. Mê Linh vốn thuộc đất cũ Phong Châu nên các nghề săn bắn, thuần dưỡng thú rừng đã có từ thượng cổ. Tương truyền, ngay từ đời Hùng Vương thứ nhất, đích thân vua cùng hai mươi vị Lạc hầu, Lạc tướng với quân binh trong một cuộc săn lớn bắt về ngót một trăm trâu rừng, dồn chúng xuống vùng đầm lầy thuần hóa sinh sôi phục vụ cày cấy. Cũng có khi nhớ rừng thẳm, bọn trâu cày nửa đêm bứt sẹo bỏ trốn vào rừng sâu, song chỉ vài ba tháng thiếu muối không chịu được lại phải quay về chịu đóng ách cày bừa như cũ. Bởi thế mới có tục mùa đông các hội nuôi trâu hòa nước muối vảy vào rơm cỏ để giữ chân bọn chúng. Trong nông trang mùa vụ, lũ trâu cày vốn dĩ hiền lành, song mỗi khi nghe tiếng trống hội thúc ầm ầm, các gã trâu đực đôi mắt đỏ ké đột nhiên trở nên hung dữ, liên tục cào móng xuống cày đất đá rào rào. Hội trọi trâu Cổ Lôi sơn trang ba năm một lần là nơi quy tụ hàng trăm ông trâu trên khắp các vùng đất Mê Linh. Sau ba ngày tranh tài cao thấp vòng ngoài, còn lại mười sáu ông trâu vào chung cuộc chia làm tám cặp đợi ngày chính hội sẽ huyết chiến chọn ra ông trâu vô địch để huyện lệnh làm vật tế thần. Đây cũng là vinh dự và danh tiếng của chủ trâu sẽ được biên chép vào đình phả Cổ Lôi sơn trang. Trong bảy mùa hội trọi gần đây, có tới hai lần phải đặt đồng giải nhất vì hai ông trâu chung cuộc tử chiến không rời, cuối cùng đều chết thảm dưới cặp sừng đối thủ, chết rồi mà bốn cặp chân vẫn cắm thẳng xuống đất như bốn cột đình khiến đám trai tráng phải mất nửa khắc mới gỡ được xác hai ông rời nhau. Những năm đó ắt mùa vụ bội thu, các phường săn vùng thượng du Mê Linh đều bắt về vô số hươu, nai, hổ, báo, trâu rừng, và nhất là dăm chục thớt voi non để huyện lệnh chọn ra một cặp cung tiến xuống Luy Lâu.

Ngay trước căn nhà gỗ lớn hai tầng chín gian, hai giàn cây đu xúm xít vòng trong vòng ngoài người chen chân chờ tới lượt. Lệ tục đánh đu bao giờ cũng là một cặp nam thanh nữ tú dường như từ trước đã để ý tới nhau. Có thêm chén rượu đầu xuân, các chàng trai đóng khố cởi trần trên trán chít một dải khăn buộc chặt mỗi khi đánh thốc lên cao bay phấp phới như lá cờ lấp lóa trong nắng sớm rất bắt mắt. Thiếu nữ trước khi bước lên chiếc thang đu làm bằng hai cây tre bánh tẻ dẻo dai còn như e thẹn, song được vài nhịp lên cao độ quá con sào bắt đầu nhún theo nhịp đu vô cùng hăng hái như kích thích người bạn đồng hành. Đã có những chuyện cười ra nước mắt trong các cuộc đu đôi. Do không hợp ý người đẹp mà chàng trai nọ cứng tuổi rồi cứ leo bừa lên đòi đánh đôi, nàng tú nữ tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu mới lập kế đưa chàng lên cao tít khiến chàng ta sợ dúm người cứ thế ôm chặt hai thân tre mặc người đẹp đẩy lên cao gió rít vù vù. Đến mức sợ quá phải thét lên đòi xuống đã tè dầm khi xuống lảo đảo lăn quay ra đất mãi mới gượng dậy lủi mất vào đám đông. Tài nhất phải là các chàng cặp đôi được với người như ý cứ thế đu tít lên tận đỉnh trời bất chấp nguy hiểm. Hễ đôi nào quay hẳn được một vòng tròn đều được các vị kỳ lão chấm ngay vào giải để đích thân huyện lệnh trao thưởng. Thường thì mỗi kỳ hội xuân, chưa có cuộc nào được quá ba đôi nhận thưởng. Những đôi ấy sau này đầu bạc răng long vẫn được chủ hội mời tới khai đu.

