TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Hư Thực: Lối viết dấn thân ấn tượng, về nhân sinh và nghệ thuật trong một thế giới đa loài

Hư Thực: Lối viết dấn thân ấn tượng, về nhân sinh và nghệ thuật trong một thế giới đa loài

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2025-05-25 16:11:01
mail facebook google pos stwis
17 lượt xem

TS. Nguyễn Thùy Trang

Trong hành trình diễn tiến của nhân loại, viết không chỉ là một hình thức giao tiếp mà còn là cách để con người lưu giữ, truyền tải tri thức và thể hiện bản thân. Do đó, viết gắn liền với đời sống con người, trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tồn tại, phát triển. Diêm Liên Khoa từng tâm niệm: “Sống là không thể không viết và tất yếu phải viết”[1]. Với nhà văn, việc cầm bút để họa lên bức tranh nhân sinh - xã hội, qua đó bày tỏ suy nghĩ, quan niệm của mình như một nhu cầu tất yếu, một sứ mệnh thiêng liêng. Là tiểu thuyết đầu tay của Phùng Văn Khai, Hư thực - đúng như tiêu đề tác phẩm - mở ra một thế giới của những điều mờ ảo, huyễn hoặc. Hình như, hiểu được lẽ “nhân sinh như mộng, văn tại kì nhân”, nên trên con đường dẫn vào nghiệp viết, Phùng Văn Khai đã dành những dòng chữ đầu tiên để chuyển tải cuộc đời tựa giấc mộng, văn chương chính là phần tinh hoa nằm trong đó.

Nếu để tìm một tiểu thuyết đọc để giải trí, thưởng ngoạn, Hư thực của Phùng Văn Khai sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì tác phẩm không dễ thẩm, nặng về suy tư, đòi hỏi sự tập trung cao độ và khả năng phán đoán linh hoạt mới có thể nắm bắt được mạch ngầm ẩn ý sau từng lớp chữ. Bước vào trang văn, độc giả như lạc giữa ma trận dòng chảy ý thức, nhưng nếu bền bỉ kết nối, chúng ta sẽ khám phá được nhiều tầng nghĩa phong phú mà tiểu thuyết mang lại. “Hư thực” chính là sự phản tư nghệ thuật và truy cầu chân lí của nhà văn Phùng Văn Khai.

Qua tiểu thuyết, Phùng Văn Khai cho thấy thế giới được lập nên từ những giả tưởng và mộng mị. Khó có điều gì khẳng định tính chính xác và có thực trong tác phẩm. Nhà văn luôn đặt các tình huống trên hai mặt, khi ngỡ là thực, khi tựa nằm mơ. Tiểu thuyết mở đầu bằng hành trình đến với rừng núi hoang vu của hai nhân vật họ Đào và Y. Mục đích của chuyến đi thoạt tiên được đề ra rất cụ thể: thu thập thông tin cho số báo mới, tìm kiếm tư liệu sáng tác. Tuy nhiên, các sự kiện, hành động, việc làm diễn ra đều luôn đan cài với những giấc mơ, những điều kì bí, lẫn lộn thực và ảo. Chối từ khoác cho tiểu thuyết một khung sườn chắc chắn, kết cấu rõ ràng, Hư thực không có cốt truyện, các chương không được gọi tên, tự liên đới giao thoa bằng sự hư ảo như những đám mây lửng lơ vô tình tạo hình thái trên bầu trời.

