TIN TỨC

Tiếng nói nhà văn: Chợ nổi đang có nguy cơ… chìm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-06-17 20:32:32
mail facebook google pos stwis
590 lượt xem

Bài đăng chuyên mục Tiếng nói nhà văn (Tuần báo Văn nghệ, số 22, ngày 01/6/24)

Nhà thơ NGUYÊN HÙNG
 


Tọa đàm về chủ đề chợ nổi do VOV giao thông chủ trì (trên tàu Marguerite, ngày 19/4/2024).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, đúng nghĩa là những mạch máu giao thông của miền đất “gạo trắng nước trong”, luôn tấp nập xuồng ghe... Do vậy, sự hình thành những chợ nổi trên những khúc sông “đầu mối” là để thỏa mãn nhu cầu thiết thực cho sự đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương, đồng thời là nét sinh hoạt đặc sắc, hấp dẫn du khách muôn phương. Đó là lý do ra đời của các chợ nổi, trở thành một nét văn hóa độc đáo của đất và người miền Tây Nam Bộ.

Dân “thương hồ” là lực lượng chính của các chợ nổi. Qua bao thăng trầm, những người thương hồ vẫn song hành cùng đời sống của bà con miền Tây Nam Bộ. Với đời thương hồ, chiếc ghe không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là mái nhà, là nơi chốn đi về của cả gia đình. Và chợ nổi chính là xóm làng của họ. Có thể khẳng định rằng, các chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ trong một thời gian dài đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của nơi đây bởi những hình ảnh sinh động của cảnh trên bến dưới thuyền, tàu ghe dập dìu với đủ các loại nông sản và trái cây của miệt vườn. Bởi vậy, miền Tây Nam Bộ có nhiều chợ nổi đã trở thành “thương hiệu” lâu đời.

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng rất lớn của quá trình đô thị hóa và nông thôn mới, nên hầu như các thương lái không còn có nhu cầu mua bán qua chợ nổi, điều đó dẫn đến việc nhiều chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày mỗi vắng vẻ và “teo tóp” dần. Văn hóa chợ nổi đang có nguy cơ chìm dần là một thực trạng đáng suy ngẫm. Nhiều chợ nổi lừng danh một thời như Cái Bè (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang)… đã không còn hoạt động. Đến như một chợ nổi vốn rất “nổi” như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, mà hiện nay cũng chỉ còn chưa tới vài trăm ghe thuyền và được duy trì chủ yếu nhờ ngân sách của chính quyền địa phương nhằm duy trì một di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đã được xếp hạng năm 2016. Cảnh tấp nập người mua kẻ bán, thuyền ghe san sát, rậm rịch mỗi ban mai và khách du lịch dập dìu tham quan ở các chợ nổi chỉ còn là dĩ vãng...

Trước thực trạng trên đây, có người chua xót kêu rằng “Chợ nổi đang hoạt động như một xác sống. Hiện tại nó không tồn tại một cách tự nhiên nữa. Đường cao tốc dài ra, đường sông sẽ ngày càng ngắn lại. Người ta xây bờ kè, làm con đường chạy dọc theo bờ kè khiến chợ nổi ngày càng tồn tại khó khăn hơn…”. Lại có người cho rằng, “Chợ nổi ngày xưa là của thương hồ, của người dân làm ra sản phẩm đem ra buôn bán, trao đổi hàng hoá. Còn bây giờ, chợ nổi hoàn toàn dành cho du lịch và cách sắp xếp chợ nổi ngày xưa không còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa. Mặt khác, bây giờ phức cảm dòng sông và quê kiểng miệt vườn của người trẻ không còn nữa thì giá trị văn hoá của chợ nổi cũng mai một dần. Đó là những lý do chính khiến chợ nổi đang có nguy cơ chìm dần...”.

Sẽ là một mất mát rất lớn nếu một ngày nào đó, khách muôn phương quay lại miền Tây, không còn được thấy cảnh mua bán sinh động và vui mắt trên sông rạch của người dân nơi đây; mặt dù lúc đó chức năng mua bán - trao đổi của chợ nổi đã không còn thiết yếu nữa. Nhưng đó là không gian văn hóa gắn liền với lịch sử vùng đất, là di sản quý giá cần được gìn giữ, bảo tồn. Theo các chuyên gia, việc bảo tồn chợ nổi phải bảo đảm hài hòa lợi ích của thương hồ - nhà nông - du khách - nhà nước; đặc biệt phải quan tâm bài toán bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội. Từng có ý kiến “phản biện” rằng:  Chợ nổi ở đâu sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm ở khúc sông đó, bởi bao nhiêu chất thải đều xả trực tiếp xuống dòng sông. Những chiếc thuyền của người dân khu chợ nổi sinh sống chụm vào nhau trông thì rất đẹp, rất nên thơ, nhưng ở đó trẻ con không đi học được, người ốm đau khó khăn đến bệnh viện. Vì vậy, nếu nó tự mất đi, nghĩa là người dân không cần nữa.

Quan điểm trên đây thoạt nghe có vẻ “thiết thực”, nhưng đó chỉ mới là nhìn nhận từ một phía, một chiều. Từ bao đời nay, người miền Tây Nam Bộ đã gắn chặt đời mình với những dòng sông mênh mông sóng nước. Sông nước đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, đi vào thơ, ca, nhạc, họa... như một hình ảnh thiêng liêng, một tình yêu máu thịt với cuộc sống đời thường cũng như nếp sinh hoạt văn hóa của cư dân nơi đây. Mỗi khi nhắc đến văn hóa sông nước miền Tây, chợ nổi là một nét đặc sắc, là mảng màu nổi bật trong bức tranh quê hiền hòa, yên ả; là nét sinh hoạt kinh tế – văn hóa đặc thù của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với tinh thần bảo tồn chợ nổi ở ĐBSCL như một di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta không thể ứng xử với công tác này như đối với các dự án kinh tế, nghĩa là không thể tính toán lợi nhuận quy thành tiền. Để bảo tồn nét đặc sắc của chợ nổi, qua đó nuôi dưỡng tình yêu quê hương và phát triển du lịch, chúng ta cần có sự đầu tư thích đáng. Về điều này, chúng tôi tâm đắc với quan điểm của một chuyên gia về du lịch cho rằng, muốn phát triển chợ nổi bây giờ thì phải xem xét chợ nổi như một không gian du lịch. Phía sau không gian du lịch ấy, những người kiếm lợi sẽ trích một phần lợi nhuận tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho những người làm dịch vụ ngành du lịch. Phần khác sẽ tái cơ cấu phát triển hạ tầng cho du lịch để phát triển và nâng chất lượng sản phẩm. Và để thực hiện được vòng tròn khép kín này, không gì tốt hơn chính các nhà đầu tư du lịch tư nhân. Họ vừa xây dựng và khai thác các resort, các khu du lịch; vừa phục dựng chợ nổi, lại vừa đầu tư sản xuất các sản vật tại chỗ đem bán ở chợ nổi và các sản phẩm đặc thù khác của địa phương.

Mới đây, chúng tôi được đến thăm khu chợ nổi Tân Phong, một địa chỉ du lịch mới ở Cù lao Tân Phong, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, do Công ty du lịch Du Ngoạn Việt đầu tư phục dựng. Tại đây, chúng tôi được tham quan các vườn cây ăn trái sum suê dọc hai bờ kênh rạch, được thưởng thức hương vị của xoài, bưởi, mít, xoài… và được nghe các điệu lý cải lương Nam Bộ. Và, thật thú vị khi được chứng kiến bàn tay khéo léo của người nông dân làm nên những sản phẩm mỹ nghệ từ bèo lục bình. Các mặt hàng từ lục bình tuy đơn giản nhưng bền đẹp, là những sản phẩm thân thiện với môi trường, hiện đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính nhà đầu tư đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân ở miền sông nước, đặc biệt ở các cù lao nằm giữa các con sông, nơi điều kiện giao thương bằng đường bộ còn nhiều khó khăn.