Hội đánh cờ hàng năm thường chỉ thu hút được cánh trung niên và nhất là những bậc lão trượng tóc râu đều đã bạc là chăm tới dự. Kỳ lạ thay, hội cờ năm nay bỗng xôn xao khác thường. Bốn bàn cờ quân ngà tăm tắp được bày ngay trong sảnh trước tầng hai căn nhà gỗ lớn. Mọi người càng kinh ngạc khi liên tiếp bốn vị cao thủ từng chiếm các giải nhất nhì năm trước bỗng đâu nhất loạt thất thủ trước một thiếu nữ áo xanh chỉ độ mười sáu mười bảy tuổi. Mọi người ghé tai nhau thì thầm không thể tưởng tượng nổi nhị công nương vừa về từ Thạch Xá - Câu Lậu mấy ngày trước tưởng chỉ biết ngắm hoa thưởng nguyệt ai dè sớm đăng ký hội cờ đánh luôn bảy tám trận đều thắng rất nhẹ nhàng thanh thoát. Chuyện đến tai vị lão trượng vốn là bậc kỳ vương trong vùng được Trưng huyện lệnh giao cho chủ trì kỳ hội đã phải lập tức dẫn mấy vị cao đồ tới ứng chiến. Vị thứ nhất mới đi tới nước thứ mười bảy đã phải thất kinh nhận thua. Cao đồ thứ hai nhìn thoáng qua một lượt lần chần chưa dám xuất chiến.

Lão kỳ vương nhìn vị cô nương thong thả hỏi:

- Lão hủ hỏi khí không phải, tiểu điệt có phải là môn hạ của Đỗ Năng Tế lão đệ ta không? Như vậy cô nương đích thị là nhị nữ của Trưng huyện lệnh rồi! Vậy hãy sớm buông trò chơi của người cao tuổi mà tìm môn thanh nhã khác có được chăng?

Thiếu nữ khẽ mở miệng hoa ung dung đáp:

- Từ lão trượng! Có lẽ nào môn cờ lại đặt riêng lệ ngăn cấm các bậc thiếu niên, nữ tú? Còn như tiểu nữ xuất xứ thế nào có hại gì tới việc phân tài cao thấp? Cũng đâu nhất thiết phải xưng danh sư phụ làm gì? Nếu cao đồ của lão trượng tự xét thấy lực cờ chưa đủ, tiểu nữ đây mạo muội xin chấp một quân xe.

Không còn nhịn nhục được nữa cũng là để giữ thể diện cho lão sư phụ, luôn bốn vị cao đồ lập tức trước sau xuất chiến không dám để thiếu nữ chấp quân chấp nước đã thua liền một mạch khiến hội cờ ngày càng trở nên náo nhiệt khác thường.

Cũng giống như khu vực các kỳ thủ tranh tài, năm nay dường như khách khứa trong vùng tới Cổ Lôi sơn trang đông hơn thường lệ. Điều này đã được huyện lệnh Mê Linh dự kiến từ trước nên đã cho dựng liền bảy dãy lán trại liên hoàn vừa để tiếp khách tứ xứ cũng là thể hiện sự phồn thịnh của Cổ Lôi sơn trang.

Trên bến dưới thuyền, khắp trong ngoài các con đường dẫn tới sơn trang, từ nửa tháng trước tết Nguyên đán tới ngày hội đầu xuân, chủ nhân cùng các vị bô lão trong vùng với danh nghĩa đứng ngôi chủ tiếp khách thập phương đã vừa trọng thị vừa chu đáo, trước sau như một biểu thị lòng hiếu khách cũng là phong tục truyền đời của sơn trang.

*

Miếu tổ núi Ba Vì nơi thờ Tản Viên Sơn thánh.

