- Góc nhìn văn học
- Cái “Chuẩn” hình thức sách văn học
Cái “Chuẩn” hình thức sách văn học
PHẠM KHÁNH DUY
Đối với “đứa con tinh thần” của người cầm bút, diện mạo của nó rất quan trọng. “Diện mạo” ở đây, hiểu theo nghĩa đen, chính là bìa của tác phẩm.
Vì sao lại có người khi in sách lại chăm chút cho bìa đến như vậy, thậm chí phải thay đổi nhiều lần, toàn bộ hoặc một vài chi tiết trên bìa, phông chữ hoặc màu sắc? Bởi bìa sách không đơn giản chỉ là hình thức bên ngoài mà còn toát ra tinh thần bên trong quyển sách. Như chúng ta luôn chọn cho mình bộ trang phục chẳng những đẹp mà còn phải phù hợp, đồng thời toả ra khí chất con người; thì quyển sách cũng cần được chú trọng đến chiếc bìa bên ngoài để tạo ấn tượng ban đầu đối với độc giả, mang tính thẩm mỹ và phần nào giúp tác giả chuyển tải thông điệp cốt lõi từ trong những dòng viết công phu, tâm huyết.
Ở bất kỳ thời đại nào, trong quá trình xuất bản sách, khâu trang trí bìa sách cũng được tác giả và nhà xuất bản đặc biệt chú trọng. Thời hiện đại, khi đã có sự hỗ trợ của những thiết bị khoa học kỹ thuật, vi tính, các phần mềm đồ hoạ, trang trí… việc có một chiếc bìa ấn tượng không phải là chuyện quá khó khăn. Tưởng chừng vấn đề bìa sách đơn giản và chẳng có gì để đem ra tranh luận hay bày tỏ quan điểm riêng, nhưng không, với nhu cầu thể hiện “cái tôi” - bản ngã của người cầm bút, nhiều quyển sách văn chương (truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn, thơ…) lại có diện mạo không phù hợp, thậm chí phi thẩm mỹ. Liệu rằng, có cái “chuẩn” nào đó cho những chiếc bìa của dòng sách văn chương hay không? Hay ai cũng có thể yêu cầu một chiếc bìa theo đúng ý mình, với lý lẽ: đó là sách của mình thì việc chiều chuộng bản thân vẫn là điều quan trọng nhất?!
“ĐẸP MÀ KHÔNG ĐẸP”
Trong những năm gần đây, trên thị trường sách Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các bìa sách không phù hợp, hay nói một cách nhẹ nhàng hơn là “đẹp mà không đẹp”. Thực tế, con người thời đại hôm nay đã dần cởi mở, phóng khoáng hơn nhiều. Vấn đề riêng tư, dung tục, tính dục… chẳng còn là xa lạ hay khiến con người phải “đỏ mặt tía tai” nữa, thậm chí có người còn hứng thú, tò mò với những điều đó. Nắm bắt được thị hiếu của một bộ phận độc giả, tác giả khi in sách (thường theo hình thức tự in ấn, còn khi sách được đầu tư bởi Nhà xuất bản thì phải qua quá trình kiểm duyệt kỹ càng, từ nội dung đến khâu vẽ bìa, in ấn) thường trang trí bìa sách theo phong cách gợi tình, phô bày vẻ đẹp của cơ thể, mang tính phồn thực cao độ. Năm 2010, tiểu thuyết Sợi xích của LKN ra đời, với một diện mạo rất sex. Tiểu thuyết này chẳng những mô tả tính dục một cách thô tục, kém văn hoá mà còn có diện mạo chẳng khác gì minh hoạ của những trang web khiêu dâm. May mắn là sách đã ngưng phát hành sau khi gây ra những ồn ào dư luận. Nude tình yêu của VHT, Sex và những thứ khác của TP… cũng có diện mạo tương tự như vậy. Dẫu rằng ngày nay, viết về tính dục là điều bình thường, tính dục trở thành một lý thuyết hẳn hoi trong lĩnh vực phân tâm học. Tuy nhiên, không phải cứ bất kỳ tác phẩm nào có đề cập đến yếu tố dục cũng cần phải có diện mạo mô phỏng “vùng cấm”, “da thịt” của con người, đặc biệt là phụ nữ.