Phùng Văn Khai bày tỏ một quan niệm nhân sinh về sự vô thường của đời người. Hai nhân vật trung tâm họ Đào và Y được xem như sợi dây kết nối các tình huống truyện. Thực ra cả hai đều khá nhòe mờ giữa hỗn độn sự kiện. Bởi nhà văn đã tiến hành “tẩy trắng” nhân vật, tước bỏ danh tính, biến họ thành những con người khá chung chung qua vài nét phác thảo: “họ Đào, thân cô thế cô, bấp bênh nghề ngỗng, lang bạt kỳ hồ, gia đình xa vắng, vợ con không màng, tiền tài im lặng, trú ngụ thất thường, độc thân hơn bốn mươi năm lại tội nợ cầm bút viết văn, lại viết không xu thời nịnh thế thì kiếp người có khác gì kiếp bướm, như có như không, có cũng như không ở cuộc đời này”. Còn Y, đồng nghiệp với họ Đào, dù có gia đình, cơ quan đoàn thể, nhưng xem như thiếu mật thiết, luôn mang cảm giác cô đơn, hoang vắng của kiếp người. “Y và họ Đào thường ẩn vào cuộc sống nội tâm, tránh va chạm, tiếp xúc và lặng lẽ sáng tác. Cuộc đời này không dành cho Y và gã? Y và gã đã làm gì sai, đã làm gì động chạm đến quyền lợi của ai đó? Y mơ hồ hiểu ra mình không mấy ăn nhập ở cuộc sống này từ lâu”. Điểm nhấn để khơi lẩy chiều sâu nội tâm nhân vật chính là việc nhà văn tạo hai bối cảnh đắc địa: đẩy họ vào chốn bức bối, bất định trên con tàu và chốn linh thiêng, kì bí rừng núi để diễn giải những cảm xúc đa mang. Cả hai bước lên con tàu được hình dung như chở đến địa điểm họ tác nghiệp. “Cuộc đi này ngoài việc hoàn thành bài ký vùng biên viễn cho số báo Tết, Y còn thu thập tài liệu cho cuốn tiểu thuyết đang viết”. Song, đó còn là con tàu của ý niệm, cũng là con tàu cuộc đời mỗi người. Con tàu đơn độc lao mình trong đêm đen về nơi vô định, chở theo hai kẻ cũng đang cảm thấy cuộc đời thăm thẳm, hoang liêu. Tại núi rừng, điều chờ đợi họ không chỉ là chất liệu sinh động của cuộc sống thâm sơn cùng cốc, mà nó chứa đựng bản nguyên hoang sơ của con người và tự nhiên.

T.S Nguyễn Thùy Trang

Móc nối từng câu chuyện là sự hiện diện của những nhân vật hết sức đặc biệt: cô gái trong rừng, người đàn bà điên, người đàn ông dưới gầm cầu và con chó, hai ông bà già ở căn nhà lụp xụp, đạo quân đen quân vàng giữa lòng sông, những người đàn bà làm nghề ăn sương ở dãy trọ ngoại ô, những đứa trẻ làng Bái,... Dường như, giữa các nhân vật này không có mối quan hệ với nhau. Họ được tái hiện, hình dung qua trí nhớ, hoài niệm, tâm tư của Y và họ Đào. Điểm chung giữa họ là sự bất bình thường của đời sống, cái thiếu khuyết trong tâm hồn và mong manh của nhân sinh. Hơn hết, họ đều khát khao một điều gì không rõ, đơn thuần như muốn được khỏa lấp nỗi lòng, mong được thấu hiểu nỗi đau và cô đơn, nỗ lực thoát khỏi tâm thế chông chênh giữa đời. Từ đó, các nhân vật trở thành những hình tượng tiêu biểu cho từng khía cạnh đa dạng trong hoạt cảnh cõi thế. Họ Đào và Y đại diện cho những con người luôn tìm kiếm danh tính và biến chuyển trong nhận thức. Người đàn bà rừng đem lại sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, còn người đàn bà điên là hiện thân của những mất mát và bi kịch cá nhân. Phùng Văn Khai không xây dựng nhân vật theo cách thông thường. Thay vào đó, mọi hình tượng trong Hư thực đều tồn tại ở trạng thái phiếm định, biến hóa liên tục, không có ranh giới rõ ràng giữa người/ ma, người/ thú. “Con người mãi mãi là một bí mật không thể giải mã”. Chính cách tiếp cận này đã tạo nên một hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt, khiến người đọc cảm nhận tác phẩm như một dòng chảy của những mảnh ghép kí ức, chuỗi ảo ảnh tưởng chừng rời rạc, bí hiểm nhưng lại liên kết với nhau bằng những sợi dây vô hình của nội tâm, nhằm giải mã bản đồ tiềm thức.

Đặt các nhân vật vào bối cảnh xa cách văn minh - văn hóa, Phùng Văn Khai còn bày tỏ quan niệm nhân sinh trong một thế giới đa loài. Đứng trước thiên nhiên rộng lớn và nhiều bất ngờ, con người mất đi vị thế chủ động, chinh phục, tấn công. “Giữa chốn rừng khuya, Y có cảm giác xung quanh, trong bóng tối âm u đang lạo xạo một cách bí ẩn, bất trắc”. “Những cánh rừng nham nhở, loang lổ, mịt mùng, tối thẫm chìm trong tịch mịch”. Tiểu thuyết mô tả một không gian đa chiều, nơi con người và các sinh vật khác cùng chung sống, cùng tồn tại trong những tình huống bí hiểm, đầy trắc ẩn, dễ nhầm lẫn đâu là hư là thực. Con người không có quyền định đoạn hay tỏ thái độ “trung tâm”, vì mọi thứ đều dựa trên luật nhân quả. “Y hốt hoảng bảo thôi đi, hãy tha cho nó làm chúa tể ở đây, ông hiếu sát như vậy không tốt gì trong chuyến xuyên rừng xuyên suối này đâu, tháng trước có mấy người đi rừng bị voi giẫm chết bi thương lắm”. “Y thoắt rùng mình khi nhận thấy ở sâu trong những hốc mắt đẫm nước, cả người và chó hằn lên những tia xanh lét, rờn rợn mà nghe đồn chỉ có ở loài hồng cẩu quẩy. Y rùng mình nghĩ đến một kết cục không hay ho xảy đến với mình”. Bối cảnh thoát li hiện thực, nhưng sự kiện lại cắm rễ vào đời sống. Con người không ai ngó ngàng, thiếu kết nối, nhưng lại bận tâm giữa chiều sâu nhân sinh. Cứ thế, Hư thực cuốn người đọc đi trong sương mờ giăng mắc của những nội tâm phức tạp, đa đoan; của những giấc mơ đan xen ẩn hiện, liêu trai và buồn bã, chất vấn và suy tư, dục vọng và lí tính.