Tiết đầu xuân, trời se lạnh. Từng vạt sương sớm vẫn còn chưa khô tạnh trên những tàn lá cây dọc con đường đất ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi. Nguyên ngôi miếu cổ có tới ba con đường nhỏ dẫn tới khoảng sân lát đá cũng là nơi các đoàn cúng tế dừng chân để sửa sang hương hoa oản quả. Ngay chính giữa khoảng sân nhỏ có một chiếc ang đá trũng thấp quanh năm đầy ứ nước trong vắt tinh sạch khác thường. Dẫu là mùa hạ nắng như nung không một giọt mưa hoặc mùa đông khô kiệt rét buốt ang đều đầy ăm ắp thứ nước trong mát mà bọn sơn tràng đôi lúc cả gan múc uống đều thấy nhẹ nhõm trong người. Con đường dẫn từ vụng Tích giang ăn lên miếu tổ ít khi được dùng tới nên cây cối rùm ròa khiến đoàn người dâng lễ của Dương huyện lệnh phải vừa đi vừa phát quang cành lá chắn đường. Thi thoảng trên không trung, tiếng chim chóc bay nhảy vừa như đánh động đồng loại một ngày mới bắt đầu vừa như khẳng định khoảnh đất bụi cây mỗi chúng loài làm chủ. Không gian khắp con đường nhỏ dẫn lên sân miếu cổ buổi đầu xuân từ lúc có đoàn người vận động chừng như đã linh hoạt hẳn lên.

Tới khoảng sân bên ngoài ngôi miếu cổ, trong lúc đợi bọn gia tướng sắp đặt lễ lạt, Dương huyện lệnh vẫy Thi Sách tới sát bên mình, trỏ xuống con đường đoàn người vừa từ triền sông ngược lên thong thả nói:

- Sách nhi! Vụng Tích giang chính là nơi các vua Hùng mỗi khi từ Phong Châu xuôi dòng tới dâng hương Tản Viên Sơn thánh hội thuyền ở đó. Ngày trước, ngay dưới thềm sông còn có trạm dịch do các làng ven núi cắt đặt để trông coi thuyền ngự đức vua. Sau này, bọn người phương Bắc sợ dân ta hướng về quốc thống mới xóa bỏ dịch trạm đến nỗi mỗi dịp đầu xuân người quanh vùng lên núi tổ dâng hương đều phải vạch cây tìm đường vất vả. Nhân dịp này, ta phải bàn với ngài huyện lệnh Mê Linh khôi phục lại nề nếp cũ mới được.

Công tử Thi Sách nhìn khắp một lượt ngôi miếu cổ, đều thấy ba bề vắng ngắt, hương khói lạnh lùng. Ngay đến bát hương lớn bằng đá gian chính miếu cũng đã vẹt đi một góc từ lâu cũng không ai nhòm ngó tới. Vạt cây rừng phía sau như chỉ trực đổ ập xuống ngôi miếu tổ bốn bề hoang lạnh.

Dương công tử cảm khái nói:

- Phụ thân! Có lẽ nào nơi thờ thần chủ miếu tổ Tản Viên phải mãi hoang sơ vắng vẻ thế này? Ngay như thần dân đất Giao Chỉ ta mỗi khi tới miếu tổ dâng hương đều phải vạch cây tìm lối lén lút như phường thảo khấu? Đến như phụ thân dòng dõi Lạc hầu đương chức huyện lệnh tới dâng hương thái miếu cũng chỉ tự biết trong lòng, con thực vô cùng áy náy. Vị thần chủ miếu tổ của một nước người Giao Chỉ chúng ta nếu mãi để khuất lấp như vậy quả thực là có lỗi với tổ tông.

Nói tới đó, Dương công tử không muốn làm cha phải ngẫm ngợi nhiều thêm, bọn gia tướng cũng đã chuẩn bị xong xuôi hương hoa oản quả, quét tước sạch sẽ trong ngoài án thờ cổ miếu. Dương công tử tự tay châm một bó hương lớn cắm đều vào các ban thờ bên trong cũng là lúc vị huyện lệnh Chu Diên sửa sang áo mũ đĩnh đạc quỳ xuống trước hương án vái liền chín vái.

*

Bãi chọi trâu khu đất rộng tiếp giáp thềm sông Nhĩ Hà vùng Cổ Lôi sơn trang.

Tiết trời đầu xuân cao thoáng. Buổi sớm còn lờ mờ mưa bụi vậy mà chỉ hơn một khắc sau đất trời đã tạnh ráo sáng sủa như góp thêm vào hương sắc cuộc du xuân của chúng dân đất Mê Linh.

