- Trách nhiệm nhà văn
- Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
(Mời click vào logo trên đây để truy cập chuyên mục)
KIỀU BÍCH HẬU
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Các tổ chức và cá nhân ở ta có rục rịch làm, bằng nhiều cách khác nhau, nhưng kết quả rất hạn chế. Nhưng may mắn thay, qua ba năm chuẩn bị, Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội đã có được một cuộc mở đầu khá ngoạn mục trong việc hỗ trợ xuất bản sách của các tác giả Việt ở nước ngoài trong năm 2022.
Còn nhớ đầu năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đến dự Lễ trao Giải thưởng Tác giả trẻ tại Hội Nhà văn Việt Nam, đã động viên Hội nhà văn nên đẩy mạnh việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, và còn cần nghĩ tới giải Nobel văn học nữa. Suy nghĩ táo bạo về giải Nobel cho nhà văn Việt Nam của Chủ tịch nước khiến giới văn học xôn xao. Tuy nhiên, đã có một vài đề án quảng bá văn học, cụ thể là dịch và xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở nước ngoài, được đề xuất Nhà nước cấp kinh phí chừng vài chục tỷ, cho đến nay vẫn chưa được duyệt, nên các cuốn sách có sự tham gia hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, vẫn chỉ ở dạng hợp tuyển thơ, văn với một số quốc gia khác.
Năm 2021, cố vấn của Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Hữu Thỉnh có đề nghị tôi lên khung kinh phí dịch và xuất bản 50 đầu sách văn học Việt Nam, với mức kinh phí 20 tỷ đồng. Tôi đã dự thảo cho ông bản kế hoạch kinh phí ấy, ông nói rằng sẽ giúp BCH Hội nhà văn Việt Nam xây dựng đề án trình Chính phủ cấp kinh phí đầu tư dịch và xuất bản sách văn học. Tuy nhiên, đề án mà ông nói đến, hiện nay vẫn trong quá trình chuẩn bị trình duyệt.
Có một số nhà xuất bản như Nhà xuất bản Phụ nữ, và một số công ty sách tư nhân cũng đã tìm cách giới thiệu sách Việt Nam ra nước ngoài khi họ đi dự những Hội chợ sách quốc tế, nhưng vẫn chưa có kết quả. Ví dụ Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2021 chỉ xuất bản được cuốn “Chúa đất” ở Hàn Quốc, nhưng cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ HansaeYes24 của Hàn Quốc. Năm 2022, Nhà xuất bản này cũng chưa bán được bản quyền cuốn sách văn học Việt Nam nào ra quốc tế.
Trở lại với Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, sau 3 năm nỗ lực chuẩn bị kết nối với các nhà xuất bản, biên tập viên, dịch thuật tác phẩm, trong năm 2022, 17 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, tập thơ, truyện ký, tập ký của các tác giả Việt Nam như: Xuân Đức, Trần Quang Đạo, Phan Hoàng, Nguyễn Đình Tâm, Trần Thu Hà, Trình Quang Phú, Phạm Thị Phương Thảo, Hồ Hữu Việt, Bàng Ái Thơ, Trần Thị Nương, Lại Hồng Khánh, Nguyễn Trọng Luân, Đặng Huỳnh Thái, Nhóm HFT, Bonie Mae,… đã được xuất bản ở nước ngoài. Đây là con số vượt trội hơn hẳn so với chỉ 3 đầu sách thơ mà Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội thực hiện xuất bản ở nước ngoài trong năm 2021.
Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Ảnh: Lê Việt
Một số đầu sách do Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội hỗ trợ dịch và xuất bản ở nước ngoài
Bên cạnh đó, với sự kết nối bền chặt, tình cảm của Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội với các nhà thơ, nhà văn, biên tập viên của Hy Lạp, Uzbekistan, Nga, Romania, Ý, Kyrgyzstan… nên hơn trăm tác giả Việt Nam đã được dịch chùm thơ, truyện ngắn và đăng tải rộng rãi, liên tục trên các tạp chí văn học, các nền tảng văn học uy tín quốc tế. Hơn 10 tác giả Việt Nam đã được đề cử vào giải thưởng văn học thế giới mang tên “Rahim Karim World Literature Award 2022” bởi các tác phẩm giá trị được giới thiệu trên văn đàn quốc tế. Dù chỉ là những tác phẩm lẻ được đăng tải trên báo chí, trang điện tử của các tổ chức văn học quốc tế, nhưng cũng đã tạo sự lan tỏa tích cực, khiến bạn đồng nghiệp và độc giả thế giới biết đến tên tuổi tác giả Việt Nam và bước đầu thưởng thức tác phẩm của các tác giả đó. Về phần các tác giả Việt Nam, thì cũng rất phấn khởi khi thấy rằng tác phẩm của mình đã được chào đón ở phương trời khác, vượt qua được những thang bậc đánh giá nước sở tại để hiện diện trên mặt báo chí quốc tế, ngang hàng với các nhà văn, nhà thơ nước ngoài. Điều đáng ngạc nhiên, là khi đã biết đến các tác phẩm và tác giả Việt Nam, hầu hết các nhà văn, nhà thơ nước ngoài rất thích kết nối và trò chuyện trực tiếp với tác giả Việt Nam. Họ chủ động mời các tác giả Việt Nam tham gia gửi tác phẩm để in trong các hợp tuyển thơ, văn, tham gia các liên hoan thơ và xét các giải thưởng. Tuy nhiên, do năng lực ngoại ngữ của nhiều nhà văn còn hạn chế nên không chủ động tự tương tác với bạn được, mà phải nhờ cậy vào Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội hỗ trợ để có thể hội nhập sân chơi văn học quốc tế.
Có lần, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhắn tin cho tôi, nói rằng sau khi tạp chí văn học uy tín của Hy Lạp – Polis đăng bài phỏng vấn chị, thì có nhà văn phương Tây tên Ahdez Felipe (Mexico) chủ động liên hệ tới chị, đề nghị chị gửi hai bài thơ chủ đề hòa bình, để tham gia trong tập hợp tuyển thơ thế giới về chủ đề hòa bình. Do không thạo tiếng Anh, nên lúc đầu chị định không tham gia. Sau khi tôi khuyến khích chị, thì nhà văn Võ Thị Xuân Hà đổi ý, chị cho biết, chị đã sáng tác hàng trăm bài thơ! (chính điều này cũng khiến tôi ngạc nhiên) Chị sẽ chọn thơ phù hợp để gửi vào hợp tuyển do nhà thơ Ahdez Felipe mời. Tôi tin rằng khi các nhà văn, nhà thơ Việt Nam mạnh dạn chủ động kết nối với bạn văn quốc tế, nỗ lực tìm kiếm cách đưa tác phẩm của mình đến với thị trường văn học thế giới, thì thế giới sẽ biết đến văn học Việt Nam, chứ không cần chờ đến khi Việt Nam đủ giàu có để có thể đầu tư quỹ quảng bá văn học mạnh như Hàn Quốc.
Qua thực tế đã xuất bản hai mươi đầu sách ra nước ngoài trong hai năm 2021-2022, chúng tôi nhận thấy rằng, để có một cuốn sách được xuất bản ở nước ngoài, sự đầu tư không phải quá lớn. Nếu mỗi nhà văn, nhà thơ thay vì in thêm hai tập sách trong nước, hãy đầu tư xuất bản một cuốn sách ở nước ngoài, thì chúng ta sẽ có tới cả ngàn cuốn sách vượt qua biên giới quốc gia để đến với bạn bè năm châu. Tâm hồn, tình cảm người Việt sẽ được bạn bè quốc tế thấu hiểu và có thiện cảm. Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam từng nói trong một lần ông tiếp bạn văn Hàn Quốc: “Người Việt Nam cảm nhận đất nước và con người Hàn Quốc qua các con đường như: chính trị, ngoại giao, ẩm thực, thời trang, giáo dục, kinh tế,… Nhưng chính văn học của các bạn lại giúp người Việt Nam tin tưởng hoàn toàn vào người Hàn Quốc.” Như vậy đó, nếu muốn quốc tế thực sự tin tưởng và dành thiện cảm cho Việt Nam, thì chỉ bằng con đường ngoại giao văn học, mới có thể làm được một cách bền vững.