Nhà văn Phùng Văn Khai (phải) trao đổi cùng đồng nghiệp

Trong thế giới đó, giới hạn giữa các loài trở nên mong manh, buộc nhân vật phải tái định nghĩa về chính bản thân mình. “Con người vẫn tồn tại một cách cẩu thả, tăm tối, đầy oán trách và đồi bại. Con người đang tụt xuống những con dốc miên man không dứt. Con người vĩnh viễn không tìm thấy mình từ hàng ngàn hàng vạn năm. Trước cái lồng quản thúc hết sức kiên cố, không ai đập vỡ được, càng không ai thoát ra khỏi móng vuốt của nó. Cứ theo những ý nghĩ của cái đầu rùm ròa kia thì con người khi mặt trời lặn cũng là lúc trốn vào những nỗi đau của mình, loay hoay trong cái lồng chật hẹp. Con người luôn cố thoát ra rồi lại không mong muốn thoát ra đầy khó hiểu”. Quan niệm về con người trên cơ sở đó không chỉ xoay quanh bản ngã cá nhân, mà còn mở rộng tới mối quan hệ giữa con người và sinh thái, giữa các thực thể khác nhau trong một vũ trụ tương thông, tương hỗ.

Một trong những chìa khóa quan trọng trong tư tưởng nhân sinh của tác phẩm là bản chất linh hồn và những giới hạn khó đo đếm của nó. Các nhân vật trong Hư thực thường đối diện với những biến đổi kì lạ của vô thức, nhưng chính trong những biến đổi đó, họ nhận ra được bản chất con người và giá trị của tự do. “Y nhìn gã, trăng leo lét tưới tắm thân thể, tóc râu, áo quần, thân phận mấy con người rừng rú. Trăng lênh loang, tràn khắp lều bạt, gỗ lạt, củi cành, phên giậu, cỏ cây, đá sỏi một vẻ mông muội, hoang sơ. Đời người hữu hạn sao ham muốn khôn cùng, trách nào không rước về tai họa”. “Những cơn mộng mị hư thực, những ước muốn hão huyền, nối nhau bước đi như hai gã tâm thần nơi rừng hoang”. Hành trình của nhân vật là hành trình tìm kiếm sự thừa nhận và giao thoa cảm xúc giữa các thực tại khác nhau, đồng thời khẳng định rằng, bản thân con người không chỉ bị giới hạn bởi các quy chuẩn xã hội cứng nhắc, mà còn chịu sự hạn hữu của thể lí sinh học trong định luật tự nhiên.

Trên phông nền phiêu linh đó, Phùng Văn Khai còn bày tỏ cặn kẽ quan niệm về nhà văn và sáng tạo nghệ thuật. Dĩ nhiên, tác giả không áp đặt hay định hướng một lối viết cụ thể, mà qua hành trình đi tìm chân lí đời sống và nghệ thuật của Y và họ Đào, Phùng Văn Khai đặt ra trách nhiệm của người cầm bút: “Thằng nhà văn không khám phá sự thật thì còn ra gì”. Tuy thế, trong thế giới mà “bản chất cuộc đời là hư thực”, Phùng Văn Khai cho thấy một nghịch lí mang tính hiện sinh: làm thế nào để truy tìm sự thật, khi sự thật ấy luôn được phủ lớp màn che của giả dối, ngụy trá? Từ đó, tiểu thuyết dấy lên vấn đề cốt lõi: liệu nhà văn có thể giữ vững niềm tin vào chân lí, và liệu họ có dám đánh đổi sự an toàn cá nhân để truy cầu điều ấy? Như lời nhân vật trong truyện từng nói: “Sáng tác không hèn thế được” - một tuyên ngôn không chỉ khẳng định bản lĩnh của nghệ sĩ, mà còn cảnh báo sự sa đọa của văn chương khi đánh mất tinh thần phản kháng và sự tỉnh thức nội tâm.