Mười sáu ông trâu sau ba vòng tranh tài nảy lửa chỉ còn hai ông một ông đen trùi trũi lông lá chờm kín cả chiếc cổ cỡ người ôm thắng liền ba trận nhưng vẫn còn rất sung sức. Mỗi khi đối thủ không chịu thấu đòn hiểm phải bỏ chạy, ông trâu này không thèm đuổi theo mà chỉ đứng im quắc cặp mắt đỏ khé đầy sắc máu, đôi chân trước to đen bóng như chiếc cột đình cứ thế cào xuống đất sỏi bay rào rào thành vũng như thị uy sức mạnh khủng khiếp của mình. Địch thủ của ông cũng không phải loại xoàng. Trong ba trận thắng liên tiếp tiến tới trận cuối cùng, ông trâu vùng đất bãi liền kề đầm nước lớn Cổ Lôi sơn trang có đến hai cuộc dùng đòn cáng hiểm móc yết hầu địch thủ cứ thế xách ngược đi một vòng quanh sân bãi tới khi ông hất cặp sừng khổng lồ buông xuống đều chỉ còn là cái xác không chút động cựa. Ông trâu này lông thưa chân ngắn, tấm lưng phẳng như cánh phản không đen bóng mà phớt hồng như màu phù sa dưới đáy sông. Mặt mũi nom rất hiền từ nhưng cặp sừng cánh lá khổng lồ dài cả sải tay ánh sắc phù sa mỗi khi tia nắng xuân chiếu nhóa lên như có thần quang rực rỡ. Đồn rằng, trong mỗi mùa vụ, một mình ông đảm đương việc cày bừa cả một vùng đất bãi rộng hơn hai chục mẫu. Mỗi khi ông xuống dòngNhĩ Hà đằm mình đều lặn một hơi thẳng tới bãi giữa mới trồi lên rồi cứ thế thỏa thê vùng vẫy như giao long giỡn sóng. Dân làng đều gọi là ông trâu thần và việc ông đánh tới trận cuối cùng đã như một lẽ tất nhiên.

Tiếng trống hội bốn phía thúc ầm ầm. Bỗng từ phía bãi sông, mấy chiếc thuyền từ hướng thượng du núi Ba Vì nối nhau thúc mũi vào bờ cát rồi cứ thế đoàn khách hơn chục người nhằm thẳng hướng kỳ đài bước tới. Từ trên cao quan sát, khi nhận thấy chỏm mũ tết lông chim trĩ lóng lánh sắc màu nhấp nhô từ xa, vị chủ hội cũng chính là huyện lệnh Mê Linh họ Trưng lập tức rời kỳ đài cùng các bô lão bước nhanh tới đón các vị khách.

Còn cách độ sáu bảy bước chân, huyện lệnh Trưng Định dừng lại nghiêm trang vòng tay thi lễ nói:

- Xin kính chào Dương huynh! Hôm qua đệ bấm luôn mấy quẻ đều báo có khách quý tới sơn trang, nhưng không thể nào ngờ lại là Dương huynh ghé thăm tệ xá.

Đoàn khách cũng đã dừng hẳn lại, ai nấy vòng chắp tay thi lễ. Vị huyện lệnh đầu đội mũ lông chim trĩ hai tay sửa sang trường bào cẩn thận rồi thi lễ đáp:

- Tại hạ xin kính chào Lạc tướng cùng các vị bô lão Cổ Lôi sơn trang! Vẫn nghe truyền Cổ Lôi khai hội tiếng nức bốn phương quả danh bất hư truyền. Cổ Lôi đúng là sấm rền vang trong trống cổ, hồn cốt rồng tiên châu tuần truyền phúc lành cho dân chúng. Trưng huyện lệnh quả đúng là vị thần chủ của vùng đất cổ Phong Châu.

Thấy vị huyện lệnh mới đến không chỉ phong thái hơn người mà câu nào nói ra cũng đều sâu sắc khí phách, nhất là đã khích lệ tới nguồn cội tổ tông của vùng đất cổ Phong Châu, nơi xưa kia các đời vua Hùng khai nguyên lập quốc. Trong lời chúc mừng còn ngầm đặt tước Lạc tướng của Trưng Định nên trước chức huyện lệnh của nhà Hán phong cho cũng là một thông điệp nữa. Chỉ vài câu nói ngắn đã biết bao gửi gắm tâm tư. Chỉ có thể là văn chất hơn người, đức dày phúc lớn mới có được vậy.

Tươi nhuần nét mặt, Trưng Định tiến tới nắm chặt đôi tay vạm vỡ của Dương công xúc động nói:

- Dương huynh! Ngài cũng dòng dõi Lạc hầu danh thơm từ thượng cổ. Ngày trước, tổ tiên của ta và ngài chẳng đã từng kề vai sát cánh với muôn dân giúp các vua Hùng sáng nghiệp đó sao? Nay Dương huynh đầu năm du xuân ghé thăm tệ xá thật là phúc lớn của Trưng thị. Vậy xin mời Dương huynh lên kỳ đài cùng ta khai trống trận chung cuộc hội chọi trâu năm nay cũng là tạo thêm sự an vững của Cổ Lôi sơn trang.

Nghe tới đó, không chút khách sáo, hai vụ huyện lệnh dẫn nhau tới giữa kỳ đài, nơi đặt hai chiếc trống đồng lớn chỉ được dùng đến trong trận chung cuộc hội chọi trâu. Hai tên quân dâng tới hai chiếc dùi bằng gỗ trắc đen bóng một đầu bịt vuông vải đỏ thắt chiếc ngù vàng rất bắt mắt. Sau tiếng hô lớn của vị lão trượng, nhất tề tiếng trống vang lên chỉ giây lát đổ ầm ầm như thác lũ hợp với dàn trống quân, trống cái khắp bốn phía kỳ đài cũng là lúc hai ông trâu kỳ phùng địch thủ được giong ra giữa sân tử chiến. Tiếng trống càng thúc mạnh, các miếng đánh của hai ông trâu chung cuộc càng hiểm hóc. Như đã chờ đợi nhau từ lâu, trận quyết chiến dường như bất phân thắng bại. Những cú húc kinh hồn như núi đổ. Những cú cáng móc tung lên từng tảng thịt đỏ lòm. Đất dưới chân hai ông trâu bay rào rào lõm sâu thành từng khoảnh lớn. Chỉ một lúc sau, không ai còn nhận ra đâu là ông trâu vùng thượng du đen thẫm, đâu là ông trâu vùng hạ bạn sắc hồng mà tất cả đều được trùm trong bùn đất và những tiếng đập sừng chan chát rợn người.

Tới khi tiếng trống dần thong thả kéo từng đợt thưa dần, cũng là lúc bùn đất giữa sân nơi hai ông trâu tử chiến không còn hất lên mù mịt nữa, tiếng hò reo như sấm khắp bốn phía cũng đã lắng xuống. Đám tráng đinh hơn chục người cởi trần đóng khố hò nhau tới quan sát bỗng kinh hoàng nhìn thấy, dưới hố đất rộng như chiếc ao mới được đào bới, hai ông trâu vẫn ghì chắc đôi sừng, cặp mắt như đã lồi hẳn ra ngoài, máu từ tầng cổ, hốc mũi, hai bên mạng sườn chảy ròng không ngớt. Cả hai đều đã dùng ngón đòn cảm tử kết liễu đối phương trong tư thế một tấc không rời. Bốn cặp chân cột đình cắm lút xuống dưới lòng hố đất khiến mọi người nhìn nhau kinh hãi.

Sau khi xác định hai ông trâu đều đã tắt thở theo thông lệ giành đồng giải nhất, các bô lão chấm giải mới cho phép bọn tráng đinh tìm cách kéo hai ông khỏi chiếc hố tử thần. Mất đến nửa khắc loay hoay, mười mấy tấm lưng trần trùng trục mồ hôi túa ra như tắm mà vẫn chịu không tách được cặp sừng hai ông đã thúc sâu vào trong yết hầu địch thủ. Vừa tấm tắc bình luận cuộc tử chiến hiếm gặp trong các kỳ hội chọi trâu không riêng gì với vùng đất Mê Linh, Trưng huyện lệnh kéo Dương công cùng tới tận nơi xem.

Thấy bọn tráng đinh loay hoay không gỡ nổi cặp sừng rời nhau, đột nhiên phía sau Dương công, một vị công tử to cao vạm vỡ bước ra nói:

- Thưa phụ thân, thưa quan huyện lệnh! Con xin được phép giúp các tráng đinh tách hai ông trâu rời nhau có được chăng?

Huyện lệnh họ Trưng khi đó mới nhìn kỹ Dương công tử. Ngài thấy Thi Sách mặt vuông mũi lớn, dáng người vạm vỡ mà thanh thoát, giọng nói trầm ấm vang xa đoán biết thần lực của người này không phải loại thường, bèn tươi cười nói:

- Dương công tử! Vẫn nghe danh công tử trí tuệ thần đồng, sức lực muôn người khôn địch, từng dẫn dắt đội thương thuyền vượt biển khơi như đi trên đất bằng. Nay công tử hãy để bọn tráng đinh ở đây mở rộng tầm mắt.