Có nhiều nguyên do khiến cho những chiếc bìa sách văn học xuất hiện, trà trộn và làm “bẩn” đi bầu không khí trong lành của văn chương. Một trong những nguyên nhân quan trọng, mang tính thực dụng nhất là “câu” độc giả. Những tác phẩm đó bỗng nhiên trở thành một món hàng rẻ tiền có diện mạo được vẽ vời hình ảnh mô phỏng những chỗ nhạy cảm, xác thịt của người phụ nữ, đậm chất khiêu gợi chỉ để thu hút công chúng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thực tế thì giá trị của văn chương không nằm ở bìa sách (dù bìa sách là phần quan trọng phản ánh tinh thần của tác phẩm, cái vỏ bọc của “đứa con tinh thần” - niềm tự hào của người cầm bút). Giá trị văn chương nằm ở những gì mà tác giả viết bên trong quyển sách, ở tinh thần nhân văn, nhân đạo, góc nhìn của người viết về cuộc sống và con người, những thông điệp cao quý được người nghệ sĩ gửi gắm. Đã từng có rất nhiều tác phẩm, mặc dù chất chứa rất nhiều yếu tố tính dục (tất nhiên là tính dục nhân văn chứ không thô thiển, tục tĩu) nhưng không cần phải cài cắm sex vào bìa sách cũng trở thành tác phẩm được mong đợi, được đón nhận và công nhận giá trị. Có thể kể đến I am Đàn bà (Y Ban) - bản in năm 2019 của Nhà xuất bản Phụ Nữ, Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) - bản in năm 2017 của Nhà xuất bản Trẻ, Miền hoang (Sương Nguyệt Minh) - bản in năm 2014 của Nhà xuất bản Trẻ, Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú) - bản in năm 2012 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn… Đó là minh chứng cho sự thu hút của tác phẩm nằm ở cái lõi bên trong chứ không phải thông qua những trò câu khách bằng một chiếc bìa giật gân, khiêu gợi.
SÁCH VĂN HỌC CHỨ KHÔNG PHẢI TẠP CHÍ THỜI TRANG!
Giữa bối cảnh “nhà nhà in sách, người người in sách”, chỉ cần viết được vài dòng, mặc dù cẩu thả, lỏng lẻo và có điều kiện kinh tế thì mỗi người đều có thể sở hữu cho mình quyển sách riêng, đôi khi bị đánh tráo khái niệm là “tác phẩm văn học”. Thông thường, nếu không thể liên kết xuất bản hoặc được các Nhà xuất bản, Công ty phát hành sách đầu tư in ấn thì tác giả có thể tự bỏ kinh phí ra để in ấn bản thảo thành sách. Hình thức in ấn đó thường “dễ thở” hơn, tác giả cũng có quyền thiết kế bìa, trang trí sách theo sở thích, cá tính riêng của mình. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều quyển sách văn học chẳng khác gì một quyển tạp chí thời trang ra đời.
Vì sao gọi những quyển sách đó là tạp chí thời trang trá hình? Bởi trong sách, tác giả cố tình đưa vào những hình ảnh thuộc cá nhân của mình, đó là chưa nói đến trong số hình ảnh đó có cả những tấm hình không phù hợp, nói đúng hơn là hở hang, khoe khoang cái đẹp của xác thịt. Là sách văn học nhưng chữ ít hơn hình, nhìn vào chỉ thấy những màu rối rắm, thấy chân dung tác giả “thả dáng” trên trang sách, còn chữ thì hoàn toàn “lép vế”. Nghệ thuật và cái đẹp không có biên giới, nhưng phải đúng chuẩn mực và phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tất nhiên việc đưa hình ảnh cá nhân vào sách thì không vi phạm pháp luật hay ảnh hưởng đến một ai, nhưng khi đã xác định mình là một tác giả sáng tác văn chương, in sách văn học và để cho “đứa con tinh thần” của mình sống trong bầu không khí văn học nước nhà thì người nghệ sĩ cần ý thức được thế nào là phù hợp và không phù hợp. Những quyển sách như thế, có thể lấy lòng được những người có cùng niềm đam mê, sở thích “thời trang” hoặc tôn sùng vẻ đẹp của người phụ nữ mà bất chấp sự lố lăng, thô thiển; nhưng khó có thể tạo được ấn tượng tốt đối với những người yêu văn chương thực sự, nghiêm túc với văn chương và xem văn chương là môi trường trong lành không có chỗ cho những khoe khoang đời tư, phô diễn hình thể.
VĂN CHƯƠNG CẦN HƠN NHỮNG TINH HOA
Văn chương cần hơn những tinh hoa, sự sáng tạo, góc nhìn mới mẻ của người nghệ sĩ, sự bứt phá thoát khỏi giới hạn vốn có của bản thân để đưa ra những trang văn có giá trị cao. Văn chương không phải là mảnh đất để người ta tự do dùng chiêu trò “câu khách”, càng không phải là môi trường để tác giả PR bản thân, khoe mẽ, thể hiện niềm đam mê bất tận những phồn thực thô thiển, kém văn hoá. Ý thức được điều đó, một bộ phận tác giả sẽ biết cách tiết chế bản thân, kìm chế sở thích cá nhân và tuân theo những “cái chuẩn ngầm” của một quyển sách văn học, để sách văn học sẽ đúng “chuẩn” là sách văn học chứ không phải là tạp chí thời trang, poster phim hay mang bóng dáng của những “web đen” phi thẫm mĩ. Sáng tác được một tác phẩm thật đáng quý, vì thế, hãy khoác lên “đứa con tinh thần” của mình một tấm áo vừa đẹp, vừa phù hợp, vừa nhân văn chứ đừng dìm chết đứa con ấy chỉ bằng cái vỏ bọc thiếu đứng đắn bên ngoài hay những hình ảnh lố lăng, kém tinh tế ở trong sách.
Nguồn Văn nghệ số 21/2023