Tiểu thuyết đã tô đậm ý niệm sâu sắc về sáng tạo nghệ thuật: sáng tác không chỉ là kĩ thuật hay phương tiện truyền đạt, mà là một hình thức sống, một trạng thái hiện sinh. Với họ Đào, “đã sáng tác là quên hết xung quanh”, là khi “những con chữ sống ngay lập tức cuộc đời của chúng”, gợi mở một hình dung về văn chương như một thực thể sống động, có thể khổ đau, hoan lạc, và cả phản kháng. Ở đây, nhà văn không còn đơn thuần là người kể chuyện, mà trở thành kẻ đồng hành với nhân vật, chịu đựng cùng nỗi đau, đối diện cùng sự bấp bênh của cuộc đời. Những trang viết của họ Đào - dù ảm đạm, đầy bất lực - vẫn cho thấy một nỗ lực không ngừng để gắng gỏi chạm tới bản chất luân hồi, nhân quả và vô thường trong kiếp người. Văn chương là lĩnh vực đòi hỏi sự dấn thân và khát vọng khám phá không ngừng về con người và cuộc sống. Mỗi nhà văn đều có một con đường sáng tác riêng, phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của chính họ. “Họ Đào bảo, sáng tác ít ra phải như thế, lẽ ra ông đã có một cái gì khá. Hãy thoát khỏi đám đông đi. Y lặng lẽ không nói năng. Dễ gì thoát khỏi đám đông. Sáng tác ấy không in được, xếp xó, Y cũng đã quên từ lâu”. Qua Hư thực, Phùng Văn Khai đã phần nào khắc họa những lối tư duy khác nhau về sáng tạo văn chương. Nhờ thế, chúng ta thấm nghiệm một bài học sâu sắc: sáng tạo văn chương là hành trình đơn độc nhưng không thể xuôi theo sự dễ dãi. Người nghệ sĩ chân chính là người dám sống, dám viết, dám giữ vững lập trường và không ngừng truy cầu sự thật. Văn chương, suy cho cùng, là nơi hiện thực được soi chiếu bằng một cái nhìn riêng, đầy bản lĩnh và nhân văn.

Bên cạnh đó, tiểu thuyết Hư thực đặt người viết vào một thế giằng co giữa khát vọng nói lên sự thật và nhu cầu sinh tồn trong một thế giới đầy bất trắc. Nhân vật Y được “trời” phú “con mắt thứ ba”, có khả năng nhìn thấu mọi việc. Chi tiết này đã phản ánh rõ thiên bẩm cần phải có của người nghệ sĩ: nhận diện, thấu suốt bản chất đời sống dù bất kể đứng giữa lằn ranh của lí tưởng hay thực dụng, giữa cô đơn hay hòa nhập. Điều cốt lõi nằm ở nội lực dấn thân, xông pha của nhà văn. Có ý niệm tốt đẹp, có tư tưởng tiến bộ, nhưng lại không thể chuyển hóa vào trang viết, đó là thất bại của người nghệ sĩ. “Có những con chữ không chịu ở lâu trong đầu. Chúng phải sống ngay lập tức cuộc đời của chúng, có khi chỉ một hai người nhìn thấy chúng sống, nhảy múa, hát ca hay là khóc, chúng cũng bằng lòng với đời sống ấy của mình”. Đôi khi, nhà văn cũng phải đấu tranh với hai dòng suy nghĩ: viết trốn tránh hiện thực, thỏa hiệp với mọi xấu xa để có thể sống an toàn, hay cứ mạnh bạo mà viết để hứng lấy cuộc đời sóng gió, xa lánh, thiệt thân. “Viết có khi phải lấy yên thân an toàn. Sống không nổi viết gì. Phải sống sót đã. Còn viết hãy cầm chừng thôi, lựa nhau mà viết, cũng như lựa nhau mà sống”. Nhận định này không chỉ mang tính tự sự, mà còn cho thấy một nhận thức cặn kẽ về cái giá phải trả khi dấn thân vào con đường văn chương chân chính. Viết không chỉ để được “sống sót”, mà còn để “sống đúng” với sứ mệnh của văn chương - phản ánh hiện thực, lay động lòng người, mở ra những chiều sâu tư tưởng. Từ đây, người đọc có thể thấy rõ một quan niệm xuyên suốt trong Hư thực: viết không nhất thiết phải chiều chuộng thị hiếu, mà chính là chống lại sự mài mòn của thời gian và cái vô nghĩa của tồn tại.

