TIN TỨC

Trở về Trường Sơn || Ký của Võ Thu Hương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-27 08:03:22
mail facebook google pos stwis
958 lượt xem

VÕ THU HƯƠNG

Được đến thành cổ Quảng Trị, bước chân trên dải Trường Sơn, chui địa đạo Vịnh Mốc, thăm Khe Sanh, Làng Vây, xứ Huế - những vùng đất, địa danh nổi tiếng trong thơ ca, nghệ thuật. Trường Sơn không chỉ là điểm đến, đó là dấu ấn sâu sắc trong tim. Chính vì thế, với nhiều nghệ sĩ lớn tuổi đến Trường Sơn là về lại chiến trường, con đường xưa từng đi qua. Với những nghệ sĩ trẻ tuổi, dẫu chưa một lần bước chân trên dải đất thiêng của Tổ quốc vẫn mang cảm giác trở về khi được đặt chân, tận mắt nhìn ngắm dáng hình vùng đất đã thuộc nằm lòng trong từng khúc ca, trang sách.


Văn nghệ sĩ TPHCM tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Trường Sơn trong tim

Từ 07/11 đến 10/11, đoàn văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau trải nghiệm hành trình Về nguồn Âm vang Trường Sơn. Hơn 70 văn nghệ sĩ tham gia hành trình này đều cho rằng, đây là hành trình thiêng liêng, ý nghĩa. Đến thành cổ Quảng Trị rơi nước mắt khi nghe chuyện về mùa hè đỏ lửa, bước chân trên cây cầu giới tuyến, vẳng nhớ “Câu hò bên bến Hiền Lương”, chui địa đạo Vịnh Mốc nghe kể chuyện về vùng đất anh hùng, nhịp nôi vẫn đong đưa trong tiếng rền bom đạn, sự sống chưa bao giờ bị hủy diệt, bám sâu trong lòng đất để giữ đất, giữ làng, tiếp lương cho Cồn Cỏ kiên trung. Và đặc biệt, bước chân lên đồi Tà Cơn, ngắm dòng sông Dakrong mùa nước biếc, Làng Vây, Đường 9 - những địa danh trên dải Trường Sơn đã đi vào lịch sử, nghệ thuật tưởng như huyền thoại.  

Cảm xúc trào dâng khi Anh Bằng hát Linh thiêng Việt Nam với dàn đồng ca đặc biệt - có nhiều ca sĩ tên tuổi như Thanh Thúy, Thế Vĩ… Đêm Trường Sơn trở nên linh thiêng, ấm áp hơn khi những nghệ sĩ cùng được nghe quản lý nghĩa trang kể về cây bồ đề huyền thoại đã đến và ôm tượng đài như núi rừng che chở các anh. Sau đêm nhạc ở nghĩa trang Trường Sơn, dưới ánh trăng 16 vằng vặc, những nghệ sĩ cùng nhau đi thắp nhang, đốt lên hàng nghìn ngọn nến; cùng ôm đàn, nắm tay, bá vai nhau hát ca dọc theo những khu mộ. Nước mắt mẫn cảm của những nghệ sĩ cùng rơi, giọng nghẹn đi khi hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Chiếc gậy Trường Sơn, Sợi nhớ sợi thương… Những khúc hát dành tặng những người nằm xuống - “những người làm nên Đất Nước” như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết.

Với NSUT Lê Thiện, trở lại Trường Sơn chính là trở lại chiến trường xưa, nơi người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, mang lời ca, tiếng hát, điệu múa của mình đến với những chiến sĩ cảm tử. Ngoài 20, nghệ sĩ Lê Thiện đã gửi con gái cho bạn bè nuôi để góp sức mình khi Tổ quốc cần. Trong buổi giao lưu ở nghĩa trang Trường Sơn, bà đã hát lại những câu vọng cổ ngọt ngào về cây trái, tình người Bến Tre, Đồng Nai hát thuở ngoài hai mươi, bà cũng đi dọc những hàng bia mộ, nói với anh linh liệt sĩ: “Có đồng chí nào từng nghe tôi hát ở mảnh đất này nằm ở đây không? Xin các anh, cùng nghe tôi hát…”. Và tiếng đàn Ta lư, bên kia cầu Hiền Lương được cất lên đầy xúc động.

Đầu những năm 70, khi Trường Sơn còn rực lửa, Lê Thiện đi vào chiến trường với tên gọi thân thương các chiến sĩ dành cho mình: “chị Hiền” - tên một nhân vật cô biểu diễn trên chiến trường, hoặc “cô gái có làn da trắng ơi”. Đó là những tên gọi thân thương nhất mà nghệ sĩ tuổi gần 80 nhắm mắt lại vẫn hình dung ra tựa như ai đó vừa gọi mình.

