- Trách nhiệm nhà văn
- Trọng trách giữ chuẩn chất lượng văn chương
Trọng trách giữ chuẩn chất lượng văn chương
VĂN CÔNG HÙNG
Mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi cầm tờ báo Văn nghệ in bài thơ đầu tiên của mình. Ấy là năm 1983, chiều Pleiku chạng vạng. Một chiếc xe uoat tải xịch vào sân Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum. Mấy thanh niên ngồi ở thùng xe phía sau lục tục nhảy xuống.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo báo Văn nghệ chụp ảnh lưu niệm với cộng tác viên
Ca bin là hai bác lớn tuổi, một trong hai ông ấy là giáo sư Tô Ngọc Thanh. Phía sau là các cán bộ khoa học trẻ của viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Họ vào theo lời mời của trưởng ty Văn hóa Thông tin khi ấy, chú Trịnh Kim Sung. Một người trong số ấy cầm xuống một chồng báo, chắc mang theo để đọc dọc đường từ Hà Nội vào ngót nghét nửa tuần. Tôi xin phép “điểm” qua chút và sáng mắt lên khi nhìn thấy tên tôi trong mục “thơ” giới thiệu trên trang nhất một tờ báo đã nhàu, chắc tại trên xe nhiều người đọc hoặc dùng làm nhiều việc khác. Khi thấy tôi reo lên là có bài thơ của mình thì mấy anh chị ấy cũng ngạc nhiên, bảo trên xe có đọc bài thơ này bởi họ vào để nghiên cứu văn hóa dân gian, có cồng chiêng, nhà rông và hoa văn, nên thấy hoa văn thì quan tâm…
Bài thơ Với người dệt hoa văn làm từ năm 1982, tôi viết về một cô gái Bahnar ngồi dệt hoa văn, và từ những dọc ngang xanh đỏ ấy, buôn làng của cô đổi mới, từ những tỉ mẩn sắc màu ấy, cuộc sống đi lên nhưng cô thì suy nghĩ, rằng làm sao để buôn làng cô cũng sặc sỡ như thế, lung linh như thế, dù lúc ấy cái sân nhà sàn của cô bắt đầu nhôm nhoam tối, và cô cứ ngồi như cái gốc cây ở đây ngày này sang ngày khác. Hai câu kết của bài thơ hình như tôi cho cô thở dài nhìn tấm hoa văn dệt mãi chưa xong. Nhà thơ Phạm Đình Ân trước đấy viết thư cho tôi nói: Mình sửa cho Hùng hai câu kết nhé, để thế nó buồn quá”. Hai câu kết của anh Phạm Đình Ân khiến tôi nhớ mãi: “Em như tấm hoa văn dệt khéo/ Tươi sắc màu xao động Cao Nguyên”.
Kỷ niệm đầu tiên của tôi với báo Văn nghệ là thế. Tòa soạn có địa chỉ 17 Trần Quốc Toản khi ấy trong tôi là lâu đài, là cõi huyền ảo, là nơi linh thiêng, là nơi tôi ao ước được đặt chân đến, dù chỉ một lần thôi. Hồi ấy phòng Văn nghệ của tôi ở Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum) được đặt hai tờ báo là Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội. Bao giờ tôi cũng là người đọc đầu tiên rồi mới tới người khác. Ngày báo về, bao giờ tôi cũng là người trực tiếp lên văn thư nhận báo, rồi từ phòng văn thư qua cái sân có những cây thông cổ thụ tới phòng tôi là đã kịp đọc xong trang thơ và mục... hộp thư. Thấy tên mình ở mục hộp thư là mừng rồi, là có hy vọng rồi, là khấp khởi tới... tuần sau rồi.
