- Tin tức - Hoạt động Hội
- Hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi: Tiếng lòng của một nhà giáo dục
Hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi: Tiếng lòng của một nhà giáo dục
Ngày 11/7/2024, tại Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng gia đình và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ ra mắt cuốn Hồi ký “Đã là thuyền phải ra khơi” của cố GS.TS Trần Hồng Quân.
TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam; PGS.TS Trần Mai Đông, con trai cả của cố GS.TS. Trần Hồng Quân và đại diện Văn phòng Bộ GD&ĐT chủ trì buổi Lễ.
Từ trái qua: ông Lê Thắng Lợi (Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam); PGS.TS Phan Thanh Bình (nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM), PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Tấn Phát (nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Nguyễn Văn Phúc (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT), GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy TP.HCM, hiện là Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), phu nhân cố GS.TS. Trần Hồng Quân, TS. Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam), GS.TS Trình Quang Phú (Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam), TS. Đỗ Quốc Anh (nguyên Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM) chụp hình lưu niệm.
Đến dự buổi Lễ có GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy TP.HCM, hiện là Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; PGS.TS.Nhà văn Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, đại diện lãnh đạo các ban ngành, đơn vị, các trường đại học... trên địa bàn TP.HCM và các nhân sĩ, trí thức, bạn bè thân hữu của cố GS.TS Trần Hồng Quân và gia đình.
Theo Ban tổ chức, GS.TS. Trần Hồng Quân sinh năm 1937 trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng trên quê hương miền Tây Nam bộ trung dũng kiên cường. Dù trải qua nhiều vị trí, môi trường công tác nhưng Thầy vẫn luôn gắn bó, dành trọn tâm huyết, trí tuệ và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Trong những năm gần đây, dù không muốn kể về đời mình vì Thầy vốn khiêm tốn, song nhờ sự động viên, khích lệ của người thân, đồng nghiệp nên Thầy đã có những bài viết cảm động, ý nghĩa về tuổi thơ, gia đình, quê hương và quá trình công tác gian khổ mà vẻ vang của mình. Sau khi Thầy từ trần, gia đình và người thân đã phối hợp với lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức tổng hợp, biên tập, in ấn để phát hành cuốn hồi ký mang tên “Đã là thuyền phải ra khơi”.
GS.TS Trình Quang Phú - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Nội dung cuốn sách bao gồm ba phần: Phần 1: Hồi ký – Đã là thuyền phải ra khơi, Phần 2: Tiếng lòng và Phần 3: Những bài nói và viết của cố GS-TS. Trần Hồng Quân.
Phần 1 cho ta cái nhìn rõ nét về cuộc đời đầy thăng trầm từ thời thơ ấu ở quê nhà với gia đình, rồi lớn lên đi tập kết ra Bắc, phấn đấu học tập để trở thành một giảng viên Đại học Bách khoa, đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài rồi trở về phục vụ, gắn bó gần như trọn đời với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà với những trọng trách khác nhau, nhất là với vị trí “Tư lệnh” ngành trong giai đoạn đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới đầy khó khăn thử thách...
Phần 2 là những bài thơ, bản nhạc đậm chất trữ tình do chính Cố Giáo sư sáng tác, thể hiện rõ “Tiếng lòng” của một Chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học đầy lãng mạn như Giáo sư Nguyễn Bá nhận xét: “Giáo sư Trần Hồng Quân là một chính khách có tâm hồn thơ:.
Phần 3 với 21 bài viết và các bài phát biểu xuyên suốt cuộc đời hoạt động giáo dục của cố Giáo sư. Đây là những quan điểm, tầm nhìn, những điều tâm huyết và cả những trăn trở, ưu tư của Thầy; thể hiện tầm tư duy cấp tiến, đi trước thời đại của Nhà giáo tài đức. Những nội dung này sẽ còn giá trị lâu dài đối với ngành Giáo dục và đào tạo nói riêng, đất nước nói chung,
Cuốn Hồi ký này ngoài việc giúp độc giả biết rõ hơn về cố GS.TS. Trần Hồng Quân còn chắc chắn đem lại nhiều điều hữu ích cho công việc và cuộc sống của mỗi người.
PGS- TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chia sẻ: "Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thế hệ lãnh đạo Bộ kế nhiệm và đồng chí, đồng nghiệp đều ghi nhận và đánh giá rất cao về nhân cách mẫu mực và công lao to lớn của Giáo sư Trần Hồng Quân đối với Ngành. Trong bối cảnh đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đầy khó khăn thử thách, việc tìm giải pháp cho các điểm nghẽn, tháo gỡ các nút thắt cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo là rất quan trọng; từ đó hình thành các quan điểm cơ bản, xuyên suốt cho đổi mới giáo dục như đa dạng hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục; giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển; giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội; giáo dục phải vừa gắn chặt với yêu cầu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại; phát triển giáo dục thường xuyên cho mọi người, xây dựng nền giáo dục mở và học tập suốt đời; Nhà nước và nhân dân cùng làm giáo dục, trong đó Nhà nước đóng vai trò là nòng cốt. Những quan điểm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị…
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ về cuốn sách.
Bên cạnh những đóng góp mang tầm lý luận, Bộ trưởng Trần Hồng Quân còn đề xuất, triển khai nhiều chính sách cụ thể để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo như: Chương trình mục tiêu quốc gia về nghiên cứu khoa học; nhà trường gắn với xã hội và lao động sản xuất; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, xây dựng hệ thống trường sư phạm; xây dựng các trường chuẩn cho phổ thông cơ sở vùng khó khăn; xây dựng trường cho vùng bão lụt; xây dựng ký túc xá sinh viên, thí điểm bầu trực tiếp hiệu trưởng trường đại học, phát triển hệ thống trường ngoài công lập…
Về cuộc sống cá nhân, Giáo sư Trần Hồng Quân được đánh giá là một người hiền lành, nhân đức, chân thành và trong sáng. Thầy luôn cởi mở, lắng nghe và chia sẻ, trân trọng những ý kiến khác mình… nhờ vậy mà Giáo sư luôn được mọi người kính trọng, quý mến. Thầy được đánh giá là một chính khách tài năng, là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà giáo thành công nhưng Thầy lại sống rất giản dị, khiêm tốn, gần gũi.
Từ phải qua: PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Tấn Phát (nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Trần Mai Đông (con trai cả của cố GS.TS. Trần Hồng Quân), nhà văn Trần Quốc Toàn, MC-nhà văn Phương Huyền tại buổi giao lưu, ra mắt sách.
Giờ đây Thầy đã đi xa, nhưng những công lao của Thầy sẽ luôn được ghi nhớ, những giá trị Thầy để lại sẽ mãi còn. Và chắc chắn trong cuốn Hồi ký “Đã là thuyền phải ra khơi” được ra mắt hôm nay sẽ đem lại cho mỗi chúng ta và các thế hệ sau những thông điệp ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu hơn về Thầy, về tình hình quê hương đất nước, ngành giáo dục trong những hoàn cảnh khác nhau, để chúng ta thêm tin yêu và quyết tâm hành động vì cái chung và vì cuộc sống tốt đẹp".
Nhà văn Bích Ngân tặng bức tranh mang tên cuốn sách "Đã là thuyền phải ra khơi" của Bùi Quang Lâm cho phu nhân cố GS.TS Trần Hồng Quân
Nguồn: MINH ANH (Khoa học phổ thông online).