Ca sĩ Ngọc Linh, thần tượng một thời của thế hệ 8X khiến những bạn bè, anh chị văn nghệ sĩ rơi nước mắt khi kể về chuyện riêng của mình mang theo trong hành trình về Trường Sơn. Cách đây vài tuần, chị đã cạo đầu để nguyện cầu cho mẹ của mình vượt qua được nguy nan. Khi đến Trường Sơn, chị đã hát hang tiếng bên những ngôi mộ liệt sĩ, cầu mong anh linh liệt sĩ phù hộ điều duy nhất dành cho mẹ - cũng là một người lính hy sinh tuổi xuân cho chiến trường. Và thật kỳ diệu, ngày hôm sau, bác sĩ báo tin, khối u của mẹ lành tính.

“Đến nơi đang cần chúng ta”

Đó là tên một bài hát của nhạc sĩ Võ Hoài Phúc, cũng là tinh thần mà những nghệ sĩ trong hành trình này mang theo. Hẳn là buổi biểu diễn khó quên khi đến cửa khẩu Lao Bảo, khi các bạn nghệ sĩ trẻ tuổi đôi mươi được cùng nhạc sĩ “lão làng” Phạm Minh Tuấn cùng hát Cháu lên ba với những phụ nữ lưng còn mang gùi, những em nhỏ ánh mắt ngơ ngác, lạ lẫm và sáng lên khi nhìn người nghệ sĩ. 85 phần học bổng (mỗi phần 1 triệu đồng) là con số ý nghĩa với đoàn 85 người cùng nhau tham gia hành trình này.

Buổi biểu diễn ở trường Hướng Hóa bị chậm lại khi một chiếc xe tải gây tai nạn nằm chắn ngang đường. Xe chở đoàn nghệ sĩ phải dừng lại. Những nghệ sĩ trẻ bắt xe ôm chạy đến trường trước để học sinh không phải đợi quá lâu. Trịnh Trúc Linh (THPT Hướng Hóa) cho biết, đây là kỷ niệm đặc biệt vì lần đầu em được gặp những thần tượng của mình, những người tưởng chỉ có thể nhìn thấy trên tivi nhưng lại được cùng hát, múa.

“Đến nơi đang cần chúng ta” không chỉ là ca khúc các nghệ sĩ biểu diễn ngày hôm ấy, mà là mệnh lệnh từ trái tim những người nghệ sĩ hôm nay. Rất nhiều nghệ sĩ trong đoàn từng ôm bình oxy, bê gạo, phát rau, hỗ trợ người dân chống dịch trong những ngày đỉnh dịch Covid, và hôm nay họ đến những ngôi trường vùng sâu xa, biên giới Tổ quốc để cất lên tiếng lòng yêu thương, trách nhiệm của mình.

Những tác phẩm cả được chuẩn bị kĩ từ trước lẫn những tác phẩm ngẫu hứng mà các nghệ sĩ múa, ca sĩ, nhạc sĩ cùng biểu diễn không chỉ gây ấn tượng, xúc động với giáo viên, học sinh, chiến sĩ, đồng bào,… mà còn với cả chính những nghệ sĩ chung đoàn. Đơn giản vì, họ đã hát và múa bằng sự yêu thương, nhiệt tình từ trái tim mình.


Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn.

Chuyến đi nhiều cảm hứng

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể, gần 40 năm ông trở lại Trường Sơn, ở tuổi ngoài 80. Ở chuyến đi lần đầu, năm 1974 đi từ Nam ra Bắc để học Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, ông đã có cảm hứng sáng tác Đường tàu mùa xuân. Khi ấy còn quá trẻ để có thể sáng tác những tác phẩm ưng ý nhưng đã có cơ hội giữ những chất liệu, cảm hứng quý để gần mười năm sau viết nên Đất nước, Bài ca không quên, Khát vọng… Chuyến đi đặc biệt này chắc chắn sẽ mang lại cho ông nhiều cảm hứng để tiếp tục sáng tác. Đó là lí do ông muốn được trở lại con đường xưa mình từng đi, dù hàng ngày, ở tuổi 80, nhạc sĩ nổi tiếng vẫn phải uống từng vốc thuốc.

Sùng A Lùng, Hội nghệ sĩ Múa được các em học sinh trường THPT Hướng Hóa nhận ra và cùng đồng thanh gọi tên khi đoàn nghệ sĩ đến thăm trường. Nghệ sĩ trẻ xúc động với một chuyến đi đầy cảm xúc: “Ở mỗi điểm dừng đều đem lại cho tôi một cảm xúc khó tả, bi thương, mất mát, đau xót, tự hào, lòng biết ơn,... trước những hy sinh của thế hệ cha anh đã dùng cả xương máu mình đổi lại dải đất hình chữ S trọn vẹn hôm nay. Tôi thực sự cảm động với những nghệ sĩ lớn tuổi - cũng chính là thế hệ đã trải qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, đồng thời là hoạt náo viên, hướng dẫn viên, còn là nhân chứng sống truyền cảm hứng đến những nghệ sĩ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình, để lớp trẻ hiểu bài học thiêng liêng, ý nghĩa mà gần gũi, biết rằng hoà bình hôm nay không dễ có, để biết rằng một dải chữ S này đã được xây nên bởi tình yêu, xương máu của những thế hệ đi trước; để lớp trẻ thêm yêu và phát huy hơn nữa những điều tốt đẹp ấy. Sau chuyến đi, hy vọng những nghệ sĩ sẽ có thật nhiều ý tưởng sáng tác những tác phẩm thật hay để quảng bá đến đông đảo khán giả.”

Khép lại một chuyến đi Về nguồn in dấu trong tim, điều đọng lại nhất là những thấu cảm và sẻ chia trên suốt hành trình thiêng liêng mà người nghệ sĩ nhận được. Để từ đó, trên con đường sáng tạo của họ, có thêm sự sâu sắc, như ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, trưởng đoàn Về nguồn Âm vang Trường Sơn chia sẻ ở Nghĩa trang Trường Sơn: “Hành trình Về nguồn Âm vang Trường Sơn của chúng ta hôm nay như một nhịp cầu để mỗi chúng ta hồi ức về một quá khứ hào hùng, về một thời đạn bom đau thương mà oanh liệt, khắc sâu vào tâm khảm chúng ta về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm nào không bao giờ chúng ta có thể quên. Hành trình Về nguồn này đưa chúng ta về lại nơi đây, để cảm nhận, thấu hiểu những bài học lịch sử trong từng thớ đất, con người, trong từng ngọn cỏ, cành cây. Bàn chân, đôi mắt của ta đã chạm vào dấu tích lịch sử để chúng ta có thêm lắng đọng giữa những ngày vội vã, để se lòng tưởng nhớ những người con của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ thân yêu. Có lẽ trong lòng mỗi chúng ta là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước, tình yêu từng tấc đất quê hương".


Trước nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ (TP. Huế).

Và chuyến hành trình này sẽ giúp cho mỗi chúng ta cảm nhận được giá trị vĩnh cửu và to lớn của hòa bình; cảm nhận được niềm khao khát hòa bình là một chân lý có tự bao đời; và cảm nhận được hòa bình mà chúng ta có được hôm nay đã được giành giữ bằng trái tim kiêu hãnh của một dân tộc kiên cường. Từ đó, sẽ tiếp thêm sức mạnh để mỗi chúng ta có thêm niềm tin son sắt vào con đường mà chúng ta đã chọn.”

(Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 50, ngày 17/11/22)

Mời đọc các bài viết cùng chủ đề:

Bài viết liên quan

Xem thêm
Giá trị bất biến của báo chí cách mạng
Nguồn: Báo Văn nghệ số ra ngày 22/6/24
Xem thêm
Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm
Bài đăng báo Văn nghệ số 22, ngày 01/6/2024
Xem thêm
Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 10/2024
Xem thêm
Nghĩ về chuyện “làm gương” và “nêu gương”
Bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024)
Xem thêm
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư về đội ngũ văn nghệ sỹ
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023)
Xem thêm
Xây dựng lối sống đẹp trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Ban Tuyện giáo tổ chức vào ngày 6/6/2023
Xem thêm
Nhà văn Trình Quang Phú và những sáng tác về Bác Hồ
Chuyên đề Những câu chuyện đẹp của HTV
Xem thêm
Hậu trường đối ngoại văn chương
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Xem thêm
Cuộc gặp chiều cuối năm
Của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TPHCM với lãnh đạo Văn học Nghệ thuật TPHCM
Xem thêm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Xem thêm
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. 
Xem thêm
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem thêm
Khi giáo viên các trường phổ thông kêu cứu…
Các giáo viên lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực ra mỗi ngày đến trường là một ngày lo đối phó, thậm chí là sợ hãi, dẫn đến tình trạng họ chọn cách làm việc thúc thủ, giao việc gì làm việc ấy, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân… Khi giáo viên mất động lực làm việc, như người mất sinh khí, dẫn đến tình trạng dạy, học và các hoạt động khác của nhà trường như người ngái ngủ, lờ đờ, mệt mỏi, chán nản…
Xem thêm