Bây giờ báo chí nhiều, các bạn trẻ có thể được in từ rất sớm. Thế hệ chúng tôi, có hai tờ báo văn nghệ chính thống là Văn nghệ và Văn nghệ quân đội, được in ở đấy như là sự được khẳng định, là “vua biết mặt, chúa biết tên”, là có thể ưỡn ngực khoe: “Tôi vừa có thơ in Văn nghệ đấy!”. Vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan, mà tờ Văn Nghệ hiện nay không còn ở “đỉnh cao muôn trượng” với công chúng bạn đọc nữa. Lỗi không chỉ do tờ báo, hay do ban biên tập. Mà quả là báo chí Việt Nam nói chung đang bị trùng khó khăn vây bủa. Trong “trào lưu” chung hiện nay, người ta thích đọc báo mạng, đọc truyện, thơ trên facebook hơn, mà trên không gian mạng ấy, số người ham thích đọc văn chương ít hơn rất nhiều so với những người đọc các tin, bài thuộc các đề tài khác.
Cũng không thể đòi hỏi các nhà văn vừa làm báo hay vừa làm kinh tế giỏi, vừa bán báo tốt. Nhà văn mà làm báo giỏi đã là rất hiếm rồi. Tôi cũng từng “cầm chịch” một tờ báo văn nghệ cấp tỉnh, tôi biết rõ điều đó. Làm một tập hợp các sáng tác rồi đem in nó khác, còn làm một tờ báo văn nghệ, nó là báo nhưng lại toàn văn chương, nó rất khó, rất kén bạn đọc. Để bạn đọc chấp nhận bỏ tiền mua báo là cả vấn đề. Huống gì bây giờ, không còn chế độ bao cấp báo chí, các cơ quan đơn vị vốn là khách hàng lớn của báo Văn nghệ, thì nay thường cắt tiêu chuẩn báo Văn nghệ đầu tiên. Những tờ báo chính trị xã hội thuộc loại “hot”, lâu nay bán rất chạy, giờ cũng cầm chừng; có những tờ báo số lượng phát hành rất lớn, nhưng giờ cũng không tổ chức in ở nhiều điểm trong cả nước nữa. Mà tờ báo không bán được thì chỉ có tự đình bản.
Báo Văn nghệ chưa tới mức ấy, nhưng cũng từng trong những cơn bĩ cực, rất lao đao. Từng là người rất tự ti khi đứng trước trụ sở 17 Trần Quốc Toản, tới lúc được coi là bạn bè ở đấy, được mời cộng tác, được đặt bài… tôi cảm nhận được những điều mà tờ báo mình yêu quý đang, đã và sắp phải trải qua. Là người từng làm báo văn nghệ địa phương, nay đang được mời giữ mục “Gương mặt thơ” và trang thơ cho một số tờ báo giấy, tôi nhận thấy số người thích thơ và đọc thơ trên báo hiện nay vẫn khá đông; vấn đề là chọn và giới thiệu thơ như thế nào để kích thích cái sự thích của họ. Giữ mục ấy là phải đứng ra mời tác giả, những tác giả mà theo người chọn là có uy tín, có bạn đọc. Rồi viết cái sapo giới thiệu khoảng hai trăm chữ, viết thật tung tẩy, thật hoạt, thật đời... bạn đọc rất thích đọc những cái sapo như thế. Điều này tôi học từ cố nhà thơ nhà báo tài hoa Nguyễn Trong Tạo từ khi anh làm tờ Cửa Việt, rồi sau này là tờ Thơ, một ấn phẩm của báo Văn nghệ. Suy ra, tờ Văn nghệ của chúng ta hiện nay, bên cạnh văn chương rất cần thêm các mục khác, để hút người đọc. Bên cạnh thơ, truyện… rất cần tăng cường tính báo chí cho Văn nghệ, mà anh em nhà văn rất có khả năng. Nhớ thời nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, báo Văn nghệ nổi đình đám nhờ có những phóng sự, bút ký làm “bài đinh” cho mỗi số báo. Chính những bút ký, ghi chép văn nghệ ấy, cả các chân dung văn nghệ sĩ nhưng viết kiểu đời thường, văn hoạt và tươi ấy… được bạn đọc rất thích đọc.
Tôi hay viết chuyện này chuyện nọ trên facebook, một vài tổng biên tập gọi tôi, nói ông viết thế nó... phí đi, viết sâu hơn chút, ra tấm ra món chút, nhưng giữ nguyên giọng ấy, tức giọng... phây búc, cho tôi xin nhé! Một trong những Tổng biên tập ấy là nhà thơ Trần Sĩ Tuấn hồi còn làm báo Sức khỏe và đời sống. Nay là nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập tờ Đời sống pháp luật và Người đưa tin. Họ đã rất nhanh để nhận ra cái “gu” bạn đọc hiện nay. Tâm lý bạn đọc hiện nay cũng ít đọc dài nữa, nên bên cạnh truyện ngắn bắt buộc phải dài, cần có thêm những mục ngắn, nhỏ, vui và bổ ích, nhất là tư liệu các nhà văn. Món này chúng ta có rất nhiều nhưng có vẻ ít sử dụng, hoặc sử dụng chưa đúng cách.
Phải có tiền trả nhuận bút cao mới thu hút được bài hay, mới có những người nổi tiếng tham gia. Trong thực tế số sẵn sàng tham gia không cần nhuận bút cũng có, nhưng không bền vững và thường là... đồ nguội. Và phải có bài hay, có tên người nổi tiếng thì mới bán được báo. Mà có bán được báo mới... có tiền nuôi nhau và trả nhuận bút cao để có bài hay. Nghe như cái vòng luẩn quẩn nhưng không phải không có cách hóa giải. Rồi nữa: “cãi nhau” trên báo cũng là một cách để... bán báo. Tất nhiên báo không phải là cái chợ, nhưng cũng nên để bạn đọc có chất lượng, có tri thức tham gia “cãi nhau” thì mới… xôm trò! Những nghi án văn chương, những vụ đạo văn, những thân phận, những khuất lấp... đều có thể trở thành đề tài, sang trọng, lịch lãm và hàm lượng văn hóa cao.
Tôi cũng ước một ngày, người đọc vào mạng, link báo đầu tiên họ tìm, hoặc là lưu mặc định, chính là báo Văn nghệ. Cũng không khó lắm nếu ta biết tổ chức tờ báo nghiêm túc và... dân chủ như một tờ báo mạng. Chúng ta đang có những nhà văn đang rất hot trên mạng xã hội. Lại cũng đã từng có những trang web, blog văn chương rất hot, rất đông người đọc. Chúng ta lại là những nhà văn làm báo chuyên nghiệp, hoặc là những nhà báo chuyên nghiệp, tại sao không tận dụng? Tất nhiên làm báo mạng để vừa nghiêm túc, vừa có bạn đọc, vừa có... quảng cáo (để có tiền)... không phải dễ. Và chính vì thế mà mới phải học. Và học để làm cho tốt, cho hay.
Là một bạn đọc, là cộng tác viên thân thiết, là hội viên với tờ báo của hội, tôi luôn tin tờ báo của chúng ta có đủ khả năng vượt qua cơn bĩ cực để... sánh vai với làng báo Việt. Báo Văn nghệ còn chức năng rất quan trọng là giữ chuẩn chất lượng. Hiện nay trên mạng, hầu như chuẩn chất lượng nghệ thuật bị thả nổi. Từ chất lượng nghệ thuật tới chất lượng cảm thụ, chất lượng thẩm định. Tất nhiên không ai có thể độc quyền phán tác phẩm nay hay tác phẩm kia dở, nhưng ít nhất nó cũng phải có cái chuẩn nhất định. Có vẻ như cái chuẩn của chúng ta đang bị lệch. Không ai khác, báo Văn nghệ và Văn nghệ quân đội phải tiên phong làm việc giữ chuẩn ấy.
Nguồn: Văn nghệ số 44