- Trách nhiệm nhà văn
- Giá trị bất biến của báo chí cách mạng
Giá trị bất biến của báo chí cách mạng
Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN
Kể từ khi báo Thanh niên do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, đến nay nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 99 năm, gần một thế kỷ. Một thế kỷ là rất dài với một đời người, nhưng một thế kỷ không dài với một ngành nghề và càng không dài với lịch sử một dân tộc. Vậy mà, thử bình tâm ngoảnh lại, bỗng thấy bao nhiêu buồn vui, thăng trầm của người làm báo và nghề làm báo.
Ngày nay, bên cạnh thực tế đáng buồn là báo chí nước ta còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm do tác động của những mặt trái cơ chế thị trường và tiêu cực xã hội mà nhiều vụ việc đã bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự, thì thách thức lớn nhất đối với nền báo chí hiện đại là sự khuynh loát của internet băng thông rộng thế hệ mới, với công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra thách thức, phương tiện truyền thông mới làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin của con người, theo đó mà những người làm báo cũng phải thay đổi phương thức để không bị đào thải. Đồng thời, mạng xã hội (MXH) đã giúp cho công chúng mở ra một kênh thông tin của cá nhân mình và hoạt động với tư cách tương tự như một nhà báo, bằng cách tự cung cấp, quảng bá, lan truyền... những sản phẩm mang tính báo chí của mình ra cộng đồng. Theo đó, MXH cũng đặt ra cho báo chí chính thống yêu cầu nâng cao chất lượng và hàm lượng thông tin, có những phân tích sâu sắc để lý giải những vấn đề, những sự việc mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Trước đây, hình ảnh nhà báo thường được hình dung là một người vai đeo máy ảnh, tay cầm theo cuốn sổ cùng cây bút và độc giả đang háo hức chờ đợi những thông tin từ họ. Bây giờ, kiểu nhà báo ấy chỉ còn trên phim truyền hình hoặc chỉ còn trong ký ức những ai có thói quen lưu luyến kỷ niệm xa xưa. Nhà báo bây giờ đã khác, tay năm tay mười làm tất cả mọi thứ, từ ghi âm, chụp ảnh, thu hình, viết bài, xử lý âm thanh, dàn dựng video... với khả năng có thể để làm ra sản phẩm nhanh nhất và nhiều nhất. Ngày nay cũng không còn nữa những tờ báo phát hành hàng trăm ngàn bản ngoài sạp báo, và cũng không còn nhiều dạng ấn phẩm phong phú như thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Báo điện tử xuất hiện để thay thế, biên độ vô hạn đấy, nhưng miếng bánh quảng cáo đã nằm hết ở những tập đoàn công nghệ. Hệ lụy tất yếu, nhuận bút thấp dần xuống... và những loại tin bài hời hợt để chiều chuộng thị hiếu cứ thoải mái tăng lên. Báo chí co cụm lại, nhà báo ngơ ngác nhìn nhau. Chẳng ai có lỗi cả, chẳng ai đáng trách cả, vì không ai ngờ tiếp sau cái điện thoại thông minh bành trướng mọi hang cùng ngõ hẻm, lại còn có thêm những ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Vậy thì, những bản tin do robot viết và những định dạng truyền thông do trí tuệ nhân tạo thiết lập, sẽ đẩy các nhà báo vào cảnh thất nghiệp chăng? Công nghệ hiện đại dễ dàng sử dụng máy móc để sản xuất hàng loạt những văn bản mang tính tin tức tổng hợp chỉ tính bằng giây. Nghĩa là muốn tồn tại, nhà báo phải khác, phải tận dụng công nghệ và phải vượt lên công nghệ. Mô hình báo chí đa phương tiện được đề cập như một giải pháp tích cực. Thế nhưng thị trường “ngách” lại đòi hỏi tính chuyên sâu và tính độc đáo của từng trang báo, từng cây bút theo tiêu chí 5I, bao gồm: Informed (Am hiểu), Intelligent (Thông thái), Interesting (Thú vị), Insightful (Sâu sắc) và Interpretive (Có tính diễn giải). Cái tiêu chí 5I trên đây, nghe lướt qua có vẻ kỳ ảo và phức tạp, nhưng thực chất chỉ mang một thông điệp duy nhất về giá trị bất biến của nghề báo. Đó là nhà báo phải là người đem tới những thông tin thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, giúp con người được sống trong sự cầu thị văn minh và nhân ái. Đó là tinh thần báo chí tranh đấu cho những điều tốt đẹp mà những bậc tiền bối trong làng báo đã dấn thân theo đuổi một cách tận tụy.