Thấy huyện lệnh Trương Định có phần hào hứng, Dương công thong thả đáp:

- Sách nhi! Con hãy mau cùng các tráng sĩ đưa hai ông trâu dưới hố lên còn kịp để Lạc tướng cho xẻ thịt tế hội. Trời cũng sắp trưa rồi.

Không cần đợi nói thêm, Dương công tử lập tức cởi bộ trường bào khoác bên ngoài tiện tay đưa cho tên lính đoạn thắt lại tấm khố bên trong cho chắc chắn rồi đi một vòng quanh miệng hố quan sát kỹ một lượt. Mọi người ai nấy trầm trồ ngắm nhìn thân thể đẹp như đá tạc của Thi Sách. Vồng ngực nổi gồ từng tảng xăm cặp giao long giỡn sóng càng tăng vẻ uy dũng của chàng trai. Cặp đùi dế vừa thon dài vừa hằn lên những cơ múi xoắn bện như chão thuyền đi biển. Đôi tay nổi bắp cuồn cuộn linh hoạt vươn vờn nhịp nhàng và đặc biệt cặp mắt to đen sắc lạnh nhìn thẳng xuống lòng hố, nơi hai ông trâu tuy đã chết mà máu đỏ sùi bọt vẫn phì ra.

Xem kỹ một lượt, Dương công tử bảo bọn tráng đinh:

- Phiền anh em đem tới cho ta tám cây tre đực cứng dài độ hơn trượng và bốn cuộn chão lớn.

Mọi người chưa biết Dương công tử sẽ làm gì nhưng liền mau chóng đem tới những thức vật theo yêu cầu của Thi Sách.

Loáng cái, mọi người chỉ nhìn thấy bóng họ Dương nhảy bên tả, sà bên hữu thoăn thoắt dưới hố một chốc đã buộc chắc bốn đầu chão vòng qua chân ôm lên lưng từng ông trâu gọn ghẽ rồi cứ thế Thi Sách nhảy phắt lên thành hố luồn hai cây tre đực chập vào làm một đặt đám cọc tre lên hai vai đứng tấn khẩn trương bảo:

- Cảm phiền các anh em hãy giúp Dương mỗ một tay!

Hiểu ý của Thi Sách, tám tráng đinh xúm vào cầm đầu tám cây tre phía bên kia hố đã được cột chắc hè nhau đồng loạt nâng lên. Phía đầu bên này, Thi Sách đứng tấn, hai chân như hai cột đình choãi thẳng mặt không biến sắc. Bọn tráng đi ai nấy mặt đỏ tía tai cố hết sức nâng cây đòn tre lên cũng là lúc ở dưới hố, cặp sừng của hai ông trâu từ từ rời yết hầu nhau ra. Chỉ một loáng, hai ông trâu đã mau chóng được đưa khỏi miệng hố lên khoảng đất rộng mà máu từ yết hầu vẫn ộc ra. Một bên chỉ mình Thi Sách cởi trần đóng khố đứng tấn gánh đám cọc tre cột chão, một bên tám tráng đinh mồ hôi nhễ nhại ứng trợ đưa hai ông trâu khỏi hố tử thần trong tiếng hò reo vang động.

Huyện lệnh Trưng Định trong lòng vô cùng thán phục thần lực của Thi Sách ngoảnh ra bảo vị đồng liêu họ Dương:

- Chúc mừng Dương huynh có được một dũng sĩ sức mạnh vô song! Nhất định sau này, ta phải mời Dương công tử tới chỉ dạy võ nghệ cho các gia tướng mới được.

Trong lúc Dương huyện lệnh nhún nhường nói lời cảm tạ, mọi người chăm chú dõi theo Thi Sách cùng đám tráng đinh đưa hai ông trâu thắng trận ra khỏi hố sâu, không ai kịp thấy bóng một thanh nữ khuôn mặt vô cùng xinh đẹp tới vạch đám đông nhìn như nuốt tấm thân vạm vỡ của vị công tử đất Chu Diên vừa đỏ mặt lẩm bẩm một mình:

- Sức lực kẻ này cũng khá đấy, song đầu óc bên trong còn chưa biết thế nào. Những thứ vũ dũng thất phu trong thiên hạ xưa nay nào có thiếu gì. Ta phải nhắc nhở phụ thân từ từ xét kỹ mới được!

Nói đoạn, thanh nữ xinh đẹp thoắt cái biến mất giữa đám đông vẫn còn đang quây kín reo hò cổ động chàng dũng sĩ vừa trổ thần lực giữa ngày hội xuân náo nhiệt.

(Còn tiếp)

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm