- Trách nhiệm nhà văn
- Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Lời chúc hòa bình từ các nhà văn
Ngày 2/11/2022, Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Lời chúc hòa bình” nhân kỷ niệm 27 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Tham dự chương trình có: Giáo sư, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung, chuyên gia giáo dục Viện William Joiner, Đại học Massachusetts (Boston, Hoa Kỳ); Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Duy, Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn hóa Văn Lang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật & Truyền thông Văn Lang.
Các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Duy.
Hội trường Trịnh Công Sơn được lấp đầy chỗ ngồi bởi thầy trò của Đại học Văn Lang và khách mời. Về phía Đại học Văn Lang có đông đủ ban lãnh đạo, từ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Ban giám hiệu. Các đại diện từ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh gồm nhà thơ Trầm Hương, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà văn Trần Thị Thắng, nhà thơ Dương Trọng Dật, nhà thơ Nguyên Hùng.
Ngày 11/7/1995, quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được chính thức thiết lập, nhưng từ trước đó nhiều năm, các hoạt động giao lưu văn hoá, văn học giữa các nhà văn cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam đã góp phần xây nhịp cầu hòa bình giữa hai nước. Vì thế, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, vai trò của các nhà văn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ là hết sức quan trọng. Ông nói: “Tôi cho rằng vai trò của văn học vô cùng quan trọng. Các nhà văn, nhà thơ đã phá băng mối quan hệ rất căng thẳng của hai nước thời kỳ đó. Họ đến trước sinh viên, trí thức và công chúng Mỹ để nói về nền văn hóa dân tộc và con người Việt Nam thông qua các tác phẩm cụ thể. Cả hai phía đã xuyên qua hàng rào để đi đến với nhau cùng cất tiếng về hòa bình, về nền văn hóa. Điều đó tác động rất lớn đến việc phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”.
Tại phần giao lưu, các nhà thơ đã chia sẻ những câu chuyện cảm động về giai đoạn mà các nhà văn cựu chiến binh hai nước âm thầm và bền bỉ đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhà thơ Nguyễn Bá Chung kể những chuyện vui về nhà văn Lê Lựu lần đầu tiên đến Mỹ, về những cuốn sách đầu tiên của các nhà văn Việt Nam được chọn dịch giới thiệu cho bạn đọc Mỹ; Nhà thơ Nguyễn Duy kể về số báo chào mừng quan hệ Việt - Mỹ (ngày 12/7/1995) đăng bài thơ “Khúc hát hòa bình” của ông do nhà thơ Nguyễn Bá Chung dịch bên cạnh bức ảnh của 3 nhân vật góp công lớn trong sự kiện này là Bill Clinton, John Kerry và John McCain…
Cũng tại phần giao lưu này, nhà thơ Nguyễn Duy đã chia sẻ 2 bài thơ mà ông đã từng đọc nhiều ở các diễn đàn thơ ca ở Mỹ, trong đó có những câu “Nghĩ cho cùng/Mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…” (Đá ơi – Nguyễn Duy)
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã rất xúc động khi đọc bài thơ ““Chơi bóng rổ với Việt cộng” của Kevin Bowen do chính ông dịch: “Một chiều xa trong chiến tranh/Khi chúng ta đang rạp mình phục kích/Những người đàn ông, đàn bà/Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ/Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai/Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới/Người đàn ông tóc hoa râm đi dép/Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta/Hút thuốc lá Gô-loa/Và uống bia nhãn Mỹ..”. Nhà thơ đánh giá cao những đóng góp to lớn của Viện William Joiner và dành nhiều tình cảm trân trọng cho tổ chức này cùng những người bạn Mỹ. Kết thúc phần chia sẻ của mình, ông nói: “Cuộc chiến tranh lần 1 giữa người Mỹ và người Việt Nam đã kết thúc, nhưng còn một cuộc chiến khác chưa kết thúc, đau lòng hơn, nó tác động đến lương tri hơn, bắt chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn”.
Kết thúc phần giao lưu, PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Nhà trường, đã xúc động cảm ơn các nhà thơ - diễn giả đáng kính và hy vọng được đón các nhà thơ vào những lần sau, vì theo bà, những câu chuyện của các nhà thơ Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Tô Nhuận Vỹ thực sự rất ý nghĩa và bổ ích đối với các thế hệ sinh viên hiện nay, những người chịu trách nhiệm kế tục công việc làm cầu nối văn hóa mà các chú bác đã khởi xướng và thực hiện rất thành công.
Tin: Nguyên Hùng - Ảnh: Nguyễn Hoàng.