Trước khi xuất bản báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã cùng nhiều đồng chí tại Paris xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) vào tháng 4-1922 với tiêu chí “Diễn đàn các dân tộc thuộc địa”. Thế nhưng, Le Paria vẫn là tờ báo tiếng Pháp, người Việt Nam cần một tờ báo tiếng Việt cho công cuộc giành độc lập tự do. Khát vọng ấy được chính Nguyễn Ái Quốc trình bày vào năm 1924: “Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên Toàn quyền cho phép; rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đưa đăng phải trình viên Toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được (...). Tôi gọi “báo” nghĩa là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng...”
Không chỉ báo Thanh niên mà nhiều tờ báo khác sau năm 1925 ở trong nước cũng thể hiện sứ mệnh cất lên tiếng nói của người Việt Nam. Khi viên toàn quyền Đông Dương Brevie tuyên bố trên tờ Đuốc Nhà Nam với giọng điệu trịch thượng: “Trình độ và tư cách báo giới ở xứ này còn hèn kém lắm... Vì vậy tôi không muốn cho tự do ngôn luận” thì nhà báo Hoàng Đạo (1907-1948) đã lập tức phản ứng gay gắt. Trên báo Ngày nay số 45 ra ngày 31-1-1937, Hoàng Đạo viết: “Chế độ chúng tôi hiện đương sống là một chế độ quá chặt chẽ. Dưới chế độ ấy, tờ báo có sống chỉ là nhờ ơn chính phủ cho nó sống... Chính phủ muốn bắt nó chết thì nó chết... Số phận bất trắc của một tờ báo quốc ngữ là một điều trở ngại lớn cho sự tiến bộ báo chí, nghĩa là cho sự tiến bộ của toàn thể dân chúng...”
Dẫn lại những tài liệu trên đây để thấy rõ trong thời kỳ vận động cách mạng và trong kháng chiến cứu nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, giá trị bất biến của báo chí vẫn là góp tiếng nói cùng người dân mưu cầu lẽ phải và hạnh phúc. Điện thoại thông minh và trí tuệ nhân tạo chỉ có thể hỗ trợ, chứ không thể thay thế “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” của mỗi nhà báo. Dẫu rằng phương tiện tác nghiệp đã khác, báo chí chính thống đang chật vật trước sức ảnh hưởng của MXH, nhưng bản lĩnh nhà báo mới là điều công chúng mong đợi. Trước áp lực kinh tế, những bài báo xun xoe kẻ giàu và vuốt ve kẻ mạnh không bao giờ được sự tán thưởng của độc giả đã bội thực tin giả, tin xấu, tin nhảm... Độc giả vẫn mong đợi những bài báo trung thực và hấp dẫn, ghi dấu thái độ sống ân cần và tinh tế của mỗi nhà báo. Và giữa ngổn ngang thị phi, nhà báo phải tự thắp lên và nương tựa ánh sáng ngọn đèn tự trọng, để khỏi hành nghề dưới bóng tối mưu cầu vật chất thấp hèn. Mặt khác nhà báo cũng nên lắng nghe ý kiến của quần chúng, có sự chọn lọc học hỏi những phân tích thuyết phục trên MXH. Đây cũng là một nhân tố tích cực giúp người làm báo nâng cao nghiệp vụ đồng thời có những phản biện chân thành, giúp lãnh đạo đề ra những quyết sách hợp lý để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.
Nguồn Văn nghệ số 25/2024