Chợ nổi Tân Phong đang trong quá trình phục dựng và chỉ mới hoạt động trong giai đoạn “chạy thử” để chuẩn bị đưa vào khai thác, tuy nhiên chúng tôi vẫn hi vọng rằng, với cách tổ chức chuyên nghiệp; gắn kinh nghiệm truyền thống dân gian với các giải pháp khoa học hiện đại, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một mô hình cho việc phục dựng, duy trì và phát triển chợ nổi phù hợp với thời kỳ mới; đáp ứng nhu cầu mưu sinh của nhân dân địa phương và yêu cầu phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
 

Một vài hình ảnh cuộc Tọa đàm về đề tài chợ nổi do VOV giao thông chủ trì:


Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Focus Travel và Chủ tịch bến du thuyền Ana Marina


Tiến sĩ Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt.

Một góc chợ nổi Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) vừa được phục dựng.


Gia công các sản phẩm mỹ nghệ từ thân bèo lục bình khô ở khu chợ nổi Tân Phong.

Thăm Thạnh Phú (Bến Tre) và Cù lao Tân Phong (Tiền Giang)
Dựng clip: Nguyên Hùng (từ nguồn ảnh của Đoàn)
Nhạc nền: - Nhớ Phương Nam (thơ Đỗ Xuân Thu, nhạc Lê An Tuyên, Xuân Lâm thể hiện)
- Bến xưa (thơ Nguyên Hùng, nhạc Lê An Tuyên, Đăng Thuật thể hiện)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Giá trị bất biến của báo chí cách mạng
Nguồn: Báo Văn nghệ số ra ngày 22/6/24
Xem thêm
Một đòi hỏi cấp thiết của đời sống văn học
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 10/2024
Xem thêm
Nghĩ về chuyện “làm gương” và “nêu gương”
Bài viết nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024)
Xem thêm
Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ
Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 25/7 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư về đội ngũ văn nghệ sỹ
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 - 2023)
Xem thêm
Xây dựng lối sống đẹp trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do Ban Tuyện giáo tổ chức vào ngày 6/6/2023
Xem thêm
Nhà văn Trình Quang Phú và những sáng tác về Bác Hồ
Chuyên đề Những câu chuyện đẹp của HTV
Xem thêm
Hậu trường đối ngoại văn chương
Tự can đảm bước ra khỏi cái giếng cạn
Xem thêm
Cuộc gặp chiều cuối năm
Của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TPHCM với lãnh đạo Văn học Nghệ thuật TPHCM
Xem thêm
Khi nhà nước chưa thể ra tay, thì nhân dân làm
Câu chuyện quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Xem thêm
“Ngựa thồ văn hóa” và câu chuyện quảng bá văn chương Việt ra thế giới
Trong những năm qua, sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của đất nước đã tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá văn học - nghệ thuật nước ta ra thế giới. 
Xem thêm
Trở về Trường Sơn || Ký của Võ Thu Hương
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 50, ngày 17/11/22
Xem thêm
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Xem thêm
Khi giáo viên các trường phổ thông kêu cứu…
Các giáo viên lẽ ra “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực ra mỗi ngày đến trường là một ngày lo đối phó, thậm chí là sợ hãi, dẫn đến tình trạng họ chọn cách làm việc thúc thủ, giao việc gì làm việc ấy, miễn làm sao được coi là hoàn thành công việc để không bị ai “động” vào, để yên thân… Khi giáo viên mất động lực làm việc, như người mất sinh khí, dẫn đến tình trạng dạy, học và các hoạt động khác của nhà trường như người ngái ngủ, lờ đờ, mệt mỏi, chán nản…
Xem thêm