TIN TỨC

Hoàng Đình Quang và lưu lạc cánh đồng trong Qua sông nhặt bóng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-11 10:23:48
mail facebook google pos stwis
1034 lượt xem

Nhà thơ Lê Huy Mậu, đồng tác giả nhạc phẩm “Khúc hát sông quê”, vừa cho ra đời một lúc 2 ấn phẩm: “Qua sông nhặt bóng” (Nxb Thanh niên) và “Xê dịch ký & vạn lý hành” (Nxb Hội Nhà văn). Văn chương TPHCM xin mượn lời nhà văn Nguyễn Trường để giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết được rút từ tập sách thứ nhất: “Nếu như trong thơ, Lê Huy Mậu cả đời ám ảnh với dòng sông quê, thì trong văn xuôi, có lẽ tâm hồn anh ám ảnh bởi những bạn văn - người còn, người mất với bao ân tình - được anh thể hiện trong “Qua sông nhặt bóng”. Anh đã nhặt được tâm hồn các bạn văn của mình làm hành trang kỷ niệm và tôi tin rằng nó sẽ trở thành “một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng”.

Bài 1.

HOÀNG ĐÌNH QUANG VÀ LƯU LẠC CÁNH ĐỒNG

Từ trước khi tôi gặp Hoàng Đình Quang, mặc dù, tôi đã đọc một vài truyện ngắn của y, tôi vẫn không có được một ý niệm rõ rệt nào về con người này. Một lần, ông Tô Đức Chiêu bảo: Tao ghi tên mày và thằng Tiến vào danh sách dự trại viết của Hội Nhà văn kỳ này để chúng mày đi lại với trại, cho tiện, còn viết được gì không thì tùy! Tôi gặp Hoàng Đình Quang lần đầu tại trại sáng tác của Hội Nhà văn ở Vũng Tàu lần ấy, cách đây vài năm. Hoàng Đình Quang tuy to lớn kềnh càng, râu tóc lởm chởm nhưng trông hắn hiền, không ngầu như một vài nhà văn đồng dạng khác. Chỉ vài ly bia là y đã ông - tôi thân tình như đã quen nhau từ thuở nảo nào rồi. Tôi thích Hoàng Đình Quang ở sự giao tiếp thẳng thắn. Y không có sự “giao tiếp nháp” thăm dò trước mà bộc lộ bản ngã của mình một cách hồn nhiên, và, ngay lần gặp mặt đầu tiên, y đã tỏ thái độ thích hay không thích ai đó ra mặt ngay. Ở các nhà văn, qua những gì tôi tiếp xúc, có thể rút ra một tổng kết, đó là, sự phân nhánh trong tập hợp diễn ra nhanh chóng hơn bất kỳ đâu.

Hoàng Đình Quang tặng tôi tập truyện ngắn của y tồn kho từ năm 1995. Đọc tập truyện ngắn này, tôi có nhận xét ban đầu rằng, văn Hoàng Đình Quang viết rất đắm, đắm tới mức, nhiều lúc tôi có cảm giác như không phải đang đọc mà đang thấy nó hiện ra ngay trước mặt. Có nhiều nhà văn viết đắm, ví như Pautopsky trong “Bình minh mưa”; như Mạc Ngôn trong “Báu vật của đời”; như Đỗ Chu trong “Mùa cá bột”… Đọc văn nhiều lúc ta không những nhìn thấy, nghe thấy mà còn ngửi thấy mùi vị mà cả không gian, thời gian với ta đều xa lắc xa lơ…  Hoàng Đình Quang giữ được mạch văn viết đắm như vậy qua nhiều truyện ngắn.

Tại Đại hội Nhà văn lần thứ VII, Hoàng Đình Quang tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Cánh đồng lưu lạc” vừa in xong. Tôi chỉ định đọc vài trang gọi là cho nó lịch sự khi được tặng, bởi ngày ấy, tôi theo Hoàng Đình Quang và Nguyễn Đức Thiện về Thái Nguyên, lúc nào cũng chìm trong rượu, nhưng rồi bản thân cuốn thuyết ấy - chứ không phải là Hoàng Đình Quang - đã cuốn hút tôi. Một thời mà các vùng quê trên đất Bắc đều na ná nhau. Những thân phận con người trong môi trường xã hội được đúc bằng cái khuôn chung, nhập cảng từ bên ngoài vào, cứ nhoay nhoáy trong lòng người đọc. Tôi nhớ từng cục cứt giun, từng chiếc vé tàu như con bài tam cúc… trong cuốn tiểu thuyết ấy! Tuy nhiên, tôi không thích lối kết thúc có hậu, đèm đẹp của Hoàng Đình Quang. Đúng là cuộc đời có nhiều sự ngẫu nhiên, có nhiều điều thần bí, khó hiểu nhưng đem nó vào truyện ngắn, tiểu thuyết để lái câu chuyện theo một ý tưởng của tác giả là làm cho tác phẩm nó bị khiên cưỡng, mất tự nhiên đi. Tôi gặp ở Hoàng Đình Quang không dưới một lần như vậy. Tiểu thuyết “Cánh đồng lưu lạc” đã được giải thưởng của Hội Nhà văn - mà giải là xứng đáng. Nhưng đọc hai bài giới thiệu về nó, tôi ngứa ngáy muốn ý kiến lắm, muốn viết cái gì đó buộc y phải phục, rồi lười, rồi cho qua… 

Mỗi người cầm bút đều muốn có được một tác phẩm để đời. “Cánh đồng lưu lạc” đã phải là tác phẩm để đời của Hoàng Đình Quang chưa thì chưa biết, nhưng quả thực “Cánh đồng lưu lạc” đã khiến nhiều người kiếm đọc, đọc rồi lại bận lòng vì nó. Hoàng Đình Quang khởi viết “Cánh đồng lưu lạc” ở trại viết Vũng Tàu. Suốt mấy ngày liền Hoàng Đình Quang đánh vật với “Cánh đồng lưu lạc”.  Nhiều khi, Quang ngồi táy máy với cái laptop của mình hàng giờ, viết cho đã rồi lại bôi đen, delete cái một.  Nguyễn Đức Thiện bảo rằng: Hoàng Đình Quang xa Thái Nguyên đã trên ba chục năm rồi. Nhưng dọc suốt đời văn của mình, Thái Nguyên, với cái huyện Phổ Yên của anh cứ ngồn ngộn hiện ra trên trang viết. Tất nhiên là những chuyện của ngày xưa, ngày Quang còn thơ bé, ngày Quang còn những sợi lông măng trên má. Phải qua bao nhiêu tháng năm chiêm nghiệm, bây giờ Hoàng Đình Quang mới khơi ra, mới viết lại bằng chính kiến của một nhà văn. Những thân phận trong “Cánh đồng lưu lạc” chính là một phần đời của Hoàng Đình Quang. Cái làng Sơn Cốt nghèo nàn khốn khó của Hoàng Đình Quang, những người dân hiền lành chân chất của Sơn Cốt cũng là một phần đời của những người thân của Hoàng Đình Quang. Có lẽ vì thế, Hoàng Đình Quang đã chọn ngôi thứ nhất trong vai trò người kể chuyện để kể về cái làng Sơn Cốt ấy. Ngay trang mở đầu, Hoàng Đình Quang bảo với người đọc rằng: chuyện tôi kể có thể là không hay, nhưng là chuyện thực, bạn đọc ơi, hãy đọc đi, để thấy được làng quê Việt Nam có một thời đầy chuyện trái ngang, có một thời làm con người muốn tin vào sự tốt lành, đi tìm sự tốt lành mà giống như làm một việc vung trộm vậy. Khó mà biết được Hoàng Đình Quang đang kể chuyện thật hay bịa, khi viết tới đoạn: Ông bố chồng đã “ăn” con dâu rồi. Con dâu đã có chửa rồi. Ông bố chồng đã đến tìm ông thông gia rồi. Mà không biết nên gọi ông thông gia là gì bây giờ. Gọi là ông thông gia đúng khi con gái của ông là con dâu tôi. Nhưng con gái ông lại có chửa với tôi. Thằng con nó đẻ ra là con tôi. Cái việc ông bố chồng dám “khai” với ông thông gia rằng đứa con đó là con tôi, thì cái gan cũng đã là lớn lắm rồi. Và ông thông gia đã quát: “Ông cút ra khỏi nhà tôi” rồi. Nhưng cút ra rồi thì ông thông gia sẽ đi đâu? Đứa con dâu ông sẽ đi đâu? Thằng con trai của ông với con dâu sẽ đi đâu? Cứ thế Hoàng Đình Quang trăn trở với những trang viết của mình. Một hôm Quang nói như reo lên “Tôi viết được hơn 300 trang rồi”. Nguyễn Đức Thiện trố mắt: “Khiếp, làm gì mà viết kinh thế, mới hôm qua có hơn chín chục trang.” Hoàng Đình Quang cười hề hề: “làm gì có. Đùa đấy! Hoá ra, khi viết không được, Hoàng Đình Quang nghịch đổi co chữ 14 thành co chữ 28 nên đang từ 90 trang sẽ có ngay 300 trang, và thế rồi, gần hai mươi ngày đã trôi qua mà dòng cuối của cuốn tiểu thuyết vẫn là: “Ông cút ra khỏi nhà tôi”.

Thế mới biết, để có được một cuốn sách, nhà văn phải lao tâm, khổ tứ đến thế nào. Hoàng Đình Quang thường bảo công việc viết văn là công việc khổ sai, vất vả hơn cả đi cày. Từ trang sách đầu tiên đến khi xong vài trăm trang sách giống như một cuộc đánh vật. Nhiều người khi đọc văn cứ thấy nhà văn viết như không, như là cuộc sống nó vốn vậy, anh nhà văn chỉ mất công chép ra thôi. Dễ ợt! Sau này, Hoàng Đình Quang kể lại, cũng chính trong cái dịp dự trai tại Vũng Tàu đó, Hoàng Đình Quang còn “nợ” của Tổng cục Chính trị cuốn sử thi về cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc trước ngày Sài Gòn giải phóng. Ngồi trại viết, chưa “đuổi” được ông thông gia khỏi nhà, vậy mà lâu lâu, Hoàng Đình Quang lại phải biến khỏi trại để về Đồng Nai, tìm nhân chứng cho cuốn sử thi. Quang than: “Khi không lại mắc nợ. Nợ tiền không sợ, mà nợ trách nhiệm. Nhận tiền đầu tư để viết là không sung sướng gì. Mệt quá.” Nhưng, lạ thay,  cũng chính những ngày đó Hoàng Đình Quang lại bắt đầu thai nghén cuốn tiểu thuyêt mới. Cuốn “Phản trắc”. Trong cùng một lúc, viết ba cuốn tiểu thuyết. Vậy mà Quang vẫn có thì giờ để nhậu, để bù khú bạn bè. Tài thật!

 Bây giờ thì “Cánh đồng lưu lạc” đã được trao giải của Hội Nhà văn. Cuốn tiểu thuyết sử thi “Xuân Lộc” đã nằm trên giá của các thư viện quân đội. Còn Cuốn “Phản trắc” đã được hãng phim truyện ký hợp đồng chuyển thể thành thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập.  Hoàng Đình Quang lại đang đánh vật với ba chục tập phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Phản trắc” của mình! Quang bảo: Bán bản quyền tiểu thuyết rẻ quá, nên tiếc, đành ký hợp đồng chuyển thể luôn!

Có ai đó nói với tôi rằng, bạn văn nghệ lúc đầu người ta đến với nhau bằng tác phẩm, còn sau đó người ta chơi với nhau là bằng người. Thực ra, các nhà văn lớn hơn tác phẩm của họ, hay nói cách khác, nhà văn không hòa nhập hết vào tác phẩm. Nhiều lúc, cái phần ý vị của nhà văn nó nằm ngoài văn chương. Hoàng Đình Quang là một người ý vị. Cách tiếp cận vấn đề của Hoàng Đình Quang thường có những thiên kiến oái oăm và độc đáo. Y thường lật ngang, lật ngửa một vấn đề ngỡ như đã thành nhận thức chung của nhiều người để bàn cãi, để hài hước. Trong những cuộc vui, khi không thể đọc truyên ngắn hoặc tiểu thuyết được, y chuyển sang đọc thơ. Mà thơ y hay chẳng kém gì thơ của các nhà thơ. Tôi đùa rằng: nếu như không bị thành nhà văn, y có thể trở thành một nhà thơ…

Nhà văn, lớn hay nhỏ là ở tác phẩm. Tôi ghen tỵ với Hoàng Đình Quang về cái gáy của những cuốn sách. Lâu lâu, y lại ném vào mặt tôi một cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang, tức muốn chết. Những ngày ở trại viết, thấy các nhà văn đánh máy rào rào, bỗng nghĩ các hắn chữ đâu ra mà nhiều thế? Cũng chơi như nhau, nhậu như nhau, tào lao như nhau, vậy mà thằng có sách ra, thằng chẳng có gì cả. Đó là “sự đau” của nhà văn!

Là người hay thù tạc với bạn bè, bao nhiêu năm trời, từ “công tiệc”  dần thụt lùi về “tư tiệc”, tôi ngẫm ra rằng,  có những cuộc nhậu ta không mất tiền mà vẫn lỗ, trái lại, có khi ta bỏ tiền ra chiêu đãi bạn bè mà vẫn lời. Có những lúc, ta mất thì giờ cả ngày mà chẳng thu hoạch được gì cả, trái lại, có vài tiếng đồng hồ với một người thức giả ta thu hoạch được khá nhiều điều bổ ích. Tôi và Hoàng Đình Quang thường “thu hoạch” lẫn nhau mỗi khi có dịp.

Học là một động từ. Hoàng Đình Quang là người chăm chỉ với động từ này. Tôi biết, y chưa mài đũng quần bốn năm đằng đẵng trên giảng đường, nhưng y có cái hũ tri thức kha khá. Rồi ngoại ngữ. Rồi triết học. Rồi IT… y tự trang bị cho mình một kiến thức đủ để tự tin ngồi trước trang viết. Khiêm tốn mà nói, tôi nể phục y ở cả nghị lực và tài năng. Tôi tự hào nhận y là bạn tôi!       



Vài hình ảnh tại buổi kỷ niệm 20 năm Khúc hát sông quê tại Vũng Tàu, 2/9/2022

Từ trái: Các nhà văn nhà thơ Đào Ngọc Hòa, Nguyễn Trường, Lê Huy Mậu, Nguyên Hùng, NS Đỗ Thanh Khang.


Từ trái: Các nhà văn Bùi Đế Yên, Nguyễn Trường, Hội An; các nhà thơ Lê Huy Mậu, Nguyên Hùng, Đào Ngọc Hòa, Minh Nguyệt & NS Đỗ Thanh Khang.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm
Đặng Phúc Minh - Một tấm lòng phụng sự vì sự phát triển của cộng đồng
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh.
Xem thêm
Nhà thơ Hoàng Cầm – Mưa dần xanh lại lá diêu bông
Khi thực hiện bộ phim tài liệu chân dung Bên kia sông Đuống - cái nhìn về cuộc chiến tranh năm 2001 cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại căn nhà nhỏ của ông trên một con phố thủ đô Hà Nội. Tại sao lại chọn bài thơ Bên kia sông Đuống? Tôi cũng không rõ ai là người đầu tiên gợi ra tên phim từ một bài thơ của Hoàng Cầm, nhưng cái vế “cái nhìn về một cuộc chiến tranh” đã khiến anh em làm phim phải rất vất vả giải thích và bản thân tôi đã có được bài học sâu sắc cho riêng mình. Chẳng hiểu tại sao, đã bước sang thế kỷ mới, mà cái tên Hoàng Cầm và các tác phẩm của ông vẫn luôn phải chịu nhiều soi xét.
Xem thêm
Vị tướng của lòng dân
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP
Xem thêm
Nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai – Người tạo được “giang sơn” không cho riêng mình
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã định vị trong lòng công chúng với nhiều ca khúc nổi tiếng. Và trong số đó, không ít ca khúc được chị phổ nhạc cho thơ. Thơ của chị, thơ của nhiều nhà thơ. Đam mê nghệ thuật của chị không giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc mà được mở rộng sang lĩnh vực thi ca. Với 6 tập thơ đến với bạn đọc, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã âm thầm, góp thêm cho đời sống văn chương những sáng tạo của mình để công chúng tham khảo, khám phá và cũng có thể hòa điệu tâm hồn.
Xem thêm
Việc nước chưa xong đầu đã bạc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại cho mỗi người Việt Nam và cộng đồng quốc tế những cảm xúc khác nhau; trong tôi, đó là sự kính trọng và thương tiếc.
Xem thêm
Có một mái đầu tóc bạc - bài hát đầy yêu thương tự hào…
”Có một mái đầu bạc “, bài hát đầy yêu thương tự hào với nhà lãnh đạo được nhân dân vô cùng yêu quý: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Xem thêm
Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Bài do tác giả gửi cho Văn chương TP Hồ Chí Minh
Xem thêm
Sáng mãi ánh Sao Khuê - Chùm thơ nhiều tác giả
Chùm thơ của Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Hùng, Hồ Bá Thâm
Xem thêm
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.
Xem thêm