Trên phương diện hình thức, Hư thực là sự hòa quyện giữa hiện thực và huyền ảo, tạo nên một cấu trúc nghệ thuật mở, giàu liên tưởng. Phùng Văn Khai đã chủ động nới lỏng một cách cởi mở về tư duy văn chương; không trình bày sự kiện theo tuyến tính truyền thống mà sử dụng thủ pháp phân mảnh, đan xen giữa các lớp truyện, giữa giấc mơ và hiện thực, giữa tiếng nói của nhân vật và tiếng nói của chính tác giả. Qua đó, Phùng Văn Khai đã tạo nên một không gian đối thoại đa chiều. Lúc này nhà văn không còn là kẻ độc quyền chân lí, mà là người gợi mở, người thắp sáng những mảng khuất tối của hiện thực và ý thức. Cách viết này không chỉ làm tăng chiều sâu ngữ nghĩa cho tác phẩm, mà còn phản ánh thế giới quan bất định của con người hiện đại - nơi mọi nỗ lực lí giải đều mang tính bất toàn.

Trong dòng chảy văn học đương đại Việt Nam, tiểu thuyết Hư thực của Phùng Văn Khai là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho lối viết kì ảo, siêu hư cấu. Tráng men hiện thực bằng những giấc mơ và làn sương huyễn hoặc, Hư thực của Phùng Văn Khai mang một phong cách đậm chất thơ, kết hợp giữa những đoạn văn đầy ám ảnh và những câu chuyện có tính truyện lồng truyện đầy tượng trưng, dẫn gợi. Nhìn chung, Hư thực đánh dấu sự sáng tạo và dũng cảm của Phùng Văn Khai trong việc mở rộng biên độ của tiểu thuyết. Tác phẩm khẳng định một điều: văn học không chỉ là sự tái hiện thực tại mà còn là cuộc đối thoại không ngừng với thế giới nội tâm và những tầng sâu vô thức của con người. Vì thế, Hư thực không chỉ là một tác phẩm hư cấu mang tính biểu tượng, mà còn là một văn bản triết học về nghề viết và sự hiện hữu. Với tác phẩm này, Phùng Văn Khai đã minh chứng rằng, tiểu thuyết đương đại Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới chiều sâu tư tưởng và hình thức nghệ thuật phức hợp, ngang hàng với các xu hướng quốc tế. Điều quan trọng là ở tinh thần không ngừng tự vấn và dấn thân -  điều mà Hư thực đã thể hiện một cách thuyết phục và đầy lay động.

NTT

 


[1] Diêm Liên Khoa. (2014). Kiên ngạnh như thủy. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tr.13.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cái tôi trữ tình sâu lắng trong Hương thời gian của Nguyễn Đình Hiền
Đọc tập thơ Hương thời gian của Nguyễn Đình Hiền, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025
Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều Tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Lan tỏa giá trị văn hóa: Sức mạnh của đội ngũ văn nghệ TP.HCM
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước
Xem thêm
Chất chứa bi hùng vương triều tiền Lý
Nhà văn Phùng Văn Khai quả là quá táo gan và thừa dũng cảm khi bước chân vào một vùng đất trống. Ấy là khi anh quyết định tái hiện các cuộc chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc bằng văn học. Gánh lấy sứ mệnh vô cùng khó khăn ấy, anh tự xem mình là nhà thám hiểm lịch sử hay một đấng phiêu lưu văn học? Không ai trả lời được câu hỏi ấy, ngoài anh.
Xem thêm
Phật giáo hộ quốc dưới góc nhìn tiểu thuyết vương triều Tiền Lý
Sớm mai, sương bạc vương trên cánh sen tĩnh mặc, hồ nước phẳng lặng phản chiếu bầu trời vô tận. Tiếng chuông chùa ngân dài trong làn gió sớm, tan vào không gian như những vòng sóng lan tỏa, vọng về từ ngàn xưa lời kinh Bát Nhã
Xem thêm
“Thu thức giấc” của Trịnh Bích Ngân - Mùa của những rung động
Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 4/2025
Xem thêm
Bây giờ tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn!
Bài của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Các cuộc chiến trong lòng chiến tranh...
HOÀNG HÔN DÁT ĐỎ là cuốn tiểu thuyết của Nhà văn Tố Hoài do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2016.
Xem thêm
Đặng Nguyệt Anh - Một hồn thơ không tĩnh vật
Bài của PGS.TS Hồ Thế Hà đăng tạp chí Sông Hương
Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm